Loài Người (11): Thảo Luận về Linh Hồn và Sự Chết Đời Đời

10,103 views

Loài Người (11): Thảo Luận về Linh Hồn và Sự Chết Đời Đời

Huỳnh Christian Timothy

Bấm vào nối mạng dưới đây để tải xuống bài viết này:
https://www.opendrive.com/folders?MV85MDE2OTM4X1Vqenpz

Bấm vào nối mạng dưới đây để tải xuống MP3 bài giảng này:
https://www.opendrive.com/folders?MV85MTIyMTE4XzB1MlRH
hoặc:
https://soundcloud.com/huynh-christian-timothy/sets/117_loainguoi

Phần âm thanh có nhiều chi tiết hơn phần bài viết

Vào ngày 01/06/2013, tôi nhận được email của một tín hữu, nội dung là các lý luận nhằm bài bác tín lý “linh hồn tồn tại ngoài thân thể xác thịt” và bài bác tín lý “những người không thuộc về Chúa sẽ chịu khổ đời đời trong hỏa ngục”. Những gì được trình bày trong email hoàn toàn giống với các tà thuyết của Giáo Hội Cơ-đốc Phục Lâm (Seventh Day Adventist).

Tôi cầu nguyện xin Chúa soi sáng cho người tín hữu này về lẽ thật của Thánh Kinh, và xin Chúa giúp cho tôi được ơn trong sự trình bày một bài biện giáo về hai tín lý nêu trên. Tôi cũng cầu nguyện xin Đức Thánh Linh dùng bài biện giáo này để giúp cho những thành viên của Giáo Hội Cơ-đốc Phục Lâm, và những thành viên của các giáo hội, giáo phái ra từ Giáo Hội Cơ-đốc Phục Lâm như Giáo Hội Chứng Nhân Giê-hô-va (Jehovah’s Witnesses), Giáo Hội Hội Thánh Toàn Cầu của Đức Chúa Trời (Worldwide Church of God), v.v. được hiểu biết lẽ thật của hai tín lý nêu trên.

Trước hết, tôi cũng xin quý bạn đọc lưu ý các điểm sau đây:

  • Những câu Thánh Kinh được trích dẫn trong bài này là từ Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Hiệu Đính 2012 và từ Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Dịch Ngôi Lời. Quý bạn đọc có thể tham khảo trên mạng: www.thanhkinhvietngu.online/tiengviet//biblehttps://christ.thanhkinhvietngu.net/

  • Trong bài này: Danh xưng Thiên Chúa được dùng để chỉ chung thân vị hoặc bản thể của Ba Ngôi Thiên Chúa, như được dùng trong Cựu Ước hoặc như được dùng trong Tân Ước khi không có mạo từ xác định đi chung. Danh xưng Đức Chúa Trời được dùng để chỉ Thiên Chúa Ngôi Cha như được dùng trong Tân Ước khi có mạo từ xác định đi chung. Danh xưng Chúa được dùng chung cho Ba Ngôi Thiên Chúa hoặc cho từng Ngôi, tùy theo văn mạch. Thí dụ, danh xưng Chúa trong II Tê-sa-lô-ni-ca 1:9, được dùng để gọi Đức Chúa Jesus Christ [1].

  • Để các bạn đọc biết Anh ngữ tiện bề tra cứu và tham khảo, tôi kèm theo từ Anh ngữ cho một số thuật ngữ được dùng trong bài này.

  • Người viết email dùng Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Dịch Phổ Thông, là bản dịch dùng danh từ “Thượng Đế” để gọi Thiên Chúa và Đức Chúa Trời. Dù cá nhân tôi không chấp nhận việc dùng danh từ Thượng Đế để gọi Thiên Chúa của Thánh Kinh [2], nhưng trong bài này tôi vẫn trích nguyên văn từ email, ngoại trừ việc thêm dấu chấm câu ở một số chỗ và thêm dấu chữ tiếng Việt.

Kế tiếp, tôi xin diễn giải một cách tóm lược các giáo lý của Thánh Kinh về: linh hồn, loài người, sự chết, sự sống, sự chết đời đời, và sự sống đời, để làm nền tảng cho những lời biện giáo tiếp theo sau:

1. Mỗi người là một thực thể (entity) do Thiên Chúa tạo ra, là một linh hồn (soul) có sự sống đến từ Thiên Chúa, tiếng Hán Việt gọi là sinh linh (living soul). Linh hồn người là một thực thể thiêng liêng (spiritual entity). Linh hồn người có một thân thể thiêng liêng (spirit), được dịch là tâm thần trong Thánh Kinh Việt Ngữ, và có một thân thể vật chất, Thánh Kinh gọi là bụi đất hoặc thịt và huyết (flesh and blood). Linh hồn ở trong tâm thần và tâm thần ở trong xác thịt [3].

Khi nói đến “người” là nói đến một thực thể thiêng liêng, cùng lúc ở trong một thân thể thiêng liêng và ở trong một thân thể vật chất. Danh từ “người” và danh từ “linh hồn” được Thánh Kinh dùng thay thế lẫn nhau. Người là linh hồn, linh hồn là người. Câu: “Ông Nguyễn Văn A” và câu “Linh hồn Nguyễn Văn A” có cùng một nghĩa với nhau. Cách nói “linh hồn tôi” tương đương với cách nói “bản thân tôi!” “con người tôi!” đều có nghĩa là: “chính tôi!”

“Tôi” là một linh hồn sống được Thiên Chúa dựng nên giống như Thiên Chúa để làm con của Ngài. “Tôi” đang ở trong một thân thể thiêng liêng là tâm thần, và thân thể thiêng liêng đó đang ở trong một thân thể vật chất là xác thịt! “Tôi” sống tức là “tôi” suy tư, cảm xúc, và hành động theo sự nhận thức qua hai thân thể của tôi là tâm thần và xác thịt. Thân thể thiêng liêng giúp linh hồn nhận thức và tương giao với cõi thuộc linh. Thân thể xác thịt giúp cho linh hồn nhận thức và tương giao với cõi vật chất.

2. Từ ngữ “sự chết” được dùng trong Thánh Kinh có nghĩa là “sự bị phân rẽ”. Sự kiện linh hồn và tâm thần phân rẽ khỏi thân thể vật chất, được gọi là sự chết của thân thể vật chất. Sự kiện linh hồn và thân thể xác thịt bị ở trong hỏa ngục, bị phân rẽ đời đời khỏi sự tương giao với Thiên Chúa, được gọi là sự chết thứ hai. Từ ngữ sự chết không bao giờ có nghĩa là tiêu tan thành hư không. Trong sự chết của thân thể xác thịt (sự chết thứ nhất), các nguyên tố vật chất tạo thành thân thể vẫn còn đó và sẽ được phục sinh. Trong sự chết thứ hai nơi hỏa ngục, linh hồn ở trong thân thể vật chất đã được phục sinh, và mãi mãi thực hữu trong tình trạng bị phân rẽ khỏi sự tương giao với Thiên Chúa.

3. Tất cả những gì đã được Thiên Chúa dựng nên sẽ còn lại mãi mãi vì Thiên Chúa là Đấng đời đời. Không một chỗ nào trong Thánh Kinh dạy rằng, loài thọ tạo bởi Thiên Chúa có thể tan biến thành hư không.

Truyền Đạo 3:14 chép:

Ta biết rằng mọi việc Đức Chúa Trời làm nên còn có đời đời: Người ta chẳng thêm gì được, cũng không bớt gì được; Đức Chúa Trời làm như thế, để loài người kính sợ trước mặt Ngài.”

Từ ngữ “mọi việc” trong câu trên có ngoại trừ các thiên sứ và loài người hay không? Từ ngữ “còn có đời đời” trong câu trên có cùng một nghĩa như khi được dùng để nói sự nhân từ của Thiên Chúa còn có đời đời hay không?

Thi Thiên 104:5 chép:

“Ngài sáng lập đất trên các nền nó; đất sẽ không bị dời chỗ cho đến đời đời” [4].

Các nền của trái đất tức là các nguyên tố và định luật tạo thành trái đất. Đất không bị dời chỗ cho đến đời đời có nghĩa là, dù cho khi Thiên Chúa tái tạo trời mới, đất mới thì các nguyên tố và định luật tạo thành trái đất vẫn không thay đổi, vị trí của trái đất mà Ngài đã định cho nó cũng sẽ không thay đổi. Nếu trái đất là loài vô tri vô giác mà còn lại đời đời thì tại sao các loài có tri giác là thiên sứ và loài người không còn lại đời đời? Nhất là khi Thiên Chúa đã tạo dựng nên loài người theo hình ảnh của chính Ngài? Hình ảnh của Thiên Chúa có thể trở thành hư không, trở thành không có gì hết hay sao?

Mỗi vật thọ tạo sẽ còn lại đời đời với trạng thái ở trong sự phước hạnh của Thiên Chúa hoặc ở trong sự hình phạt của Thiên Chúa. Thiên Chúa là nhân từ nên phước hạnh của Ngài còn lại đời đời. Thiên Chúa là thánh khiết nên tội lỗi phải bị hình phạt. Thiên Chúa là công chính nên những ai chống nghịch Thiên Chúa phải chịu hình phạt đời đời. Chỉ có hình phạt đời đời mới tương xứng với tội chống nghịch Đấng Đời Đời. Được ở trong sự phước hạnh đời đời hay bị ở trong sự hình phạt đời đời là sự chọn lựa của mỗi thiên sứ và mỗi người. Ý tưởng cho rằng: Vì Thiên Chúa là nhân từ, cho nên, Ngài không thể nào hình phạt những kẻ có tội phải chịu đau khổ đời đời trong hỏa ngục, là một ý tưởng phạm thượng. Phạm thượng vì đương nhiên cho rằng, Đức Chúa Jesus Christ đã nói dối, đáng bị ném đá như các tiên tri giả, khi Ngài phán truyền cho Giăng ghi lại trong Khải Huyền 20:10, lời tiên tri của Ngài về sự kiện: Ma quỷ, AntiChrist, và tiên tri giả sẽ bị đau khổ cả ngày lẫn đêm cho đến đời đời!

Khải Huyền 19:20 cho chúng ta biết, vào cuối Thời Đại Nạn, AntiChrist và tiên tri giả của hắn đang sống, bị bắt và bị ném vào hỏa ngục. Sau đó một ngàn năm, Sa-tan cũng bị ném vào hỏa ngục. Thánh Kinh cho biết là lúc ấy, trong hỏa ngục, vẫn còn AntiChrist và tiên tri giả, bởi vì: Chúng sẽ bị đau khổ cả ngày lẫn đêm cho tới đời đời.” (Khải Huyền 20:10).

Tôi xin trích dẫn dưới đây Khải Huyền 20:10 trong nguyên ngữ Hy-lạp của Thánh Kinh và qua một vài bản dịch Việt và Anh ngữ. Quý bạn đọc có thể dùng từ điển Hy-lạp trên mạng để tra cứu từng từ ngữ được dùng trong câu này [5]:

Thánh Kinh Nguyên Ngữ Hy-lạp – Textus Receptus, với mã số Strong: “καιG2532 CONJ οG3588 T-NSM διαβολοςG1228 A-NSM οG3588 T-NSM πλανωνG4105 V-PAP-NSM αυτουςG846 P-APM εβληθηG906 V-API-3S ειςG1519 PREP τηνG3588 T-ASF λιμνηνG3041 N-ASF τουG3588 T-GSN πυροςG4442 N-GSN καιG2532 CONJ θειουG2303 N-GSN οπουG3699 ADV τοG3588 T-NSN θηριονG2342 N-NSN καιG2532 CONJ οG3588 T-NSM ψευδοπροφητηςG5578 N-NSM καιG2532 CONJ βασανισθησονταιG928 V-FPI-3P ημεραςG2250 N-GSF καιG2532 CONJ νυκτοςG3571 N-GSF ειςG1519 PREP τουςG3588 T-APM αιωναςG165 N-APM τωνG3588 T-GPM αιωνωνG165 N-GPM

Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Dịch Ngôi Lời: “Ma Quỷ, kẻ lừa dối chúng, bị ném vào hồ lửa và lưu hoàng, nơi có con thú và tiên tri giả. Chúng sẽ bị đau khổ cả ngày lẫn đêm cho tới đời đời.”

Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Dịch Truyền Thống: “Còn ma quỷ là đứa đã dỗ dành chúng, thì bị quăng xuống hồ lửa và diêm, trong đó đã có con thú và tiên tri giả rồi. Chúng nó sẽ phải chịu khổ cả ngày lẫn đêm cho đến đời đời.”

King James Version: “And the devil that deceived them was cast into the lake of fire and brimstone, where the beast and the false prophet are, and shall be tormented day and night for ever and ever.”

Literal Translation of the Bible: “And the Devil leading them astray was thrown into the Lake of Fire and Brimstone, where the beast and the false prophet were. And they were tormented day and night to the ages of the ages.”

Young’s Literal Translation: “and the Devil, who is leading them astray, was cast into the lake of fire and brimstone, where are the beast and the false prophet, and they shall be tormented day and night–to the ages of the ages.”

New International Version: “And the devil, who deceived them, was thrown into the lake of burning sulfur, where the beast and the false prophet had been thrown. They will be tormented day and night for ever and ever.”

Những ai cố ý phủ nhận sự kiện, những người bị hư mất phải cùng với ma quỷ chịu khổ đời đời trong hỏa ngục, là phủ nhận Lời Chúa, là bớt đi Lời Chúa trong sách Khải Huyền. Họ sẽ bị Đức Chúa Trời xóa tên khỏi Sách Sự Sống:

“Nếu ai lấy đi điều gì khỏi những lời của sách tiên tri này, Đức Chúa Trời sẽ lấy phần của người ấy khỏi Sách Sự Sống, khỏi thành thánh và khỏi những sự đã được chép trong sách này.” (Khải Huyền 22:19).

Sa-tan thật là xảo quyệt! Nó đã dựng nên một giáo hội kêu gọi con dân Chúa vâng giữ ngày Sa-bát theo đúng Thánh Kinh, nhưng cũng chính giáo hội đó lại dạy cho con dân Chúa, bớt đi Lời của Chúa trong sách Khải Huyền, để họ bị Đức Chúa Trời xóa tên họ khỏi Sách Sự Sống! Vâng giữ ngày Sa-bát có ích lợi gì khi công khai chống nghịch lại các lẽ thật khác của Lời Chúa, là những điều đã được ghi chép rõ ràng trong Thánh Kinh?

4. Sự sống thuộc thể là sự linh hồn ở trong tâm thần, tâm thần ở trong xác thịt. Sự chết thuộc thể là tâm thần ra khỏi xác thịt, về với Thiên Chúa là Đấng đã ban nó, xác thịt về lại cùng bụi đất, linh hồn vào nơi Ba-ra-đi (vườn phước hạnh) hoặc nơi âm phủ:

“Trong mồ hôi của mặt ngươi, ngươi sẽ ăn bánh, cho đến khi ngươi sẽ trở về đất, vì ngươi được lấy ra từ đó. Vì ngươi là bụi và ngươi sẽ trở về bụi.” (Sáng Thế Ký 3:19).

“Rồi, bụi đất sẽ trở về đất y như cũ, tâm thần sẽ trở về với Đức Chúa Trời, là Đấng đã ban nó.” (Truyền Đạo 12:7).

“Người nghèo chết, thiên sứ đem để vào ở trong lòng của Áp-ra-ham. Người giàu cũng chết, người ta đem chôn. [“Ở trong lòng” là một thành ngữ, có nghĩa: gần gũi, thân mật.] Trong âm phủ, ở trong sự đau đớn, người ngước mắt mình lên, thấy Áp-ra-ham từ xa và La-xa-rơ ở trong lòng của ông…” (Lu-ca 16:22-23).

“Đức Chúa Jesus đáp rằng: Thật! Ta nói với ngươi, hôm nay, ngươi sẽ ở với Ta trong Ba-ra-đi. [Ba-ra-đi có nghĩa là Vườn Vui Thỏa.]” (Lu-ca 23:43).

5. Sự sống thuộc linh là sự tổng thể con người, tức là linh hồn, tâm thần, và xác thịt, được ở trong mối tương giao với Thiên Chúa. Sự chết thuộc linh là sự tổng thể con người, tức là linh hồn, tâm thần, và xác thịt, bị phân rẽ khỏi mối tương giao với Thiên Chúa.

6. Sự sống đời đời là sự tổng thể con người với thân thể vật chất đã được phục sinh hoặc được biến hóa, mãi mãi ở trong mối tương giao với Thiên Chúa, sống trong hạnh phúc với Thiên Chúa, không còn ý thức về đau khổ:

“Đức Chúa Trời sẽ lau hết mọi nước mắt khỏi mắt của họ. Sẽ không còn sự chết, không còn buồn khổ, không còn khóc lóc, cũng sẽ không còn đau đớn nữa vì những sự cũ đã qua rồi.” (Khải Huyền 21:4).

7. Sự chết đời đời là sự linh hồn ở trong thân thể vật chất đã được phục sinh, nhưng mãi mãi bị phân rẽ khỏi mối tương giao với Thiên Chúa (không được ban cho tâm thần), mãi mãi xa cách mặt Chúa và sự vinh quang của sức mạnh Ngài, chịu khổ đời đời trong hỏa ngục:

Khải Huyền 20:10-15

10 Ma Quỷ, kẻ lừa dối chúng, bị ném vào hồ lửa và lưu hoàng, nơi có con thú và tiên tri giả. Chúng sẽ bị đau khổ cả ngày lẫn đêm cho tới đời đời.

11 Rồi, tôi đã thấy một ngai trắng, lớn, và Đấng ngự trên nó. Đất và trời trốn khỏi mặt Ngài, chẳng còn thấy chỗ của chúng.

12 Tôi đã thấy những kẻ chết, nhỏ lẫn lớn, đứng trước Đức Chúa Trời. Có những sách được mở ra. Lại có một sách khác là Sách Sự Sống được mở ra. Những kẻ chết bị phán xét bởi những việc đã được ghi lại trong những sách ấy, tùy theo những việc làm của họ.

13 Biển đã trao ra những kẻ chết trong nó. Sự chết và âm phủ cũng đã trao ra những kẻ chết trong chúng. Mỗi người bị phán xét tùy theo những việc làm của họ.

14 Sự chết và âm phủ bị ném vào hồ lửa. Đó là sự chết thứ nhì.

15 Bất cứ ai không được tìm thấy được chép trong Sách Sự Sống thì cũng bị ném vào hồ lửa.

“Còn những kẻ hèn nhát, không tin, đáng gớm ghiếc; những kẻ giết người; những đĩ đực; những kẻ phù phép; những kẻ thờ thần tượng; và tất cả những kẻ nói dối sẽ có phần của chúng trong hồ đốt với lửa và lưu hoàng. Đó là sự chết thứ nhì.” (Khải Huyền 21:8).

“Họ sẽ bị hình phạt hư mất mãi, xa cách mặt Chúa và sự vinh quang của sức mạnh Ngài…” (II Tê-sa-lô-ni-ca 1:9).

Sự xa cách mặt Chúa được nói đến trong II Tê-sa-lô-ni-ca 1:9 là sự không được trực tiếp đối mặt với Đức Chúa Jesus Christ. Sức mạnh của Chúa được nói đến trong câu này là năng lực để ban ơn và ban phước cho những ai thuộc về Ngài, trong đó, có năng lực cứu rỗi. Câu này hàm ý, những kẻ bị hư mất sẽ không bao giờ còn cơ hội, để kêu xin và nhận lãnh ơn cứu rỗi của Đức Chúa Jesus Christ.

Bây giờ, tôi xin trích lại các ý tưởng trong email mà tôi nhận được, rồi đưa ra lời biện giáo tiếp theo đó, như là một sự đối đáp giữa tôi với người tín hữu viết email:

Ý tưởng 1 – Bạn viết:

“Sự hình phạt trên thế gian giữa người và người với nhau luôn có một mức hạn định. Một Thiên Chúa yêu thương vô giới hạn sẽ nướng cháy tất cả những kẻ tội lỗi mãi mãi và mãi mãi như đa số người tin Chúa tin? Vậy, tôi muốn đặt lại câu hỏi, sự yêu thương mà chúng ta luôn biết và được hiểu về một trong bốn tính cách đặc sắc, nổi bật nhất của Đấng Toàn Năng, là Đấng Thành Tín, Nhân Từ, Chậm Giận, và Giàu Ơn. Nếu thật sự Thiên Chúa đã sắp sẵn một lò thiêu sẽ cháy mãi mãi để Chúa sẽ tận mắt chứng kiến mãi mãi những tạo vật hư mất của Ngài sẽ luôn quằn quại vì lửa nóng cháy thiêu đốt?”

Lời biện giáo: Hai người nông dân chống nghịch nhau không phải là tội chết; nhưng một người nông dân chống nghịch vua của mình thì là tội chết, vì sự vĩ đại và quyền thế của nhà vua. Vâng, loài người hình phạt lẫn nhau có hạn định vì loài người có hạn định; nhưng Thiên Chúa hình phạt đời đời vì Ngài là Đấng Đời Đời. Chống nghịch Đấng Đời Đời thì phải chịu hình phạt đời đời mới tương xứng với sự phạm thượng đã làm ra! Chính vì Thiên Chúa thành tín nên Ngài sẽ hình phạt những kẻ chống nghịch Ngài như Ngài đã phán truyền và cho ghi chép lại trong Thánh Kinh. Chính vì Thiên Chúa nhân từ, chậm giận, và giàu ơn nên Ngài tha thứ cho những ai biết ăn năn tội và Ngài chưa kết thúc thế gian tội lỗi này (II Phi-e-rơ 3:9). Chính vì Thiên Chúa nhân từ, chậm giận, và giàu ơn nên Ngài phải nhốt những kẻ bị hư mất vào trong hỏa ngục. Vì những gì Thiên Chúa đã tạo ra không thể bị tan biến thành hư không, mà sẽ còn lại đời đời (Truyền Đạo 3:14), nhất là những tạo vật được mang hình ảnh của Ngài. Cho nên, những kẻ bị hư mất vẫn thực hữu cho đến đời đời. Đối với họ, được ở trong hỏa ngục, xa cách mặt Chúa, dù đau khổ nhưng vẫn còn dễ chịu hơn là ở bên ngoài hỏa ngục, phải đối diện với sự thánh khiết của Thiên Chúa và con dân của Thiên Chúa. Kẻ ô uế không thể chịu nổi sự thánh khiết! Tương tự như những người bị dị ứng với phấn hoa, họ thà ở trong bãi đổ rác xa cách vườn hoa, hơn là ở giữa vườn hoa thơm ngát muôn màu! Vì đối với họ, ở trong bãi đổ rác bẩn thỉu và hôi thối đó, lại ít khổ hơn là ở giữa vườn hoa thơm tho, sạch sẽ. Xin bạn đọc lại tóm lược 3 trên đây và ghi nhớ lời phán này của Đức Chúa Jesus Christ: “Ma Quỷ, kẻ lừa dối chúng, bị ném vào hồ lửa và lưu hoàng, nơi có con thú và tiên tri giả. Chúng sẽ bị đau khổ cả ngày lẫn đêm cho tới đời đời.”

Ý tưởng 2 – Bạn viết:

“Câu hỏi thứ hai tôi sẽ đặt là, những người được Chúa cứu rỗi, được lên thiên đàng nhưng biết được, cũng có thể thấy được, sự đau đớn, cực hình, la hét, đau đớn vì lửa nóng cháy đang thiêu đốt những người thân, có thể là: cha mẹ, anh em, bà con, thân thuộc… Vậy, những người được cứu rỗi lên đến tận thiên đàng mà tâm thần vẫn không thể nào vui vẻ toàn vẹn được. Vậy, đó không phải là thiên đàng!”

Lời biện giáo: Lời Chúa phán:

“Lời phán của Đấng Tự Hữu Hằng Hữu: Vì những ý tưởng của Ta chẳng phải những ý tưởng của các ngươi, những đường lối của các ngươi chẳng phải những đường lối của Ta. Vì các tầng trời được nâng cao hơn đất, vậy nên, những đường lối của Ta được nâng cao hơn những đường lối của các ngươi và những ý tưởng của Ta được nâng cao hơn những ý tưởng của các ngươi.” (Ê-sai 55:8-9).

Lời Chúa cũng hứa chắc:

“Đức Chúa Trời sẽ lau hết mọi nước mắt khỏi mắt của họ. Sẽ không còn sự chết, không còn buồn khổ, không còn khóc lóc, cũng sẽ không còn đau đớn nữa vì những sự cũ đã qua rồi.” (Khải Huyền 21:4).

Chúng ta không thể nào dùng tri thức hạn hẹp của mình để tìm cách lý luận, bác bỏ Lời Chúa đã phán rõ ràng về số phận phải chịu khổ đời đời trong hỏa ngục của những kẻ chống nghịch Thiên Chúa. Về phần những người được cứu, Chúa đã hứa, là sẽ “không còn buồn khổ, không còn khóc lóc, cũng sẽ không còn đau đớn nữa”; thì Ngài sẽ làm thành lời phán của Ngài. Vì trong Vương Quốc của Đức Chúa Trời “những sự cũ đã qua rồi”, cho nên, con dân Chúa sẽ không còn ký ức về tình cảm với những người bị hư mất. Xin bạn đọc lại tóm lược 6 trên đây.

Ý tưởng 3 – Bạn viết:

“Tín lý hỏa ngục thiêu cháy mãi mãi, đó là tín lý của ngoại giáo. John 3:16: “Vì Thượng Đế quá yêu nhân loại đến nỗi hi sinh Con Một của Ngài, để ai đặt niềm tin vào Con ấy sẽ không bị chết mất nhưng được sống đời đời. Thượng Đế sai Con Ngài đến thế gian không phải để kết tội thế gian, nhưng để thế gian nhờ Ngài mà được cứu” (Giăng 3:16, 17 BPT). Ai cũng biết câu Kinh Thánh nổi tiếng này, nhưng lại quên đi một điều quan trọng nhất về ý nghĩa chết mất mà Chúa muốn diễn đạt ở đây. Nếu những người được Chúa cứu rỗi chắc chắn sẽ được lên thiên đàng và được một sự sống mãi mãi. Vậy, những người không chịu ăn năn và không chịu quay lại sẽ bị quăng vào lửa thiêu đốt mãi mãi và mãi mãi như đa số người hiểu? Tôi sẽ đặt câu hỏi: số người bị thiêu cháy này vẫn sẽ có được sự sống mãi mãi luôn sao? Vì sự mãi mãi như anh nghĩ, họ vẫn có cảm nhận họ đang đau đớn, họ đang chịu hình phạt. Sự cảm nhận đó chính là sự sống. Vậy, có nghĩa là, đồng cùng một lúc những kẻ hư mất tội lỗi vẫn có được sự sống mãi mãi (đời đời)? Câu Kinh Thánh phải được hiểu chính xác: Những kẻ tin và làm theo Con Ngài sẽ nhận sự cứu rỗi và sẽ tránh khỏi sự diệt vong, sự chết mất.

Ai phạm tội thì phải lãnh tiền công của tội lỗi – đó là sự chết! “Nhưng quà tặng của Thượng Đế là sự sống đời đời trong Đấng Cứu Thế Giê-xu, Chúa chúng ta” (La-mã 6:23 BPT). Câu Kinh Thánh này hoàn toàn cùng một ý với câu Kinh Thánh John 3:16. Tiền công của tội lỗi đó là sự chết, không phải sự hành hình mãi mãi trong hỏa ngục! Sự chết vĩnh viễn đó là cái giá phải trả của sự tội lỗi. Đó là luật pháp bất di, bất dịch của Thiên Chúa.”

Lời biện giáo: Tín lý hỏa ngục thiêu cháy mãi mãi là tín lý của Thánh Kinh. Những giáo sư giả đã dám lộng ngôn, cho rằng đó là tín lý của ngoại giáo. Lửa hỏa ngục ra từ Thiên Chúa, vì Ngài là lửa hằng cháy.

“Vì Đức Chúa Trời của chúng ta là đám lửa thiêu đốt.” (Hê-bơ-rơ 12:29).

Lửa của Thiên Chúa chỉ làm khổ những kẻ không thuộc về Thiên Chúa, nhưng lửa ấy chẳng tác hại gì đến những ai thuộc về Ngài:

“Những kẻ phạm tội đã kinh hãi trong Si-ôn; bọn vô đạo đã run rẩy. Ai trong chúng ta ở được với đám lửa thiêu nuốt? Ai trong chúng ta ở được với sự thiêu đốt đời đời? Ấy là kẻ bước theo công chính, nói ra chính trực; khinh món lợi hoạch tài, vung tay chẳng lấy của hối lộ; bưng tai chẳng nghe chuyện đổ máu, bịt mắt chẳng thấy điều ác.” (Ê-sai 33:14-15).

“Phước thay và thánh thay cho người có phần trong sự sống lại thứ nhất. Sự chết thứ nhì chẳng có quyền lực trên người như vậy. Họ sẽ làm những thầy tế lễ của Đức Chúa Trời và thuộc về Đấng Christ; họ sẽ cai trị với Ngài một ngàn năm.” (Khải Huyền 20:6).

Vì thế, không phải Đức Chúa Trời ác độc, dùng lửa đốt cháy những kẻ chống nghịch Ngài, khiến cho họ bị đau đớn, mà là vì chính họ từ chối tiếp nhận sự cứu rỗi của Ngài nên họ bị hại bởi sự chết thứ hai.

Dưới đây là lời tuyên phán của Đức Chúa Jesus Christ về sự ma quỷ và loài người có tội sẽ bị khổ đời đời trong lửa của hỏa ngục:

“Nếu tay ngươi hay chân ngươi làm cho ngươi phạm tội, hãy chặt chúng và ném khỏi ngươi; tốt hơn cho ngươi khi què hay cụt mà vào trong sự sống, còn hơn có hai tay hay hai chân mà bị ném vào trong lửa vĩnh hằng.” (Ma-thi-ơ 18:8).

“Kế đó, Ngài cũng sẽ phán với những người ở bên trái rằng: Hỡi những kẻ bị rủa, hãy lui ra khỏi Ta; đi vào lửa vĩnh hằng đã sắm sẵn cho Ma Quỷ và những sứ giả của nó.(Ma-thi-ơ 25:41).

“Ma Quỷ, kẻ lừa dối chúng, bị ném vào hồ lửa và lưu hoàng, nơi có con thú và tiên tri giả. Chúng sẽ bị đau khổ cả ngày lẫn đêm cho tới đời đời.” (Khải Huyền 20:10).

Lửa trong hỏa ngục cháy đời đời vì tội nhân còn đến đời đời. Hình phạt trong hỏa ngục gọi là hình phạt đời đời (Ma-thi-ơ 25:46; II Tê-sa-lô-ni-ca 1:9) chứ không phải hình phạt vài năm, vài ngàn năm hay vài tỉ năm… rồi sau đó tội nhân bị biến mất. Nếu sau khi bị hình phạt một thời gian rồi tội nhân biến mất thành hư không thì không thể gọi là hình phạt đời đời, và lửa hỏa ngục cũng không cần phải cháy đời đời. Hình phạt đời đời đòi hỏi tội nhân là đối tượng của hình phạt, cũng phải còn lại đời đời. Nếu không, sao lại gọi là hình phạt đời đời? Không lẽ Lời Chúa là không chân thật?

“Chết” không có nghĩa là không còn thực hữu mà là thực hữu trong trạng thái bị phân rẽ. Thể xác bị chết, tức là bị phân rẽ với linh hồn và tâm thần, nhưng thể xác vẫn còn đó, vẫn thực hữu, cho dù có tan rã thành bụi đất và các chất hơi. “Chết đời đời trong hỏa ngục” không có nghĩa là bị lửa đốt tan biến thành hư không, mà là bị đời đời phân rẽ khỏi sự tương giao với Thiên Chúa, không còn nhận được ơn phước và sự cứu rỗi của Ngài! AntiChrist và tiên tri giả của hắn bị quăng vào hỏa ngục trước Sa-tan một ngàn năm, nhưng khi đến phiên Sa-tan bị quăng vào hỏa ngục thì Thánh Kinh cho biết, AntiChrist và tiên tri giả vẫn còn đó, và chúng sẽ cùng nhau chịu khổ cả ngày lẫn đêm cho đến đời đời. Xin đọc lại tóm lược 7 trên đây để hiểu rõ về ý nghĩa của sự chết đời đời, theo Thánh Kinh.

Điều quan trọng là bạn cần phải gạt bỏ hết tất cả những lý luận của trí khôn xác thịt mà yên lặng để cho lẽ thật của Lời Chúa lên tiếng. Đừng lý luận, mà chỉ xác nhận ý nghĩa của Khải Huyền 20:10. Một đứa trẻ con cũng hiểu được ý nghĩa của câu này.

Ý tưởng 4 – Bạn viết:

“Vì anh cũng tin rằng con người có linh hồn. “Sau đó Thượng Đế lấy bụi đất tạo nên con người. Ngài thổi hơi thở vào lỗ mũi, thì con người trở thành người sống” (Sáng thế 2:7 BPT). “And the Lord God formed man of the dust of the ground, and breathed into his nostrils the breath of life; and man became a living soul” (Genesis 2:7 KJV). Câu Kinh Thánh này rõ ràng nói sự hình thành của con loài người được Chúa tạo dựng từ bụi đất và chính hơi thở của Đấng Tạo Hóa để con loài người được sự sống, và không hề nói rằng con người có linh hồn. Mà con người là living soul trong thể xác và hơi thổi của sự sống. Cả hai thể chất được hình thành bằng cát bụi và hơi thở sự sống Chúa ban đó trở thành người sống, became a living soul, chứ không nói Chúa ban cho con người một linh hồn.

“Ngài ra chỉ thị cho con người như sau, “Con được phép ăn tất cả trái cây trong vườn, nhưng không được ăn trái của cây biết điều thiện và điều ác. Nếu con ăn trái cây ấy con sẽ chết!”” (Sáng thế 2:16, 17 BPT). Rõ ràng Chúa cho biết con người là một living soul, là một sự sống và sự sống có thể chết nếu không biết vâng lời.

“Mọi sinh linh đều thuộc về ta. Sự sống của cha mẹ thuộc về ta, và sự sống của con cái cũng vậy. Ai phạm tội thì người đó phải chết” (Ê-xê-chiên 18:4 BPT). Sự chết là mất đi sự sống vĩnh viễn chứ không phải là sự mất đi một thể mà vẫn còn một thể khác sống động.

“Đừng sợ kẻ giết thể xác mà không thể giết linh hồn. Các con chỉ nên sợ Đấng có thể tiêu hủy cả hồn lẫn xác trong hỏa ngục” (Ma-thi-ơ 10:28 BPT).

Thể xác bị tàn rụi và chết mất nhưng chỉ có Thiên Chúa là Đấng có thể làm cho biến mất tất cả sự sống trong hỏa ngục. Nếu sự sống của thể xác bị biến mất và linh hồn còn được sự sống theo như nhiều người nghĩ, thì họ vẫn có được cảm nhận suy nghĩ sự tồn tại vì đang bị hành hình cho tội lỗi của mình.

“Put not your trust in princes, nor in the son of man, in whom there is no help. His breath goeth forth, he returneth to his earth; in that very day his thoughts perish” (Psalms 146:3, 4 KJV). Khi con người chết sự chết thứ hai đó là sự hoàn toàn biến mất về suy nghĩ lẫn sự nhận thức, sự tồn tại. Và đó là sự chết thứ hai, sự chết vĩnh viễn biến mất hoàn toàn. Nếu cho rằng những người tội lỗi đang bị thiêu đốt họ sẽ không biết họ đang bị cháy, bị nóng vì những tội lỗi nghịch cùng Đấng sinh thành. Vậy tôi xin hỏi, nếu sự chết của họ là sự biến mất của mọi ý thức, suy nghĩ, và cảm giác, thì sao Chúa quăng họ vào hỏa ngục mãi mãi để làm gì? Vậy, Chúa làm một việc không hề có ý nghĩa gì sao? Một sự cực hình đau đớn mà Chúa dành sẵn cho những con người tội lỗi mà sự chết của họ là mọi tri thức cảm giác đều biến mất, một điều vô cùng vô lý.”

Lời biện giáo: Xin đọc lại tóm lược 1 trên đây về “loài người” và suy ngẫm về câu Thánh Kinh này:

“Nhưng chính Đức Chúa Trời của sự bình an khiến các anh chị em nên thánh trọn vẹn. Tâm thần, linh hồn, và thân thể của các anh chị em đều được giữ vẹn, không chỗ trách được, cho sự đến của Đức Chúa Jesus Christ chúng ta! (I Tê-sa-lô-ni-ca 5:23).

“Vì Lời của Đức Chúa Trời sống và năng động; sắc hơn bất cứ gươm hai lưỡi nào; đến nỗi xuyên thấu và phân chia cả linh hồn, tâm thần, các khớp xương và tủy; xem xét những tư tưởng và những ý định của lòng. (Hê-bơ-rơ 4:12).

Tôi cũng đã dựa trên Thánh Kinh trình bày chi tiết về loài người trong mười bài giảng, xin đọc và nghe tại đây: http://timhieutinlanh.com/thanhoc/?page_id=103.

Bạn cần phân biệt rõ sự sống và sự chết của thể xác với sự sống và sự chết của linh hồn; phân biệt sự sống và sự chết trong đời này với sự sống và sự chết trong đời sau. Xin đọc lại tóm lược 2 đến 7 trên đây. Khi bạn trưng dẫn Ma-thi-ơ 10:28, bạn đã tự mâu thuẫn với chính mình. Vì câu Thánh Kinh đó cho thấy thể xác có thể chết bởi tay loài người nhưng linh hồn thì không. Bởi vì sự chết của thể xác trong đời này là sự linh hồn phân rẽ với xác thịt, loài người có thể tạo ra sự chết đó được. Tuy nhiên, sự chết của cả thể xác lẫn linh hồn trong đời sau, tức là sự cả thể xác và linh hồn bị phân rẽ khỏi Thiên Chúa, thì chỉ có Thiên Chúa mới làm được.

Từ ngữ “apollumi” (G622), phiên âm Việt ngữ /a-pó-lô-mi/ [6] được bản dịch Phổ Thông mà bạn trưng dẫn dịch là “tiêu hủy”, chỉ có nghĩa là: hủy diệt, khiến cho trở nên vô dụng, chứ không hề có nghĩa là làm cho biến mất, làm cho không còn cảm giác, làm cho trở thành hư không! Dịch là “tiêu hủy” là không đúng! Các bản dịch Anh ngữ dịch là “destroy”. Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Hiệu Đính 2012 dịch: “Đừng sợ những kẻ giết thân thể mà không giết được linh hồn; nhưng thà sợ Đấng hủy diệt được linh hồn và thân thể trong hỏa ngục”. Hủy là bỏ, diệt là giết, mà giết là làm cho linh hồn phân rẽ khỏi xác thịt hoặc làm cho cả xác thịt lẫn linh hồn đều bị phân rẽ khỏi Thiên Chúa.

Hủy diệt không bao giờ có nghĩa là làm cho tiêu tan, biến mất! Chỉ có những gì do loài người làm ra mới có thể bị tiêu tan và biến mất đi, như sách Truyền Đạo đã trình bày. Bởi vì loài người là vật thọ tạo, có giới hạn. Nhưng những gì loài người làm ra theo thánh ý của Thiên Chúa, thì còn lại đời đời, vì Thiên Chúa là Đấng Đời Đời. Việc mà loài người làm ra theo ý Thiên Chúa còn lại đời đời thì huống chi những việc do chính Thiên Chúa làm ra, trong đó có việc tạo dựng các thiên sứ và linh hồn loài người?

Trong thế gian, sự “chết” của thân thể là sự phân rẽ linh hồn khỏi thể xác, làm cho thể xác hết cảm nhận. Còn sự “chết” trong hỏa ngục thì linh hồn vẫn ở trong một thân thể được phục sinh cách siêu nhiên, nhưng cả hồn lẫn xác không còn cảm nhận được tình yêu của Thiên Chúa. Dù vậy, cả hồn lẫn xác vẫn có ý thức, có cảm giác về tình trạng bị hư mất của mình, là tình trạng mãi mãi không còn được tương giao với Thiên Chúa, không còn nhận được ơn phước của Ngài, và cảm nhận được sự đau khổ do lửa hỏa ngục gây ra.

Điểm quan trọng là cách hiểu ý nghĩa của “sự chết!” Cùng một từ ngữ mà ý nghĩa có thể khác nhau, tùy theo văn mạch. Thí dụ, cùng là chữ “Cựu Ước” hoặc “Tân Ước” nhưng tùy theo văn mạch mà chúng ta biết chúng có nghĩa là hai phần trong Thánh Kinh hay là hai thời đại trong lịch sử loài người. Khi nói: “Trong Cựu Ước ghi lại câu chuyện sáng thế!” thì chúng ta hiểu từ ngữ “Cựu Ước” có nghĩa là một phần trong cuốn Thánh Kinh. Khi nói: “Thời Cựu Ước có một lần mặt trời và mặt trăng dừng lại một ngày!” thì chúng ta hiểu từ ngữ “Cựu Ước” có nghĩa là một thời đại trong lịch sử của loài người. Những định nghĩa của bạn về sự chết đời đời, sự chết thứ hai, hình phạt trong hỏa ngục, hoàn toàn không dựa trên Thánh Kinh mà chỉ dựa vào suy luận của loài người. Bạn cần phải tìm hiểu xem Thánh Kinh định nghĩa những từ ngữ đó như thế nào.

Dưới đây là định nghĩa của Thánh Kinh về sự sống và sự chết:

  • Sự sống của thể xác trong đời này: “Và Thiên Chúa Tự Hữu Hằng Hữu tạo hình loài người từ bụi của đất, thổi linh sự sống vào lỗ mũi của nó, thì loài người trở nên một linh hồn sống.” (Sáng Thế Ký 2:7).

  • Sự chết của thể xác trong đời này: “Hơi thở của nó tắt đi, nó trở về bụi đất của mình. Trong chính ngày đó các ý tưởng của nó biến mất.” (Thi Thiên 146:4). “Rồi, bụi đất sẽ trở về đất y như cũ, tâm thần sẽ trở về với Đức Chúa Trời, là Đấng đã ban nó.” (Truyền Đạo 12:7). “Người nghèo chết, thiên sứ đem để vào ở trong lòng của Áp-ra-ham. Người giàu cũng chết, người ta đem chôn. Trong âm phủ, ở trong sự đau đớn, người ngước mắt mình lên, thấy Áp-ra-ham từ xa và La-xa-rơ ở trong lòng của ông…” (Lu-ca 16:22-23). “Đức Chúa Jesus đáp rằng: Thật! Ta nói với ngươi, hôm nay, ngươi sẽ ở với Ta trong Ba-ra-đi.” (Lu-ca 23:43).

  • Sự sống đời đời: “Và đây là sự sống vĩnh cửu, rằng họ nhìn biết Ngài, tức là Thiên Chúa có một và thật, cùng Jesus Christ, là Đấng Ngài đã sai đến.” (Giăng 17:3).

Khải Huyền 21:1-7

1 Rồi, tôi thấy trời mới và đất mới vì trời thứ nhất và đất thứ nhất đã qua rồi. Biển không còn nữa.

2 Tôi, Giăng, nhìn thấy thành thánh Giê-ru-sa-lem mới từ trên trời, từ nơi Đức Chúa Trời hạ xuống, chuẩn bị như vợ mới cưới trang điểm cho chồng mình.

3 Tôi nghe một tiếng lớn từ trời, phán: Này, lều của Đức Chúa Trời ở với loài người và Ngài sẽ ở với họ. Họ sẽ là dân của Ngài và chính mình Đức Chúa Trời sẽ ở với họ, làm Đức Chúa Trời của họ.

4 Đức Chúa Trời sẽ lau hết mọi nước mắt khỏi mắt của họ. Sẽ không còn sự chết, không còn buồn khổ, không còn khóc lóc, cũng sẽ không còn đau đớn nữa vì những sự cũ đã qua rồi. 

5 Đấng ngự trên ngai phán rằng: Này, Ta làm mới mọi sự! Ngài lại phán với tôi: Hãy chép, vì những lời này là chân thật và thành tín.

6 Ngài phán với tôi: Xong rồi! Ta là An-pha và Ô-mê-ga: Đấng Đầu Tiên và Đấng Cuối Cùng. Ta sẽ ban cho kẻ nào khát được tự do uống từ Nguồn Nước Sống.

7 Ai thắng sẽ được hưởng mọi sự làm cơ nghiệp. Ta sẽ làm Đức Chúa Trời người và người sẽ làm con trai Ta.

  • Sự chết thứ hai, tức là sự chết đời đời: “Họ sẽ bị hình phạt hư mất mãi, xa cách mặt Chúa và sự vinh quang của sức mạnh Ngài.” (II Tê-sa-lô-ni-ca 1:9). “Sự chết và âm phủ bị ném vào hồ lửa. Đó là sự chết thứ nhì. Bất cứ ai không được tìm thấy được chép trong Sách Sự Sống thì cũng bị ném vào hồ lửa. (Khải Huyền 20:14-15). “Còn những kẻ hèn nhát, không tin, đáng gớm ghiếc; những kẻ giết người; những đĩ đực; những kẻ phù phép; những kẻ thờ thần tượng; và tất cả những kẻ nói dối sẽ có phần của chúng trong hồ đốt với lửa và lưu hoàng. Đó là sự chết thứ nhì.” (Khải Huyền 21:8). “Ma Quỷ, kẻ lừa dối chúng, bị ném vào hồ lửa và lưu hoàng, nơi có con thú và tiên tri giả. Chúng sẽ bị đau khổ cả ngày lẫn đêm cho tới đời đời.(Khải Huyền 20:10).

Bạn viết: “Khi con người chết sự chết thứ hai đó là sự hoàn toàn biến mất về suy nghĩ lẫn sự nhận thức, sự tồn tại. Và đó là sự chết thứ hai, sự chết vĩnh viễn biến mất hoàn toàn”, mà bạn không hề đưa ra một câu Thánh Kinh nào chứng minh cho ý tưởng của bạn. Trong khi Thánh Kinh đã định nghĩa về sự chết thứ hai rất rõ ràng: “Họ sẽ bị hình phạt hư mất mãi, xa cách mặt Chúa và sự vinh quang của sức mạnh Ngài.” (II Tê-sa-lô-ni-ca 1:9). Chúng sẽ bị đau khổ cả ngày lẫn đêm cho tới đời đời.” (Khải Huyền 20:10b).

Bạn trưng dẫn Thi Thiên 146:3-4 là câu nói về sự chết của thể xác khiến cho thể xác hết còn nhận thức, trong khi bạn bỏ qua Lu-ca 16:19-31 và Khải Huyền 20:10 là những câu Thánh Kinh xác nhận linh hồn trong âm phủ vẫn có ý thức và cảm giác. Linh hồn và thể xác trong hỏa ngục vẫn có ý thức và cảm giác. Linh hồn và thể xác trong hỏa ngục sẽ còn lại trong hình phạt cho đến đời đời!

Bạn giải thích Lu-ca 16:19-31 như thế nào, khi mà Áp-ra-ham, La-xa-rơ, và người nhà giàu vẫn có cảm giác, ý thức, và trò chuyện trong âm phủ? Thánh Kinh ghi rõ, xác của người giàu được đem chôn (trong khi xác của La-xa-rơ có lẽ bị ném vào chỗ đốt rác phía bên ngoài thành phố), thế nhưng, người nhà giàu vẫn còn ý thức sự đau khổ trong âm phủ, vẫn còn nhớ các anh em mình đang sống trong tội lỗi, và xin Áp-ra-ham khiến cho La-xa-rơ sống lại để đến nhà làm chứng cho họ. Xin đừng dùng ngụy biện của một số giáo sư giả, cho rằng câu chuyện này chỉ là một ngụ ngôn. Thánh Kinh không gọi đây là ngụ ngôn. Trong tất cả các ngụ ngôn của Chúa, Ngài không bao giờ đặt tên cho các nhân vật. Quy luật của ngụ ngôn là không đặt tên cho các nhân vật, bởi vì, có thể khiến cho người nghe hiểu lầm mà cho rằng, đó là một câu chuyện có xảy ra trong thực tế.

Bạn giải thích như thế nào về sự kiện Môi-se, một người đã chết và thể xác được thiên sứ tranh giành với Sa-tan (Giu-đe 9), được Đức Chúa Trời chôn cất (Phục Truyền Luật Lệ Ký 34:6) từ hơn 1.400 năm trước, mà vẫn hiện ra nói chuyện “thời sự” với Đức Chúa Jesus Christ, về sự Chúa sắp chịu chết (Lu-ca 9:30-31)?

Bạn giải thích như thế nào câu phán của Chúa với tên trộm cướp bị đóng đinh bên cạnh Ngài, rằng: “Thật! Ta nói với ngươi, hôm nay, ngươi sẽ ở với Ta trong Ba-ra-đi.” (Lu-ca 23:43)? Thân thể xác thịt của tên trộm hay chính là linh hồn tên trộm sẽ vào trong cõi lạc viên với Đức Chúa Jesus Christ?

Ý tưởng 5 – Bạn viết:

“Đừng ngạc nhiên về điều nầy; đến lúc mọi người chết trong mồ mả sẽ nghe tiếng Ngài. Họ sẽ bước ra khỏi mộ. Ai làm lành sẽ sống dậy để được sống đời đời, còn ai làm ác cũng sẽ sống dậy để chịu kết tội” (Giăng 5:28, 29 BPT).

TẤT CẢ MỌI NGƯỜI, KỂ CẢ KẺ ÁC VÀ MỌI NGƯỜI CÔNG BÌNH đều được làm sống dậy để chịu sự đoán phạt hoặc phần thưởng của mỗi người được nhận. Câu Kinh Thánh trên nói mọi người chứ không viết một số người.”

Tôi biết anh hiểu rằng sự sống lại chỉ là phần thể xác và linh hồn của những kẻ ác bị giam giữ trong địa ngục để chờ sự phán xét và những linh hồn kẻ công bình được lên thiên đàng cùng Chúa. Sự sống lại như anh Tim hiểu là sự sống lại của thể xác và phần tâm thần mà thôi.”

Lời biện giáo: Giăng 5:28-29 mà bạn trích dẫn nói đến sự sống lại của tất cả những người chết nhưng không nói đến thời điểm của sự sống lại. Trong khi đó:

  • I Cô-rinh-tô 15:52 và I Tê-sa-lô-ni-ca 4:16 cho chúng ta biết sẽ có sự sống lại của những người đã chết trong Đấng Christ, khi Ngài giáng lâm giữa chốn không trung để đem Hội Thánh ra khỏi thế gian trước Thời Đại Nạn.

  • Khải Huyền 11:11-12 cho chúng ta biết sự sống lại của hai chứng nhân vào giữa Thời Đại Nạn.

  • Khải Huyền 20:4 cho chúng ta biết sự sống lại vào cuối Thời Đại Nạn của những người đã tử Đạo trong Thời Đại Nạn, và có thể cũng là sự sống lại của các thánh đồ Thời Cựu Ước và Thời Trước Cựu Ước để tất cả con dân Chúa cùng nhau bước vào Vương Quốc Ngàn Năm.

  • Khải Huyền 20:5 cho chúng ta biết sự sống lại vào cuối Thời Vương Quốc Ngàn Năm của tất cả những ai không thuộc về Chúa.

Bạn viết câu này đúng một phần (phần sự sống lại của những người không thuộc về Chúa): “Tôi biết anh hiểu rằng sự sống lại chỉ là phần thể xác và linh hồn của những kẻ ác bị giam giữ trong địa ngục để chờ sự phán xét và những linh hồn kẻ công bình được lên thiên đàng cùng Chúa.” Nhưng bạn viết câu này không đúng: “Sự sống lại như anh Tim hiểu là sự sống lại của thể xác và phần tâm thần mà thôi.” Bởi vì, tâm thần (thân thể thiêng liêng) của người không tin Chúa, sau khi ra khỏi thể xác thì sẽ về với Thiên Chúa và Ngài không hề ban lại cho họ. Trong án phạt bị đời đời phân rẽ khỏi sự tương giao với Thiên Chúa, người không tin Chúa không cần tâm thần, vì tâm thần chỉ cần thiết khi một người được tương giao với Thiên Chúa. Người tin Chúa thì tâm thần được tái sinh khi họ tin nhận Ngài (Thi Thiên 51:10; Rô-ma 8:10). Sau khi người tin Chúa chết phần thể xác, thì linh hồn ở trong tâm thần đã tái sinh, được vào trong thiên đàng, chờ ngày thể xác được sống lại. Một lần nữa, tôi mời bạn đọc và nghe mười bài giảng về “Loài Người”: http://timhieutinlanh.com/thanhoc/?page_id=103.

Ý tưởng 6 – Bạn viết:

“Sheol or Hades cả hai đều có nghĩa là the grave, pit , world of the dead or hell. Hell cũng có nghĩa là cái lỗ dưới lòng đất. Tất cả mọi người khi chết đều phải đi về một nơi an nghỉ đó là lòng đất. Tất cả mọi người rồi đều sẽ trở về lòng đất. Đó chính là chỗ an nghỉ. Đó cũng là ý nghĩa của Hell.

Hades được dùng nhiều lần trong Tân Ước. Hades (Hell) means a dark cold quite place that has a hole in the ground. Sheol or Hades đều cùng một nghĩa là hell, là cái lỗ chôn trong lòng đất. Đó chính là nấm mồ của mọi người khi đi đến cái chết.

“Nguyện tội nhân bị diệt khỏi đất, nguyện kẻ ác không còn tồn tại. Linh hồn ta ơi, hãy ca ngợi Chúa. Hãy ca ngợi Chúa” (Thi thiên 104:35 BPT). “Rồi ngươi sẽ chà đạp kẻ ác dưới chân như tro trong ngày ta làm điều ấy,” CHÚA Toàn Năng phán vậy” (Ma-la-chi 4:3 BPT).

Để kết luận, vì tội lỗi là sự hư mất vĩnh viễn và Chúa sẽ quăng tất cả những kẻ không được công nhận là công bình trước Chúa. Rồi tất cả sẽ bị quăng vào lửa thiêu đốt và sự thiêu đốt ra tro bụi, sẽ làm biến mất tất cả sự sống và thể xác của họ. Vì Chúa là Đấng nhân từ và sự tiêu diệt đó sẽ xảy ra trong nháy mắt, không phải là sự quằn quại, đau đớn mãi mãi.”

Lời biện giáo: Đúng là các từ ngữ “Sheol” H7585, phiên âm Việt ngữ /se-on/, và “Hades” G86, phiên âm Việt ngữ /ha-đét/, đều có cùng nghĩa như nhau và đều chỉ về nơi chôn người chết hoặc nơi hỏa táng người chết. Nhưng không phải tất cả người chết đều bị chôn vào lòng đất. Có người được chôn trong lòng đất, có người bị chìm trong đáy biển: “Biển đã trao ra những kẻ chết trong nó. Sự chết và âm phủ cũng đã trao ra những kẻ chết trong chúng. Mỗi người bị phán xét tùy theo những việc làm của họ.” (Khải Huyền 20:13).

Ngoài ra, “Sheol” và “Hades” còn chỉ về một nơi giam giữ linh hồn của những người chết không thuộc về Chúa, gọi là âm phủ (Lu-ca 16:19-31). Nơi đó không thuộc về thế giới thuộc thể, bởi vì Hades thuộc thể là phần mộ mà thân xác của người giàu được chôn trong đó, còn Hades thuộc linh là nơi linh hồn người giàu đang chịu khổ và van nài Áp-ra-ham! Trong ngày phán xét, Hades thuộc linh cũng sẽ bị ném vào hồ lửa: “Sự chết và âm phủ bị ném vào hồ lửa. Đó là sự chết thứ nhì.” (Khải Huyền 20:14). Sự chết là sự phân rẽ. Sự phân rẽ đó bị ném vào hồ lửa mà hồ lửa là sự phân rẽ thứ hai và là sự phân rẽ cuối cùng, sự “mãi, xa cách mặt Chúa và sự vinh quang của sức mạnh Ngài…” (II Tê-sa-lô-ni-ca 1:9).

Ma-la-chi 4:3 mà bạn trích dẫn là nói đến sự kiện Chúa tái lâm vào cuối của Thời Đại Nạn, hủy diệt tất cả những kẻ thuộc về AntiChrist (Khải Huyền 19:21). Thân xác của những kẻ ấy sẽ trở thành tro bụi trên đất trong suốt một ngàn năm, nhưng chính họ (tức là linh hồn) thì phải vào trong âm phủ như người nhà giàu của hơn 2.000 năm trước. Cuối Thời Kỳ Vương Quốc Ngàn Năm thì thân xác của họ cùng với thân xác của tất cả những ai không thuộc về Chúa, từ thời A-đam, sẽ được sống lại để chịu sự phán xét chung cuộc. Ma-la-chi 4:3 không hề nói đến sự chết thứ hai trong hỏa ngục.

Bạn viết: “Để kết luận, vì tội lỗi là sự hư mất vĩnh viễn và Chúa sẽ quăng tất cả những kẻ không được công nhận là công bình trước Chúa. Rồi tất cả sẽ bị quăng vào lửa thiêu đốt và sự thiêu đốt ra tro bụi, sẽ làm biến mất tất cả sự sống và thể xác của họ. Vì Chúa là Đấng nhân từ và sự tiêu diệt đó sẽ xảy ra trong nháy mắt, không phải là sự quằn quại, đau đớn mãi mãi.” Tuy nhiên, không có một câu Thánh Kinh nào hỗ trợ cho lý luận này của bạn. Không có một câu Thánh Kinh nào dạy rằng kẻ ác sẽ bị tan biến trong lửa của hỏa ngục! Trái lại, Thánh Kinh dạy rất là rõ ràng từng chữ, từng câu về số phận của những kẻ không thuộc về Chúa là: họ sẽ chịu đau khổ đời đời trong lửa của hỏa ngục. Tôi không ngại mà trích dẫn một lần nữa những câu Thánh Kinh đó dưới đây. Xin bạn đừng tìm cách chống nghịch ý nghĩa rõ ràng của Lời Chúa:

“Nếu tay ngươi hay chân ngươi làm cho ngươi phạm tội, hãy chặt chúng và ném khỏi ngươi; tốt hơn cho ngươi khi què hay cụt mà vào trong sự sống, còn hơn có hai tay hay hai chân mà bị ném vào trong lửa vĩnh hằng.” (Ma-thi-ơ 18:8).

“Kế đó, Ngài cũng sẽ phán với những người ở bên trái rằng: Hỡi những kẻ bị rủa, hãy lui ra khỏi Ta; đi vào lửa vĩnh hằng đã sắm sẵn cho Ma Quỷ và những sứ giả của nó.(Ma-thi-ơ 25:41).

“Ma Quỷ, kẻ lừa dối chúng, bị ném vào hồ lửa và lưu hoàng, nơi có con thú và tiên tri giả. Chúng sẽ bị đau khổ cả ngày lẫn đêm cho tới đời đời.” (Khải Huyền 20:10).

Nếu kẻ ác không chịu khổ đời đời trong hỏa ngục thì lửa cháy đời đời để làm gì? Nếu sự kiện kẻ ác “chết” trong hỏa ngục có nghĩa là tiêu tan thành hư không, thì tại sao trong cùng một lúc mà Chúa lại ba lần phán: Đó là nơi sâu bọ của chúng nó chẳng hề chết, và là nơi lửa chẳng hề tắt.” (Mác 9:44, 46, 48)?

Bạn ơi! Tôi khuyên bạn hãy trở về với chính Lời Hằng Sống của Chúa, đừng nghe theo các lời ngụy biện của tôn giáo, của loài người, của tâm trí xác thịt. Chúa phán: “Chúng sẽ bị đau khổ cả ngày lẫn đêm cho tới đời đời trong hỏa ngục, thì chúng ta hãy lấy đức tin mà tin như vậy, đừng lý luận, đừng giải thích vì ý tưởng của Chúa không phải là ý tưởng của chúng ta!

Ý tưởng 7 – Bạn viết:

“Điều chúng tôi sắp nói với anh chị em đây là lời của chính Chúa. Chúng ta là những người còn sống khi Chúa trở lại sẽ không đi trước những người đã chết. Sẽ có tiếng kêu lớn khi Chúa từ thiên đàng trở lại, cùng với tiếng thiên sứ trưởng và tiếng kèn vang dội của Thượng Đế. Lúc ấy những tín hữu đã qua đời sẽ sống lại trước hết. Sau đó, chúng ta, là những người còn sống, sẽ được tiếp lên cùng với họ trong đám mây để gặp Chúa giữa không trung. Rồi chúng ta sẽ ở với Chúa mãi mãi” (I Tê-sa-lô-ni-ca 4:15-17 BPT).

“Khi Chiên Con mở ấn thứ năm, tôi thấy dưới bàn thờ, có các oan hồn của những người bị giết vì lời làm chứng của họ và vì trung tín với lời Thượng Đế. Các oan hồn đó kêu la, “Lạy Chúa thánh và chân thật, chừng nào Ngài mới xét xử những người trên đất và trừng phạt họ về tội giết chúng con?” Rồi mỗi người trong vòng họ được cấp cho một áo dài trắng và dặn phải chờ thêm ít lâu nữa vì có những đầy tớ và các anh chị em khác phục vụ Chúa Cứu Thế cũng sẽ bị giết như họ vậy. Họ phải chờ cho đến khi những chuyện ấy xảy ra xong xuôi” (Khải thị 6:9-11 BPT).

Và vì đoạn Kinh Thánh trên đã rất nhiều người suy nghĩ rằng, khi người công bình chết, linh hồn được bay thẳng lên thiên đàng. Cho tôi xin hỏi, trên thiên đàng mà còn có những cảnh kêu la om sòm thế sao? Đã được lên thiên đàng mà còn có cảnh ôm tư tưởng trả thù luôn sao? Người khác giết mình giờ đã được lên thiên đàng rồi thì còn cần gì phải trả thù? Được lên thiên đàng rồi, sướng muốn chết rồi, còn cần gì phải kêu cầu Chúa trả thù cái gì nữa đây? Nghe không là đã trái nghịch tín lý, ý nghĩa của thiên đàng là gì rồi!

Để trả lời giải thích cho câu Kinh Thánh trên, đền thờ được nói ở trên đó là đền thờ dưới đất. Chúa đã ra lệnh cho dân I-sơ-ra-ên làm một đền thờ là bản copy mà trên thiên đàng cũng có một bản đền thờ như vậy. Đền thờ có hai phần. Phần phía ngoài của đền thờ gọi là nơi thánh và phần thứ hai phía trong được gọi là nơi chí thánh. Ở trong nơi thánh có một nơi có một bàn thờ được gọi là bàn thờ dâng hương, và bên ngoài hành lang còn có một bàn thờ nữa, gọi là bàn thờ dâng của lễ thiêu dâng lên cho Chúa. Những người dâng của lễ chuộc tội được giết con sinh tế ở bàn thờ này. Sau đó phần hương khói được thầy tế lễ đưa vào bàn thờ bên trong của nơi thánh. Bàn thờ này gọi là bàn thờ xông hương. Những gì ở trong bàn thờ nơi thánh và nơi chí thánh là tượng trưng cho bàn thờ ở trên thiên đàng và những gì ở bên ngoài đền thờ là tượng trưng cho những gì xảy ra ở dưới đất này của chúng ta. Những người đã tử vì Đạo ở dưới bàn thờ bên ngoài hành lang là những gì đã và đang xảy ra ở dưới đất của chúng ta!

“CHÚA liền bảo, “Con đã làm gì? Huyết của em con từ đất kêu van lên đến ta” (Sáng thế 4:10, 11 BPT). Máu của A-bên biết nói không? Hoàn toàn là không! Chúa đã nhân cách hóa máu của A-bên về sự chết oan của A-bên. Vì Chúa là Đấng công bình. Người sẽ xử phạt công bình cho kẻ bị oan và nhất là những kẻ chết vì Chúa ở dưới thế gian này. Chúa sẽ báo trả cho họ, kể cả những con dân đã bị khổ lụy vì Chúa, vì vâng theo Lời Chúa, vì giữ đúng Mười Điều răn, thì họ sẽ được đáp trả lại bằng nhiều ân phước và báo trả những kẻ từng hiếp đáp họ.”

Lời biện giáo: Trước hết, bạn đã tự mâu thuẫn với chính bạn. Trong các ý tưởng trên thì bạn cho rằng người đã chết thì linh hồn không còn biết gì. Nhưng trong phần này thì bạn mặc nhiên công nhận rằng linh hồn của những người tử Đạo có ý thức, biết kêu cầu Chúa trả thù cho họ. Điều sai lầm nghiêm trọng là bạn tin theo tà giáo của Cơ-đốc Phục Lâm, dạy rằng Khải Huyền 6:9-11 là nói đến những việc xảy ra trên đất. Không một chỗ nào trong Thánh Kinh dạy rằng: Bàn thờ bên ngoài tiêu biểu cho những việc trên đất còn bàn thờ bên trong tiêu biểu cho những việc xảy ra trên thiên đàng. Đó chỉ là suy luận vô căn cứ của một số người. Tà giáo luôn luôn phát sinh từ những suy luận vô căn cứ.

Khải Huyền 6:9-11 tiên tri về một trong các sự kiện sẽ xảy ra trong Thời Đại Nạn. Trong Thời Đại Nạn thì Đền Thờ Thiên Chúa tại Giê-ru-sa-lem sẽ được xây cất lại, nhưng lại bị AntiChrist làm cho ô uế, cho nên, không thể có chuyện linh hồn các thánh đồ tử Đạo ở dưới bàn thờ của Đền Thờ vật chất tại Giê-ru-sa-lem, đã bị AntiChrist làm cho ô uế. Dù cho Đền Thờ ấy không bị ô uế thì cũng không phải là chỗ để linh hồn các thánh đồ tử Đạo tạm trú và được ban cho áo dài trắng. Khải Huyền 7:9-17 nói rõ, những người được cứu chuộc thì được ban cho áo trắng và ở trên thiên đàng! Sứ Đồ Phao-lô cũng nói rõ, người thuộc về Chúa, sau khi ra khỏi thân thể xác thịt (chết phần thể xác) thì đi ở với Chúa. Đi ở với Chúa là vào trong thiên đàng, không phải ở dưới bàn thờ trên đất:

Phi-líp 1:21-24

21 Vì đối với tôi: Sống là Đấng Christ và chết là điều ích lợi.

22 Nếu sống trong xác thịt là kết quả cho sự làm việc của tôi, thì tôi chẳng biết nên chọn điều gì.

23 Vì tôi bị ép giữa hai bề, khao khát được đi, ở với Đấng Christ, là điều tốt hơn nhiều;

24 nhưng cứ ở trong xác thịt, là sự cần hơn cho các anh chị em.

Nếu đi ở với Chúa có nghĩa là ở dưới bàn thờ trên đất thì từ năm 70 đến nay, sau khi đền thờ trên đất bị hủy diệt bởi quân đội La-mã, không còn một hòn đá nào chồng trên một hòn đá nào, có đến hàng triệu con dân Chúa tử Đạo bởi sự bách hại của Giáo Hội Công Giáo, của Ấn Giáo, của Hồi Giáo, của các nhà cầm quyền độc tài… linh hồn họ ở đâu?

Máu của A-bên biết nói và máu của A-bên tức là linh hồn A-bên, tức là chính A-bên: “Bởi đức tin, A-bên đã dâng lên Đức Chúa Trời một sinh tế tốt hơn của Ca-in. Bởi đó ông đã được làm chứng là công chính, qua sự Đức Chúa Trời làm chứng về lễ vật của ông. Cũng nhờ đó dù đã chết ông vẫn còn nói. (Hê-bơ-rơ 11:4). Cũng vậy, máu của Đức Chúa Jesus Christ nói chính là Đức Chúa Jesus Christ nói: “gần Đức Chúa Jesus, Đấng Trung Bảo của giao ước mới; và gần máu rưới ra, máu đó nói tốt hơn máu của A-bên.” (Hê-bơ-rơ 12:24). Khi Thiên Chúa muốn, thì một con vật cũng có thể nhìn thấy thiên sứ và nói tiếng người, đá cũng có thể kêu lên để tôn vinh Ngài, và bàn thờ trên trời cũng có thể lên tiếng:

Dân Số Ký 22:23-28

23 Lừa cái thấy Thiên Sứ của Đấng Tự Hữu Hằng Hữu đứng trên đường có cây gươm trần nơi tay, rẽ đường đi vào trong ruộng; Ba-la-am đánh nó để dẫn nó vào đường lại.

24 Nhưng Thiên Sứ của Đấng Tự Hữu Hằng Hữu đứng trong đường nhỏ của vườn nho có vách bên này và bên kia.

25 Lừa thấy Thiên Sứ của Đấng Tự Hữu Hằng Hữu thì nép vào vách và ép chân Ba-la-am; người đánh nó.

26 Thiên Sứ của Đấng Tự Hữu Hằng Hữu đi tới xa hơn, đứng trong một ngả rất hẹp không chỗ nào trở qua bên phải hay là bên trái;

27 lừa thấy Thiên Sứ của Đấng Tự Hữu Hằng Hữu nằm quỵ dưới Ba-la-am. Nhưng Ba-la-am nổi giận, đánh lừa bằng một cây gậy.

28 Bấy giờ, Đấng Tự Hữu Hằng Hữu mở miệng lừa ra, nó nói với Ba-la-am rằng: Tôi có làm gì cho người, mà người đã đánh tôi ba lần?

“Nhưng người ấy đã bị quở trách về sự phạm pháp của mình, khi một con lừa câm lại nói tiếng người, mà ngăn cấm sự điên cuồng của người tiên tri ấy.” (II Phi-e-rơ 2:16).

“Ngài đáp rằng: Ta phán với các ngươi, nếu họ nín lặng thì đá sẽ kêu lên.” (Lu-ca 19:40).

“Tôi nghe một tiếng khác từ bàn thờ nói rằng: Thật! Lạy Chúa! Đức Chúa Trời, Đấng Toàn Năng. Sự phán xét Ngài là chân thật và công chính.” (Khải Huyền 16:7).

Khi vô cớ cho rằng Khải Huyền 6:9-11 nói về bàn thờ dưới đất rồi dùng những luận cứ sau đây:

“trên thiên đàng mà còn có những cảnh kêu la om sòm thế sao? Đã được lên thiên đàng mà còn có cảnh ôm tư tưởng trả thù luôn sao? Người khác giết mình giờ đã được lên thiên đàng rồi thì còn cần gì phải trả thù? Được lên thiên đàng rồi, sướng muốn chết rồi, còn cần gì phải kêu cầu Chúa trả thù cái gì nữa đây? Nghe không là đã trái nghịch tín lý, ý nghĩa của thiên đàng là gì rồi!”

Là người ta đã vô cùng phạm thượng. Bởi vì người ta dám đem sự suy nghĩ của xác thịt để phê bình lẽ thật của Lời Chúa! Sự báo thù thuộc về Đức Chúa Trời và Đức Chúa Trời từ trên thiên đàng thi hành sự báo thù. Như vậy, có khiến cho “trái nghịch tín lý, ý nghĩa của thiên đàng” hay không? Nơi nào trong Thánh Kinh dạy cái tín lý là trên thiên đàng không được có tư tưởng hay ý muốn báo thù, không được nói đến chuyện báo thù, không được thi hành sự báo thù? Khi Đức Chúa Trời phán về sự báo thù và chính Ngài thi hành sự báo thù thì có phải Ngài ở trong thiên đàng hay không?

Theo bạn, không lẽ các thánh đồ tử Đạo phải cám ơn những kẻ giết họ vì nhờ vậy mà họ được lên thiên đàng? Bạn nên biết điều này: Mặc dù Đức Chúa Trời cho phép những kẻ ác giết hại phần thể xác của con dân Ngài và Ngài dùng đó làm phương tiện đem con dân của Ngài vào thiên đàng; nhưng hành động tội ác đó phải được báo trả để sự công chính của Đức Chúa Trời được thể hiện. Các thánh đồ kêu gọi sự báo thù của Đức Chúa Trời là kêu gọi sự công chính, đúng với thần tính của Đức Chúa Trời, không có gì sai nghịch với tín lý về thiên đàng hay tiêu chuẩn của thiên đàng cả.

Ý tưởng 8 – Bạn viết:

“Để kết luận, con người không được ban cho linh hồn, mà “the living soul” được gọi là linh hồn, bao gồm hai thể. Đó là: phần thể xác và phần hơi thở của sự sống. Và con người được ban cho một điều vô cùng đặc biệt, đó là con loài người là loài được tạo dựng qua hình và qua ảnh của Đức Chúa Trời. Vì thế con loài người còn được ban cho tâm thần suy nghĩ tính cách giống như Đấng Tạo Dựng nên mình. Họ được ban cho suy nghĩ tính cách và cả quyền được lựa chọn theo ý riêng. Linh hồn được nhắc lại rất nhiều lần trong Kinh Thánh, được ngụ ý cả phần thân xác sự sống động của cả thể chất lẫn tâm linh của một con người.

Con người đã phạm tội phải chết. Sự chết là một giấc ngủ cho cả người công bình và những kẻ ác. Khi tiếng kèn báo thức Chúa Jesus quay lại, không phải một sự âm thầm chỉ có con cái Chúa được bí mật đi lên đám mây, mà đó là một sự kiện vĩ đại quan trọng, to lớn của ngày cuối cùng, mà mọi mắt đều được trông thấy. Đến ngày cuối cùng sẽ có những hoạn nạn mà thế gian phải gánh chịu trước khi Chúa quay lại. Những người còn sót lại được đóng ấn và sẽ được Chúa chăm sóc trong những ngày hoạn nạn để họ được tránh khỏi những bát thịnh nộ của Đức Chúa Trời.”

Lời biện giáo: Đúng là loài người không được ban cho linh hồn, mà là được dựng nên làm một linh hồn. Người là một thực thể do Thiên Chúa sáng tạo, gọi là sinh linh (hồn sống – living soul). Một khi đã được sáng tạo bởi Đấng đời đời, thì linh hồn người cũng như mọi vật thọ tạo khác, bao gồm thân thể xác thịt của loài người, sẽ còn lại đời đời: Ta biết rằng mọi việc Đức Chúa Trời làm nên còn có đời đời: Người ta chẳng thêm gì được, cũng không bớt gì được; Đức Chúa Trời làm như thế, để loài người kính sợ trước mặt Ngài.Người được dựng nên “như” (like) hình và ảnh của Thiên Chúa, không phải “qua” (through) hình và ảnh của Thiên Chúa (Sáng Thế Ký 1:26-27). Người được ban cho tâm thần (spirit) để có thể nhận biết và tương giao với Thiên Chúa và thế giới thuộc linh (spiritual world), cùng với thân thể thịt và huyết (flesh and blood) để có thể cai trị thế giới vật chất và tương giao với các loài thọ tạo khác trong thế giới vật chất. Bản thể của người là: linh hồn ở trong tâm thần, và ở trong xác thịt, được Thánh Kinh xác định:

“Nhưng chính Đức Chúa Trời của sự bình an khiến các anh chị em nên thánh trọn vẹn. Tâm thần, linh hồn, và thân thể của các anh chị em đều được giữ vẹn, không chỗ trách được, cho sự đến của Đức Chúa Jesus Christ chúng ta! (I Tê-sa-lô-ni-ca 5:23).

“Vì Lời của Đức Chúa Trời sống và năng động; sắc hơn bất cứ gươm hai lưỡi nào; đến nỗi xuyên thấu và phân chia cả linh hồn, tâm thần, các khớp xương và tủy; xem xét những tư tưởng và những ý định của lòng. (Hê-bơ-rơ 4:12).

Khi người phạm tội thì sự chết thuộc linh xảy ra trước. Sự chết thuộc linh là tâm thần bị phân rẽ khỏi sự tương giao với Thiên Chúa, dẫn đến sự linh hồn và thể xác cũng bị mất đi sự tương giao với Thiên Chúa. Kế tiếp là sự chết thuộc thể xảy ra. Sự chết thuộc thể là sự thân thể xác thịt bị phân rẽ khỏi linh hồn và tâm thần, khiến cho thân thể xác thịt bị tan rã trở về nguyên trạng là bụi đất. Sau sự chết thuộc thể, tâm thần của người không thuộc về Chúa sẽ quay về với Thiên Chúa là Đấng ban nó; còn linh hồn thì ở trong âm phủ chờ ngày thân thể xác thịt được sống lại và chịu sự phán xét của Thiên Chúa. Người thuộc về Chúa thì linh hồn vẫn ở trong tâm thần; và trước khi Đức Chúa Jesus Christ phục sinh thì được vào trong chốn Ba-ra-đi (Lu-ca 23:43; Lu-ca 16:19-31); sau khi Đức Chúa Jesus Christ phục sinh thì được vào trong thiên đàng, ở với Ngài (Phi-líp 1:21-24). Khi Chúa trở lại giữa chốn không trung thì chỉ có những người đã chết trong Chúa được sống lại và những người đang sống trong Chúa được biến hóa và tất cả cùng được cất lên không trung giữa những đám mây mà gặp Chúa. Không phải là tất cả mọi người chết đều được sống lại. Bạn đã lầm lẫn giữa sự kiện Chúa đến giữa chốn không trung trước cơn đại nạn với sự kiện Chúa tái lâm trên đất sau cơn đại nạn. Mời bạn đọc và nghe bài “Chúa Đến để Đem Hội Thánh Ra Khỏi Thế Gian” [7].

Sự chết của thể xác là giấc ngủ của thể xác trong bụi đất, không phải là giấc ngủ của linh hồn, bởi vì sau sự chết của thể xác, linh hồn vẫn nhận thức, cảm giác, và nói chuyện. Môi-se sau khi chết, thể xác đã được Thiên Chúa chôn cất (Phục Truyền Luật Lệ Ký 34:6), nhưng linh hồn vẫn hiện ra trên núi hóa hình, nói chuyện “thời sự” với Đức Chúa Jesus Christ về sự chết mà Đức Chúa Jesus Christ sắp trải qua (Lu-ca 9:30-31). Áp-ra-ham, La-xa-rơ, và người nhà giàu sau khi chết vẫn ý thức, cảm giác, và trò chuyện với nhau (Lu-ca 16:19-31).

Chừng đó bằng cớ rõ ràng trong Thánh Kinh đến nỗi đem đọc cho các em bé nghe thì các em cũng hiểu ngay; nhưng tôi không hiểu tại sao các nhà Thần học của Giáo Hội Cơ-đốc Phục Lâm An Thất Nhật và hàng triệu tín đồ của họ lại không hiểu được, mà lập ra và tin theo bao nhiêu là tà thuyết nghịch lại các lẽ thật của Thánh Kinh!

Ý tưởng 9 – Bạn viết:

“Sự chết thứ hai của những kẻ ác sẽ là hồ lửa cháy và mọi việc sẽ được tan biến trong nháy mắt. Sự sống thể xác, sự nhận định mình còn sống, lẫn sự suy nghĩ, tất cả vĩnh viễn sẽ tan biến!

Tôi không và chưa bao giờ đồng tình với những tín lý về linh hồn và hỏa ngục đời đời. Tôi cảm tạ Chúa đã cho tôi có cơ hội và trình bày tất cả những gì tôi đã không đồng tình với niềm tin của anh. Tôi đã cầu nguyện để Chúa làm việc với anh, vì những gì tôi được biết thì tôi đã trình bày ở trên.”

Lời biện giáo: Tôi nhắc lại: Không một chỗ nào trong Thánh Kinh dạy điều này: “Sự chết thứ hai của những kẻ ác sẽ là hồ lửa cháy và mọi việc sẽ được tan biến trong nháy mắt. Sự sống thể xác, sự nhận định mình còn sống, lẫn sự suy nghĩ, tất cả vĩnh viễn sẽ tan biến!” Tôi trân trọng nhắc lại lần thứ ba, Lời Hằng Sống của Đức Chúa Trời về số phận sau cùng của những kẻ ác và ma quỷ như sau:

“Nếu tay ngươi hay chân ngươi làm cho ngươi phạm tội, hãy chặt chúng và ném khỏi ngươi; tốt hơn cho ngươi khi què hay cụt mà vào trong sự sống, còn hơn có hai tay hay hai chân mà bị ném vào trong lửa vĩnh hằng.” (Ma-thi-ơ 18:8).

“Kế đó, Ngài cũng sẽ phán với những người ở bên trái rằng: Hỡi những kẻ bị rủa, hãy lui ra khỏi Ta; đi vào lửa vĩnh hằng đã sắm sẵn cho Ma Quỷ và những sứ giả của nó.(Ma-thi-ơ 25:41).

“Ma Quỷ, kẻ lừa dối chúng, bị ném vào hồ lửa và lưu hoàng, nơi có con thú và tiên tri giả. Chúng sẽ bị đau khổ cả ngày lẫn đêm cho tới đời đời.” (Khải Huyền 20:10).

Đó là nơi sâu bọ của chúng nó chẳng hề chết, và là nơi lửa chẳng hề tắt.” (Mác 9:44, 46, 48).

Việc bạn có chịu công nhận những lẽ thật của Thánh Kinh mà tôi đã trình bày rất rõ ràng trong bài viết này hay không, là quyền tự do của bạn và là việc giữa bạn với Chúa. Chỉ có sự thương xót và năng lực của Đức Thánh Linh mới có thể giúp cho bạn hiểu biết và công nhận các lẽ thật của Lời Chúa!

Tôi cám ơn bạn đã cầu nguyện cho Chúa làm việc với tôi. Bởi vì, Chúa thật có làm việc với tôi để tôi viết xong bài biện giáo này. Nếu không có Chúa làm việc với tôi, tôi không biết phải trình bày như thế nào. Những ý tưởng của bạn rối bời như mối tơ vò, tự mâu thuẫn lẫn nhau, như: khi thì cho rằng linh hồn không biết gì sau khi chết, khi thì công nhận linh hồn ở dưới bàn thờ cất tiếng kêu cầu với Chúa… Phần lớn thì là phủ nhận những câu Thánh Kinh ghi lại các lời phán rất rõ ràng của Chúa về số phận sau cùng của những kẻ ác và ma quỷ. Thú thật là khi đọc email của bạn, tôi nghe lùng bùng lỗ tai, không biết phải bắt đầu hồi đáp như thế nào để giúp bạn thoát ra được tà thuyết của Giáo Hội Cơ-đốc Phục Lâm. Tôi đã cầu nguyện xin Chúa giúp tôi, và Chúa đã tỏ ra cho tôi biết, không phải chỉ email trả lời bạn mà là hãy viết thành một bài biện giáo để giúp cho biết bao nhiêu người khác đang bị dẫn dắt sai lạc khỏi lẽ thật của Lời Chúa như bạn.

Kính lạy Cha yêu thương ở trên trời của chúng con. Con cảm tạ Cha đã ban ơn cho con trong khi viết bài biện giáo này. Kính lạy Đức Chúa Jesus Christ yêu dấu của chúng con. Con cầu xin Ngài là Đấng Ngôi Lời, giúp cho tất cả những ai đang bị tà thuyết linh hồn ngủ và tà thuyết kẻ ác bị tan biến thành hư không trong hỏa ngục, được nhìn thấy sự phản nghịch Thánh Kinh của các tà thuyết này. Kính lạy Đức Thánh Linh là Thiên Chúa ngự trong thân thể của chúng con! Con cầu xin Ngài luôn dẫn chúng con vào trong mọi lẽ thật của Thánh Kinh, luôn ban cho chúng con năng lực sống và giảng đúng theo lẽ thật của Lời Chúa. Con cảm tạ Ba Ngôi Thiên Chúa. A-men!

Huỳnh Christian Timothy
03/06/2013

Ghi Chú

[1] https://www.thanhkinhvietngu.net/thien-chua-duc-chua-troi-the-trang-cua-thien-chua/

[2] https://timhieutinlanh.com/danh-xung-thuong-de-nhan-dinh/

[3] Xin đọc và nghe mười bài giảng về “Loài Người” trong trang này:
https://timhieuthanhkinh.com/nhung-bai-can-doc-nghe-truoc/

[4] Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Dịch Truyền Thống dịch là: “Ngài sáng lập đất trên các nền nó. Đất sẽ không bị rúng động đến đời đời.” Từ ngữ “mowt” (H4131), phiên âm sang tiếng Việt /mốt/, trong tiếng Hê-bơ-rơ có các nghĩa là: rúng động hoặc dời chỗ. Dịch là “dời chỗ” thì đúng nghĩa hơn, vì trong các nơi khác trong Thánh Kinh cho biết Chúa làm rúng động các tầng trời và đất. Hiện tượng động đất cũng chính là sự đất bị rúng động. Sự kiện bùng nổ của các tầng trời và đất trong tương lai cũng chính là sự đất bị rúng động.
http://www.blueletterbible.org/lang/lexicon/lexicon.cfm?strongs=H4131.

[5] http://www.blueletterbible.org/lang/lexicon/lexicon.cfm?strongs=G1. Bấm vào trang web rồi thay thế G1 bằng các mã số Strong theo sau các từ ngữ Hy-lạp, như G3588.

[6] http://www.blueletterbible.org/lang/lexicon/lexicon.cfm?strongs=G622

[7] http://kytanthe.net/?p=83

Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Hiệu Đính 2012: Các câu Thánh Kinh được trích dẫn trong bài này là theo Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Hiệu Đính 2012. Đây là bản Thánh Kinh Việt Ngữ trên mạng, đang trong tiến trình hiệu đính để hoàn thành Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Dịch Ngôi Lời. Quý con dân Chúa có thể đọc tại đây: https://thanhkinhvietngu.online/tiengviet/.

  • Các chữ nằm trong hai dấu { } không có trong nguyên văn của Thánh Kinh, nhưng được hàm ý theo cấu trúc của văn phạm tiếng Hê-bơ-rơ và tiếng Hy-lạp.

  • Các chữ nằm trong hai dấu [ ] không có trong nguyên văn của Thánh Kinh, đó là chú thích của người dịch.

Những sách nào đã được hiệu đính hoàn toàn sẽ được đăng tại đây: https://christ.thanhkinhvietngu.net/.