Loài Người (03): Tâm Thần

6,296 views

Loài Người (03): Tâm Thần

Huỳnh Christian Timothy

Bấm vào nối mạng dưới đây để tải xuống bài viết này:
https://www.opendrive.com/folders?MV85MDE2OTM4X1Vqenpz

Bấm vào nối mạng dưới đây để tải xuống MP3 bài giảng này:
https://www.opendrive.com/folders?MV85MTIyMTE4XzB1MlRH
hoặc:
https://soundcloud.com/huynh-christian-timothy/sets/117_loainguoi

Phần âm thanh có nhiều chi tiết hơn phần bài viết

Dẫn Nhập

Trong bài thứ nhất, nói về nguồn gốc của loài người, chúng ta đã đề cập đến sự kiện Thiên Chúa sáng tạo nên loài người bằng cách:

  • Thiên Chúa dùng bụi của đất nắn nên thân thể vật chất của loài người.
  • Thiên Chúa thổi hơi thở sống của Ngài vào trong lỗ mũi của hình thể bụi đất.
  • Hình thể bụi đất trở nên một thân thể xác thịt, hơi thở sống của Thiên Chúa trở nên một thân thể thiêng liêng, gọi là tâm thần. Linh hồn loài người được sáng tạo trong giây phút tâm thần kết hợp với xác thịt. Linh hồn ở trong tâm thần và tâm thần ở trong xác thịt.

Trong câu chuyện về sự sáng tạo loài người, Thánh Kinh không cho chúng ta nhiều chi tiết. Tuy nhiên, theo thời gian, Thiên Chúa mạc khải cho loài người biết về bản thể, bản chất, và bản tính của loài người qua các phân đoạn khác nhau trong Thánh Kinh. Về bản thể (hình thể), loài người là một linh hồn sống được dựng nên theo hình Thiên Chúa. Về bản chất (chất liệu tạo nên bản thể), loài người ra từ bụi của đất và hơi thở sống của Thiên Chúa. Về bản tính (tính chất của bản thể), loài người được sáng tạo giống như Thiên Chúa, biết nhận thức, biết suy tư, biết cảm xúc, biết lựa chọn, và biết quyết định.

Bản chất xác thịt ra từ bụi đất thì chúng ta dễ dàng nhận thấy qua năm giác quan của xác thịt, còn bản chất thiêng liêng ra từ hơi thở sống của Thiên Chúa, tức là tâm thần ở trong thân thể xác thịt, thì chúng ta không thể nhìn thấy mà chỉ có thể nhận thức một cách siêu nhiên.

Qua thân thể xác thịt chúng ta nhận thức và giao tiếp với thế giới vật chất như thế nào thì qua thân thể thiêng liêng, là tâm thần, chúng ta cũng nhận thức và giao tiếp với thế giới thiêng liêng, thường gọi là thế giới thuộc linh, như thế ấy.

Từ ngữ “tâm thần” được dùng trong Thánh Kinh Việt ngữ, ở trong nguyên ngữ tiếng Hê-bơ-rơ của Thánh Kinh là “רוּח” (rûach), /ru-ác-kh/, H7307 và ở trong nguyên ngữ tiếng Hy-lạp của Thánh Kinh là “πνεῦμα” (pneuma), /niu-ma/, G4151. Hai từ ngữ này có nhiều nghĩa khác nhau, tùy theo văn mạch. Trước khi tìm hiểu về tâm thần của loài người, chúng ta cần biết qua các ý nghĩa của hai từ ngữ này khi chúng được dùng trong Thánh Kinh. Nhờ đó, chúng ta sẽ không bị lầm lẫn khi tìm hiểu những câu Thánh Kinh có hai từ ngữ này, và chúng ta sẽ hiểu rõ hơn sự quan hệ giữa tâm thần của loài người với Thiên Chúa Ngôi Thánh Linh và năng lực của Thiên Chúa là thánh linh.

Ý Nghĩa của “rûach” và “pneuma

Cả hai từ ngữ “rûach” và “pneuma” cùng được dịch sang tiếng Anh là “spirit” bao gồm các nghĩa khác nhau, như sau:

1. Đức Thánh Linh: Thiên Chúa Ngôi Ba, còn gọi là “Thần của Thiên Chúa”, “Đấng Thần Linh của Đức Chúa Trời” (I Cô-rinh-tô 2:11), “Đấng Thần Linh của Đức Chúa Jesus Christ” (Phi-líp 1:19), và “Đấng Thần Linh” (Công Vụ Các Sứ Đồ 16:7). Trong thời Cựu Ước thì Đức Thánh Linh chưa hề ngự trong thân thể của con dân Chúa mà Ngài chỉ tác động vào tâm thần và xác thịt của loài người để hoàn thành mọi ý muốn của Thiên Chúa. Trong thời Tân Ước thì Đức Thánh Linh ngự trong thân thể của con dân Chúa (I Cô-rinh-tô 3:16; 6:19), ban năng lực và ân tứ cho con dân Chúa để họ có thể sống theo điều răn và luật pháp của Thiên Chúa, làm trọn mọi việc lành mà Đức Chúa Trời đã sắm sẵn trước cho họ làm theo (Ê-phê-sô 2:10).

Khi Thiên Chúa Ngôi Ba hành động ở bên ngoài thân thể của loài người thì Thánh Kinh gọi là Đấng Thần Linh. Khi Thiên Chúa Ngôi Ba hành động bên trong thân thể loài người thì được Thánh Kinh gọi là Đức Thánh Linh để phân biệt với tâm thần của loài người và các tà linh xâm nhập vào thân thể loài người.

Ngày nay, trong các Phong Trào Ân Tứ và Ngũ Tuần chuyên về “nói tiếng lạ” và “đặt tay té ngã” người ta nhân danh Đức Thánh Linh làm ra đủ thứ chuyện nhưng thật ra chỉ là năng lực đến từ tà linh, vì tất cả các hiện tượng “nói tiếng lạ” và “đặt tay té ngã” đó hoàn toàn không có trong Thánh Kinh. Sa-tan đã lợi dụng sự kiện ân tứ nói ngoại ngữ mà Đức Thánh Linh đã ban cho các môn đồ của Chúa, được ghi lại trong Công Vụ Các Sứ Đồ 2, để mạo xưng danh Đức Thánh Linh cho hiện tượng lắp ba lắp bắp một thứ âm thanh không phải là ngôn ngữ.

2. Thánh linh: Năng lực của Thiên Chúa được thể hiện bởi Đức Thánh Linh, được ban cho loài người bởi Đức Thánh Linh. Chúng ta chớ lẫn lộn giữa thánh linh là năng lực của Thiên Chúa với Đức Thánh Linh là Ngôi Ba Thiên Chúa. Trong nguyên ngữ Hy-lạp của Thánh Kinh, khi đề cập đến Ngôi Ba Thiên Chúa thì có thêm mạo từ xác định đứng trước từ ngữ “pneuma”. Khi không có mạo từ xác định đứng trước thì chỉ về năng lực của Thiên Chúa. Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Dịch Truyền Thống đã lẫn lộn rất nhiều giữa “thánh linh” và “Đức Thánh Linh”. Những lỗi này đã được sửa chữa trong Bản Hiệu Đính 2012.

3. Bản chất vô hình của Thiên Chúa: Trong Thánh Kinh Việt ngữ được dịch là “Thần”. Giăng 4:24 chép về bản chất của Đức Chúa Trời như sau: “Đức Chúa Trời là Thần. Những người thờ phượng Ngài phải thờ phượng trong thần trí và trong lẽ thật”. Chúng ta không thể nào hiểu được bản chất vô hình của Thiên Chúa cho đến khi chúng ta được đối diện với Ngài trong cõi đời đời (I Cô-rinh-tô 13:12). Qua sự mạc khải của Chúa trong Thánh Kinh, chúng ta chỉ biết rằng: Thiên Chúa là ánh sáng, Thiên Chúa là sự sống, và Thiên Chúa là tình yêu.

