Hội Thánh: 15 Lễ Báp-tem

9,086 views

Hội Thánh: 15 Lễ Báp-tem

Huỳnh Christian Timothy
Huỳnh Christian Priscilla

Bấm vào nối mạng dưới đây để tải xuống bài viết này:
https://www.opendrive.com/folders?MV85MDE2ODY2X1lpSWJi

Bấm vào nối mạng dưới đây để tải xuống mp3 bài này:
https://www.opendrive.com/folders?MV85MDcwNjE0X0U1RW5p

Bấm vào nút “play” ► để nghe

 Bấm vào nút “play” ► để nghe

Lễ Báp-tem là lễ nghi thứ ba và là lễ nghi sau cùng được Chúa ban truyền cho Hội Thánh phải vâng giữ (Ma-thi-ơ 28:19-20). Lễ Báp-tem được các giáo hội gọi bằng nhiều tên khác nhau, như: Lễ Rửa, Lễ Rửa Tội, Lễ Tẩy, Lễ Thanh Tẩy, Lễ Trầm Mình, Lễ Thủy Trầm… Tuy nhiên, không một cách gọi nào là đúng với ý nghĩa của Lễ Báp-tem. Vì thế, chúng ta nên giữ nguyên cách phiên âm của từ ngữ Hy-lạp “βάπτισμα” là “báp-tem” [1], và giải thích rõ cho những người mới tin nhận Chúa biết ý nghĩa của Lễ Báp-tem, trước khi làm báp-tem cho họ.

Từ ngữ “βάπτισμα” /báp-tem (báp-tít-ma)/ trong nguyên ngữ Hy-lạp có nghĩa đen là nhúng chìm. Từ ngữ này được dùng để nói đến sự bị đắm chìm trong nghịch cảnh, trong khổ nạn, trong sự chết (Lu-ca 12:50; Rô-ma 6:3); hoặc được dùng để gọi nghi thức nhúng chìm hoàn toàn trong nước của một người thật lòng tin nhận sự cứu chuộc của Đức Chúa Jesus Christ. Từ ngữ này hoàn toàn không liên quan gì đến sự rửa, nhất là không liên quan gì đến sự rửa tội. Bởi vì, sự rửa tội được thực hiện bởi máu của Đức Chúa Jesus Christ:

“…Đấng yêu chúng ta; Đấng đã rửa sạch những tội lỗi của chúng ta trong máu của Ngài; Đấng đã lập chúng ta làm những vua và những thầy tế lễ cho Đức Chúa Trời, Cha của Ngài – Nguyện sự vinh quang và quyền thế thuộc về Ngài cho đến đời đời. A-men!” (Khải Huyền 1:5-6).

Từ ngữ “βαπτισμός” /báp-tít-mác/ mới có nghĩa là rửa sạch bởi nước, dùng cho các nghi thức thanh tẩy theo luật pháp của Môi-se [2]. Cả hai từ ngữ báp-tem và báp-tít-mác đều ra từ động từ gốc “βαπτίζω” /báp-tí-dồ/ có nghĩa là nhúng chìm vào trong một chất lỏng, như: nước, rượu, dầu, thuốc nhuộm… [3].

Như vậy, xét về ý nghĩa của từ ngữ, thì chữ báp-tem được dùng để nói về Lễ Báp-tem mà Đức Chúa Jesus Christ truyền cho Hội Thánh, có nghĩa là: cùng với Chúa đắm chìm vào trong hậu quả của tội lỗi, tức là đắm chìm trong sự đau đớn và sự chết. Hay nói cách khác, là cùng chịu khổ và chịu chết với Chúa, vì tất cả những tội lỗi của chính mình. Thánh Kinh dạy rõ:

“Các anh chị em chẳng biết rằng, bất cứ những ai đã được báp-tem vào trong Đấng Christ Jesus, tức là được báp-tem vào trong sự chết của Ngài sao? Vậy, chúng ta đã bị chôn với Ngài bởi được báp-tem vào trong sự chết, để cho Đấng Christ bởi sự vinh quang của Đức Cha được sống lại từ trong những kẻ chết thế nào, thì chúng ta cũng sẽ bước đi trong sự mới của đời sống thế ấy.” (Rô-ma 6:3-4).

Trong khi đó, phép báp-tem do Giăng Báp-tít làm là phép báp-tem làm hình bóng cho sự được tha tội, nhờ được rửa sạch tội. Phép báp-tem của Giăng Báp-tít tiêu biểu cho sự máu của Đức Chúa Jesus Christ sẽ rửa sạch tội cho những ai có lòng ăn năn, từ bỏ tội. Thánh Kinh nói rõ ý nghĩa phép báp-tem của Giăng Báp-tít:

“Giăng đã tới, trong đồng vắng vừa làm vừa giảng phép báp-tem ăn năn để được tha tội.” (Mác 1:4).

“Ông đi qua tất cả các miền lân cận sông Giô-đanh, giảng dạy phép báp-tem về sự ăn năn để được tha tội.” (Lu-ca 3:3).

Ý Nghĩa và Mục Đích của Lễ Báp-tem

Ý nghĩa và mục đích thứ nhất của Lễ Báp-tem theo lệnh truyền của Đức Chúa Jesus Christ, là: để người chịu báp-tem “được tha tội”, sau khi đã ăn năn tội; và để người chịu báp-tem “được lãnh sự ban cho Đức Thánh Linh”:

“Phi-e-rơ đã nói với họ: Mỗi người trong các ngươi hãy hối cải và chịu báp-tem bởi danh của Đức Chúa Jesus Christ, vào trong sự tha thứ những tội, rồi các ngươi sẽ nhận sự ban cho Đức Thánh Linh.” (Công Vụ Các Sứ Đồ 2:38).

Chính vì thế mà suốt trong Thánh Kinh Tân Ước, khi một người tin nhận sự cứu rỗi của Chúa, thì lập tức được làm báp-tem. Ai có quyền trì trệ sự làm báp-tem cho người mới tin nhận sự cứu rỗi của Chúa? Ai có quyền buộc người tin nhận Chúa phải học thuộc một số giáo lý rồi mới được làm báp-tem? Điều kiện duy nhất để một người nhận báp-tem trong danh Chúa, là người ấy tin nhận sự cứu rỗi của Đức Chúa Trời qua cái chết chuộc tội của Đức Chúa Jesus Christ, và thật lòng cải hối tội lỗi của mình. Trì trệ sự làm báp-tem cho người mới tin nhận Chúa là trì trệ sự được tha tội và được nhận lãnh Đức Thánh Linh của người ấy.

Một số các giáo hội sẽ lý luận rằng, hễ tin Chúa và ăn năn tội là được tha tội, chứ không cần phải chờ làm báp-tem mới được tha tội. Trên nguyên tắc thì đúng là như vậy, vì phép báp-tem không phải là điều kiện để một người được tha tội, mà chỉ bởi lòng ăn năn tội và đức tin vào sự cứu chuộc của Đức Chúa Jesus Christ. Nhưng, khi chính Chúa đưa ra mệnh lệnh: phải làm báp-tem ngay sau khi ăn năn tội, thì ai có thẩm quyền nói nghịch lại mệnh lệnh của Chúa? Các câu Thánh Kinh dưới đây đã quá rõ ràng về việc Chúa muốn mọi người phải chịu báp-tem, ngay sau khi tin nhận Chúa và ăn năn tội:

“Vậy, hãy đi! Các ngươi hãy khiến cho muôn dân trở nên môn đồ của Ta. Hãy báp-tem họ vào trong danh của Đức Cha, của Đức Con, và của Đức Thánh Linh, dạy họ giữ hết thảy mọi điều mà Ta đã truyền cho các ngươi. Và này, Ta ở với các ngươi luôn cho đến tận thế. A-men!” (Ma-thi-ơ 28:19-20).

“Ai tin và chịu báp-tem, sẽ được cứu rỗi; nhưng ai chẳng tin, sẽ bị định tội.” (Mác 16:16).

“Phi-e-rơ đã nói với họ: Mỗi người trong các ngươi hãy hối cải và chịu báp-tem bởi danh của Đức Chúa Jesus Christ, vào trong sự tha thứ những tội, rồi các ngươi sẽ nhận sự ban cho Đức Thánh Linh.” (Công Vụ Các Sứ Đồ 2:38).

“Bây giờ, anh còn trễ nải làm gì? Hãy trỗi dậy, cầu khẩn danh Chúa mà chịu phép báp-tem và làm sạch tội lỗi mình đi.” (Công Vụ Các Sứ Đồ 22:16).

Lời Chúa dạy rõ: Phải làm báp-tem cho người tin Chúa trước khi dạy giáo lý cho họ và một người phải chịu báp-tem rồi mới được tha tội và nhận lãnh Đức Thánh Linh!

Ý nghĩa mà cũng là mục đích thứ nhì của Lễ Báp-tem theo lệnh truyền của Đức Chúa Jesus Christ là: để người tin Chúa chết đi con người cũ và sống lại thành một người mới trong Đấng Christ.

“Các anh chị em chẳng biết rằng, bất cứ những ai đã được báp-tem vào trong Đấng Christ Jesus, tức là được báp-tem vào trong sự chết của Ngài sao? Vậy, chúng ta đã bị chôn với Ngài bởi được báp-tem vào trong sự chết, để cho Đấng Christ bởi sự vinh quang của Đức Cha được sống lại từ trong những kẻ chết thế nào, thì chúng ta cũng sẽ bước đi trong sự mới của đời sống thế ấy.” (Rô-ma 6:3-4).

“Được chôn với Ngài trong sự báp-tem, thì các anh chị em cũng được sống lại với Ngài bởi đức tin trong sự tác động của Đức Chúa Trời, Đấng đã khiến Ngài sống lại từ những kẻ chết.” (Cô-lô-se 2:12).

Một người đón nhận phép báp-tem của Đức Chúa Jesus Christ là người ấy tự nguyện cùng chết với Đức Chúa Jesus Christ trên thập tự giá cái bản ngã tội lỗi của mình. Nói cách khác, người ấy cùng bị đóng đinh với Đức Chúa Jesus Christ trên thập tự giá, để trả giá cho tất cả các tội lỗi trong cuộc đời của người ấy. Tuy nhiên, nhờ có Đức Chúa Jesus Christ cùng chết cho tội lỗi của người ấy, mà người ấy được cơ hội tái sinh thành một người mới trong Đức Chúa Jesus Christ.

Nếu người ấy tự mình gánh lấy án phạt của tội lỗi qua sự chết của thể xác, thì người ấy sẽ tiếp tục gánh lấy án phạt của tội lỗi là sự chết đời đời trong hỏa ngục. Đó chính là số phận của tất cả mọi người, nếu không có sự hy sinh chuộc tội của Đức Chúa Jesus Christ. Chính vì có sự hy sinh chuộc tội của Đức Chúa Jesus Christ: người công nghĩa chết thay cho người bất nghĩa, mà những ai tin nhận sự cứu chuộc của Đức Chúa Jesus Christ, thì được cơ hội tái sinh, thành một người mới, không còn phải chịu án phạt đời đời trong hỏa ngục.

Phép Báp-tem của Đức Chúa Jesus Christ Không Phải là Một Bí Tích

Phép báp-tem của Đức Chúa Jesus Christ không phải là Lễ Rửa Tội, vì Lễ Rửa Tội đã được thực hiện một lần đủ cả trên thập tự giá vào Thứ Tư, ngày 9 tháng 4 năm 27 bởi Đức Chúa Jesus Christ [4], [5]. Lễ ấy được tiêu biểu bởi phép báp-tem của Giăng Báp-tít.

Phép báp-tem của Đức Chúa Jesus Christ cũng không phải là một bí tích, tức là phép báp-tem của Chúa không phải là một nghi thức có công năng tha tội. Sự kiện một người được tha tội sau khi chịu báp-tem là do lòng vâng phục mệnh lệnh của Chúa, chứ không phải do nghi thức báp-tem. Nếu chẳng phải vậy, thì tên trộm bị đóng đinh bên cạnh Chúa đã không được vào Vương Quốc Trời; vì điều kiện để được vào Vương Quốc Trời, là phải được tái sinh (Giăng 3:3).

Ngoài ra, cũng có một số giáo hội dạy rằng: Phép báp-tem bằng nước trong danh Chúa có công năng tái sinh người chịu báp-tem. Giáo lý đó không đúng với Thánh Kinh. Việc một người được tái sinh là việc làm của Đức Thánh Linh. Một người sau khi thật lòng ăn năn tội và tin nhận sự cứu chuộc của Đức Chúa Jesus Christ, thì thể hiện đức tin của mình qua Lễ Báp-tem. Chính tấm lòng tin và vâng theo Lời dạy của Chúa, mà người ấy được Đức Chúa Trời tha tội, được Đức Chúa Jesus Christ rửa sạch tội, và được Đức Thánh Linh tái sinh thành một người mới; chứ không phải phép báp-tem có công năng tha tội, rửa tội, và tái sinh!

Phép Báp-tem của Đức Chúa Jesus Christ là Một Biểu Tượng

Chính Thánh Kinh khẳng định: Phép báp-tem của Đức Chúa Jesus Christ chỉ là hình thức tiêu biểu cho sự tội lỗi bị đoán phạt trong xác thịt, và là hình thức thể hiện lòng ăn năn tội, chịu vâng phục Lời Chúa của người tin Chúa. Cho nên, phép báp-tem của Chúa không thể là một bí tích, tức là không có một công năng thuộc linh nào hết. Giả sử, tôi lấy một viên đá, làm biểu tượng cho một ổ bánh mì, thì viên đá đó không thể nào có công năng làm cho tôi hết đói. Trong thời Cựu Ước, việc dâng sinh tế chuộc tội là biểu tượng cho sự người ăn năn tội được tha tội bởi tin vào sự chết chuộc tội của Đức Chúa Jesus Christ. Như vậy, việc dâng sinh tế chuộc tội không phải là bí tích được tha tội, mà chính sự chết của Đức Chúa Jesus Christ trên thập tự giá mới là bí tích được tha tội. Ngày nay, nhiều giáo hội bỏ hình lấy bóng, dựa vào biểu tượng thay vì dựa vào việc làm của Đức Chúa Jesus Christ. Điển hình là việc tin rằng: Phép báp-tem là bí tích rửa tội hoặc bí tích tái sinh; Tiệc Thánh là bí tích thêm sức…

Lời Chúa chép rõ:

I Phi-e-rơ 3:18-22

18 Đấng Christ cũng vì những tội lỗi chịu chết một lần, là Đấng Công Chính thay cho kẻ không công chính, để dẫn chúng ta đến với Đức Chúa Trời; về phần xác thịt thì Ngài thật đã chịu chết, nhưng tâm thần thì sống.

19 Bởi tâm thần ấy, Ngài đã đi giảng cho các thần linh ở trong ngục,

20 tức là những kẻ bội nghịch thuở trước, về thời kỳ Nô-ê, khi Đức Chúa Trời nhẫn nại đã có lần chờ đợi cho chiếc tàu được đóng nên, trong đó chỉ có một số ít, là tám linh hồn, được cứu qua nước.

21 Phép báp-tem bây giờ là hình thức tiêu biểu của sự ấy để cứu chúng ta – chứ không phải là sự cất đi sự ô uế của xác thịt, nhưng là sự đáp ứng của một lương tâm tốt với Thiên Chúa – qua sự sống lại của Đức Chúa Jesus Christ,

22 là Đấng đã lên trời, ở bên phải Đức Chúa Trời. Các thiên sứ, các thẩm quyền, các năng lực, đều vâng phục Ngài.

Hình thức dìm mình hoàn toàn xuống dưới mặt nước tiêu biểu cho tội lỗi bị hình phạt bởi sự chết trên thân thể xác thịt của tội nhân. Sự ra khỏi nước tiêu biểu cho sự tội nhân được cứu từ trong sự chết, bởi đức tin vào lời hứa của Đức Chúa Trời, mà được cùng sống lại với Đức Chúa Jesus Christ. Chính nhờ đức tin vào trong lời hứa của Đức Chúa Trời về sự ăn năn tội để được tha tội qua sự chết chuộc tội của Đức Chúa Jesus Christ, mà một người được Đức Chúa Trời xưng là có lương tâm tốt, biết đáp ứng Lời Chúa.

Ý Nghĩa của Sự Báp-tem vào Trong Danh Chúa

Ma-thi-ơ 28:19-20 ghi lại mệnh lệnh của Đức Chúa Jesus Christ trước khi Ngài thăng thiên, như sau:

“Vậy, hãy đi! Các ngươi hãy khiến cho muôn dân trở nên môn đồ của Ta. Hãy báp-tem họ vào trong danh của Đức Cha, của Đức Con, và của Đức Thánh Linh, dạy họ giữ hết thảy mọi điều mà Ta đã truyền cho các ngươi. Và này, Ta ở với các ngươi luôn cho đến tận thế. A-men!” (Ma-thi-ơ 28:19-20).

