Một Lời Cầu Nguyện Được Thần Cảm

4,730 views

201512 Một Lời Cầu Nguyện Được Thần Cảm

Huỳnh Christian Timothy

Bấm vào nối mạng dưới đây để tải xuống mp3 bài này:
https://od.lk/f/MV8yODI0NDU2MjZf

Bấm vào nối mạng dưới đây để nghe các bài giảng đặc biệt trong năm 2015:
https://soundcloud.com/huynh-christian-timothy/sets/baigiangdacbiet_2015

Bấm vào nối mạng dưới đây để tải xuống các bài giảng viết đặc biệt trong năm 2015:
https://www.opendrive.com/folders?MV8xMzgwNzYxM191U0ZJMQ

Bấm vào nút “play” ► để nghe:

Bấm vào nút “play” ► để nghe:

Kính thưa Hội Thánh,

Lẽ ra, tuần này chúng ta sẽ bắt đầu học thư I Phi-e-rơ, nhưng trong tuần qua, tôi được đọc một lời cầu nguyện của một con dân Chúa, khiến cho tôi giảng bài giảng này. Lời cầu nguyện ấy được Đức Thánh Linh thần cảm, khi tôi đọc đến thì tâm linh bừng sáng trước một lẽ thật tuyệt vời mà Đức Thánh Linh, qua lời cầu nguyện của người chị em ấy, đã bày tỏ trong tôi.

Như Hội Thánh đã biết, vừa qua có một con dân Chúa trong Hội Thánh bị cáo oan vì người kiện cáo không thể đưa ra được bằng chứng cho những lời cáo buộc. Thế rồi, có vài người trong Hội Thánh đã dựa vào những lời cáo buộc không bằng chứng ấy mà nghi ngờ cô, nghĩ xấu cho cô, nặng lời với cô, thậm chí kết án cô là một kẻ giả hình, tham lam, không có tình yêu thương…

Dĩ nhiên, với bổn phận và trách nhiệm của một người chăn, tôi đã hoàn toàn dựa trên Lời Chúa để bác bỏ các lời cáo buộc của người kiện cáo, của những người bênh vực người kiện cáo. Lời Chúa dạy rõ:

“Một người chứng sẽ không xác định một người nào về sự gian ác nào hoặc tội lỗi nào trong bất cứ tội nào mà người ấy phạm. Theo miệng của hai người chứng hay theo miệng của ba người chứng, mà sự việc mới được xác định.” (Phục Truyền Luật Lệ Ký 19:15).

“Đừng nhận lời cáo buộc một trưởng lão mà không có hai hoặc ba người làm chứng.” (I Ti-mô-thê 5:19).

Dù vậy, sự thương tổn trong tâm thần của người bị cáo oan rất là lớn. Ai có thể cảm thông được sự đau đớn của một người bị anh chị em trong Chúa cáo tội và kết tội mình mà không cần bằng chứng? Người chị em của chúng ta chỉ có thể chạy đến với Đức Thánh Linh là Đấng An Ủi.

Cảm tạ Chúa. Ngài là công chính và thành tín. Ngài đã dùng hàng chục người trong Hội Thánh lên tiếng làm chứng tốt cho người bị cáo oan. Chẳng những Ngài an ủi người chị em của chúng ta, đòi lại sự công chính cho cô ấy, mà còn dạy cho cô ấy các lẽ thật nhiệm mầu trong Lời của Ngài. Lời cầu nguyện của cô ấy đã dạy cho tôi một điều quan trọng mà trước đây tôi chưa biết.

Trước hết, tôi xin trích lại đây phần cuối lời chứng và lời cầu nguyện của người chị em của chúng ta:

…Rồi những tin nhắn, điện thoại, an ủi cầu thay cho tôi, tôi rất cám ơn anh chị em, đã quan tâm đến tôi, có những cháu mới đến với Chúa nhưng thật vững vàng dùng Lời Chúa khích lệ tôi, làm tôi nhớ đến câu Thánh Kinh: “Nhưng có nhiều kẻ ở đầu trở nên rốt, và nhiều kẻ ở rốt sẽ nên đầu.” Quả thật, Lời Chúa quý hơn vàng, có tiền không mua được, chỉ ai với tấm lòng khát khao tìm kiếm thì Ngài ban cho cách nhưng không. Cảm tạ Đức Chúa Trời Toàn Năng. Trong sự thử thách Chúa không cho quá sức của tôi.