4. Bản chất vô hình của thiên sứ: Trong Thánh Kinh Việt ngữ được dịch là “thần linh”, Hê-bơ-rơ 1:13-14 chép về bản chất của các thiên sứ như sau: “Ngài có bao giờ phán với các thiên sứ nào rằng: Hãy ngồi bên phải Ta, cho đến khi Ta đặt những kẻ thù nghịch của ngươi làm bệ cho chân của ngươi? Chẳng phải hết thảy họ là những thần linh phụng sự, đã được sai vào trong sự phục vụ cho những người sẽ hưởng cơ nghiệp của sự cứu rỗi sao?”

5. Bản chất vô hình của tà linh: Tà linh là những thiên sứ phạm tội, có thể nhập vào thân thể xác thịt của loài người. Trong Thánh Kinh Việt ngữ được dịch là “ác thần”, “quỷ”, “tà ma”, “tà linh” hoặc “thần linh”. Những câu Thánh Kinh sau đây chép về sự kiện các tà linh nhập vào thân thể xác thịt của loài người:

“Xảy ra vào ngày mai, ác thần được Thiên Chúa cho phép đến, đã nhập vào Sau-lơ…” (I Sa-mu-ên 18:10).

“Đến chiều, người ta đem cho Đức Chúa Jesus nhiều kẻ bị các quỷ ám, Ngài lấy lời nói mà đuổi các quỷ ra; cũng chữa được hết thảy những người bệnh.” (Ma-thi-ơ 8:16).

“Trong nhà hội có một người bị tà linh ám, cất tiếng kêu lớn lên rằng: Hỡi Jesus Na-xa-rét!” (Lu-ca 4:33).

6. Bản chất vô hình của loài người: Trong Thánh Kinh Việt ngữ được dịch là “tâm thần”.

“Nhưng chính Đức Chúa Trời của sự bình an khiến các anh chị em nên thánh trọn vẹn. Tâm thần, linh hồn, và thân thể của các anh chị em đều được giữ vẹn, không chỗ trách được, cho sự đến của Đức Chúa Jesus Christ chúng ta!” (I Tê-sa-lô-ni-ca 5:23).

“Vì Lời của Đức Chúa Trời sống và năng động; sắc hơn bất cứ gươm hai lưỡi nào; đến nỗi xuyên thấu và phân chia cả linh hồn, tâm thần, các khớp xương và tủy; xem xét những tư tưởng và những ý định của lòng.” (Hê-bơ-rơ 4:12).

Dù Thánh Kinh dùng cùng một từ ngữ để nói về bản chất vô hình của Thiên Chúa, của các thiên sứ, của các tà linh, và của loài người nhưng có sự khác biệt lớn giữa bản chất của Thiên Chúa và bản chất của các loài thọ tạo; có sự khác biệt lớn giữa bản chất thiêng liêng của các thiên sứ và tâm thần của loài người.

7. Khuynh hướng của loài người: Trong Thánh Kinh Việt ngữ được dịch là “tâm thần”. Các khuynh hướng như “nhút nhát”, “sợ hãi”, “gan dạ”, “dũng mãnh”… đều được gọi là “tâm thần” hoặc “thần trí” hoặc “tinh thần.”

“Vì Đức Chúa Trời chẳng ban cho chúng ta thần trí của sự sợ hãi, nhưng của năng lực, của tình yêu, và của sự tự kỷ luật.” (II Ti-mô-thê 1:7).

“…nhưng theo con người giấu kín ở trong lòng, trong sự chẳng hư nát của một tâm thần nhu mì, yên tĩnh. Ấy là điều rất quý trước mặt Đức Chúa Trời.” (I Phi-e-rơ 3:4).

8. Gió:

“Thật, ấy là Ngài đã làm nên các núi và sáng tạo gió. Ấy là Ngài làm cho người ta biết ý tưởng riêng của mình, đổi ban mai ra tối tăm, và bước đi trên những chỗ cao trên đất. Danh Ngài là Thiên Chúa Tự Hữu Hằng Hữu Vạn Quân.” (A-mốt 4:13).

