Những Sự Nhân Từ và Những Sự Thương Cảm

7,710 views

Những Sự Nhân Từ và Những Sự Thương Cảm

Huỳnh Christian Timothy

Bấm vào nối mạng dưới đây để tải xuống và in ra bài viết này:
https://www.opendrive.com/folders?MV85MDE4MTc4X0NuMXN5

Bấm vào nối mạng dưới đây để tải xuống mp3 bài giảng này:
https://www.opendrive.com/folders?MV85MTcxMzAxX0l5dzVF

Kính mời quý con dân Chúa dành thời gian nghe bài giảng này, có nhiều thí dụ và giải thích chi tiết hơn là phần bài viết.

Bấm vào nút “play” ► để nghe:

Phần âm thanh của bài giảng này được xếp trong CD_Bồi Linh 2014
https://timhieuthanhkinh.com/?page_id=343

“Bởi sự từ ái của Đấng Tự Hữu Hằng Hữu mà chúng ta không bị tiêu diệt. Vì những sự thương xót của Ngài chẳng dứt; chúng tươi mới mỗi buổi sáng. Sự thành tín của Ngài là lớn lắm.” (Ca Thương 3:22-23).

Dẫn nhập

Đối với con dân Chúa người Việt, Ca Thương 3:23 thường bị trích dẫn cách sai lạc ý nghĩa, vì cách dịch của Bản Truyền Thống. Bản Dịch Truyền Thống dịch là:

“Mỗi buổi sáng thì lại mới luôn. Sự thành tín Ngài là lớn lắm.”

Khiến cho người đọc hiểu: Mỗi buổi sáng là một sự tươi mới. Mỗi ngày là một sự bắt đầu mới. Nhưng thật ra, trong nguyên ngữ Hê-bơ-rơ của Thánh Kinh, thì câu 23 phải đi liền với câu 22. Và không phải mỗi buổi sáng tươi mới, mà là, những sự thương xót của Thiên Chúa luôn tươi mới vào mỗi buổi sáng. Bản Hiệu Đính 2012 đã dịch lại Ca Thương 3:22-23 như sau (https://thewordtoyou.net/bible/):

Bởi sự từ ái của Đấng Tự Hữu Hằng Hữu mà chúng ta không bị tiêu diệt. Vì những sự thương xót của Ngài chẳng dứt; chúng tươi mới mỗi buổi sáng. Sự thành tín của Ngài là lớn lắm.

Trong những ngày đầu xuân mới năm 2014 này, chúng ta hãy cùng nhau suy ngẫm về những sự nhân từ, những sự thương xót, và sự thành tín của Chúa.

Trước hết, chúng ta cần ghi nhớ rằng: Ca Thương là một bài thơ dài, do Tiên Tri Giê-rê-mi làm ra, để than khóc về sự kiện vương quốc Giu-đa bị đế quốc Ba-bi-lôn tiêu diệt, Đền Thờ của Thiên Chúa bị cướp phá, dân chúng lớp bị tàn sát, lớp bị bắt đi làm nô lệ. Thảm cảnh đó đã xảy ra cho vương quốc Giu-đa, vì trong suốt 40 năm, họ không hề tin nhận lời rao giảng của Giê-rê-mi mà ăn năn tội và quay về cùng Thiên Chúa. Tiên tri viết bài thơ Ca Thương vào năm 587 TCN, sau khi thành Giê-ru-sa-lem thất thủ dưới tay Vua Nê-bu-cát-nết-sa [1]. Trong bối cảnh đau thương dường như tuyệt vọng ấy, Tiên Tri Giê-rê-mi vẫn nhìn thấy những sự nhân từ và những sự thương xót của Thiên Chúa. Ông nhận thức rằng: Dù Thiên Chúa hình phạt con dân của Ngài cách nặng nề, nhưng những sự nhân từ của Ngài vẫn bao phủ họ; những sự thương xót của Ngài vẫn đến với họ mỗi ngày. Vì Ngài là Đấng giữ đúng mọi lời hứa của Ngài.

Kế đến, chúng ta cần ý thức rằng: Tiên Tri Giê-rê-mi dùng hình thức số nhiều khi nói đến sự nhân từ và sự thương xót của Thiên Chúa. Ông ghi rõ: “Sự từ ái” và “những sự thương xót”. Điều đó giúp cho chúng ta hiểu rằng: Nhân từ và thương xót là bản tính của Thiên Chúa, và bản tính ấy thể hiện qua mọi ý muốn, lời phán, và hành động của Ngài đối với loài người của chúng ta. Nói cách khác, từng ý muốn, từng lời phán, từng hành động của Thiên Chúa đối với loài người đều thể hiện sự nhân từ và sự thương xót của Ngài đối với nhân loại. Thật vậy, chính lời phán của Thiên Chúa đã được ghi lại trong Giê-rê-mi 29:11, như sau:

Đấng Tự Hữu Hằng Hữu phán: Vì Ta biết, những ý tưởng mà Ta nghĩ đến các ngươi là những ý tưởng bình an, không phải tai họa, để ban cho các ngươi sự trông cậy cuối cùng.”