Tôi cảm tạ Chúa! Ma-thi-ơ chương 5 lại hiện ra trong đầu tôi, tôi vui mừng: Chúa ơi, con cảm tạ Chúa về phân đoạn này, con đang được Chúa ban phước cho con cách tràn đầy, những người đánh đập con bằng Lời Chúa, là những chén phước hạnh Ngài ban cho họ, nhưng họ trút đổ lên đầu con, mà con không biết, con buồn, con khóc, con hỏi Chúa… Xin Chúa tha thứ cho con tội làm phiền Chúa, mà không suy ngẫm Lời Ngài. Nguyện Lời Chúa cứ dầm thấm trong con, thánh hóa con để con được trọn vẹn như Cha ở trên trời. Chúa ơi! Con yêu Chúa và không tình yêu nào bằng Chúa yêu con. Cảm tạ ân điển của Chúa ban cho con.

Nguyện mọi vinh quang đều thuộc về Cha đời đời. A-men!

Kính thưa Hội Thánh,

Chính lời cầu nguyện này đã làm cho tâm linh tôi bừng sáng trước một lẽ thật ở trong Lời Chúa: “…con đang được Chúa ban phước cho con cách tràn đầy, những người đánh đập con bằng Lời Chúa, là những chén phước hạnh Ngài ban cho họ, nhưng họ trút đổ lên đầu con, mà con không biết, con buồn, con khóc, con hỏi Chúa…”

Lẽ thật ấy là:

Khi một con dân Chúa đối xử bất công với một con dân Chúa khác, thì Chúa sẽ lấy phước hạnh của người ấy mà ban cho người bị người ấy đối xử bất công.

Cảm tạ Chúa vô cùng!

Liền sau khi đọc xong lời cầu nguyện của người chị em của chúng ta, thì tôi phải lái xe đi sang một thành phố khác. Trên chặng đường hơn hai tiếng đồng hồ lái xe đó, Đức Thánh Linh đã dùng lời cầu nguyện ấy liên kết với nhiều câu Thánh Kinh khác, để dạy tôi, mà hôm nay tôi xin chia sẻ lại cùng Hội Thánh.

Thứ nhất: Đức Thánh Linh nhắc cho tôi nhớ rằng: Sự trả thù thuộc về Chúa.

“…Sự trả thù thuộc về Ta! Ta sẽ báo trả!” (Rô-ma 12:19; Hê-bơ-rơ 10:30; Phục Truyền Luật Lệ Ký 32:35).

Chỉ có Chúa mới có thẩm quyền báo trả kẻ ác những sự kẻ ác đã làm ra. Chúa có thể dùng tay người khác hay chính quyền để báo trả kẻ ác, và cũng có thể chính Ngài ra tay thi hành sự báo trả. Bởi vì, sự báo trả phải thật tương xứng với sự thiệt hại kẻ ác đã làm ra cho nạn nhân, thì sự công chính mới được thể hiện. Cho nên, chỉ có Chúa mới có đủ thẩm quyền để báo trả, vì chỉ có Chúa mới biết chính xác mức độ thiệt hại và cũng chỉ có Chúa mới biết chính xác mức độ cần báo trả.

Vì sự trả thù thuộc về Chúa nên thời điểm báo thù cũng thuộc về Chúa. Chúng ta chỉ cần yên lặng, chờ đợi sự can thiệp của Chúa. Tuy nhiên, chúng ta cũng cần lên tiếng bênh vực khi bị cáo oan, khi bị đối xử bất công để không khiến cho các anh chị em khác hiểu lầm mà vấp phạm, và cũng để cho người có lỗi có cơ hội đối diện với sự thật mà ăn năn. Nên nhớ, chính Chúa, Phi-e-rơ, và Phao-lô cũng đều lên tiếng tự bênh vực khi bị cáo oan. Chỉ sau khi chúng ta lên tiếng mà kẻ cáo oan chúng ta không nghe, không ăn năn thì chúng ta mới yên lặng, không cần đáp trả những lời cáo buộc kế tiếp. Làm như vậy, chúng ta tránh cho họ có thêm cơ hội phạm tội.

