Lễ Bánh Không Men, Lễ Dâng Bó Lúa Đầu Mùa, Lễ Ngũ Tuần

7,478 views

Lễ Bánh Không Men, Lễ Dâng Bó Lúa Đầu Mùa, Lễ Ngũ Tuần

Huỳnh Christian Timothy

Bấm vào nối mạng dưới đây để tải xuống mp3 bài giảng này:
https://www.opendrive.com/folders?MV85MTcxMzAxX0l5dzVF

Bấm vào nối mạng dưới đây để tải xuống bài viết pdf:
https://www.opendrive.com/folders?MV85MDE4MTc4X0NuMXN5

Kính mời quý con dân Chúa dành thời gian nghe bài giảng này, có nhiều thí dụ và giải thích chi tiết hơn là phần bài viết.

Bấm vào nút “play” ► để nghe:

Phần âm thanh của bài giảng này được xếp trong CD_Bồi Linh 2014
https://timhieuthanhkinh.com/?page_id=343

Lễ Bánh Không Men

Lễ Bánh Không Men được ban hành cùng một lúc với Lễ Vượt Qua, như đã được ghi chép trong Xuất Ê-díp-tô Ký 12:15-20:

15 Trong bảy ngày các ngươi sẽ chỉ ăn những thức không men. Vào ngày thứ nhất, các ngươi hãy dẹp men khỏi những nhà của các ngươi. Vì bất cứ ai ăn thức gì có men từ ngày thứ nhất cho đến ngày thứ bảy, thì linh hồn ấy sẽ bị diệt khỏi I-sơ-ra-ên.

16 Vào ngày thứ nhất, sẽ có một sự nhóm hiệp thánh và vào ngày thứ bảy cũng sẽ có một sự nhóm hiệp thánh cho các ngươi. Không một công việc gì được làm trong hai ngày đó, ngoại trừ các ngươi chỉ làm thức ăn cho mỗi người.

17 Các ngươi hãy giữ Lễ Bánh Không Men, vì chính ngày đó Ta rút quân đội của các ngươi ra khỏi đất Ê-díp-tô. Vậy, các ngươi sẽ luôn luôn giữ ngày này trải qua các đời của các ngươi theo luật.

18 Ngày mười bốn tháng thứ nhất, vào buổi tối, các ngươi sẽ ăn bánh không men cho đến buổi tối ngày hai mươi mốt tháng đó.

19 Trong bảy ngày không nên tìm thấy men tại nhà của các ngươi; vì bất cứ ai ăn thức gì có men thì linh hồn ấy sẽ bị diệt khỏi hội chúng I-sơ-ra-ên, bất kể là khách ngoại bang hay người được sinh ra trong xứ.

20 Các ngươi không được ăn thức gì có men. Trong khắp nơi các ngươi ở, các ngươi đều phải ăn bánh không men.

Ngày thứ nhất và ngày thứ bảy của Lễ Bánh Không Men đều là ngày Sa-bát, nghĩa là, ngày nghỉ làm việc. Có khi, hai ngày này rơi vào ngày Thứ Bảy Sa-bát cuối tuần.

Chúng ta đã biết ý nghĩa của Lễ Vượt Qua là hình bóng của sự kiện Đức Chúa Jesus Christ sẽ chịu đổ huyết để làm của lễ chuộc tội cho nhân loại. Con sinh của Lễ Vượt Qua bị quay chín trọn cả đầu, giò, và bộ lòng là hình bóng của sự hình phạt tội lỗi được thi hành cách trọn vẹn trên Đức Chúa Jesus Christ. Bánh không men trong bữa ăn Lễ Vượt Qua là hình bóng của tấm lòng ăn năn, từ bỏ tội của người tin nhận sự chết chuộc tội của Đức Chúa Jesus Christ. Rau đắng trong bữa ăn Lễ Vượt Qua là tấm lòng sẵn sàng chịu khổ để sống đời sống thánh khiết trong Chúa của người được cứu rỗi. Thái độ vội vàng trong khi ăn là sự sốt sắng và dứt khoát cần có của những ai muốn được cứu rỗi ra khỏi quyền lực của tội lỗi, ra khỏi sự hình phạt tội lỗi. Thịt con sinh Lễ Vượt Qua có đủ cho mỗi người nhưng nếu ăn không hết thì phải thiêu hết, làm hình bóng cho sự Tin Lành Cứu Rỗi sẽ ban cho tất cả những ai có lòng tin nhưng sẽ có lúc sự ban cho ấy chấm dứt.

Tiếp liền theo Lễ Vượt Qua là bảy ngày Lễ Bánh Không Men làm hình bóng cho sự người được cứu sẽ sống trọn vẹn một đời sống mới thánh khiết, không còn bị nô lệ cho tội lỗi. Con số bảy là con số trọn vẹn về thuộc linh. Bảy ngày tiêu biểu cho trọn cuộc đời. Con dân Chúa phải có đời sống như là bánh không men, nghĩa là không sống trong tội, mà Thánh Kinh gọi là nếp sống độc ác, xấu xa:

“Vậy, hãy làm cho mình sạch men cũ, để các anh chị em trở nên bột nhồi mới không men, như các anh chị em là bánh không men vậy. Vì Đấng Christ là Chiên Con Lễ Vượt Qua của chúng ta, đã bị giết thay cho chúng ta. Vậy thì, chúng ta hãy giữ lễ, chớ dùng men cũ, cũng chớ dùng men độc ác, xấu xa, nhưng dùng bánh không men của sự tinh sạch và của lẽ thật.” (I Cô-rinh-tô 5:7-8).

Mà cũng có nghĩa là không để cho đời sống mình bị tiêm nhiễm các thứ giáo lý không đúng Thánh Kinh của các giáo sư giả, tiên tri giả:

“Đức Chúa Jesus phán với họ: Hãy coi chừng và hãy để ý về men của những người Pha-ri-si và những người Sa-đu-sê.” (Ma-thi-ơ 16:6).

“Khi ấy, dân chúng nhóm lại kể hàng ngàn người, đến nỗi giày đạp nhau, Đức Chúa Jesus mới trước hết phán với môn đồ rằng: Hãy giữ mình về men của người Pha-ri-si, là sự giả hình.” (Lu-ca 12:1).

Người Pha-ri-si nổi tiếng về sự giả hình, như Đức Chúa Jesus Christ đã tố cáo trong Ma-thi-ơ 23. Còn người Sa-đu-sê thì không tin về sự sống lại (Ma-thi-ơ 22:23; Mác 12:18; Lu-ca 20:27; Công Vụ Các Sứ Đồ 23:8). Giáo lý giả hình và giáo lý không tin về sự sống lại đều nghịch lại Thánh Kinh, đều là tội lỗi. Ngày nay, nhiều con dân Chúa phạm vào sự giả hình và phạm vào sự tin vào các giáo lý không có trong Thánh Kinh của những Pha-ri-si và Sa-đu-sê thời đại trong các tổ chức tôn giáo mang danh Chúa, gọi chung là Cơ-đốc Giáo. Điển hình cho các giáo lý không có trong Thánh Kinh là:

  • Giáo lý được cứu một lần được cứu vĩnh viễn: Dạy rằng hễ ai mở miệng ra xưng nhận mình ăn năn tội và tin nhận sự chết chuộc tội của Đức Chúa Jesus Christ, thì người ấy được cứu và không bao giờ bị hư mất. Nếu sau đó, người ấy trở lại sống trong tội, thì chỉ bị phạt, bị mất phần thưởng chứ không bị mất sự cứu rỗi.
  • Giáo lý nói tiếng lạ và đặt tay té ngã: Dạy rằng con dân Chúa phải cầu xin được báp-tem bằng thánh linh; dạy rằng dấu hiệu được báp-tem bằng thánh linh, được đầy dẫy thánh linh là hiện tượng té ngã xuống đất và nói tiếng lạ, tức là có thể phát ra những âm thanh lắp bắp vô nghĩa. Các nhà ngôn ngữ học đã xác định, âm thanh do những người nói tiếng lạ phát ra không phải là bất cứ một thứ ngôn ngữ nào, mà chỉ là những âm thanh vô nghĩa. Điều này hoàn toàn khác với sự kiện báp-tem bằng thánh linh trong ngày Lễ Ngũ Tuần, khi Hội Thánh được thành lập. Khi đó, các môn đồ của Chúa được ơn nói các thứ ngoại ngữ mà Công Vụ Các Sứ Đồ đã liệt kê ra từng ngôn ngữ.
  • Giáo lý Tin Lành thịnh vượng: Dạy rằng con dân Chúa không thể nghèo, không thể bị tật bệnh; dạy rằng nghèo là bị rủa sả và tật bệnh là hậu quả của tội lỗi; dạy rằng con dân Chúa bị bệnh không được chữa lành là vì thiếu đức tin.
  • Giáo lý chiều kích thứ tư và nói lời tích cực: Dạy rằng thế giới thuộc linh là chiều thứ tư, cao hơn ba chiều không gian của thế giới vật lý, và điều khiển mọi sự trong thế giới vật lý. Khi con dân Chúa tập trung vào khải tượng, chiêm bao, và sự tưởng tượng thì sẽ thay đổi được thế giới vật chất. Khi con dân Chúa cầu xin bất cứ điều gì mà tuyên bố thành lời điều ấy phải thuộc về mình, và nhìn thấy được điều ấy trong tâm trí mình, trong khải tượng, thì họ sẽ nhận được điều ấy. Giáo lý này do David Yonggi Cho khởi xướng. Tháng 2 năm 2014 David Yonggi Cho và con trai đã bị toà án Nam Hàn kết tội biển thủ 12 triệu Mỹ kim công quỹ của nhà thờ do ông quản nhiệm và tội trốn thuế.
  • Giáo lý cầu nguyện với bà Ma-ri, với các thánh, và giáo lý đúc tượng, dựng tượng, quỳ lạy, cầu nguyện trước các hình tượng, dâng hoa, dâng hương cho các hình tượng.

Ngày thứ nhất của Lễ Bánh Không Men là ngày Sa-bát, làm hình bóng cho sự được yên nghỉ khỏi gánh nặng và khỏi sự nô lệ tội lỗi, dành cho những ai tin nhận sự chết chuộc tội của Đức Chúa Jesus Christ.

Ngày thứ bảy của Lễ Bánh Không Men là ngày Sa-bát, làm hình bóng cho sự yên nghỉ đời đời của tất cả những con dân Chúa trung tín cho đến chết. Có nghĩa là trọn đời sống thánh khiết như bánh không men, không quay về sống trong tội.

Chúng ta cần phân biệt ngày thứ nhất ăn bánh không men với ngày thứ nhất của Lễ Bánh Không Men. Ngày thứ nhất ăn bánh không men là ngày 14 tháng Nisan, là ngày Lễ Vượt Qua, là ngày con sinh của Lễ Vượt Qua bị giết và được ăn vào buổi chiều tối (sau khi mặt trời lặn của ngày 13), còn gọi là ngày sắm sửa cho ngày Sa-bát của Lễ Bánh Không Men, vì trong ngày 14, người I-sơ-ra-ên lo dọn dẹp các chất men ra khỏi nhà. Hai câu Thánh Kinh dưới đây nói đến ngày thứ nhất ăn bánh không men:

“Trong ngày thứ nhất ăn bánh không men, các môn đồ đến gần Đức Chúa Jesus mà thưa với Ngài: Ngài muốn chúng tôi dọn cho Ngài ăn Lễ Vượt Qua tại đâu?” (Ma-thi-ơ 26:17).

“Ngày thứ nhất ăn bánh không men, khi người ta giết sinh tế Lễ Vượt Qua, các môn đồ của Ngài thưa với Ngài: Ngài muốn chúng tôi đi dọn cho Ngài ăn Lễ Vượt Qua tại đâu?” (Mác 14:12).

Ngày thứ nhất của Lễ Bánh Không Men là ngày 15 tháng Nisan, là một ngày Sa-bát:

“Vào ngày mười bốn tháng thứ nhất, giữa các buổi tối, là Lễ Vượt Qua của Đấng Tự Hữu Hằng Hữu. Vào ngày mười lăm cùng tháng là Lễ Bánh Không Men cho Đấng Tự Hữu Hằng Hữu. Các ngươi sẽ ăn bánh không men trong bảy ngày.” (Lê-vi Ký 23:5-6).

“Ngày mười bốn tháng thứ nhất, phải giữ Lễ Vượt Qua cho Đấng Tự Hữu Hằng Hữu. Ngày mười lăm của tháng này là ngày lễ. Bánh không men sẽ được ăn trong bảy ngày.” (Dân Số Ký 28:16-17).

Lễ Dâng Bó Lúa Đầu Mùa

Tiếp liền theo ngày Sa-bát thứ nhất của Lễ Bánh Không Men là ngày Lễ Dâng Bó Lúa Đầu Mùa. Thiên Chúa đã truyền lệnh về Lễ Dâng Bó Lúa Đầu Mùa trong Lê-vi Ký 23:10-11, như sau:

“Hãy nói với con cháu của I-sơ-ra-ên và nói với họ: Khi các ngươi vào trong xứ mà Ta ban cho các ngươi, và đã gặt mùa màng thì các ngươi hãy đem đến thầy tế lễ một bó lúa đầu mùa của các ngươi. Người sẽ vẫy bó lúa trước mặt Đấng Tự Hữu Hằng Hữu, để được nhận cho các ngươi. Ngày sau ngày Sa-bát thầy tế lễ sẽ vẫy nó. [Sau ngày Sa-bát đầu của Lễ Bánh Không Men. Vẫy là cầm bó lúa trong tay đưa lên đưa xuống.]”

Chúng ta cần chú ý đến các chi tiết sau đây:

1. Lễ Dâng Bó Lúa Đầu Mùa mặc dù được định vào ngày sau ngày Sa-bát thứ nhất của Lễ Bánh Không Men, nhưng lại không được thiết lập cùng lúc với các kỳ lễ khác, mà chỉ được thiết lập sau khi dân I-sơ-ra-ên đã vào được đất hứa.

2. Từ ngữ ngày Sa-bát trong mệnh đề: “Ngày sau ngày Sa-bát” phải được hiểu là ngày sau ngày Sa-bát thứ nhất của Lễ Bánh Không Men, 15 tháng Nisan. Như vậy, ngày Lễ Dâng Bó Lúa Đầu Mùa phải là ngày 16 tháng Nisan.

Một số nhà giải kinh cho rằng, phải là ngày Sa-bát thứ nhì của Lễ Bánh Không Men, 17 tháng Nisan, và như vậy, ngày Lễ Dâng Bó Lúa Đầu Mùa là ngày 18 tháng Nisan.

Nhiều nhà giải kinh cho rằng đó là ngày Sa-bát cuối tuần, và như vậy, ngày Lễ Dâng Bó Lúa Đầu Mùa luôn luôn là ngày Thứ Nhất trong tuần lễ, tức Chủ Nhật.

Tuy nhiên, các tác phẩm cổ điển của người Do-thái ghi lại nghi thức của Lễ Dâng Bó Lúa Đầu Mùa cho biết, bó lúa đầu mùa được cắt vào lúc chiều tối, sau khi mặt trời lặn của ngày 15 để mở đầu cho ngày 16. Đêm ấy, họ dùng một phần để xay thành bột làm bánh, và đến sáng thì bánh làm bằng bột nhồi với dầu, cùng với bó lúa đầu mùa được trao cho các thầy tế lễ để dâng lên Thiên Chúa.

3. Việc xác định ngày Lễ Dâng Bó Lúa Đầu Mùa theo sau ngày Sa-bát nào rất là quan trọng, vì nó liên quan đến việc tính ngày để định ngày Lễ Ngũ Tuần:

“Các ngươi sẽ đếm cho các ngươi, từ ngày sau ngày Sa-bát, từ ngày các ngươi đem bó lúa làm của lễ vẫy, chúng sẽ là trọn bảy ngày Sa-bát; [ngày sau ngày Sa-bát đầu của Lễ Bánh Không Men, nhằm ngày 16 tháng Nisan, tức là tháng thứ nhất (tháng Một);] cho đến ngày sau ngày Sa-bát thứ bảy, các ngươi đếm năm mươi ngày và các ngươi sẽ dâng một của lễ chay mới lên Đấng Tự Hữu Hằng Hữu. [Trong Tân Ước gọi là Lễ Ngũ Tuần, nhằm ngày 6 tháng Sivan, tức tháng Ba.]” (Lê-vi Ký 23:15-16).

Phần lớn các giáo hội cho rằng ngày Lễ Dâng Bó Lúa Đầu Mùa theo sau ngày Sa-bát cuối tuần, cho nên, họ luôn tổ chức ngày Lễ Ngũ Tuần vào ngày Thứ Nhất trong tuần, tức Chủ Nhật, khác với sự giữ Lễ Ngũ Tuần của người Do-thái. Điều này tương tự như việc phần lớn các giáo hội tổ chức Lễ Thương Khó vào ngày Thứ Sáu đầu tiên sau tiết xuân phân, thay vì là ngày Lễ Vượt Qua của người Do-thái, là ngày Chúa chịu chết.

Lễ Dâng Bó Lúa Đầu Mùa làm hình bóng cho sự sống lại của con dân Chúa trong Hội Thánh. Thánh Kinh gọi Đức Chúa Jesus Christ là “trái đầu mùa của sự sống lại”:

“Nhưng bây giờ, Đấng Christ đã được sống lại từ những người chết, trở thành trái đầu mùa của những người ngủ.” (I Cô-rinh-tô 15:20).

“Nhưng mỗi người theo thứ tự riêng của mình: Đấng Christ là trái đầu mùa; sau đó, là những ai thuộc về Đấng Christ, trong sự đến của Ngài.” (I Cô-rinh-tô 15:23).

Nhưng có thể nói, bó lúa đầu mùa được dâng lên Thiên Chúa không tiêu biểu cho sự sống lại của chính Đấng Christ, mà là tiêu biểu cho kết quả của sự sống lại của Ngài. Tức là, nhờ Ngài sống lại mà những ai thuộc về Ngài cũng được sống lại. Nói cách khác, bó lúa đầu mùa là hình ảnh những người thuộc Hội Thánh của Chúa được tái sinh phần thuộc linh và được phục sinh phần thể xác. Trong một số bài giảng trước đây, tôi có giải thích Lễ Dâng Bó Lúa Đầu Mùa tiêu biểu cho sự sống lại của chính Đức Chúa Jesus Christ và những ai thuộc về Ngài. Nhưng đến nay, khi có dịp suy ngẫm nhiều về lễ này, thì tôi nhận thấy, hình ảnh bó lúa đầu mùa chỉ tiêu biểu cho sự tái sinh và phục sinh của Hội Thánh, thì hợp lý hơn. Giăng 12:24 ghi lại lời phán của Đức Chúa Jesus Christ, như sau:

“Thật sự! Thật sự! Ta nói với các ngươi, nếu hạt giống lúa mì kia, chẳng chết sau khi gieo vào trong đất, thì cứ ở một mình; nhưng nếu chết đi, thì kết quả được nhiều.”

Chúa là hạt lúa giống, Hội Thánh là bó lúa ra từ hạt lúa giống đã chết. Những người được tái sinh phần thuộc linh sẽ được Đức Chúa Jesus Christ, thầy tế lễ thượng phẩm đời đời, dâng lên Đức Chúa Trời, sau khi họ tin nhận sự chết chuộc tội của Ngài và được yên nghỉ khỏi gánh nặng cùng sự nô lệ của tội lỗi (ngày Sa-bát thứ nhất của Lễ Bánh Không Men). Một ngày kia, chính Đức Chúa Jesus Christ cũng sẽ dâng Hội Thánh được phục sinh phần thuộc thể lên Đức Chúa Trời, sau khi Ngài đem họ ra khỏi thế gian này, vào trong thiên đàng.

Trong Lễ Dâng Bó Lúa Đầu Mùa còn có bột tinh sạch được nhồi với dầu, tiêu biểu cho đời sống thánh khiết và đầy dẫy thánh linh của những người đã được tái sinh trong Đức Chúa Jesus Christ.

Lễ Ngũ Tuần

Kể từ ngày Lễ Dâng Bó Lúa Đầu Mùa, ngày thứ 50 sẽ là một ngày lễ gọi là Lễ Mùa Gặt (Xuất Ê-díp-tô Ký 23:16 – Bản Dịch Truyền Thống dịch là “lễ mùa màng”) [1], Lễ Các Tuần Lễ (Xuất Ê-díp-tô Ký 34:22; Phục Truyền Luật Lệ Ký 16:10), mà trong Tân Ước gọi là Lễ Ngũ Tuần (Công Vụ Các Sứ Đồ 2:1; 20:16; I Cô-rinh-tô 16:8).

Danh từ “Ngũ Tuần” được dịch từ chữ “πεντηκοστή” trong tiếng Hy-lạp, G4005, chuyển ngữ quốc tế là “pentēkostē”, phiên âm quốc tế là “pen-tā-ko-stā'”, phiên âm tiếng Việt là “bên-tê-cô-tê”, chuyển ngữ và phiên âm sang tiếng Anh là “pentecost”. Từ ngữ này có nghĩa là “thứ năm mươi”. Trong tiếng Hán Việt, chữ “ngũ” có nghĩa là “năm” và chữ “tuần” có nghĩa là mười ngày. Ngũ tuần là năm mươi ngày. Ngày Lễ Ngũ Tuần được định là một ngày Sa-bát và luôn rơi vào ngày 6 tháng 3 (tháng Sivan) theo Lịch Thánh Kinh [2]. Cách định ngày Lễ Ngũ Tuần được ghi lại trong Lê-vi Ký 23:15-16:

“Các ngươi sẽ đếm cho các ngươi, từ ngày sau ngày Sa-bát, từ ngày các ngươi đem bó lúa làm của lễ vẫy, chúng sẽ là trọn bảy ngày Sa-bát; [ngày sau ngày Sa-bát đầu của Lễ Bánh Không Men, nhằm ngày 16 tháng Nisan, tức là tháng thứ nhất (tháng Một);] cho đến ngày sau ngày Sa-bát thứ bảy, các ngươi đếm năm mươi ngày và các ngươi sẽ dâng một của lễ chay mới lên Đấng Tự Hữu Hằng Hữu. [Trong Tân Ước gọi là Lễ Ngũ Tuần, nhằm ngày 6 tháng Sivan, tức tháng Ba.]”

Theo khẩu truyền của người I-sơ-ra-ên thì ngày Lễ Ngũ Tuần đầu tiên, chính là ngày Thiên Chúa từ trên Núi Si-na-i phán truyền Mười Điều Răn cho toàn thể dân sự. Dựa trên Xuất Ê-díp-tô Ký 19, chúng ta có thể phân tích như sau:

  • Ngày 1 tháng 3 dân I-sơ-ra-ên đến chân Núi Si-na-i và đóng trại tại đó (câu 1).
  • Ngày 2 tháng 3 Môi-se lên núi ra mắt Thiên Chúa (câu 3).
  • Ngày 3 tháng 3 Môi-se nhóm họp các trưởng lão, thuật lại cho họ những điều Thiên Chúa đã phán với ông (câu 7).
  • Ngày 4 tháng 3 Thiên Chúa phán dạy Môi-se hãy truyền cho dân chúng giữ mình thánh sạch trong ngày 4, 5, và 6 (hôm nay, ngày mai, và ngày thứ ba) vì ngày 6 Thiên Chúa sẽ giáng lâm (câu 10-11).

Vì tháng Giêng (Nisan) lúc nào cũng có 30 ngày, tháng Hai (Lyyar) lúc nào cũng có 29 ngày, và tháng Ba (Sivan) lúc nào cũng có 30 ngày, mà ngày Lễ Ngũ Tuần luôn luôn rơi vào ngày 6 tháng 3, là ngày thứ 50 kể từ ngày 16 tháng 1 là ngày Lễ Dâng Bó Lúa Đầu Mùa.


Tuần 1
16 Nisan1 17 Nisan2 18 Nisan3 19 Nisan4 20 Nisan5 21 Nisan6 22 Nisan7

Tuần 2
23 Nisan8 24 Nisan9 25 Nisan10 26 Nisan11 27 Nisan12 28 Nisan13 29 Nisan14

Tuần 3
30 Nisan15 1 Lyyar16 2 Lyyar17 3 Lyyar18 4 Lyyar19 5 Lyyar20 6 Lyyar21

Tuần 4
7 Lyyar22 8 Lyyar23 9 Lyyar24 10 Lyyar25 11 Lyyar26 12 Lyyar27 13 Lyyar28

Tuần 5
14 Lyyar29 15 Lyyar30 16 Lyyar31 17 Lyyar32 18 Lyyar33 19 Lyyar34 20 Lyyar35

Tuần 6
21 Lyyar36 22 Lyyar37 23 Lyyar38 24 Lyyar39 25 Lyyar40 26 Lyyar41 27 Lyyar42

Tuần 7
28 Lyyar43 29 Lyyar44 1 Sivan45 2 Sivan46 3 Sivan47 4 Sivan48 5 Sivan49
  6 Sivan50            

Minh họa cách tính ngày Lễ Ngũ Tuần
Tháng Nisan = Tháng Một (Tháng Giêng)
Tháng Lyyar = Tháng Hai
Tháng Sivan = Tháng Ba

Theo Công Vụ Các Sứ Đồ đoạn hai, trong ngày Lễ Ngũ Tuần, liền sau khi Đức Chúa Jesus Christ phục sinh và thăng thiên, thì Đức Thánh Linh giáng lâm, Hội Thánh được thành lập và được báp-tem bằng thánh linh. Hôm ấy nhằm ngày Thứ Sáu, 30 tháng 5 năm 27 [2].

Chúng ta có thể nhìn thấy Lễ Ngũ Tuần làm hình bóng cho sự kết quả mục vụ của Đức Chúa Jesus Christ. Ngài đã đến thế gian, gieo Lời của Đức Chúa Trời và Lời ấy đã kết quả trong lòng nhiều người. Tất cả những ai tin nhận Lời của Đức Chúa Trời được kết quả và được gặt vào trong nhà của Đức Chúa Trời là Hội Thánh, được vui sống trong sự quan phòng của Thiên Chúa.

Tóm Lược Ý Nghĩa của Bốn Ngày Lễ Hội Mùa Xuân

Ngày Lễ Vượt Qua làm hình bóng cho sự hy sinh của Đấng Christ sẽ giải cứu những ai tin nhận máu chuộc tội của Ngài ra khỏi lửa hình phạt của tội lỗi. Liền theo đó, trọn đời sống của những người tin nhận Đức Chúa Jesus Christ sẽ được thánh hóa, tiêu biểu bởi bảy ngày Lễ Bánh Không Men. Họ lập tức được an nghỉ khỏi gánh nặng của mặc cảm tội lỗi và thoát khỏi quyền lực của tội lỗi, tiêu biểu bởi ngày Sa-bát thứ nhất của Lễ Bánh Không Men. Họ sẽ vào trong sự an nghỉ đời đời của Đức Chúa Trời, tiêu biểu bởi ngày Sa-bát sau cùng của Lễ Bánh Không Men. Họ được tái sinh thuộc linh và sẽ phục sinh thuộc thể, tiêu biểu bởi Lễ Dâng Bó Lúa Đầu Mùa. Họ thuộc về Hội Thánh của Đức Chúa Trời trong Đức Chúa Jesus Christ, và vui sống trong sự quan phòng của Thiên Chúa, trong năng lực của Ngài, tiêu biểu bởi Lễ Ngũ Tuần.

Ngày nay con dân Chúa không cần phải giữ các ngày lễ hội như là một điều luật, vì ý nghĩa của những ngày lễ hội ấy đã và đang thể hiện trong chính đời sống của họ. Họ sống trong ý nghĩa của những ngày lễ hội ấy mỗi ngày. Tuy nhiên, việc giữ các ngày lễ hội ấy là thói quen của các sứ đồ và con dân Chúa trong Hội Thánh lúc ban đầu, khi Hội Thánh chưa bị tà giáo từ các giáo hội xâm nhập, để Hội Thánh cùng nhau nhớ đến những ơn Thiên Chúa đã làm ra cho Hội Thánh. Ngày nay, con dân Chúa cũng nên nhóm hiệp trong các ngày lễ hội ấy, để thông công với nhau và cùng nhau cảm tạ Thiên Chúa về những ân điển của Ngài được tiêu biểu bằng các ngày lễ hội ấy.

Huỳnh Christian Timothy
17/04/2014

Ghi Chú

Nếu không truy cập được các nối mạng dưới đây, xin vào https://server6.kproxy.com/, dán địa chỉ nối mạng vào ô tìm kiếm, rồi bấm nút surf!

[1] Xuất Ê-díp-tô Ký 23:16 Bản Hiệu Đính 2012 (https://thewordtoyou.net/bible/): “Ngươi hãy giữ Lễ Mùa Gặt, tức là mùa hoa quả đầu tiên của công lao ngươi về các giống ngươi đã gieo ngoài đồng; và giữ Lễ Thu Hoạch về lúc cuối năm, khi các ngươi đã hái hoa quả của công lao mình ngoài đồng rồi.”

Xuất Ê-díp-tô Ký 23:16 Bản Truyền Thống: “Ngươi hãy giữ lễ mùa màng, tức là mùa hoa quả đầu tiên của công lao ngươi về các giống ngươi đã gieo ngoài đồng; và giữ lễ mùa gặt về lúc cuối năm, khi các ngươi đã hái hoa quả của công lao mình ngoài đồng rồi.”

[2] Tham khảo https://timhieuthanhkinh.com/?p=67Tiết mục: Năm Do-thái: 3787; Năm Julian: 27; Năm Thánh Kinh: 1473.

Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Hiệu Đính 2012: Các câu Thánh Kinh được trích dẫn trong bài này là theo Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Hiệu Đính 2012. Đây là bản Thánh Kinh Việt Ngữ trên mạng, đang trong tiến trình hiệu đính để hoàn thành Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Dịch Ngôi Lời. Quý con dân Chúa có thể đọc tại đây: https://thewordtoyou.net/bible/.

  • Các chữ nằm trong hai dấu { } không có trong nguyên văn của Thánh Kinh, nhưng được hàm ý theo cấu trúc của văn phạm tiếng Hê-bơ-rơ và tiếng Hy-lạp.

  • Các chữ nằm trong hai dấu [ ] không có trong nguyên văn của Thánh Kinh, đó là chú thích của người dịch.

Những sách nào đã được hiệu đính hoàn toàn sẽ được đăng tại đây: https://christ.thanhkinhvietngu.net/.