Nhân Từ

Từ ngữ được dịch sang tiếng Việt là “nhân từ”, trong nguyên ngữ Hê-bơ-rơ là checed, H2617, /khe-sết/, có nghĩa là: tình yêu đối với người khác; lòng tốt đối với người khác; sự đối xử tốt đối với người khác [2]. Thường thì từ ngữ này được dùng để gọi những lời nói tốt, cử chỉ tốt, việc làm tốt do một người đối với người khác. Trong Thi Thiên 144:2, Vua Đa-vít gọi Thiên Chúa là sự nhân từ của ông, vì Thiên Chúa đã làm ra rất nhiều điều tốt cho ông:

Ngài là sự nhân từ tôi, đồn lũy tôi, nơi ẩn náu cao của tôi, và là Đấng giải cứu tôi, cũng là cái khiên tôi, và nơi tôi nương náu mình; Ngài bắt dân tôi phục dưới tôi.”

Nhân từ là đặc tính của tình yêu (I Cô-rinh-tô 13:4), mà Đức Chúa Trời là tình yêu (I Giăng 4:8, 16). Tình yêu là sự ưa thích, tôn quý, tin cậy một đối tượng, muốn được kết hợp, chia xẻ, và dự phần với đối tượng ấy. Tình yêu sẵn sàng hy sinh để đạt đến phúc lợi cao nhất cho đối tượng. Vì thế, chúng ta có thể nói: Nhân từ là bản tính của Thiên Chúa; hoặc nói: Thiên Chúa là sự nhân từ. Vì Ngài là Đấng Từ Ái nên Ngài luôn làm ra những sự nhân từ. Chính nhờ những sự nhân từ của Thiên Chúa mà chúng ta chưa bị diệt vì những sự phạm tội của chúng ta.

Đức Chúa Trời luôn dành cho mọi tội nhân cơ hội ăn năn tội, để họ được Ngài cứu thoát khỏi hậu quả của tội lỗi, quyền lực của tội lỗi. Những câu Thánh Kinh tiêu biểu sau đây, nói lên sự nhân từ rất lớn của Đức Chúa Trời:

Vì Ðức Chúa Trời đã yêu thế gian đến nỗi Ngài đã ban Con Một của Ngài, để ai tin nơi Đấng ấy sẽ không bị hư mất nhưng được sự sống vĩnh cửu.” (Giăng 3:16).

Đấng muốn cho mọi người được cứu rỗi và đến với tri thức về lẽ thật.” (I Ti-mô-thê 2:4).

Thương Cảm và Thương Xót

Từ ngữ được dịch sang tiếng Việt là “thương cảm”, trong nguyên ngữ Hê-bơ-rơ là racham, H7356, /ra-khem/, có nghĩa đen là tử cung, nghĩa rộng là tấm lòng, nghĩa bóng là sự thương cảm, nói lên một tình yêu bao dung, dịu dàng, đồng cảm với sự đau khổ của người khác và muốn cứu giúp [3].

Bản Dịch Truyền Thống đã dịch từ ngữ này thành “thương xót”. Chúng tôi muốn dùng chữ “thương xót” để dịch từ ngữ chanan, H2603, /kha-nan/, nói đến sự thương cảm của một người ở địa vị cao sang, dành cho một người ở địa vị thấp hèn, như: Sự thương cảm của quan tòa dành cho một tử tội, sự thương cảm của Đức Chúa Trời dành cho loài người tội lỗi.

Chúng ta hãy xem ý nghĩa của các từ ngữ “nhân từ”, “thương cảm”, và “thương xót” được dùng trong Thi Thiên 51:1:

“Thiên Chúa ôi! Xin hãy thương xót (chanan) tôi tùy lòng từ ái (checed) của Ngài. Xin hãy xóa sạch các sự vi phạm của tôi tùy lòng thương cảm (racham) rất lớn của Ngài.”

Lời kêu xin đó có nghĩa là:

“Hỡi Thiên Chúa! Dựa vào tình yêu và ý muốn tốt lành của Ngài đối với tôi, mà tôi xin Ngài hãy cảm thông tôi, dù tôi không xứng đáng để được Ngài thương cảm. Xin Chúa tha thứ cho sự phạm tội của tôi theo sự cảm thông và yêu thương rất lớn của Ngài đối với tôi.”

Sự Thành Tín

Từ ngữ được dịch sang tiếng Việt là “thành tín”, trong nguyên ngữ Hê-bơ-rơ là emuwnah, H530, /em-mu-ná/, có nghĩa đen là vững chắc, nghĩa bóng là làm thành lời hứa [4]. Đức Chúa Trời là Đấng Thành Tín vì Ngài luôn làm thành những lời đã hứa của Ngài. Mỗi một điều gì Chúa phán ra thì Ngài sẽ làm thành. Đức Chúa Trời thành tín với chính Ngài, cho nên, dù cho chúng ta có như thế nào đi nữa, thì Đức Chúa Trời vẫn là thành tín. Nếu sự thành tín của Đức Chúa Trời dựa vào sự trung tín của chúng ta, thì chúng ta chỉ có chết! Bởi vì, chúng ta luôn bất toàn. Chúng ta được Chúa kể là công chính vì Ngài tha thứ cho chúng ta. Chúng ta được Chúa kể là trọn vẹn vì chúng ta biết ăn năn và tiếp nhận ân điển của Ngài. Nói cách khác, chúng ta được trở nên trọn vẹn như Ngài là nhờ vào sự thành tín của Ngài đối với chính Ngài. Ngài luôn thực hiện tất cả những gì Ngài phán, cho dù đó có phải là một lời hứa hay không. Chúng ta trở nên không tì, không vết, không chỗ trách được là vì Đức Chúa Trời thành tín với ý muốn của Ngài:

Chúng ta đã biết rằng, mọi sự hiệp lại làm ích cho những ai yêu Đức Chúa Trời, là những người được gọi theo một mục đích của Ngài. Vì những ai Ngài đã biết trước thì Ngài cũng đã định sẵn để giống như hình ảnh của Con Ngài, để Con ấy là Con đầu lòng trong nhiều anh chị em cùng Cha.” (Rô-ma 8:28-29).

Nhưng chính Đức Chúa Trời của sự bình an khiến các anh chị em nên thánh trọn vẹn. Tâm thần, linh hồn, và thân thể của các anh chị em đều được giữ vẹn, không chỗ trách được, cho sự đến của Đức Chúa Jesus Christ chúng ta! Ngài là thành tín! Đấng đã kêu gọi các anh chị em. Ngài cũng sẽ làm điều ấy!” (I Tê-sa-lô-ni-ca 5:23-24).

Kết Luận

Chúng ta là những người đã tuyên xưng đức tin vào trong sự chết chuộc tội của Đức Chúa Jesus Christ, đã tiếp nhận ân điển cứu rỗi của Đức Chúa Trời. Tức là chúng ta đã tuyên xưng rằng, chúng ta hối tiếc về sự phạm tội của mình và không muốn phạm tội nữa. Thế nhưng, từng hồi, từng lúc, trong đời sống của chúng ta, chúng ta vẫn có thể dễ dàng lâm vấp, mà phạm tội, nghịch lại các điều răn của Chúa.

Vì một thèm khát bất chính của xác thịt mà chúng ta tư tưởng hay làm ra những sự tà dâm. Vì muốn tự bảo vệ mình hay tự đề cao mình, mà chúng ta nói những lời nói dối. Vì lo lắng cho nhu cầu vật chất mà chúng ta tham lam, trục lợi bất chính, hay tìm kiếm sự tiếp trợ từ loài người, thay vì dâng trình nhu cầu của mình lên Chúa… Trong mọi sự lâm vấp đó, Đức Thánh Linh vẫn luôn cáo trách, kêu gọi chúng ta ăn năn. Chúng ta hãy suy ngẫm đến những sự nhân từ, những sự thương cảm của Chúa, mà đáp lại tiếng gọi của Đức Thánh Linh: Ăn năn, xưng tội, để được Chúa tha thứ cho chúng ta và làm cho chúng ta sạch mọi điều gian ác.

Trong những ngày đầu của năm mới 2014 này, chúng ta hãy làm mới lại tình yêu của chúng ta đối với Đức Chúa Trời, làm mới lại mối quan hệ Cha con với Ngài. Hãy thật sự đặt mình vào trong tình yêu của Chúa. Hãy yêu Chúa như Ngài yêu chúng ta. Hãy sống là sống cho Chúa. Nguyện những sự nhân từ và những sự thương cảm của Chúa bao phủ chúng ta, cho đến đời đời. Cảm tạ Ngài. A-men!

Huỳnh Christian Timothy
01/02/2014

Ghi Chú

Nếu không truy cập được các nối mạng dưới đây, xin vào https://server6.kproxy.com/, dán địa chỉ nối mạng vào ô tìm kiếm, rồi bấm nút surf!

[1] Xem tiết mục “Năm Julian 587 TCN” tại đây: https://timhieuthanhkinh.com/?p=67

[2] http://www.blueletterbible.org/lang/lexicon/lexicon.cfm?strongs=H2617

[3] http://www.blueletterbible.org/lang/lexicon/lexicon.cfm?strongs=H7356

[4] http://www.blueletterbible.org/lang/lexicon/lexicon.cfm?strongs=H530

Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Hiệu Đính 2012: Các câu Thánh Kinh được trích dẫn trong bài này là theo Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Hiệu Đính 2012. Đây là bản Thánh Kinh Việt Ngữ trên mạng, đang trong tiến trình hiệu đính để hoàn thành Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Dịch Ngôi Lời. Quý con dân Chúa có thể đọc tại đây: https://thewordtoyou.net/bible/.

  • Các chữ nằm trong hai dấu { } không có trong nguyên văn của Thánh Kinh, nhưng được hàm ý theo cấu trúc của văn phạm tiếng Hê-bơ-rơ và tiếng Hy-lạp.

  • Các chữ nằm trong hai dấu [ ] không có trong nguyên văn của Thánh Kinh, đó là chú thích của người dịch.

Những sách nào đã được hiệu đính hoàn toàn sẽ được đăng tại đây: https://christ.thanhkinhvietngu.net/.