Điều quan trọng là xin Chúa giúp chúng ta không chiều theo xác thịt mà ghét bỏ người cáo oan hay đối xử bất công với chúng ta, xin Chúa giúp chúng ta không có ý muốn trả thù. Vì thế, trong hoàn cảnh bị cáo oan hay bị đối xử bất công, chúng ta cần dành thì giờ cầu thay cho kẻ thù nghịch chúng ta. Chúng ta nên cầu xin Chúa tha thứ cho sự phạm tội của kẻ thù. Chúng ta nên cầu xin Chúa thương xót ban cho kẻ thù có cơ hội ăn năn. Chúng ta cũng có thể cầu xin Chúa sửa phạt đủ nặng cho kẻ thù sớm thức tỉnh mà ăn năn. Cầu nguyện xin Chúa sửa phạt không phải là hành động trả thù, mà chỉ là muốn cho kẻ thù của chúng ta không tiếp tục lún sâu vào tội lỗi. Khi chúng ta có thể nhân danh Chúa để cầu nguyện cho kẻ thù thì chúng ta không thể nào ghét bỏ kẻ thù. Và đừng quên, chúng ta phải trước hết cầu nguyện cảm tạ Chúa, vì Ngài đã cho phép sự cáo oan hoặc sự bất công xảy đến cho chúng ta. Bởi vì, Chúa dạy rõ:

Trong mọi sự, hãy tạ ơn! Vì đó là ý muốn của Thiên Chúa trong Đấng Christ Jesus đối với các anh chị em.” (I Tê-sa-lô-ni-ca 5:18).

“Chúng ta đã biết rằng, mọi sự hiệp lại làm ích cho những ai yêu Đức Chúa Trời, là những người được gọi theo một mục đích của Ngài.” (Rô-ma 8:28).

Là con dân Chúa, nếu chúng ta làm ra hành động trả thù, thì chúng ta vừa phạm tội không vâng Lời Chúa, vừa phạm tội chiếm quyền của Chúa.

Là con dân Chúa mà chúng ta làm ra sự bất công cho anh chị em trong Chúa thì chúng ta trở thành kẻ thù của Hội Thánh, kẻ thù của Chúa (Công Vụ Các Sứ Đồ 26:14).

Thứ nhì: Đức Thánh Linh nhắc cho tôi nhớ đến ngụ ngôn về các ta-lâng được chép trong Ma-thi-ơ 25:14-30. Trong đó, câu 29 được ứng dụng trong trường hợp của người chị em bị cáo oan, liên quan đến lời cầu nguyện của cô:

“Vì sẽ cho thêm người nào đã có thì người ấy sẽ dư dật; nhưng kẻ nào không có thì cũng cất luôn điều kẻ ấy đã có nữa.”

Là con dân Chúa, mỗi chúng ta đều được Chúa ban cho các ta-lâng để hầu việc Ngài. Trong các ta-lâng ấy, quan trọng nhất là ta-lâng về sự biết và thông hiểu Lời Chúa. Nói cách khác, Lời Chúa mà chúng ta biết, hiểu, và nhớ là ta-lâng cao quý nhất Chúa ban cho mỗi chúng ta, vì Lời Chúa giúp cho chúng ta được khôn sáng trong khi sử dụng các ta-lâng thuộc thể, như: tiền bạc, chức vụ, sức khỏe, tuổi thọ, địa vị, danh tiếng…

Nếu chúng ta không có lòng kính sợ Chúa, không yêu lẫn nhau như Chúa đã yêu chúng ta, mà chúng ta lạm dụng Lời Chúa để vô cớ lên án nhau, cáo buộc nhau, tư vị và đối xử bất công với nhau, thì chúng ta còn tệ hơn người đầy tớ không biết đem đầu tư ta-lâng của chủ giao cho. Bởi vì, chúng ta đã dùng chính ta-lâng Chúa ban để làm hại anh chị em của mình.

Ngay trong giây phút chúng ta theo bản tính xác thịt dùng Lời Chúa để vô cớ bách hại anh chị em của mình, thì tất cả các ơn phước Chúa đã ban cho chúng ta kèm theo sự ban cho Lời Chúa, sẽ bị Chúa lấy lại mà ban cho người bị chúng ta bách hại.

Thứ ba: Đức Thánh Linh nhắc cho tôi nhớ về luật bồi thường. Chúa ban ơn phước cho chúng ta qua Lời Hằng Sống của Ngài. Nếu chúng ta dùng Lời Chúa gây dựng, khích lệ, an ủi, dạy dỗ lẫn nhau thì cả chúng ta và người nghe chúng ta đều được phước. Khi anh chị em của chúng ta có lỗi, chúng ta dùng Lời Chúa để quở trách, sửa trị thì Chúa sẽ tiếp tục ban ơn cho chúng ta vì đã sử dụng đúng cách theo ý Chúa ta-lâng mà Ngài đã ban cho chúng ta. Nhưng nếu chúng ta vô cớ dùng Lời Chúa để cáo oan và sửa trị oan anh chị em của chúng ta, làm đau lòng anh chị em của chúng ta, thì chúng ta phạm tội, và hậu quả đương nhiên là chúng ta bị mất phước. Trái lại, người anh chị em bị chúng ta cáo buộc hoặc quở trách cách oan uổng sẽ nhận được phước từ nơi Chúa. Và thật là hợp lý, nếu Chúa đem phước của chúng ta ban cho người bị chúng ta vô cớ bách hại. Đó là sự bồi thường mà Chúa đã dạy trong Xuất Ê-díp-tô Ký 22.

Vì sao chúng ta cáo oan? Vì chúng ta bất chấp Lời Chúa, không có chứng cớ mà cứ theo cảm xúc và nhận định của mình để lên tiếng cáo tội một người. Vì sao chúng ta sửa trị oan? Vì chúng ta bất chấp Lời Chúa, không có chứng cớ mà vẫn xem người bị cáo buộc là có tội.

Sự Chúa báo trả là công chính theo luật pháp của Chúa

Chúng ta thường nghĩ đến sự kiện chúng ta chịu khổ vì danh Chúa thì chúng ta được phước. Nhưng chúng ta ít khi nghĩ đến sự kiện, từ trước khi sáng tạo thế gian, thì Chúa đã sắm sẵn những ơn phước của Ngài cho mỗi một người được sinh ra trong thế gian này. Những ơn phước đó bao gồm ơn phước thuộc thể lẫn thuộc linh, mà những ơn phước thuộc thể giúp chúng ta có cơ hội và phương tiện tạo thêm ra những ơn phước thuộc linh, còn lại đời đời. Nếu có ai không đáp ứng điều kiện của Chúa để nhận lãnh những ơn phước mà Chúa đã sắm sẵn cho họ, thì những ơn phước ấy sẽ được ban cho những ai sống đẹp lòng Ngài. Hãy nhớ lại: Hai lần Chúa làm phép lạ hóa ra nhiều bánh và nhiều cá cho hơn 9.000 người ăn, Ngài đều sai các môn đồ thu nhặt lại các thức ăn thừa.

Dựa vào luật lấy của kẻ không có lòng ban thêm cho người có lòng và luật bồi thường, mà chúng ta có thể tin rằng, khi chúng ta đối xử bất công với anh chị em trong Chúa, thì Chúa sẽ lấy phước của chúng ta ban cho người bị chúng ta xúc phạm. Bởi vì, hễ ai chịu khổ vì danh Chúa thì sẽ được phước; hễ ai làm thiệt hại người khác thì phải bồi thường; và chính Chúa là Đấng đứng ra báo trả một cách công chính.

Huỳnh Christian Timothy
18/07/2015

Ghi Chú

Nếu không truy cập được các nối mạng dưới đây, xin vào https://server6.kproxy.com/, dán địa chỉ nối mạng vào ô tìm kiếm, rồi bấm nút surf!

Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Hiệu Đính 2012: Các câu Thánh Kinh được trích dẫn trong bài này là theo Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Hiệu Đính 2012. Đây là bản Thánh Kinh Việt Ngữ trên mạng, đang trong tiến trình hiệu đính để hoàn thành Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Dịch Ngôi Lời. Quý con dân Chúa có thể đọc tại đây: https://thewordtoyou.net/bible/.

  • Các chữ nằm trong hai dấu { } không có trong nguyên văn của Thánh Kinh, nhưng được hàm ý theo cấu trúc của văn phạm tiếng Hê-bơ-rơ và tiếng Hy-lạp.
  • Các chữ nằm trong hai dấu [ ] không có trong nguyên văn của Thánh Kinh, đó là chú thích của người dịch.

Những sách nào đã được hiệu đính hoàn toàn sẽ được đăng tại đây: https://christ.thanhkinhvietngu.net/.