Hội Thánh: 18 Môn Đồ Hóa Muôn Dân

5,853 views

Hội Thánh: 18 Môn Đồ Hóa Muôn Dân

Huỳnh Christian Timothy
Huỳnh Christian Priscilla

Bấm vào nối mạng dưới đây để tải xuống bài viết này:
https://www.opendrive.com/folders?MV85MDE2ODY2X1lpSWJi

Bấm vào nối mạng dưới đây để tải xuống mp3 bài này:
https://www.opendrive.com/folders?MV85MDcwNjE0X0U1RW5p

Bấm vào nút “play” ► để nghe

 Bấm vào nút “play” ► để nghe

Công tác khiến cho muôn dân trở nên môn đồ của Chúa là bổn phận của mỗi môn đồ. Công tác ấy nằm trong lệnh truyền sau đây của Đức Chúa Jesus Christ:

“Đức Chúa Jesus đến và phán với họ. Ngài phán: Hết thảy thẩm quyền ở trên trời và dưới đất đã được giao cho Ta. Vậy, hãy đi! Các ngươi hãy khiến cho muôn dân trở nên môn đồ của Ta. Hãy báp-tem họ vào trong danh của Đức Cha, của Đức Con, và của Đức Thánh Linh, dạy họ giữ hết thảy mọi điều mà Ta đã truyền cho các ngươi. Và này, Ta ở với các ngươi luôn cho đến tận thế. A-men!” (Ma-thi-ơ 28:18-20).

Công tác khiến cho muôn dân trở nên môn đồ của Chúa bao gồm ba bước, và bắt đầu bởi sự giảng Tin Lành cho người chưa biết Chúa. Trong bài trước, chúng ta đã tìm hiểu ý nghĩa, mục đích, và cách thức rao giảng Tin Lành. Trong bài này, chúng ta sẽ tìm hiểu hai bước còn lại. Đó là: báp-tem những người tin nhận Tin Lành vào trong danh của Thiên Chúa; và dạy cho họ tất cả những điều Chúa đã truyền cho chúng ta.

Báp-tem Tân Tín Hữu vào Trong Danh của Thiên Chúa

Trong chương nói về Lễ Báp-tem chúng ta đã tìm hiểu các chi tiết liên quan đến Lễ Báp-tem. Trong chương này, chúng ta chỉ tóm lược các nét chính dưới đây:


1. Bất cứ một môn đồ nào của Chúa cũng có đủ tư cách và thẩm quyền làm báp-tem cho người mới tin nhận Chúa.

2. Lễ Báp-tem phải là hình thức hoàn toàn dìm thân thể của người chịu báp-tem xuống dưới mặt nước.

3. Lễ Báp-tem phải được thực hiện trong danh “Thiên Chúa Tự Hữu Hằng Hữu của Đức Cha, Đức Con, và Đức Thánh Linh!”

4. Lễ Báp-tem phải được thực hiện sớm chừng nào tốt chừng nấy. Tất cả các trường hợp làm báp-tem cho người mới tin nhận Chúa được Thánh Kinh ghi lại, đều là ngay lập tức sau khi người ấy tuyên xưng đức tin. Thậm chí, làm ngay lúc giữa đêm: “Trong ban đêm, chính giờ đó, người đề lao đem hai người ra rửa các thương tích cho; rồi tức thì người và mọi kẻ thuộc về mình đều chịu phép báp-tem.” (Công Vụ Các Sứ Đồ 16:33).

5. Khi có thể được, nên để cho nam báp-tem nam và nữ báp-tem nữ, bất kể tuổi tác, để tránh những va chạm bất tiện, có thể xảy ra giữa nam và nữ.

6. Phụ nữ nên mặc quần áo kín đáo và nếu cần thì mặc hai áo, để tránh sự quần áo bị ướt hoặc váy bị nước tốc lên, làm lộ ra da thịt.

7. Trường hợp sức khoẻ của người mới tin nhận Chúa không cho phép, thì không cần làm báp-tem cho người ấy trong nước, mà chỉ cần tay trái vịn vai, tay phải đặt trên đầu người ấy, mà báp-tem người ấy vào trong danh của Ba Ngôi Thiên Chúa.

Người đã chịu báp-tem thì trở thành tín đồ của Chúa và sẵn sàng để trở thành môn đồ của Chúa, qua sự học và làm theo mọi điều Chúa đã truyền.

Dạy Tân Tín Hữu Mọi Điều Chúa Đã Truyền

Tất cả những gì Thiên Chúa Ngôi Con làm ra, trong khi Ngài đi lại trên thế gian trong thân xác của loài người, thì tưởng chừng không có đủ sách để chép (Giăng 21:25); nhưng tất cả những gì Ngài truyền cho các môn đồ của Ngài, thì đã được ghi chép trong Thánh Kinh. Vì thế, để có thể dạy cho tân tín hữu tất cả những gì Chúa đã truyền, chúng ta chỉ cần cuốn Thánh Kinh.

Chúng ta phải cẩn thận làm đúng theo Lời của Đức Chúa Jesus Christ. Đó là, chỉ dạy cho tân tín hữu “những gì Chúa đã truyền” chứ không dạy những gì các giáo hội truyền!

Chúng ta tặng cho tân tín hữu một cuốn Thánh Kinh. Dù cho tân tín hữu giàu có hơn chúng ta, và chúng ta ở trong hoàn cảnh khó khăn về tiền bạc, thì chúng ta cũng nên trong cơ hội người ấy mới tin nhận Chúa, mà tặng cho người ấy một cuốn Thánh Kinh. Đối với một tân tín hữu, thì không còn món quà nào ý nghĩa và quan trọng hơn, là một cuốn Thánh Kinh.

Cho đến hiện tại của tháng 11/2013, thì cuốn Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Dịch Truyền Thống, còn gọi là Bản Dịch Phan Khôi, là cuốn Thánh Kinh nên được dùng làm quà tặng cho tân tín hữu. Khi Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Dịch Ngôi Lời được hoàn tất, thì chúng ta nên dùng Bản Dịch Ngôi Lời, là bản dịch thật sát với nguyên ngữ Hê-bơ-rơ và Hy-lạp của Thánh Kinh, mà không pha trộn các ý tưởng, từ ngữ của tâm lý học và ngoại giáo.

Cho đến thời điểm cuối tháng 11/2013, thì các bản dịch Thánh Kinh Việt Ngữ khác với Bản Dịch Phan Khôi, hoặc là dịch không sát với nguyên ngữ hoặc là pha trộn các ý tưởng, các từ ngữ của tâm lý học và ngoại giáo theo tinh thần hội nhập văn hóa vào trong các bản dịch Thánh Kinh. Điển hình là việc bỏ đi danh xưng “Christ”; hoặc đổi lời phán của Đức Chúa Jesus Christ từ “Hỡi đàn bà!” thành “Thưa mẹ!”; hoặc dùng danh xưng “Thượng Đế” cho Thiên Chúa, cho Đức Chúa Trời.

Sau khi tặng Thánh Kinh, chúng ta theo các bước sau đây trong việc dạy Lời Chúa cho tân tín hữu:

1. Chúng ta dạy cho tân tín hữu biết, cần phải đọc Thánh Kinh trong sự tin cậy, rằng:

  • Thánh Kinh là Lời Hằng Sống của Đức Chúa Trời, có thẩm quyền tuyệt đối trên đời sống của con dân Chúa.

  • Không một nan đề nào trong cuộc sống của loài người mà Thánh Kinh không có câu trả lời.

  • Sự hiểu biết và làm theo Lời Chúa mang lại phước hạnh thuộc thể lẫn thuộc linh cho con dân Chúa (Giô-suê 1:8; II Ti-mô-thê 3:16-17) và thánh hóa con dân Chúa (Giăng 17:17), tức là khiến cho con dân Chúa ngày càng giống Chúa hơn, cho đến khi trở nên trọn vẹn như Ngài là trọn vẹn (Ma-thi-ơ 5:48; Rô-ma 8:29; Phi-líp 4:13; I Tê-sa-lô-ni-ca 5:23-24).

Con dân Chúa cần phải cầu nguyện xin Đức Thánh Linh giúp mình hiểu được Lời Chúa trong khi đọc, và ban cho mình năng lực để có thể nhớ và làm theo Lời Chúa sau khi đọc.

2. Chúng ta hướng dẫn cho tân tín hữu biết cách tìm một câu Thánh Kinh theo địa chỉ: tên sách, đoạn, và câu.

3. Chúng ta giải thích cho tân tín hữu biết ý nghĩa của Cựu Ước và Tân Ước.

4. Chúng ta gợi ý cho tân tín hữu bắt đầu đọc từ Sáng Thế Ký cho đến hết sách Xuất Ê-díp-tô Ký. Rồi, tạm ngưng phần Cựu Ước, để bắt đầu đọc phần Tân Ước, từ sách Ma-thi-ơ cho đến sách Khải Huyền. Sau khi đọc hết Tân Ước thì đọc tiếp phần còn lại của Cựu Ước. Trong khi đọc thì gạch dưới hoặc tô màu những câu gợi cho mình cảm xúc đặc biệt. Nếu được, thì học thuộc lòng những câu ấy.

5. Chúng ta hướng dẫn cho tân tín hữu, trong khi đọc Thánh Kinh, thì tìm xem câu hay phân đoạn Thánh Kinh đang đọc có liên quan gì đến mười điểm cơ bản của Tin Lành, như đã trình bày trong chương trước. Tập thói quen ghi chú những ý tưởng nhận được trong khi đọc và suy ngẫm Lời Chúa, vào trong một cuốn sổ, kể cả những thắc mắc.

6. Chúng ta hướng dẫn cho tân tín hữu học thuộc lòng một số phân đoạn Thánh Kinh và các câu Thánh Kinh, như:

  • Học thuộc lòng Mười Điều Răn trong Xuất Ê-díp-tô Ký 20:1-17.

  • Học thuộc lòng Bài Cầu Nguyện Chúa dạy trong Ma-thi-ơ 6:7-13.

  • Học thuộc lòng Thi Thiên 1, Thi Thiên 23.

  • Học thuộc lòng Rô-ma 8:28-39.

  • Học thuộc lòng I Cô-rinh-tô 13.

  • Học thuộc lòng Ê-phê-sô 2:1-10.

  • Học thuộc lòng I Giăng 2:3-6.

7. Chúng ta đề nghị tân tín hữu sau khi đọc xong Thánh Kinh lần đầu tiên, thì tập thói quen đọc Thánh Kinh mỗi ngày, sao cho trong mỗi năm, hay mỗi sáu tháng, thì đọc hết một lượt Thánh Kinh từ Sáng Thế Ký đến Khải Huyền. Chính sự thường xuyên đọc và suy ngẫm Thánh Kinh như vậy, giúp cho con dân Chúa được tăng trưởng đức tin và tràn đầy phước hạnh trong cuộc sống:

“Cuốn Sách Luật Pháp này chớ xa miệng ngươi, nhưng ngươi hãy suy ngẫm ngày và đêm, để cẩn thận làm theo mọi điều đã chép ở trong. Vì như vậy, ngươi sẽ được thịnh vượng trong đường lối mình và ngươi sẽ hành động thông sáng.” (Giô-suê 1:8).

“Nhưng Ngài đã phán, đã trả lời: Đã được chép rằng, loài người sẽ sống chẳng phải chỉ nhờ bánh nhưng nhờ mỗi một lời phán ra từ miệng của Thiên Chúa.” (Ma-thi-ơ 4:4).

“Cả Thánh Kinh do Thiên Chúa hà hơi, có ích cho sự giảng dạy, cho sự quở trách, cho sự sửa trị, cho sự giáo dục trong sự công chính, [hà hơi = ban sự sống; thần cảm] để người của Đức Chúa Trời được trọn vẹn và sẵn sàng cho mọi việc lành.” (II Ti-mô-thê 3:16-17).

8. Chúng ta giúp cho tân tín hữu hiểu mấy điều quan trọng sau đây:

  • Con dân Chúa phải vâng giữ Mười Điều Răn và tất cả các điều luật khác về đạo đức trong Thánh Kinh Cựu Ước. Bởi vì Mười Điều Răn và các luật về đạo đức trong Thánh Kinh là phản ánh sự yêu thương, công chính, và thánh khiết của Thiên Chúa. Đó chính là sự vinh quang của Thiên Chúa, không hề qua đi, không hề thay đổi.

  • Con dân Chúa không cần vâng giữ “hình thức bóng” của các luật pháp về: lễ nghi thờ phượng, bảy kỳ lễ hội trong Cựu Ước, dâng hiến, chuộc tội, tẩy uế, thức ăn không tinh sạch… Các luật pháp ấy đều làm bóng cho hình thật ở trong Đức Chúa Jesus Christ. Đức Chúa Jesus Christ đã đến, Ngài đã và đang làm cho hiện thực các ý nghĩa bóng của những luật pháp ấy. Nhờ đó, mỗi con dân Chúa cũng có thể vâng giữ các luật pháp ấy theo “hình thức thật” cách thiêng liêng, cho nên, con dân Chúa không cần thi hành “hình thức bóng” của các luật ấy nữa.

  • Con dân Chúa không cần vâng giữ các luật pháp về y tế và dân sự trong Cựu Ước. Ngày nay, con dân Chúa chỉ cần vâng phục các bậc cầm quyền của mỗi quốc gia về các luật y tế và dân sự, theo nhu cầu của mỗi dân tộc (Rô-ma 13:1-7).

9. Chúng ta dạy cho tân tín hữu biết là: Đức Chúa Jesus Christ truyền cho con dân Chúa phải học theo Ngài, làm những việc Ngài làm; và Đức Thánh Linh dạy con dân Chúa là phải làm theo như Đức Chúa Jesus Christ đã làm:

  • Học theo Ta: “Hãy mang lấy ách của Ta trên các ngươi và học theo Ta, vì Ta có lòng nhu mì và khiêm nhường, thì linh hồn các ngươi sẽ được yên nghỉ.” (Ma-thi-ơ 11:29).

  • Làm những việc Ta làm: “Thật sự! Thật sự! Ta nói với các ngươi, ai tin Ta, cũng sẽ làm những việc Ta làm; lại cũng làm những việc lớn hơn những việc này, vì Ta đi về cùng Cha.” (Giăng 14:12).

  • Làm theo như chính Ngài đã làm: “Ai nói mình ở trong Ngài, thì người ấy cũng phải bước đi như chính Ngài đã bước đi.” (I Giăng 2:6).

Việc Đức Chúa Jesus Christ làm là: “làm trọn luật pháp”, tức là làm theo mọi ý muốn của Đức Chúa Trời. Vì thế, con dân Chúa cũng phải làm trọn luật pháp, tiêu biểu bằng Mười Điều Răn của Đức Chúa Trời đã được Đức Thánh Linh chép vào trong lòng của người tin nhận Chúa, để người ấy có thể trở nên trọn vẹn như Cha ở trên trời:

“Các ngươi đừng tưởng rằng, Ta đến để phá bỏ luật pháp hay những lời tiên tri. Ta không đến để phá bỏ, nhưng để làm trọn.” (Ma-thi-ơ 5:17).

“Vậy, chúng ta bởi đức tin mà bỏ luật pháp hay sao? Chẳng hề như vậy! Trái lại, chúng ta làm vững bền luật pháp.” (Rô-ma 3:31).

“Chúa phán: Này, giao ước mà Ta sẽ lập với họ sau những ngày đó. Ta sẽ ban các luật pháp của Ta trong những tấm lòng của họ, và trong những tâm trí của họ Ta sẽ ghi chúng.” (Hê-bơ-rơ 10:16).

“Vậy, các ngươi sẽ nên trọn vẹn như Cha của các ngươi, Đấng ở trên trời, là trọn vẹn.” (Ma-thi-ơ 5:48).

“Chẳng phải hễ ai nói với Ta rằng: Lạy Chúa! Lạy Chúa! Thì sẽ được vào trong Vương Quốc Trời, nhưng ai làm theo ý muốn của Cha Ta, Đấng ở trên trời.” (Ma-thi-ơ 7:21).

“Vì bất cứ ai làm theo ý muốn của Cha Ta, Đấng ở trên trời, thì người ấy là em trai cùng Cha, em gái cùng Cha, và mẹ của Ta vậy.” (Ma-thi-ơ 12:50).

10. Chúng ta hướng dẫn cho con dân Chúa nghe và đọc các bài giảng, giãi bày trung thực các lẽ thật của Lời Chúa qua các website, như:

11. Chúng ta dành thời gian ít nhất là mỗi tuần hai lần, dạy Lời Chúa cho tân tín hữu và cùng tân tín hữu thờ phượng Chúa. Nơi nào có Hội Thánh địa phương thì chúng ta cùng tân tín hữu nhóm hiệp với Hội Thánh địa phương.

12. Chúng ta dạy cho tân tín hữu tương giao với Chúa qua sự cầu nguyện, và chúng ta cùng cầu nguyện với tân tín hữu, cầu thay cho tân tín hữu.

Công tác môn đồ hóa muôn dân đã được chính Đức Chúa Jesus Christ ban truyền cho những ai là môn đồ của Ngài, bởi một thẩm quyền tuyệt đối, bao trùm khắp đất trời. Bên cạnh đó, chính Đức Chúa Jesus Christ ở cùng các môn đồ của Ngài luôn, cho đến khi tận thế.

Vì thế, không một môn đồ nào của Chúa được miễn trừ nhiệm vụ môn đồ hóa muôn dân. Vì thế, không một thế lực nào có thể ngăn cản chúng ta hoàn thành nhiệm vụ Chúa đã giao phó. Vì thế, chúng ta không cô đơn trong công tác môn đồ hóa muôn dân. Tất cả các anh chị em cùng đức tin trong Hội Thánh đồng công với chúng ta. Chính Đức Chúa Jesus Christ cùng đi bên chúng ta.

Cảm tạ Chúa! Nguyện Ngài giúp chúng con sớm hoàn thành công tác môn đồ hóa muôn dân ngay trên quê hương Việt Nam của chúng con, trước ngày Chúa trở lại. A-men!

Huỳnh Christian Timothy
Huỳnh Christian Priscilla

30/11/2013

Ghi Chú

[A] Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Hiệu Đính 2012: Các câu Thánh Kinh được trích dẫn trong bài này là theo Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Hiệu Đính 2012. Đây là bản Thánh Kinh Việt Ngữ trên mạng, đang trong tiến trình hiệu đính để hoàn thành Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Dịch Ngôi Lời. Quý con dân Chúa có thể đọc tại đây: https://thanhkinhvietngu.online/tiengviet/.

  • Các chữ nằm trong hai dấu { } không có trong nguyên văn của Thánh Kinh, nhưng được hàm ý theo cấu trúc của văn phạm tiếng Hê-bơ-rơ và tiếng Hy-lạp.

  • Các chữ nằm trong hai dấu [ ] không có trong nguyên văn của Thánh Kinh, đó là chú thích của người dịch.

Những sách nào đã được hiệu đính hoàn toàn sẽ được đăng tại đây: https://christ.thanhkinhvietngu.net/.

[B] Dùng các nối mạng dưới đây để tra xem ý nghĩa trong Anh ngữ và nghe cách phát âm của một từ ngữ Hê-bơ-rơ hoặc Hy-lạp trên Internet: