Những Lẽ Thật về Sự Cầu Thay

4,921 views

Những Lẽ Thật về Sự Cầu Thay

Huỳnh Christian Timothy
Bài Giảng Trong Ngày Kiêng Ăn và Cầu Nguyện
Cho Hội Thánh Việt Nam và Dân Tộc Việt Nam
29/06/2013 – Toronto – Canada

Bấm vào nối mạng dưới đây để tải xuống bài viết này:
https://www.opendrive.com/folders?MV85MDE4MTc4X0NuMXN5

Bấm vào nối mạng dưới đây để tải xuống mp3 bài này:
https://www.opendrive.com/folders?MV85MDE4MTkzX0Jic2dl

Kính mời quý con dân Chúa dành thời gian nghe bài giảng này, có nhiều thí dụ và giải thích chi tiết hơn là phần bài viết.

Bấm vào nút “play” ► để nghe:

Trong Hội Thánh của Chúa, mỗi một con dân Chúa là một thầy tế lễ của Đức Chúa Trời, bất kể người đó là ai, ở trong tầng lớp xã hội nào, thuộc về dân tộc nào, phái tính nào:

“Tại đây không có người Hy-lạp hoặc người Do-thái, người chịu cắt bì hoặc người không chịu cắt bì, người dã man hoặc người Si-the, người nô lệ hoặc người tự do; nhưng Đấng Christ là tất cả và trong tất cả.” (Cô-lô-se 3:11).

“Nhưng các anh chị em là dòng dõi được lựa chọn, là chức thầy tế lễ của nhà vua, là dân thánh, là dân thuộc về Ngài, để cho các anh chị em rao giảng sự trọn lành của Đấng đã gọi các anh chị em ra khỏi sự tối tăm, vào trong sự sáng láng lạ lùng của Ngài. [Xuất Ê-díp-tô Ký 19:5-6; Ê-sai 43:20-21; 61:6]” (I Phi-e-rơ 2:9).

“…Đấng yêu chúng ta; Đấng đã rửa sạch những tội lỗi của chúng ta trong máu của Ngài; Đấng đã lập chúng ta làm những vua và những thầy tế lễ cho Đức Chúa Trời, Cha của Ngài – Nguyện sự vinh quang và quyền thế thuộc về Ngài cho tới đời đời. A-men!” (Khải Huyền 1:5-6).

Bổn phận của thầy tế lễ thời Tân Ước là:

  • Dâng thân thể của mình làm của lễ sống và thánh lên Đức Chúa Trời: Vậy, hỡi các anh chị em cùng Cha! Tôi khuyên các anh chị em hãy bởi những sự thương xót của Đức Chúa Trời mà dâng các thân thể của các anh chị em làm của lễ sống và thánh, đẹp lòng Đức Chúa Trời, ấy là sự thờ phượng phải lẽ của các anh chị em.” (Rô-ma 12:1).

  • Dâng các tế lễ khác lên Đức Chúa Trời: “Vậy, chúng ta hãy bởi Ngài hằng dâng tế lễ của sự tôn vinh lên Đức Chúa Trời, tức là bông trái của môi miệng cảm tạ danh của Ngài. Hãy làm lành và chớ quên sự thông công. Vì những của lễ như vậy đẹp lòng Đức Chúa Trời.” (Hê-bơ-rơ 13:15-16).

  • Và cầu thay cho mọi người: “Vậy, ta khuyên rằng, trước hết, hãy làm những sự khẩn xin, những sự cầu nguyện, những sự hiệp nguyện, những sự tạ ơn cho mọi người, cho các vua, cho hết thảy các bậc cầm quyền, để chúng ta được sống một đời yên tĩnh và bình an trong mọi sự tin kính và thành thật. Ấy là một sự lành và đẹp mắt Thiên Chúa, Đấng Giải Cứu của chúng ta…” (I Ti-mô-thê 2:1-3).

Xét về bổn phận cầu thay của thầy tế lễ, riêng đối với chúng ta là những con dân Chúa người Việt Nam, thì chúng ta cần cầu thay cách đặc biệt cho Hội Thánh Việt Nam và dân tộc Việt Nam. Chúng ta đang sống trong những ngày cuối cùng, là lúc mà: Trong Hội Thánh thì có sự bội Đạo lớn, ngoài xã hội thì nền tảng đạo đức bị băng hoại đến mức tận cùng. Sự bội Đạo trong Hội Thánh tức là sự chối bỏ lẽ thật của Lời Chúa, chỉ biết làm theo lời truyền khẩu của loài người, của giáo hội mà phạm các điều răn của Đức Chúa Trời (Ma-thi-ơ 15:3). Sự băng hoại đạo đức ngoài xã hội thì đã đến mức tột cùng, khi xã hội chấp nhận tự do phá thai, tự do đồng tính luyến ái, và tự do làm ra các sự tà dâm khác…

Lời Chúa đã tiên tri rằng:

II Ti-mô-thê 3:1-5

1 Hãy biết điều này: Trong những ngày sau cùng, những thời kỳ khó khăn sẽ đến.

2 Vì loài người sẽ là những kẻ ích kỷ, tham tiền, khoe khoang, xấc xược, phạm thượng, không vâng phục cha mẹ, không biết ơn, không tin kính,

3 không có tình cảm tự nhiên, không hòa thuận, hay vu khống, không tiết độ, hung dữ, chống nghịch những sự lành và những người lành,

4 phản bội, nóng tính, lên mình kiêu ngạo, yêu sự khoái lạc hơn yêu Thiên Chúa,

5 có hình thức của sự tin kính, nhưng chối bỏ quyền lực của sự ấy. Con hãy tránh những kẻ như vậy.

Để có thể cầu thay cho Hội Thánh Việt Nam và dân tộc Việt Nam một cách có hiệu quả, chúng ta hãy noi gương các thánh đồ thời Cựu Ước, mà thay cho con dân Chúa trong Hội Thánh, thay cho dân tộc của chúng ta, đứng ra xưng tội với Chúa, cầu xin sự thương xót và tha thứ của Ngài.

Nê-hê-mi đã xưng tội và cầu thay cho dân tộc của ông như sau:

Ôi! Đấng Tự Hữu Hằng Hữu, Thần của Các Tầng Trời, tức Thiên Chúa vĩ đại và đáng khiếp sợ, hay giữ lời giao ước và lòng từ ái cùng kẻ nào kính yêu Ngài và vâng giữ các điều răn của Ngài! Tôi xin mắt Chúa hãy đoái đến và lỗ tai Chúa lắng nghe lời cầu nguyện của kẻ đầy tớ Chúa mà tôi hiện lúc này mỗi ngày và đêm cầu nguyện vì dân I-sơ-ra-ên, là các tôi tớ Chúa, ở tại trước mặt Chúa và xưng những tội của dân I-sơ-ra-ên mà chúng tôi đã phạm với Ngài. Và lại tôi và nhà của tổ phụ tôi cũng có phạm tội. Chúng tôi có làm rất ác tệ nghịch lại Chúa, không vâng giữ điều răn giới mạng và luật lệ của Chúa đã phán dạy Môi-se, là kẻ tôi tớ Chúa.” (Nê-hê-mi 1:5-7).

Đa-ni-ên đã xưng tội và cầu thay cho dân tộc của ông như sau:

Đa-ni-ên 9:4-9

4 Vậy, ta cầu nguyện Thiên Chúa Tự Hữu Hằng Hữu ta, và ta xưng tội với Ngài mà rằng: Ôi! Chúa là Thiên Chúa cao cả và đáng khiếp sợ! Ngài giữ lời giao ước và sự nhân từ đối với những kẻ yêu Ngài và giữ các điều răn Ngài,

5 chúng tôi đã phạm tội, làm sự trái ngược, ăn ở hung dữ, chúng tôi đã bội nghịch và đã lìa bỏ các giềng mối và lệ luật của Ngài.

6 Chúng tôi đã không nghe các tôi tớ Ngài là các đấng tiên tri, đã lấy danh Ngài mà nói với các vua, các quan trưởng, các tổ phụ chúng tôi, và với cả dân trong đất.

7 Hỡi Chúa, sự công chính thuộc về Ngài, còn sự hổ mặt về chúng tôi, như ngày nay, sự ấy bao trùm người Giu-đa, dân cư Giê-ru-sa-lem, hết thảy người I-sơ-ra-ên ở gần ở xa, trong mọi nước mà Ngài đã làm cho họ tan tác, vì cớ những sự gian ác họ đã phạm nghịch lại Ngài.

8 Hỡi Chúa, sự hổ mặt thuộc về chúng tôi, về các vua, các quan trưởng, các tổ phụ chúng tôi, bởi chúng tôi đã phạm tội nghịch lại Ngài.

9 Những sự thương xót và tha thứ đều thuộc về Chúa là Thiên Chúa của chúng tôi, dù chúng tôi đã bội nghịch Ngài.

Chúng ta nhận thấy, trong lời cầu thay của Nê-hê-mi và Đa-ni-ên có các điều quan trọng sau đây:

1. Tôn xưng Thiên Chúa Tự Hữu Hằng Hữu là Thiên Chúa của mình.

Trước hết, chúng ta phải nhận biết Đấng mà chúng ta kêu cầu là ai. Ngài là Đấng Tự Có và Có Đến Mãi Mãi, là Chúa của các tầng trời, là Đấng cao cả, vĩ đại, và đáng khiếp sợ. Nhưng, Ngài cũng chính là Thiên Chúa của chúng ta. Khi chúng ta gọi Ngài là Thiên Chúa của chúng ta là chúng ta chấp nhận rằng, chúng ta đầu phục Ngài, tôn thờ Ngài, và tin cậy Ngài.

2. Nhận biết sự thành tín và sự nhân từ của Ngài đối với những ai yêu kính Ngài, vâng giữ Lời Ngài.

Dù Thiên Chúa của chúng ta là Đấng cao cả, vĩ đại, và đáng khiếp sợ, nhưng đối với những ai yêu kính Ngài, vâng giữ Lời Ngài, thì Ngài là nhân từ và làm thành mọi lời hứa của Ngài. Sự nhân từ của Ngài còn đến đời đời! Sự thành tín của Ngài là lớn lắm!

Hỡi Đấng Tự Hữu Hằng Hữu, sự từ ái Ngài ở trên các tầng trời; sự thành tín Ngài đến tận các mây.” (Thi Thiên 36:5).

Bởi sự nhân từ của Thiên Chúa mà Ngài ban cho loài người các lời hứa về sự ban ơn và tha thứ của Ngài. Bởi sự thành tín của Ngài mà những ai yêu kính, vâng phục Ngài sẽ nhận được mọi lời hứa của Ngài.

3. Kêu cầu Ngài, dựa trên sự nhân từ và sự thành tín của Ngài.

Khi chúng ta kêu cầu Chúa, chúng ta không thể dựa trên công đức của mình, mà chúng ta chỉ có thể dựa trên sự nhân từ và sự thành tín của Ngài. Như đã nói, sự nhân từ và sự thành tín của Chúa vĩ đại và bao la không bờ bến. Trong khi đó, về phần chúng ta thì mọi việc công chính của chúng tôi như áo nhớp!” (Ê-sai 64:6). Ngay cả khi chúng ta hết lòng yêu kính Chúa, chúng ta cũng không nên dựa trên tình yêu của mình đối với Ngài mà kêu cầu Ngài. Bởi vì, tình yêu của chúng ta đối với Chúa không thể nào vĩ đại cho bằng tình yêu của Chúa đối với chúng ta. Chúng ta muốn Chúa ban ơn cho chúng ta tùy theo mức độ chúng ta yêu Chúa hay tùy theo mức độ Chúa yêu chúng ta? Sự chúng ta yêu kính Chúa và vâng giữ Lời Ngài là điều kiện để Ngài lắng nghe chúng ta. Nhưng chúng ta kêu cầu Ngài, dựa trên sự nhân từ và sự thành tín của Ngài. Chúng ta mong mỏi Chúa cư xử với chúng ta theo sự nhân từ và thành tín của Ngài.

4. Xưng tội với Ngài: Tội của dân tộc, từ vua quan cho đến dân chúng; tội của tổ phụ; và tội của cá nhân.

Trừ khi Chúa muốn thử thách chúng ta, tất cả mọi đau khổ, bất hạnh đến với chúng ta đều là hậu quả của tội lỗi. Chính Thánh Kinh cho chúng ta biết: “Mọi người đều đã phạm tội” (Rô-ma 3:23). Ngay cả trong Hội Thánh cũng có lắm kẻ ăn ở như là những kẻ thù nghịch thập tự giá” (Phi-líp 3:18). Thánh Kinh khẳng định:

Nếu như chúng ta nói mình không có tội, ấy là chính chúng ta lừa dối mình, và lẽ thật không ở trong chúng ta. Nếu chúng ta xưng nhận những tội lỗi của mình, thì Ngài là thành tín công chính để tha thứ cho chúng ta những tội lỗi của chúng ta, và làm cho chúng ta sạch mọi điều không công chính. Nếu chúng ta nói mình chẳng từng phạm tội, ấy là chúng ta cho rằng Ngài nói dối, và Ngôi Lời của Ngài không ở trong chúng ta.” (I Giăng 1:8-10).

Vì thế, chúng ta phải xưng tội với Chúa để được hưởng ơn tha thứ của Chúa.

5. Nhận sự sỉ nhục dành cho những kẻ chống nghịch Ngài.

Khi chúng ta đã nhận biết và xưng ra tội lỗi, thì chúng ta cũng phải công nhận sự sỉ nhục của tội nhân. Nghĩa là, chúng ta thưa với Chúa rằng, dân tộc chúng ta, tổ phụ chúng ta, bản thân chúng ta, và Hội Thánh Việt Nam bị sỉ nhục là xứng với sự phạm tội. Các lời công nhận sự sỉ nhục của tội nhân trong Thánh Kinh mà chúng ta có thể học theo, đó là:

Hỡi Chúa, sự hổ mặt thuộc về chúng tôi, về các vua, các quan trưởng, các tổ phụ chúng tôi, bởi chúng tôi đã phạm tội nghịch lại Ngài.” (Đa-ni-ên 9:8).

Chúng ta bị xử cách công chính, vì chúng ta nhận lãnh những điều xứng với việc chúng ta làm…” (Lu-ca 23:41).

Công nhận sự sỉ nhục của tội nhân là công nhận địa vị thấp hèn và hư mất mà tội lỗi đã đem đến cho chúng ta. Công nhận sự sỉ nhục của tội nhân là công nhận hình phạt của tội lỗi, công nhận sự thánh khiết và sự công chính của Chúa; đồng thời, nói lên nỗi khao khát được cứu ra khỏi sự sỉ nhục và hư mất đó.

Mỗi cá nhân phải gánh chịu hậu quả tội lỗi của chính mình:

Chớ vì con mà giết cha, cũng đừng vì cha mà giết con. Bất cứ người nào phạm tội, thì phải giết người nấy.” (Phục Truyền Luật Lệ Ký 24:16).

Này, mọi linh hồn đều thuộc về Ta; linh hồn của cha cũng như linh hồn của con, đều thuộc về Ta; linh hồn nào phạm tội thì sẽ chết… Linh hồn nào phạm tội thì sẽ chết. Con sẽ không mang sự gian ác của cha và cha không mang sự gian ác của con. Sự công chính của người công chính sẽ được kể cho mình, sự dữ của kẻ dữ sẽ chất trên mình.” (Ê-xê-chi-ên 18:4, 20).

Nhưng mỗi cá nhân cũng phải gánh chịu hậu quả tội lỗi của tổ phụ mình:

…Ta, Đấng Tự Hữu Hằng Hữu, Thiên Chúa của ngươi, là Thần hay ghen, phạt tội của tổ phụ trên các con cháu đến các đời thứ ba và đến các đời thứ tư, cho những kẻ ghét Ta…” (Xuất Ê-díp-tô Ký 20:5; Phục Truyền Luật Lệ Ký 5:9).

Có người sẽ cho rằng hai câu Thánh Kinh nói về sự Thiên Chúa sẽ nhân tội tổ phụ phạt lại con cháu đến ba bốn đời là mâu thuẫn với hai câu: Chớ vì con mà giết cha, cũng đừng vì cha mà giết con. Bất cứ người nào phạm tội, thì phải giết người nấy.” Con sẽ không mang sự gian ác của cha và cha không mang sự gian ác của con.” Tuy nhiên, hai câu trên nói đến hình phạt trực tiếp đối với một hành động tội lỗi. Trong khi đó, Xuất Ê-díp-tô Ký 20:5 và Phục Truyền Luật Lệ Ký 5:9 nói đến hình phạt liên đới và gián tiếp truyền từ đời ông cha đến đời con cháu.

Thí dụ: Cha mẹ nghiện rượu và ma túy, có nếp sống tà dâm, trụy lạc, thì con cái được sinh ra có thể bị bệnh tật và mang chứng nghiện. Hoặc là cha mẹ thờ cúng thần tượng, dâng con cho tà thần, khiến cho nhiều đời con cháu trở thành nô lệ của Ma Quỷ. Đó là hậu quả đương nhiên của các hành động tội lỗi từ cha mẹ. Hậu quả đó có thể di truyền đến nhiều đời.

Ý nghĩa của sự Chúa nhân tội tổ phụ phạt lại con cháu đến ba bốn đời, là Chúa cho phép hậu quả gián tiếp của tội lỗi di truyền nhiều đời. Tuy nhiên, nếu con và cháu của tội nhân biết ăn năn, xưng tội của tổ phụ và của bản thân, thì Chúa lại tha thứ và làm ơn đến ngàn đời cho người biết ăn năn, xưng tội, và vâng phục Ngài:

“Và làm ơn đến nhiều ngàn đời cho những ai yêu Ta và giữ các điều răn của Ta.” (Xuất Ê-díp-tô Ký 20:6; Phục Truyền Luật Lệ Ký 5:10).

Tội lỗi của cá nhân còn đem họa đến cho cả dân tộc. Giô-suê 7 ghi lại câu chuyện một người I-sơ-ra-ên phạm tội không vâng phục mạng lệnh của Chúa mà cả dân I-sơ-ra-ên bị họa. Chúa không gọi đó là tội của A-can, người làm ra tội, mà Ngài gọi đó là tội của I-sơ-ra-ên:

I-sơ-ra-ên có phạm tội; chúng nó bội nghịch giao ước Ta đã truyền cho đến nỗi dám lấy vật đáng diệt, ăn cắp vật đó, làm dối trá, và để trong bao mình.” (Giô-suê 7:11).

Vì thế, nếu cả dân tộc hoặc Hội Thánh cùng phạm tội thì thật là đáng sợ trước sự phán xét của Chúa. Không cần phải dài dòng trình bày, chúng ta biết dân tộc Việt Nam đã và đang tiếp tục sống trong tội, chống nghịch các điều răn của Chúa như thế nào! Cũng không cần phải dài dòng trình bày, chúng ta biết Hội Thánh Việt Nam đã và đang tiếp tục phạm các điều răn của Chúa như thế nào!

Trong sự cầu thay cho Hội Thánh Việt Nam và dân tộc Việt Nam, chúng ta hãy bởi sự nhận biết của thần trí mà xưng nhận trước Chúa các tội lỗi của Hội Thánh và dân tộc. Khi chúng ta chân thành muốn ăn năn và xưng tội với Chúa, thì Đức Thánh Linh sẽ bày tỏ cho chúng ta biết rằng: Dân tộc chúng ta, tổ phụ chúng ta, bản thân chúng ta, và ngay cả Hội Thánh giữa lòng dân tộc chúng ta, đã và đang phạm tội như thế nào.

6. Nhận biết sự thương xót và sự tha thứ thuộc về Chúa, không phải hễ chúng ta muốn thì được.

Nhận biết sự thương xót và sự tha thứ thuộc về Chúa có nghĩa là, nhận rằng, chúng ta không xứng đáng được Chúa tha thứ; Chúa tha thứ chúng ta là hoàn toàn do sự nhân từ và thương xót của Ngài. Giả sử, Chúa không ban sự cứu rỗi cho một người nào thì cũng không phải vì thế mà Ngài không nhân từ, không thương xót. Điều chúng ta cần phải hiểu ở đây là: Trong khi Chúa là Đấng “từ ái, thương xót, chậm giận, đầy dẫy ân huệ, và chân thật” (Xuất Ê-díp-tô Ký 34:6); thì Ngài cũng là Đấng “làm ơn cho ai Ta muốn làm ơn, và sẽ thương xót ai Ta muốn thương xót” (Xuất Ê-díp-tô Ký 33:19). Ngài có toàn quyền chỉ làm ơn và thương xót những ai không vi phạm các điều răn của Ngài.