Chữ “danh” trong câu phán của Chúa là một danh từ số ít. Có nghĩa là, một tên dùng chung cho cả Ba Ngôi Thiên Chúa. Thánh Kinh cho biết, Thiên Chúa có nhiều danh xưng, nhưng tên riêng của Thiên Chúa thì chỉ có một. Tên ấy do chính Ngài tự xưng với Môi-se, được Môi-se ghi lại trong Xuất Ê-díp-tô Ký 3:13-14, và được dịch sát nghĩa sang tiếng Việt là: “Ta Là”.

“Ta Là” = Ta Thực Hữu; có nghĩa: Ta tự có trong quá khứ, trong hiện tại, và trong tương lai.

“Môi-se thưa với Đức Chúa Trời rằng: Này, tôi sẽ đi đến dân I-sơ-ra-ên, nói với họ rằng: Thiên Chúa của tổ phụ các ngươi sai ta đến với các ngươi; nhưng nếu họ hỏi: Tên Ngài là gì? Thì tôi nói với họ làm sao? Thiên Chúa phán rằng: Ta là Ta Là. Rồi Ngài lại rằng: Hãy nói cho dân I-sơ-ra-ên như vầy: Đấng “Ta Là” đã sai ta đến với các ngươi. [Động từ “là” có nghĩa “thực hữu” được dùng trong câu phán của Thiên Chúa mang ý nghĩa sau đây: “Ta Đã Tự Có, Ta Vẫn Đang Có, và Ta Sẽ Mãi Có”. Vì thế, cách nói: “Ta là Ta Là” có nghĩa: “Ta là Đấng đã tự có! Ta là Đấng vẫn có như Ta đang có! Và Ta là Đấng sẽ có như Ta mãi có!” Nói cách khác, Thiên Chúa tự xưng rằng, tên Ngài là: “Ta Đã Tự Có, Ta Vẫn Đang Có, và Ta Sẽ Mãi Có!” Tên riêng của Thiên Chúa đã được dịch khá chính xác sang tiếng Hán Việt là: “Ta Tự Hữu Hằng Hữu”.]”

Vậy, báp-tem một người vào trong danh của Đức Cha, Đức Con và Đức Thánh Linh, là báp-tem người ấy vào trong danh “Thiên Chúa Tự Hữu Hằng Hữu”!

Báp-tem vào trong danh của Thiên Chúa Tự Hữu Hằng Hữu có nghĩa là:

  • Trong danh Đức Cha, người chịu phép báp-tem xác nhận mình là tội nhân vì đã phạm các điều răn của Ngài và xứng đáng nhận lãnh sự đoán phạt của Ngài (Rô-ma 3:23; 5:12). Đây là phương diện tín đồ ăn năn tội trong phép báp-tem do Đấng Christ truyền. Với ý nghĩa này, thì một phần của phép báp-tem do Đấng Christ truyền, đã tương đương và thay thế phép báp-tem ăn năn tội của Giăng Báp-tít.

  • Trong danh Đức Con, người chịu phép báp-tem tuyên xưng đức tin của mình nơi sự cứu rỗi trong Đấng Christ. Người ấy bằng lòng để cho con người cũ tội lỗi của mình bị đóng đinh trên thập tự giá với Đấng Christ (Rô-ma 6:6) và tin rằng mình được đồng phục sinh với Đấng Christ, thành một người mới (Rô-ma 6:5; II Cô-rinh-tô 5:17). Đây là phương diện tín đồ chịu báp-tem vào trong sự thương khó và sự chết của Đấng Christ; đồng thời cũng là phương diện tín đồ được báp-tem vào trong sự sống lại với Ngài, vào trong thân thể Ngài là Hội Thánh, và vào trong sự vinh quang của Ngài.

  • Trong danh Đức Thánh Linh, người chịu phép báp-tem tiếp nhận Đức Thánh Linh vào trong thân thể mình, thờ phượng Ngài (Giăng 7:38-39; I Cô-rinh-tô 6:19) và nhận lãnh các ân tứ của Ngài để xây dựng Hội Thánh (I Cô-rinh-tô 12:4-13). Đây là phương diện tín đồ nhận lãnh phép báp-tem bằng thánh linh.

Ai Có Thẩm Quyền Làm Lễ Báp-tem?