“Gió thổi nơi nào nó muốn. Ngươi nghe tiếng của nó nhưng chẳng biết từ đâu nó đến và nơi nào nó đi. Ai được sinh bởi Đấng Thần Linh thì cũng như vậy.” (Giăng 3:8).

9. Hơi thở:

“Bấy giờ kẻ vô luật pháp kia sẽ được tỏ ra, kẻ mà Chúa sẽ hủy diệt bởi hơi thở của miệng Ngài và vô hiệu hóa bởi sự chói sáng của sự Ngài đến.” (II Tê-sa-lô-ni-ca 2:8).

Trong bài này, chúng ta chỉ tìm hiểu về “tâm thần” loài người.

Đặc Tính của Tâm Thần

Dựa vào các sinh hoạt và chức năng của thân thể xác thịt trong thế giới vật chất mà chúng ta có thể hiểu được các sinh hoạt và chức năng của thân thể thiêng liêng, là tâm thần, trong thế giới thuộc linh. Chúng ta cần ghi nhớ rằng, thân thể xác thịt của chúng ta sinh hoạt trong và tương tác với thế giới thuộc thể như thế nào thì thân thể thiêng liêng của chúng ta cũng sinh hoạt trong và tương tác với thế giới thuộc linh như thế ấy.

Tâm thần giúp cho chúng ta nhìn thấy, tiếp xúc với, và cảm nhận được thế giới thuộc linh. Qua tâm thần mà chúng ta có thể:

  • Nhận thức có một Thiên Chúa, nhận thức năng lực và bản tính của Ngài (Rô-ma 1:19-20), nghe được tiếng phán của Ngài (Hê-bơ-rơ 3:7-8), biết được ý muốn của Ngài (Phi-líp 2:13). Nhìn thấy được những mạc khải từ Ngài (Công Vụ Các Sứ Đồ 10:11-16; II Cô-rinh-tô 12:1-4; Khải Huyền 1:10-11).
  • Nhận thức được các tiêu chuẩn yêu thương, thánh khiết, và công chính của Thiên Chúa, đồng thời ghi khắc sự nhận thức đó trong lương tâm:

“…Ta sẽ đặt luật pháp của Ta bên trong chúng nó và chép trong lòng của chúng nó. Ta sẽ làm Thiên Chúa của chúng nó và chúng nó sẽ làm dân Ta. Chúng nó ai nấy sẽ chẳng dạy người lân cận mình hay là anh em mình, nói rằng: Hãy nhìn biết Đấng Tự Hữu Hằng Hữu! Vì hết thảy chúng nó đều sẽ nhìn biết Ta, người nhỏ cũng như người lớn…” (Giê-rê-mi 31:33-34).

“Ấy là giao ước mà Ta sẽ lập với nhà I-sơ-ra-ên sau những ngày đó, Chúa phán, ban cho những luật pháp của Ta vào trong tâm trí của họ và ghi chúng lên trên những tấm lòng của họ. Ta sẽ là Thiên Chúa đối với họ và họ sẽ là dân chúng đối với Ta.” (Hê-bơ-rơ 8:10).

“Chúa phán: Này, giao ước mà Ta sẽ lập với họ sau những ngày đó. Ta sẽ ban các luật pháp của Ta trong những tấm lòng của họ, và trong những tâm trí của họ Ta sẽ ghi chúng.” (Hê-bơ-rơ 10:16).

  • Từ chỗ nhận thức Thiên Chúa và các tiêu chuẩn của Ngài, đức tin vào trong Thiên Chúa nảy sinh.
  • Đức tin vào Thiên Chúa dẫn đến sự vâng phục và thờ phượng Thiên Chúa.

Lương tâm, đức tin, và thờ phượng là ba chức năng của tâm thần loài người mà các loài thú vật không hề có.