Nhân từ và thương xót là bản tính của Chúa. Bởi sự nhân từ và thương xót mà Chúa hứa ban sự tha tội cho những ai biết ăn năn tội. Nhưng tội nhân không có quyền yêu cầu Chúa phải thương xót mình, tha thứ cho mình. Nghĩa là, nếu Chúa không có lời hứa về sự tha tội, thì dù tội nhân có ăn năn tội cũng sẽ không nhận được sự tha thứ của Chúa. Có hiểu rõ điều này thì chúng ta mới không dám khi dễ sự thương xót và tha thứ của Chúa. Nhiều người nghĩ rằng, tôi cứ phạm tội rồi sẽ ăn năn xưng tội với Chúa sau. Cũng có người xin Chúa tha tội trước khi phạm tội! Đó là một sự suy nghĩ ngu dại và phạm thượng. Ngu dại vì không biết rằng, sự tha thứ tùy thuộc vào Chúa. Ngài có thể chấm dứt sự làm ơn và thương xót của Ngài bất kỳ lúc nào. Lấy gì để bảo đảm là trong lần cố tình phạm tội này của chúng ta, Chúa vẫn còn muốn làm ơn cho chúng ta và vẫn còn thương xót chúng ta? Thậm chí, Ngài có thể làm cho kẻ chỉ muốn sống trong tội bị cứng lòng, không thể ăn năn tội:

Rô-ma 9:15-18

15 Vì Ngài phán với Môi-se: Ai Ta muốn thương xót Ta sẽ thương xót. Ai Ta muốn làm ra sự thương xót Ta sẽ làm ra sự thương xót. [Xuất Ê-díp-tô Ký 33:19]

16 Như vậy, chẳng phải bởi người nào ao ước hay người nào bôn ba mà được, mà là bởi sự thương xót của Đức Chúa Trời.

17 Vì Thánh Kinh cũng có phán: Pha-ra-ôn! Chính vì sự này mà Ta đã dấy ngươi lên, để Ta tỏ sức mạnh của Ta ra trong ngươi, và để cho danh Ta được truyền ra khắp đất. [Xuất Ê-díp-tô Ký 9:16]

18 Như vậy, Ngài thương xót ai Ngài muốn và Ngài làm cứng lòng ai Ngài muốn.

Còn phạm thượng là vì, khi chúng ta đã ý thức rằng, mọi tội lỗi của loài người được tha thứ bởi sự đổ máu của Đức Chúa Jesus Christ trên thập tự giá, mà chúng ta vẫn cố tình phạm tội, rồi dựa vào sự đổ máu của Chúa để xin Chúa tha thứ, thì chúng ta đã xem máu của Chúa là ô uế, và khinh thường ơn của Đức Thánh Linh (Hê-bơ-rơ 10:26-29).

7. Nhận biết mình đang đứng trong địa vị tôi tớ của Chúa mà kêu cầu!

Để có thể đứng trong địa vị tôi tớ của Chúa, thì trước hết, chúng ta phải thật lòng ăn năn tội, tin nhận sự cứu rỗi của Đức Chúa Jesus Christ. Khi đó, Đức Chúa Jesus Christ sẽ dùng máu của Ngài rửa sạch mọi tội của chúng ta. Đức Thánh Linh sẽ tái sinh chúng ta, ban cho chúng ta thánh linh của Đức Chúa Trời, để chúng ta có thể vâng giữ các điều răn của Đức Chúa Trời. Chỉ khi đó, chúng ta mới trở thành tôi tớ Chúa để làm theo những việc lành mà Đức Chúa Trời đã sắm sẵn trước cho chúng ta:

“Vì chúng ta là việc do Ngài làm ra, đã được dựng nên trong Đấng Christ Jesus cho những việc lành, mà Đức Chúa Trời đã sắm sẵn trước, để chúng ta bước đi trong chúng.” (Ê-phê-sô 2:10).

Mỗi con dân chân thật của Chúa là một tôi tớ của Chúa. Chúng ta thường sai lầm trong việc xem những người có các chức vụ cai trị và gây dựng Hội Thánh là tôi tớ Chúa, còn những ai không có các chức vụ đó thì không phải là tôi tớ Chúa! Sự sai lầm đó do các tổ chức giáo hội gây ra, khi họ dùng riêng danh xưng tôi tớ Chúa cho những người có các chức vụ cai trị và gây dựng trong Hội Thánh. Nếu mỗi Cơ-đốc nhân là một thầy tế lễ của Đức Chúa Trời và nếu mạng lệnh của Chúa trong Ma-thi-ơ 28:19-20 là dành cho mỗi Cơ-đốc nhân, thì tại sao không phải mỗi Cơ-đốc nhân là một tôi tớ của Chúa?

Chúng ta được gọi bằng danh xưng Cơ-đốc nhân (Công Vụ Các Sứ Đồ 11:26), có nghĩa là người tin và vâng theo Đấng Christ, làm những việc Đấng Christ làm (Giăng 14:12; I Giăng 2:6). Vì thế, mỗi chúng ta đã được Đức Chúa Trời xức dầu để làm đấng tiên tri, thầy tế lễ, và nhà vua trong thế gian và trong Vương Quốc sắp đến của Đức Chúa Trời:

  • Trong chức vụ tiên tri, chúng ta rao giảng cho thế gian về Tin Lành của Đức Chúa Trời và kêu gọi mọi người ăn năn tội, tin nhận sự cứu rỗi của Đức Chúa Jesus Christ. Chúng ta làm báp-tem cho người tin nhận Chúa và dạy cho họ những điều Chúa đã truyền cho chúng ta, là những điều được ghi trong Thánh Kinh, không phải những điều được ghi trong các sách giáo lý và các hiến chương, nội quy của các giáo hội.

  • Trong chức vụ thầy tế lễ, chúng ta hằng dâng thân thể mình, dâng lời cảm tạ, tôn vinh danh Chúa, và các việc lành lên Chúa; đồng thời, cầu thay cho mọi người. Chúng ta cùng nhau làm Tiệc Thánh để nhớ đến Chúa bất kỳ lúc nào chúng ta muốn, chứ không phải chúng ta nhờ đến một ai đó được các giáo hội phong chức “mục sư”, đứng ra “ban Tiệc Thánh” cho chúng ta. Một số giáo hội dùng từ ngữ “ban Tiệc Thánh” là đã vô tình phạm thượng. Vì chỉ có một Đấng “ban Tiệc Thánh” là Đức Chúa Jesus Christ. Ngài đã làm việc đó từ gần hai ngàn năm trước. Ngày nay, chúng ta là con dân Chúa, chúng ta chỉ cần dự Tiệc Thánh mà Chúa đã ban, để nhớ đến Ngài! Chúng ta không cần ai “ban Tiệc Thánh” cho chúng ta cả.

  • Trong chức vụ vua, chúng ta bởi năng lực của Đức Chúa Trời, là thánh linh của Ngài, nghiêm khắc cai trị thân thể mình, để một ngày kia, chúng ta được đồng trị với Đức Chúa Jesus Christ trong Vương Quốc của Đức Chúa Trời:

“Nhưng tôi kỷ luật thân thể mình, bắt nó phải phục, kẻo sau khi tôi đã giảng dạy những người khác mà chính mình phải bị bỏ.” (I Cô-rinh-tô 9:27).

“Nếu chúng ta kiên trì thì chúng ta sẽ đồng trị với Ngài. Nếu chúng ta chối bỏ Ngài thì Ngài cũng sẽ chối bỏ chúng ta.” (II Ti-mô-thê 2:12).

Có nhận biết mình là một tôi tớ Chúa thì chúng ta mới có thể làm công việc cầu thay cho Hội Thánh Việt Nam và dân tộc Việt Nam.

Nguyện xin Đức Thánh Linh khắc ghi những lẽ thật về sự cầu thay vào trong tâm thần của mỗi một chúng ta, để chúng ta có thể làm tròn thiên chức cầu thay cho Hội Thánh Việt Nam và dân tộc Việt Nam, từ nay cho đến ngày Chúa đến! A-men!

Huỳnh Christian Timothy
Sa-bát 29/06/2013

Ghi Chú

Nếu không truy cập được các nối mạng dưới đây, xin vào https://server6.kproxy.com/, dán địa chỉ nối mạng vào ô tìm kiếm, rồi bấm nút surf!

Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Hiệu Đính 2012: Các câu Thánh Kinh được trích dẫn trong bài này là theo Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Hiệu Đính 2012. Đây là bản Thánh Kinh Việt Ngữ trên mạng, đang trong tiến trình hiệu đính để hoàn thành Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Dịch Ngôi Lời. Quý con dân Chúa có thể đọc tại đây: https://thewordtoyou.net/bible/.

  • Các chữ nằm trong hai dấu { } không có trong nguyên văn của Thánh Kinh, nhưng được hàm ý theo cấu trúc của văn phạm tiếng Hê-bơ-rơ và tiếng Hy-lạp.

  • Các chữ nằm trong hai dấu [ ] không có trong nguyên văn của Thánh Kinh, đó là chú thích của người dịch.

Những sách nào đã được hiệu đính hoàn toàn sẽ được đăng tại đây: https://christ.thanhkinhvietngu.net/.