Hầu hết các giáo hội ngày nay dạy rằng: Chỉ có người chăn bầy hoặc các trưởng lão trong các giáo hội mới có thẩm quyền làm báp-tem cho người mới tin Chúa. Lời dạy đó không có trong Thánh Kinh, thậm chí, nghịch lại lời phán truyền của Chúa trong Ma-thi-ơ 28:18-20. Lời phán của Chúa là cho các môn đồ của Chúa, tức là cho những ai tin và học theo Ngài:

“Đức Chúa Jesus đến và phán với họ. Ngài phán: Hết thảy thẩm quyền ở trên trời và dưới đất đã được giao cho Ta. Vậy, hãy đi! Các ngươi hãy khiến cho muôn dân trở nên môn đồ của Ta. Hãy báp-tem họ vào trong danh của Đức Cha, của Đức Con, và của Đức Thánh Linh, dạy họ giữ hết thảy mọi điều mà Ta đã truyền cho các ngươi. Và này, Ta ở với các ngươi luôn cho đến tận thế. A-men!” (Ma-thi-ơ 28:18-20).

Trong khi các giáo hội khẳng định mệnh lệnh trên đây của Đức Chúa Jesus Christ là chung cho mỗi tín đồ, và họ nhấn mạnh đến bổn phận của mỗi con dân Chúa là phải vâng theo mệnh lệnh này, rao giảng Tin Lành cho muôn dân. Thế nhưng, khi nói về bổn phận làm báp-tem cho người mới tin Chúa, thì các giáo hội lại dành độc quyền cho người chăn bầy hoặc các trưởng lão trong giáo hội. Kế tiếp, hầu hết các giáo hội buộc người mới tin Chúa phải học giáo lý trước khi chịu báp-tem. Trong khi lời phán của Chúa rất rõ ràng. Chúa truyền cho con dân của Ngài: (1) Khiến cho muôn dân trở nên môn đồ của Ngài; (2) làm báp-tem cho họ vào trong danh của Đức Cha, của Đức Con, và của Đức Thánh Linh; (3) rồi mới dạy cho họ giữ mọi điều mà Ngài đã truyền. Cuối cùng, khi dạy giáo lý cho người mới tin Chúa, thì các giáo hội không dạy “hết cả mọi điều” Chúa đã truyền, mà chỉ dạy một phần nào lời Chúa truyền pha lẫn với các tư tưởng thần học, triết học của thế gian!

Các giáo hội là chất men đã làm băng hoại Hội Thánh của Chúa, là thủ phạm khiến cho con dân Chúa mất đi sự thông biết các lẽ thật của Lời Chúa.

Mỗi một con dân Chúa là một thầy tế lễ của Đức Chúa Trời (I Phi-e-rơ 2:9; Khải Huyền 1:6). Một trong các bổn phận của thầy tế lễ là thi hành các lễ nghi Chúa truyền. Mỗi người trong Hội Thánh, nam cũng như nữ, đều có thẩm quyền do chính Đức Chúa Jesus Christ ban cho, để: (1) tổ chức nhóm hiệp thánh trong các ngày Thứ Bảy Sa-bát để thờ phượng Chúa; (2) cử hành Tiệc Thánh giữa Hội Thánh để mọi người cùng nhau nhớ đến Chúa; (3) và làm báp-tem cho người mới tin nhận Chúa.

Nghi Thức Báp-tem

Nghi thức làm báp-tem cho người mới tin nhận Chúa rất là đơn giản. Tuy nhiên, trước đó, người đứng ra làm Lễ Báp-tem cần phải hỏi người muốn làm báp-tem xem người ấy:

  • Có chắc chắn trong sự nhận biết mình là tội nhân, vì đã vi phạm các điều răn của Đức Chúa Trời hay không?

  • Có chắc chắn trong sự thật lòng ăn năn tội, không còn muốn sống nếp sống phạm tội nữa hay không? Sự ăn năn tội này bao gồm sự bằng lòng từ bỏ sự thờ lạy hình tượng, mê tín dị đoan, bói toán, tử vi, bùa chú, thờ lạy tổ tiên, người chết, và các sự ô uế tội lỗi khác, như tà dâm, ghiền rượu, hút thuốc, cờ bạc,v.v..

Vấn đề không phải là người tin Chúa từ bỏ xong các điều này thì mới được làm báp-tem, mà là, người tin Chúa có muốn bỏ và sẽ cậy ơn Chúa để từ bỏ hay không?