Sự Chết của Tâm Thần

Khi loài người mới được dựng nên thì từ tâm thần, linh hồn, cho đến thể xác đều trọn lành và tốt đẹp như tất cả mọi loài thọ tạo khác. Thiên Chúa kết thúc phần ký thuật về sự sáng tạo của Ngài như sau:

“Thiên Chúa thấy mọi việc Ngài đã làm thật rất tốt lành. Vậy, có buổi tối và buổi sáng; ấy là ngày Thứ Sáu.” (Sáng Thế Ký 1:31).

Liền sau khi loài người phạm tội thì tội lỗi làm cho loài người bị phân rẽ khỏi Thiên Chúa. Từ đó, tâm thần không còn được tương giao với Thiên Chúa, và ngôn ngữ của Thần học gọi đó là sự chết thuộc linh.

Từ ngữ “chết” trong Thánh Kinh luôn luôn có nghĩa là bị phân rẽ và không hề có nghĩa là bị tan biến thành hư không.

  • Sự chết thứ nhất bao gồm sự chết của tâm thần và xác thịt. Sự chết của tâm thần là tâm thần bị phân rẽ khỏi Đức Chúa Trời. Sự chết của thân thể xác thịt là sự phân rẽ của linh hồn và tâm thần khỏi thân thể xác thịt. Thân thể xác thịt trở về với bụi đất và vẫn còn đó trong thế giới vật chất, chờ ngày được sống lại. Tâm thần trở về cùng Đức Chúa Trời (Truyền Đạo 12:7). Linh hồn vào trong âm phủ (Lu-ca 16:19-31), chờ ngày thân thể xác thịt được gọi sống lại và ra trước tòa phán xét của Đức Chúa Jesus Christ (Khải Huyền 20:11-15).

Riêng đối với người ở trong sự cứu rỗi của Đức Chúa Jesus Christ thì tâm thần và linh hồn sau khi rời khỏi thân thể xác thịt được vào trong thiên đàng, ở với Đấng Christ. Sứ Đồ Phao-lô tâm sự với các thánh đồ tại thành Phi-líp rằng: “Nếu sống trong xác thịt là kết quả cho sự làm việc của tôi, thì tôi chẳng biết nên chọn điều gì. Vì tôi bị ép giữa hai bề, khao khát được đi, ở với Đấng Christ, là điều tốt hơn nhiều; nhưng cứ ở trong xác thịt, là sự cần hơn cho các anh chị em.” (Phi-líp 1:22-24). Mệnh đề “khao khát được đi, ở với Đấng Christ” mà Phao-lô dùng trong lời tâm tình trên đây hàm ý: người ở trong Chúa sau khi ra khỏi thân thể xác thịt thì linh hồn và tâm thần được vào trong thiên đàng, ở cùng Đấng Christ; bởi vì, người ở trong Chúa là người mà tâm thần và linh hồn đã được tái sinh, được vào trong Vương Quốc của Đức Chúa Trời (Giăng 3:5). Trong ngày Đấng Christ trở lại thế gian để đem Hội Thánh ra khỏi thế gian thì thân thể xác thịt của những người ở trong Chúa được sống lại hoặc được biến hóa (I Cô-rinh-tô 15:51-52; I Tê-sa-lô-ni-ca 4:13-17). Khi đó, mỗi người ở trong Chúa sẽ được phục hồi cách trọn vẹn: tâm thần, linh hồn, và thể xác hiệp một trong vinh quang cho đến đời đời.

  • Sự chết thứ hai hay sự chết đời đời là sự phân rẽ khỏi mặt Chúa và sự vinh quang của sức mạnh Ngài cho đến đời đời đối với những ai không tin nhận Ngài (II Tê-sa-lô-ni-ca 1:9; Khải Huyền 21:8). Thân thể xác thịt của những người không tin nhận Chúa cũng sẽ được sống lại, kết hợp với linh hồn đang bị giam trong âm phủ, để ra trước tòa phán xét của Đức Chúa Jesus Christ. Sau sự phán xét thì họ bị giam vào hỏa ngục cho đến đời đời (Khải Huyền 20:11-15). Những người này sẽ chỉ là linh hồn ở trong thân thể xác thịt mà không có thân thể thiêng liêng là tâm thần, bởi vì, họ không còn ở trong sự tương giao với Thiên Chúa.