    • Có chắc chắn tin nhận rằng, chỉ một mình sự chết của Đức Chúa Jesus Christ là đủ để cứu chuộc mình hay không?

      Rồi giải thích ý nghĩa Lễ Báp-tem cho người sẽ chịu báp-tem.

Nghi thức tiến hành Lễ Báp-tem được gợi ý như sau:

1. Người chịu báp-tem đứng vào trong nước. Trong trường hợp làm báp-tem nơi hồ, ao, sông, biển thì người làm lễ cùng xuống nước với người chịu báp-tem.

2. Người làm lễ: tay trái nắm vai, tay phải đặt trên đầu người chịu báp-tem, nói: “Trong danh Thiên Chúa Tự Hữu Hằng Hữu của Đức Cha, Đức Con, và Đức Thánh Linh, hôm nay tôi làm phép báp-tem cho (nói họ và tên của người chịu báp-tem – thí dụ: ông Nguyễn Văn A). A-men!”

3. Sau khi nói xong, khẽ nhấn tay phải xuống đầu người chịu báp-tem. Người ấy, nín thở, tự ngồi thụp xuống cho đến khi đầu hoàn toàn chìm dưới mặt nước. Người làm báp tem nói: “Cảm tạ Thiên Chúa!” và cũng là dấu hiệu để người chịu báp-tem đứng lên.

Ngoài ra, cũng có thể tùy ý thêm các chi tiết sau:

4. Người chịu báp-tem có thể cầu nguyện cảm tạ Thiên Chúa vì đã được báp-tem vào trong danh Chúa, vào trong Hội Thánh của Chúa.

5. Người làm lễ có thể cầu nguyện dâng lên Chúa thân thể của người chịu báp-tem. Cầu xin Đức Chúa Trời tiếp nhận người ấy như là một của lễ sống và thánh. Cầu xin Đức Chúa Trời gìn giữ người ấy được trọn vẹn từ tâm thần, linh hồn, cho đến thể xác. Cầu xin Đức Thánh Linh dẫn dắt người ấy vào trong mọi lẽ thật của Lời Chúa, và ban cho người ấy đầy dẫy thánh linh để người ấy có đủ năng lực vâng giữ các điều răn của Đức Chúa Trời, làm vững bền luật pháp của Đức Chúa Trời (Rô-ma 3:31); và làm trọn mọi việc lành mà Đức Chúa Trời đã sắm sẵn cho người ấy (Ê-phê-sô 2:10).

6. Người làm lễ và người chịu báp-tem cùng nhau dự Tiệc Thánh. Nếu cần, chờ cho người chịu báp-tem thay quần áo khô.

7. Người làm lễ chúc phước cho người chịu báp-tem. Có thể dùng lời chúc phước trong Dân Số Ký 6:24-26:

“Cầu xin Đấng Tự Hữu Hằng Hữu ban phước cho ngươi và giữ gìn ngươi! Cầu xin Đấng Tự Hữu Hằng Hữu chiếu sáng mặt Ngài trên ngươi, và làm ơn cho ngươi! Cầu xin Đấng Tự Hữu Hằng Hữu hướng mặt Ngài trên ngươi và ban bình an cho ngươi!”

Thay thế chữ “ngươi” bằng từ ngữ thích hợp: ông, bà, chú, bác, cô, dì, anh, chị, em, cháu.

Khi Lễ Báp-tem được cử hành trước sự hiện diện của nhiều người trong Hội Thánh, thì Hội Thánh có thể hát tôn vinh cảm tạ Chúa các bài thánh ca liên quan đến sự chuộc tội và nếp sống mới trong Chúa, trước và sau khi cử hành lễ.

Tự Làm Báp-tem

Trong trường hợp một người tin nhận Chúa mà ngay tại địa phương không có một ai khác là con dân Chúa, để làm báp-tem, thì người ấy có thể tự làm báp-tem. Nghi thức như sau:

1. Người chịu báp-tem đứng vào trong nước. Có thể nằm vào trong một bồn tắm đầy nước.

2. Nói: “Trong danh Thiên Chúa Tự Hữu Hằng Hữu của Đức Cha, Đức Con, và Đức Thánh Linh, hôm nay con xin chịu báp-tem. A-men!”