Sau khi loài người bị phân rẽ khỏi Thiên Chúa vì tội lỗi thì loài người thông công với Ma Quỷ. Trong một giới hạn nhất định, Ma Quỷ có thể tạo ra những dấu kỳ phép lạ, thậm chí có thể ban ơn và giáng họa cho những ai thờ phượng nó. Ma Quỷ giả dạng thành thiên sứ của sự sáng (II Cô-rinh-tô 11:14), tạo ra vô số tín ngưỡng và tôn giáo để quyến dụ loài người thờ lạy hình tượng, tà thần, cùng đủ mọi loài thọ tạo, để làm nhục hình ảnh của Thiên Chúa ở trong loài người.

Đối với những người thích sống buông thả theo sự ưa thích của xác thịt thì Ma Quỷ bày ra và xúi giục họ sống cho những thú vui tội lỗi nghịch lại tiêu chuẩn yêu thương, công chính, và thánh khiết của Thiên Chúa. Đối với những người chuộng về thuộc linh thì Ma Quỷ tung ra các triết học, tín ngưỡng và tôn giáo, gọi chung là “con đường” hay là “đạo”. Mỗi người tùy ý chọn cho mình một con đường hay một đạo do Ma Quỷ đưa ra mà không biết rằng: “Có một con đường coi dường chính đáng cho loài người; nhưng đến cuối cùng là những nẻo của sự chết.” (Châm Ngôn 14:12; 16:25). Điều đó được Đức Chúa Jesus Christ nói rõ trong Ma-thi-ơ 7:13-14: “Các ngươi hãy vào trong cửa hẹp, vì cửa rộng và đường khoảng khoát dẫn đến sự hư mất, và có nhiều kẻ vào trong đó. Bởi vì cửa hẹp và đường chật dẫn đến sự sống, thì có ít người tìm gặp nó.”

Con đường rộng và xem dường chính đáng trong thế gian ngày nay mà hàng triệu người đang hớn hở đi vào, chính là các sản phẩm tôn giáo mang danh Chúa. Những lời sau đây của Đức Chúa Jesus Christ, rõ ràng và sống động, âm vang trong suốt gần hai ngàn năm qua cho đến ngày nay, nhưng ít có ai quan tâm ghi nhận:

“Chẳng phải hễ ai nói với Ta rằng: Lạy Chúa! Lạy Chúa! Thì sẽ được vào trong Vương Quốc Trời, nhưng ai làm theo ý muốn của Cha Ta, Đấng ở trên trời. Trong ngày đó, nhiều người sẽ thưa với Ta rằng: Lạy Chúa! Lạy Chúa! Chúng tôi chẳng từng nhân danh Ngài nói tiên tri sao? Nhân danh Ngài trừ quỷ sao? Nhân danh Ngài làm nhiều phép lạ sao?  Khi ấy, Ta sẽ khẳng định với họ rằng: Ta chẳng biết các ngươi bao giờ! Hãy lui ra khỏi Ta! Các ngươi là những kẻ làm ác.” (Ma-thi-ơ 7:21-23).

Sự Tái Sinh của Tâm Thần

Sự tái sinh của tâm thần, linh hồn, và xác thịt là một huyền nhiệm không ai có thể hiểu được. Qua những sự dạy dỗ của Thánh Kinh chúng ta biết rằng:

  • Tội lỗi dẫn đến sự chết thuộc linh và sự chết thuộc thể.
  • Ân điển cứu rỗi của Đức Chúa Trời ban cho loài người sự tái sinh thuộc linh và sự tái sinh thuộc thể.
  • Những ai tin nhận sự cứu rỗi của Đức Chúa Trời thì lập tức được tái sinh tâm thần và linh hồn, còn thể xác sẽ được tái sinh hoặc được biến hóa trong ngày Đức Chúa Jesus Christ trở lại để đem Hội Thánh vào trong thiên đàng.

II Cô-rinh-tô 5:17 dạy rằng: “Vậy, nếu ai ở trong Đấng Christ thì người ấy là một tạo vật mới. Những sự cũ đã qua đi. Này, mọi sự đã trở nên mới.” Từ ngữ “tạo vật mới” nghĩa là một vật được Thiên Chúa làm cho mới lại. Sự Thiên Chúa làm cho một người ở trong Đấng Christ thành ra mới được Đức Chúa Jesus Christ gọi là “được sinh từ trên cao” (Giăng 3:3) mà các bản dịch Thánh Kinh thường dịch là “sự tái sinh” hoặc “được sinh lại”.

Sự tái sinh là hành động của Thiên Chúa qua thân vị Đức Thánh Linh [1]. Một người thật lòng ăn năn tội, tin nhận sự cứu rỗi của Đức Chúa Jesus Christ, và bằng lòng sống theo Lời Chúa, xưng nhận ra bằng lời nói (Rô-ma 10:10), thì lập tức người ấy được Đức Chúa Jesus Christ dùng máu của Ngài rửa cho sạch tội (Khải Huyền 1:5), được Đức Chúa Trời tha tội, và bản ngã, tức linh hồn, cùng thân thể thiêng liêng của người ấy, tức tâm thần, được Đức Thánh Linh tái sinh.

Nhờ tâm thần được tái sinh mà một người được thông công trở lại với Thiên Chúa, được nhận thức ngày càng sâu nhiệm về Thiên Chúa và mới có thể thờ phượng Thiên Chúa một cách đẹp ý Ngài (Giăng 4:23-24). Nhờ linh hồn được tái sinh mà một người có được năng lực để sống theo Lời Chúa: yêu Chúa, Đức Chúa Trời với hết thảy tấm lòng, với hết thảy linh hồn, với hết thảy tâm trí, với hết thảy sức mạnh và yêu kẻ lân cận như chính mình (Mác 12:30-31).

Các Quan Điểm Sai Lầm về Tâm Thần

Có hai quan điểm sai lầm về tâm thần dẫn đến sự hiểu biết không đúng về bản thể, bản chất, và bản tính của loài người như đã được bày tỏ trong Thánh Kinh.

Quan điểm thứ nhất cho rằng tâm thần với linh hồn là một, nói cách khác, quan điểm này cho rằng linh hồn tức là tâm thần và tâm thần tức là linh hồn, là bản ngã vô hình của một người. Trong bài kế tiếp, trình bày về ý nghĩa của những câu Thánh Kinh liên quan đến tâm thần, chúng ta sẽ thấy rõ quan điểm này không đúng với lẽ thật được bày tỏ trong Thánh Kinh.

Quan điểm thứ hai cho rằng tâm thần tức là sự sống hay sức sống ở trong thân thể xác thịt, người Giê-hô-va Chứng Nhân gọi là “sinh hoạt khí”. Đây là sự áp dụng ý nghĩa của một từ ngữ không đúng theo văn mạch. Như đã nói, cả hai từ ngữ “rûach” và “pneuma” trong Thánh Kinh, cùng được dịch sang tiếng Anh là “spirit”, vừa có nghĩa là “hơi thở” để chỉ về sự sống đang vận hành trong một thân thể xác thịt, vừa có nghĩa là “tâm thần” để chỉ về bản thể thiêng liêng của loài người; nếu chỉ dựa vào một ý nghĩa để giải kinh thì sẽ dẫn đến sự sai lầm nghiêm trọng.

Kết Luận

Loài người là một vật sống do Thiên Chúa dựng nên cách lạ lùng theo hình Ngài và giống như Ngài trong thế giới thuộc thể lẫn thế giới thuộc linh. Vì thế, loài người có thân thể vật chất lẫn thân thể thiêng liêng. Thân thể thiêng liêng của loài người được gọi là tâm thần. Thân thể xác thịt nhận thức và sinh hoạt trong thế giới vật chất như thế nào thì tâm thần cũng nhận thức và sinh hoạt trong thế giới thuộc linh như thế ấy. Tội lỗi khiến cho tâm thần bị phân rẽ khỏi Thiên Chúa, bị Ma Quỷ dẫn dụ thông công với thế giới của tà linh và thờ phượng tà linh. Sự phân rẽ của tâm thần ra khỏi Thiên Chúa tức là sự chết thuộc linh.

Khi một người thật lòng ăn năn tội, tiếp nhận sự cứu rỗi của Đức Chúa Jesus Christ thì tâm thần được tái sinh, mối tương giao với Thiên Chúa được phục hồi. Nhờ đó, loài người có năng lực sống theo Lời Chúa và hiểu biết Thiên Chúa càng hơn, có thể thờ phượng Thiên Chúa theo như ý muốn của Thiên Chúa.

Mọi lẽ thật cần biết về tâm thần đã được Thiên Chúa giãi bày trong Thánh Kinh. Tất cả những quan điểm Thần học và giáo lý về tâm thần mà không đúng theo sự dạy dỗ của Thánh Kinh đều là tà giáo, ra từ Sa-tan để dẫn loài người xa rời lẽ thật của Lời Chúa.

Nguyện xin “chính Đức Chúa Trời của sự bình an khiến các anh chị em nên thánh trọn vẹn. Tâm thần, linh hồn, và thân thể của các anh chị em đều được giữ vẹn, không chỗ trách được, cho sự đến của Đức Chúa Jesus Christ chúng ta! Ngài là thành tín! Đấng đã kêu gọi các anh chị em. Ngài cũng sẽ làm điều ấy!” (I Tê-sa-lô-ni-ca 5:23-24).

Huỳnh Christian Timothy
27/10/2012

Ghi Chú

[1] Xem các bài viết về sự tái sinh tại đây:

https://timhieutinlanh.com/thanhoc/ba-phuong-dien-cua-su-cuu-roi-su-xung-nghia-su-tai-sinh-va-su-thanh-hoa-264/

https://timhieutinlanh.com/thanhoc/y-nghia-cua-mot-so-cau-thanh-kinh-lien-quan-den-su-tai-sinh-va-su-thanh-hoa-265/

[A] Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Hiệu Đính 2012: Các câu Thánh Kinh được trích dẫn trong bài này là theo Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Hiệu Đính 2012. Đây là bản Thánh Kinh Việt Ngữ trên mạng, đang trong tiến trình hiệu đính để hoàn thành Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Dịch Ngôi Lời. Quý con dân Chúa có thể đọc tại đây: https://thanhkinhvietngu.online/tiengviet/.

  • Các chữ nằm trong hai dấu { } không có trong nguyên văn của Thánh Kinh, nhưng được hàm ý theo cấu trúc của văn phạm tiếng Hê-bơ-rơ và tiếng Hy-lạp.

  • Các chữ nằm trong hai dấu [ ] không có trong nguyên văn của Thánh Kinh, đó là chú thích của người dịch.

Những sách nào đã được hiệu đính hoàn toàn sẽ được đăng tại đây: https://christ.thanhkinhvietngu.net/.

[B] Dùng các nối mạng dưới đây để tra xem ý nghĩa trong Anh ngữ và nghe cách phát âm của một từ ngữ Hê-bơ-rơ trên Internet:

[C] Dùng các nối mạng dưới đây để tra xem ý nghĩa trong Anh ngữ và nghe cách phát âm của một từ ngữ Hy-lạp trên Internet:


Copyright Notice: All Rights Reserved © 2012 Vietnamese Christian Mission Ministry.
Thông Báo Tác Quyền: Mọi tác quyền thuộc về Vietnamese Christian Mission Ministry. Mọi người có thể sao chép, phổ biến dưới mọi hình thức nhưng xin giữ đúng nguyên văn, kể cả thông báo về tác quyền này.