3. Sau khi nói xong, tự ngồi thụp xuống, hoặc tự chuồi mình xuống cho đến khi đầu hoàn toàn chìm dưới mặt nước. Rồi, ra khỏi nước; dâng lời cầu nguyện cảm tạ Ba Ngôi Thiên Chúa.

Các Điều Phải Tránh

Mặc dù phép báp-tem là một biểu tượng thể hiện đức tin và sự vâng phục của người tin Chúa, nhưng, có những sự việc con dân Chúa phải theo đúng, để việc làm báp-tem đúng với ý nghĩa biểu tượng. Vì thế, con dân Chúa:

  • Tránh việc làm báp-tem bằng cách rưới nước hay rảy nước, mà phải là hoàn toàn dìm mình xuống khỏi mặt nước. Sự dìm mình hoàn toàn xuống khỏi mặt nước ứng với sự tội lỗi bị hình phạt bởi cơn nước lụt, sự bị chôn trong lòng đất với Đức Chúa Jesus Christ. Trường hợp một người vì lý do sức khoẻ, không thể dìm mình xuống nước, thì không cần phải làm báp-tem. Cứ giúp người ấy xưng nhận đức tin nơi Chúa, rồi, cầu nguyện dâng trình người ấy lên Chúa.

  • Tránh làm báp-tem cho trẻ em chưa hiểu biết thế nào là tội lỗi, thế nào là ăn năn tội, và thế nào là sự cứu rỗi bởi sự chết của Đức Chúa Jesus Christ. Không có ấn định rõ ràng về tuổi tác, mà bất cứ ai nhận biết mình là tội nhân, thật lòng ăn năn, từ bỏ tội, và hoàn toàn tin nhận sự cứu chuộc của Đức Chúa Jesus Christ, thì người ấy cần được báp-tem.

  • Tránh làm báp-tem cho một người mà không có sự khẳng định của người ấy về sự ăn năn tội và đức tin nơi sự cứu chuộc của Đức Chúa Jesus Christ.

Ngoài ra, các chị em phụ nữ khi chịu báp-tem, nên mặc các loại áo dày, nếu cần thì mặc hai áo, để tránh tình trạng áo quá mỏng, khi bị ướt, thì làm cho da thịt lõa lồ. Hội Thánh luôn luôn sắp xếp phụ nữ làm báp-tem cho phụ nữ, bất kể tuổi tác.

Quý bạn đọc nên nghe phần âm thanh của bài giảng này [6], vì trong phần âm thanh có nhiều chi tiết hơn là bài viết. Quý bạn đọc cũng nên tham khảo bài: “Ý Nghĩa Các Phép Báp-tem Trong Thánh Kinh” [7].

Huỳnh Christian Timothy
Huỳnh Christian Priscilla

09/11/2013

Ghi Chú

[1] http://www.blueletterbible.org/lang/lexicon/lexicon.cfm?strongs=G908

[2] http://www.blueletterbible.org/lang/lexicon/lexicon.cfm?strongs=G909

[3] http://www.blueletterbible.org/lang/lexicon/lexicon.cfm?strongs=G907

[4] https://timhieuthanhkinh.com/?p=38

[5] https://timhieuthanhkinh.com/?p=67

[6] https://www.opendrive.com/folders?MV85MDcwNjE0X0U1RW5p

[7] https://timhieuthanhkinh.com/?p=80

[A] Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Hiệu Đính 2012: Các câu Thánh Kinh được trích dẫn trong bài này là theo Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Hiệu Đính 2012. Đây là bản Thánh Kinh Việt Ngữ trên mạng, đang trong tiến trình hiệu đính để hoàn thành Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Dịch Ngôi Lời. Quý con dân Chúa có thể đọc tại đây: https://thanhkinhvietngu.online/tiengviet/.

  • Các chữ nằm trong hai dấu { } không có trong nguyên văn của Thánh Kinh, nhưng được hàm ý theo cấu trúc của văn phạm tiếng Hê-bơ-rơ và tiếng Hy-lạp.

  • Các chữ nằm trong hai dấu [ ] không có trong nguyên văn của Thánh Kinh, đó là chú thích của người dịch.

Những sách nào đã được hiệu đính hoàn toàn sẽ được đăng tại đây: https://christ.thanhkinhvietngu.net/.

[B] Dùng các nối mạng dưới đây để tra xem ý nghĩa trong Anh ngữ và nghe cách phát âm của một từ ngữ Hê-bơ-rơ hoặc Hy-lạp trên Internet: