Phụ Nữ và Sự Giảng Dạy Lời Chúa

6,228 views


YouTube: https://youtu.be/UH9-o5nclFI

201601 Phụ Nữ và Sự Giảng Dạy Lời Chúa

Huỳnh Christian Timothy
Huỳnh Christian Priscilla

Kính mời quý con dân Chúa dành thời gian nghe bài giảng này, có nhiều thí dụ và giải thích chi tiết hơn là phần bài viết.

Bấm vào nút “play” ► dưới đây để nghe

Bấm vào nút “play” ► dưới đây để nghe

Bấm vào một trong các nối mạng dưới đây để nghe hoặc tải xuống mp3 bài giảng này:

Bấm vào một trong các nối mạng dưới đây để đọc hoặc tải xuống pdf bài giảng này:

  • MediaFire: Bấm vào đây
  • OpenDrive: Bấm vào đây

Kho chứa MP3 các bài giảng:

Kho chứa pdf các bài giảng:

Kính thưa Hội Thánh,

Xưa nay, trong Hội Thánh có quan điểm cho rằng: “Phụ nữ không được giảng dạy Lời Chúa”. Quan điểm ấy được dựa trên các câu Thánh Kinh trong I Cô-rinh-tô 14:26-40 và I Ti-mô-thê 2:8-15. Tuy nhiên, khi đối chiếu hai phân đoạn ấy với các câu Thánh Kinh khác, thì chúng ta thấy rõ, quan điểm ấy nghịch lại với sự dạy dỗ chung của Thánh Kinh.

Lời Chúa là lẽ thật. Thánh Kinh là Lời Chúa. Vì thế, không thể có sự mâu thuẫn trong Thánh Kinh. Vấn đề là chúng ta hiểu sai điều Thánh Kinh ghi chép, nên hình thành những quan điểm nghịch lại Thánh Kinh. Sự hiểu sai một câu Thánh Kinh thường là:

  • Do bản dịch không chính xác vì người dịch thiếu hiểu biết về nguyên ngữ của Thánh Kinh, hoặc do dùng một bản dịch được dịch lại từ các bản dịch trong một ngôn ngữ khác thay vì dịch trực tiếp từ nguyên ngữ của Thánh Kinh (như Bản Dịch Truyền Thống của Thánh Kinh Việt Ngữ).
  • Do thiếu hiểu biết về phong tục, tập quán của thời đại mà câu Thánh Kinh được viết ra.
  • Do dựa vào các tư tưởng Thần học không đúng với Thánh Kinh, hoặc do dựa vào sự suy luận theo ý riêng, ngoài văn mạch của Thánh Kinh, thay vì dựa vào Thánh Kinh.

Trong bài này, chúng tôi cậy ơn Chúa, dùng Thánh Kinh để chứng minh rằng, quan điểm “Phụ nữ không được giảng dạy Lời Chúa” là không đúng với Thánh Kinh. Mong rằng, lẽ thật của Lời Chúa sẽ giải phóng chúng ta ra khỏi một quan điểm sai lầm, trả lại quyền tự do giảng dạy Lời Chúa trong Hội Thánh cho các chị em của chúng ta.

Tất cả những câu Thánh Kinh được trích dẫn và chú giải dưới đây là theo Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Hiệu Đính 2012. Đây là bản dịch Thánh Kinh tiếng Việt thật sát với nguyên ngữ Hê-bơ-rơ và Hy-lạp của Thánh Kinh, do chúng tôi cậy ơn Chúa thực hiện. Chúng tôi cũng trích dẫn một số câu từ nguyên ngữ Hy-lạp, phiên bản “Textus Receptus” [1] để quý bạn đọc đối chiếu.

Khi so sánh Bản Dịch Truyền Thống với Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Hiệu Đính 2012, chúng ta sẽ thấy ngay cách dịch của Bản Dịch Truyền Thống khiến cho người đọc dễ hiểu sai ý nghĩa của câu Thánh Kinh được dịch. Khi so sánh Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Hiệu Đính 2012 với nguyên ngữ Hy-lạp, chúng ta sẽ thấy Bản Hiệu Đính 2012 đã dịch rất sát với nguyên ngữ của Thánh Kinh. Nhờ dịch sát với nguyên ngữ của Thánh Kinh mà chúng ta có thể hiểu đúng Lời Chúa trong ngôn ngữ Việt.

Trước hết, chúng tôi xin lần lượt giãi bày ý nghĩa của I Cô-rinh-tô 14:26-40 và I Ti-mô-thê 2:8-15, để chúng ta nhận thấy, khi các câu ấy được dịch đúng ý của nguyên ngữ Thánh Kinh thì quan điểm “Phụ nữ không được giảng dạy Lời Chúa” là hoàn toàn không đúng với Thánh Kinh. Chúng ta cần chú ý đến chi tiết sau đây:

Thư I và II Cô-rinh-tô được Sứ Đồ Phao-lô viết cho Hội Thánh tại Cô-rinh-tô nhưng được Đức Thánh Linh thần cảm để trở thành mệnh lệnh của Chúa cho Hội Thánh chung. Các câu Thánh Kinh dưới đây giúp cho chúng ta xác định được, nội dung của thư I và II Cô-rinh-tô được viết chung cho tất cả mọi người trong Hội Thánh, không phân biệt nam nữ, lớn nhỏ, chủng tộc, thời đại, v.v..

“Phao-lô, theo ý muốn của Thiên Chúa, được gọi làm sứ đồ của Đức Chúa Jesus Christ, cùng Sốt-then, người anh em cùng Cha của chúng ta, gửi cho Hội Thánh của Đức Chúa Trời ở tại thành Cô-rinh-tô, là những người đã được nên thánh trong Đấng Christ Jesus, được gọi là các thánh đồ, cùng tất cả những ai ở khắp mọi nơi cầu khẩn danh Chúa của chúng ta, Jesus Christ. Ngài là Chúa của họ lẫn của chúng ta.” (I Cô-rinh-tô 1:1-2).

“Phao-lô, theo ý muốn của Thiên Chúa, làm sứ đồ của Đức Chúa Jesus Christ, cùng người anh em cùng Cha của chúng ta là Ti-mô-thê, gửi cho Hội Thánh của Đức Chúa Trời ở tại thành Cô-rinh-tô cùng hết thảy những thánh đồ, những người ở trong khắp xứ A-chai.” (II Cô-rinh-tô 1:1).

Nếu chúng ta công nhận những phụ nữ trong Hội Thánh là “những người đã được nên thánh trong Đấng Christ Jesus, được gọi là các thánh đồ”, là những người “ở khắp mọi nơi cầu khẩn danh Chúa của chúng ta, Jesus Christ”, thì họ cũng là những người được Sứ Đồ Phao-lô gửi thư I và II Cô-rinh-tô. Chính vì thế mà đại danh từ “ὑμεῖς” /hu-mai/ ngôi thứ nhì số nhiều trong tiếng Hy-lạp khi được dùng để gọi chung con dân Chúa trong Hội Thánh cần phải được dịch là “các anh chị em” [2].

I Cô-rinh-tô 14:26-40

I Cô-rinh-tô 14:26-40 là lời của Đức Thánh Linh, qua Sứ Đồ Phao-lô, dạy cho Hội Thánh biết cách nhóm hiệp thông công với nhau và cùng nhau thờ phượng Chúa một cách có trật tự, đem lại ích lợi chung cho mỗi người trong Hội Thánh. Chúng ta cần đọc chung cả phân đoạn một lần, rồi sau đó suy ngẫm ý nghĩa của từng câu:

26 Hỡi các anh chị em cùng Cha! Vậy thì nên làm thế nào, khi các anh chị em nhóm hiệp mà ai nấy trong các anh chị em có bài thánh ca, có lời giảng dạy, có một ngôn ngữ khác, có sự mạc khải, có sự thông giải các ngôn ngữ? Hãy làm tất cả cho sự gây dựng!

27 Nếu có ai nói một ngôn ngữ khác thì hai hoặc nhiều lắm là ba người nói theo phiên, và có một người thông giải.

28 Nếu không có ai thông giải thì người ấy phải giữ im lặng trong Hội Thánh, mà tự nói với mình và với Đức Chúa Trời.

29 Còn các tiên tri, hai hay ba người nói, những người khác thì suy xét.

30 Nhưng, nếu có sự mạc khải cho một người đang ngồi, thì người trước phải giữ im lặng.

31 Bởi vì hết thảy các anh chị em có thể lần lượt nói tiên tri, để tất cả đều được học và tất cả đều được khích lệ.

32 Thần trí của các tiên tri vâng phục các tiên tri.

33 Vì Đức Chúa Trời chẳng phải Đức Chúa Trời của sự loạn lạc mà của sự hòa bình, như trong tất cả các Hội Thánh của các thánh đồ.

34 Những người vợ của các anh em hãy giữ im lặng trong các Hội Thánh; vì họ không được phép nói chuyện nhưng phải vâng phục, theo như luật pháp nói.

35 Và nếu họ muốn học được điều gì thì họ hãy hỏi những người chồng của họ ở nhà; vì những người vợ nói chuyện trong Hội Thánh là điều hổ thẹn.

36 Lời của Đức Chúa Trời ra từ các anh chị em, hay chỉ đến với các anh chị em?

37 Nếu ai tưởng mình là tiên tri, hay người thiêng liêng, thì người ấy hãy biết rằng, những điều tôi viết cho các anh chị em đây là các mệnh lệnh của Chúa.

38 Nhưng nếu có ai không quan tâm hãy để người ấy không quan tâm.

39 Vậy, hỡi các anh chị em cùng Cha! Hãy khao khát nói tiên tri và đừng ngăn cấm sự nói các ngôn ngữ khác.

40 Mọi sự đều nên làm cách phải lẽ và theo thứ tự.

Dưới đây là ý nghĩa của từng câu:

26 Hỡi các anh chị em cùng Cha! Vậy thì nên làm thế nào, khi các anh chị em nhóm hiệp mà ai nấy trong các anh chị em có bài thánh ca, có lời giảng dạy, có một ngôn ngữ khác, có sự mạc khải, có sự thông giải các ngôn ngữ? Hãy làm tất cả cho sự gây dựng!

Mỗi khi Hội Thánh nhóm hiệp thì các anh chị em nên làm thế nào? Hãy làm như sau: Trong Hội Thánh ai có bài ca, ai có bài giảng dạy, ai có điều muốn chia sẻ bằng ngoại ngữ, ai có chiêm bao và khải tượng đến từ Chúa, ai có ơn thông giải ngoại ngữ… thì hãy tôn vinh, cảm tạ, chia sẻ, làm chứng, giãi bày tất cả các sự ấy để Hội Thánh được gây dựng. Đại danh từ “các anh chị em cùng Cha” và tính từ “ai nấy” trong câu này bao gồm tất cả mọi người trong Hội Thánh, có mặt trong buổi nhóm, không phân biệt đàn ông hay đàn bà, lớn hay nhỏ, có chức vụ hay không có chức vụ. Từ câu 27 đến 32 tiếp theo cũng tương tự như vậy, không hề có sự phân biệt đàn ông hay đàn bà, lớn hay nhỏ, có chức vụ hay không có chức vụ.

27 Nếu có ai nói một ngôn ngữ khác thì hai hoặc nhiều lắm là ba người nói theo phiên, và có một người thông giải.

Nếu có ai chia sẻ bằng ngoại ngữ (bao gồm người ngoại quốc nói tiếng mẹ đẻ của họ lẫn người được ân tứ nói ngoại ngữ) thì chỉ nên nhiều lắm là ba người nói và theo thứ tự từng người mà nói, với điều kiện là phải có người thông giải cho cả Hội Thánh cùng hiểu.

28 Nếu không có ai thông giải thì người ấy phải giữ im lặng trong Hội Thánh, mà tự nói với mình và với Đức Chúa Trời.

Nếu không có người thông giải thì người nói ngoại ngữ phải giữ im lặng trong buổi nhóm hiệp của Hội Thánh. Người ấy có thể tự nói trong tâm thần với mình và với Đức Chúa Trời.

29 Còn các tiên tri, hai hay ba người nói, những người khác thì suy xét.

Những tiên tri trong Hội Thánh cũng vậy, trong mỗi buổi nhóm hiệp của Hội Thánh, chỉ nên có nhiều nhất là ba người nói; những người khác thì nghe và suy xét điều các tiên tri chia sẻ.

30 Nhưng, nếu có sự mạc khải cho một người đang ngồi, thì người trước phải giữ im lặng.

Trong khi một tiên tri đang chia sẻ mà Đức Thánh Linh thần cảm cho một người nào đang ngồi nghe, mạc khải cho người ấy một sự gì, thì người ấy cần phải chia sẻ ngay cho Hội Thánh, và người đang nói phải giữ im lặng, nhường cho người có sự mạc khải lên tiếng chia sẻ với Hội Thánh.

31 Bởi vì hết thảy các anh chị em có thể lần lượt nói tiên tri, để tất cả đều được học và tất cả đều được khích lệ.

Sự chia sẻ trong Hội Thánh không phải là đặc quyền của riêng một ai. Tất cả mọi người trong Hội Thánh đều có quyền lần lượt nói tiên tri, tức là chia sẻ Lời Chúa, để tất cả mọi người trong Hội Thánh, kể cả những người chăn và những trưởng lão, đều được học và được khích lệ từ mỗi một anh chị em trong Hội Thánh.

32 Thần trí của các tiên tri vâng phục các tiên tri.

Thần trí bao gồm: tri thức, tâm thức, khuynh hướng trong con người, là những nhận thức và quyết định của tâm thần. Tâm thần là thân thể thiêng liêng của loài người, là phương tiện để loài người tiếp xúc và nhận thức thế giới thuộc linh.

Các tiên tri làm chủ các ý tưởng và sự nhận thức của mình, tiết độ trong lời nói, hành động, khác với trường hợp những người bị tà linh xâm nhập, không thể tự chủ tâm trí, lời nói, và hành động của mình.

33 Vì Đức Chúa Trời chẳng phải Đức Chúa Trời của sự loạn lạc mà của sự hòa bình, như trong tất cả các Hội Thánh của các thánh đồ.

Đức Chúa Trời là Chúa của sự bình an và trật tự. Hội Thánh Chân Thật của Đức Chúa Trời luôn có sự bình an và trật tự trong khi nhóm hiệp để thông công và thờ phượng Chúa; vì các thánh đồ của Chúa biết làm chủ thần trí của mình.

34 Những người vợ của các anh em hãy giữ im lặng trong các Hội Thánh; vì họ không được phép nói chuyện nhưng phải vâng phục, theo như luật pháp nói.

35 Và nếu họ muốn học được điều gì thì họ hãy hỏi những người chồng của họ ở nhà; vì những người vợ nói chuyện trong Hội Thánh là điều hổ thẹn.

Nguyên ngữ Hy-lạp:

αιG3588 [chính] γυναικεςG1135 [những người vợ] υμωνG4771 [của các ngươi] ενG1722 [trong] ταιςG3588 [chính] εκκλησιαιςG1577 [những Hội Thánh] σιγατωσανG4601 [họ hãy giữ yên lặng] ουG3756 [không] γαρG1063 [vì] επιτετραπταιG2010 [cho phép] αυταιςG846 [họ] λαλεινG2980 [nói] αλλG235 [nhưng] υποτασσεσθαιG5293 [phải vâng phục] καθωςG2531 [như] καιG2532 [cũng] οG3588 [cái] νομοςG3551 [luật pháp] λεγειG3004 [nó nói]

ειG1487 [nếu] δεG1161 [nhưng] τιG5100 [điều gì] μαθεινG3129 [học] θελουσινG2309 [họ sẽ] ενG1722 [trong] οικωG3624 [nhà] τουςG3588 [chính] ιδιουςG2398 [của họ] ανδραςG435 [những người chồng] επερωτατωσανG1905 [họ hỏi] αισχρονG150 [hổ thẹn] γαρG1063 [vì] εστινG1510 [nó là] γυναιξινG1135 [những người vợ] ενG1722 [trong] εκκλησιαG1577 [Hội Thánh] λαλεινG2980 [nói]

Chúng ta cần áp dụng nguyên tắc dịch theo văn mạch khi một từ ngữ trong nguyên ngữ Thánh Kinh mang nhiều nghĩa khác nhau. Một trường hợp điển hình về sự một từ ngữ mang nhiều nghĩa khác nhau, cần phải hiểu và dịch theo văn mạch là từ ngữ “ἄλφα” /đu-na-mít/. Từ ngữ này mang các nghĩa: sức mạnh vốn có; năng lực tự nhiên; khả năng; tiềm năng; năng lực; nội lực; phép lạ… với hàng chục nghĩa riêng; mà còn có nghĩa là “ý nghĩa của một ngôn ngữ”, vì nó thể hiện sức mạnh của một ngôn ngữ trong sự diễn đạt ý tưởng của người nói. Hiểu được ý nghĩa của một ngôn ngữ là hiểu được và dùng được sức mạnh của ngôn ngữ ấy [3].

  • Trong Ma-thi-ơ 7:22 thì “ἄλφα” được dịch là “phép lạ”: “Trong ngày đó, nhiều người sẽ thưa với Ta rằng: Lạy Chúa! Lạy Chúa! Chúng tôi chẳng từng nhân danh Ngài nói tiên tri sao? Nhân danh Ngài trừ quỷ sao? Nhân danh Ngài làm nhiều phép lạ sao?”
  • Trong I Cô-rinh-tô 14:11 thì “ἄλφα” được dịch là “ý nghĩa”: “Vậy, nếu tôi chẳng biết ý nghĩa của tiếng nói nào, tôi sẽ là người man rợ đối với người nói, và người nói là người man rợ đối với tôi.”
  • Trong II Cô-rinh-tô 10:4 thì “ἄλφα” được dịch là “sức mạnh”: “Vì những khí giới dùng trong cuộc chiến tranh của chúng tôi không thuộc về xác thịt. Nhưng đối với Đức Chúa Trời là sức mạnh cho sự triệt hạ các đồn lũy…”

Danh từ “gynē” (phiên âm: /gù-nê/) trong tiếng Hy-lạp vừa có nghĩa là “đàn bà” thuộc bất cứ lứa tuổi nào, già hay trẻ, còn độc thân hay đã có chồng, hoặc đã góa chồng, vừa có nghĩa là “vợ”. Tùy theo văn mạch mà người đọc hoặc nghe sẽ hiểu là nghĩa nào được dùng.

Dựa vào văn mạch của câu 34 và 35, chúng ta thấy danh từ “gynē” phải được dịch là “những người vợ”. Bởi vì: có thể nói: “những người đàn bà ở giữa vòng các anh em” nhưng không thể nói: “những người đàn bà của các anh em”; mà chỉ có thể nói: “những người vợ của các anh em”. Những người vợ thuộc sở hữu của những người chồng nhưng những người đàn bà thì không thuộc sở hữu của ai cả (I Cô-rinh-tô 7:4).

Danh từ “anēr” (phiên âm: /a-ne/) trong tiếng Hy-lạp vừa có nghĩa là “đàn ông” vừa có nghĩa là “chồng”. Tùy theo văn mạch mà người đọc hoặc nghe sẽ hiểu là nghĩa nào được dùng.

Dựa vào văn mạch của câu 34 và 35, chúng ta thấy danh từ “anēr” trong câu 35 phải được dịch là “những người chồng”. Bởi vì: có thể nói: “những người đàn ông ở nhà” nhưng không thể nói: “những người đàn ông của họ ở nhà”; mà chỉ có thể nói: “những người chồng của họ ở nhà”. Những người chồng thuộc sở hữu của những người vợ nhưng những người đàn ông thì không thuộc sở hữu của ai cả (I Cô-rinh-tô 7:4).

Ý nghĩa của câu 34 và 35 là: Trong khi Hội Thánh nhóm hiệp thì những bà vợ không được nói chuyện, hỏi han những ông chồng, làm mất trật tự buổi nhóm. Nếu họ muốn học điều gì hay có thắc mắc gì thì đợi về nhà, hỏi chồng ở nhà. Sự những bà vợ nói chuyện, hỏi han những ông chồng trong buổi nhóm hiệp của Hội Thánh, gây ồn ào, mất trật tự, là một việc làm đem lại hổ thẹn cho cả vợ lẫn chồng.

Luật pháp được nói đến trong câu 34 là nội quy hoặc thể lệ về sự nhóm hiệp công cộng không cho phép bất cứ ai trò chuyện, làm ồn khi có người đang chia sẻ, giảng dạy, không riêng gì giới phụ nữ. Đây là một điều luật về văn hóa thời xưa cũng như thời nay, không phải là một điều luật trong luật pháp của Thánh Kinh. Vì những bà vợ trong Hội Thánh tại Cô-rinh-tô thời bấy giờ vi phạm điều luật không được làm ồn trong buổi nhóm, nên Phao-lô lên tiếng nhắc nhở họ.

Sự các bà vợ phải giữ im lặng, không được phép nói là sự không được trò chuyện, hỏi han ồn ào trong buổi nhóm của Hội Thánh; hoàn toàn không phải là sự phụ nữ không được giảng dạy Lời Chúa trong Hội Thánh, bởi vì như câu 26 đã được giãi bày trên đây: Bất cứ ai trong Hội Thánh cũng có quyền chia sẻ, giảng dạy; và trong I Cô-rinh-tô 11:5 cũng nói rõ:

“Nhưng đàn bà nào cầu nguyện hoặc nói tiên tri mà đầu không được trùm lại, thì làm nhục đầu mình. Vì như vậy cũng giống như nàng đã bị cạo đầu.”

Nghĩa là, mỗi một người đàn bà trong Hội Thánh có quyền cầu nguyện và giảng dạy Lời Chúa (nói tiên tri) trong Hội Thánh, với điều kiện là phải có khăn trùm đầu, để tỏ ra sự đàn bà vâng phục đàn ông như I Cô-rinh-tô 11:3 dạy.

Như chúng ta đã thấy, từ câu 26 đến câu 33 trên đây không câu nào có ý không cho phép những phụ nữ trong Hội Thánh ca hát, giảng dạy, nói ngoại ngữ, chia sẻ khải tượng, thông giải ngoại ngữ, cầu nguyện, nói tiên tri… trong các buổi nhóm hiệp của Hội Thánh, miễn là mọi sự được làm trong trật tự, dưới thẩm quyền của các giám mục, trưởng lão.

36 Lời của Đức Chúa Trời ra từ các anh chị em, hay chỉ đến với các anh chị em?

Lời của Đức Chúa Trời ra từ Đức Chúa Trời và đến với con dân Chúa. Con dân Chúa có bổn phận vâng phục Lời của Đức Chúa Trời. Nếu Lời của Đức Chúa Trời đã phán dạy: “Hỡi các anh chị em cùng Cha! Vậy thì nên làm thế nào, khi các anh chị em nhóm hiệp mà ai nấy trong các anh chị em có bài thánh ca, có lời giảng dạy, có một ngôn ngữ khác, có sự mạc khải, có sự thông giải các ngôn ngữ? Hãy làm tất cả cho sự gây dựng”; thì ai có quyền cấm phụ nữ hay bất cứ một người nào trong Hội Thánh, không cho phép họ ca hát tôn vinh Chúa, hoặc giảng dạy Lời Chúa, hoặc chia sẻ bằng ngoại ngữ khi có người thông giải, hoặc chia sẻ khải tượng, chiêm bao, hoặc thông giải ngoại ngữ? Những ai cấm đoán như vậy là họ tự cho rằng: Lời của Đức Chúa Trời ra từ họ và mọi người phải vâng theo họ; chứ không phải Lời của Đức Chúa Trời đến với họ để họ phải vâng phục Lời Chúa như mọi người.

37 Nếu ai tưởng mình là tiên tri, hay người thiêng liêng, thì người ấy hãy biết rằng, những điều tôi viết cho các anh chị em đây là các mệnh lệnh của Chúa.

Người nào trong Hội Thánh cho rằng mình là tiên tri của Chúa hoặc mình là người có trình độ hiểu biết thuộc linh sâu nhiệm mà biện bác các điều được Phao-lô trình bày trên đây, thì người ấy phải biết rằng, các điều Phao-lô viết ra đó chính là các mệnh lệnh của Chúa, không phải là ý riêng của ông.

38 Nhưng nếu có ai không quan tâm hãy để người ấy không quan tâm.

Nhưng nếu có ai vẫn cố tình không quan tâm các điều Phao-lô viết trên đây là các mệnh lệnh của Chúa, thì ấy là người chẳng có sự hiểu biết thuộc linh. Đã không có sự hiểu biết thuộc linh mà không hạ mình tiếp nhận Lời Chúa, thì sẽ cứ vẫn là người không hiểu biết. Người thiếu sự tri thức Lời Chúa sẽ bị diệt vì sự thiếu tri thức của mình! (Ô-sê 4:6). Những người như vậy mà tự xưng làm thầy thì chỉ là: “kẻ mù dẫn đưa kẻ mù, cả hai sẽ cùng ngã xuống hố” (Ma-thi-ơ 15:14).

39 Vậy, hỡi các anh chị em cùng Cha! Hãy khao khát nói tiên tri và đừng ngăn cấm sự nói các ngôn ngữ khác.

Mỗi người trong Hội Thánh hãy khao khát sự thông hiểu Lời Chúa để có thể chia sẻ, rao giảng Lời Chúa giữa Hội Thánh, và cũng đừng ngăn cấm sự nói ngoại ngữ trong Hội Thánh, nếu sự nói ngoại ngữ theo đúng quy định trong câu 27 và 28.

40 Mọi sự đều nên làm cách phải lẽ và theo thứ tự.

Những sự được liệt kê trong câu 26 đến câu 31, mỗi người trong Hội Thánh, không phân biệt nam hay nữ, lớn hay nhỏ, có chức vụ hay không có chức vụ, đều có quyền làm, và mọi sự ấy đều nên làm tất cả một cách phải lẽ, theo thứ tự. Làm một cách phải lẽ là làm đúng theo chỉ thị của Lời Chúa, làm trong sự vinh danh Thiên Chúa, không tìm kiếm vinh quang cho mình, không khoe khoang, khoác lác, cũng không làm vì ganh tị, mà chỉ nhằm vào mục đích đem lại ích lợi chung cho Hội Thánh. Làm theo thứ tự là mỗi người chờ đến phiên mình, lần lượt mà làm, khi cần thì nhường cho người khác.

I Ti-mô-thê 2:8-15

I Ti-mô-thê 2:8-15 là lời Đức Thánh Linh, qua Sứ Đồ Phao-lô, dạy cho những phụ nữ trong Hội Thánh về nếp sống trong Chúa. Phân đoạn này không hề dạy về các sinh hoạt trong sự nhóm hiệp của Hội Thánh, cũng không hề ngăn cấm phụ nữ giảng dạy Lời Chúa, mà chỉ nói đến cách thức ăn mặc, trang điểm của các chị em trong Chúa, và cách thức những người vợ trong Chúa vâng phục chồng. Chúng ta cần đọc chung cả phân đoạn một lần, rồi sau đó suy ngẫm ý nghĩa của từng câu:

8 Vậy, ta muốn những người đàn ông cầu nguyện khắp nơi, đưa cao tay tinh sạch, không có sự giận và sự tranh cãi.

9 Cũng vậy, những người đàn bà sửa soạn chính mình trong áo quần cách nề nếp, với nết na và tiết độ, không dùng những kiểu tóc bới, vàng, châu ngọc, và áo quần quý giá,

10 nhưng với những việc lành, là những điều hợp với những phụ nữ tuyên xưng lòng tin kính.

11 Người vợ hãy học tập trong sự yên tĩnh, trong sự vâng phục mọi bề.

12 Và ta không cho phép người vợ dạy hoặc lấn quyền của người chồng, mà hãy ở trong sự yên tĩnh.

13 Vì A-đam được dựng nên trước, kế tiếp là Ê-va.

14 Và không phải A-đam bị gạt nhưng người vợ bị gạt mà trở nên ở trong sự phạm pháp.

15 Nhưng nàng sẽ được cứu đang khi mang thai, nếu họ tiếp tục ở lại trong đức tin, sự yêu thương, sự nên thánh, và sự tiết độ.

Chúng ta có thể nhận thấy, theo văn mạch từ câu 8 đến câu 10 là lời khuyên chung dành cho những người đàn ông và những người đàn bà trong Hội Thánh. Chú ý hình thức số nhiều của hai danh từ “đàn ông” và “đàn bà” được dùng trong ba câu này, để chỉ chung tất cả những đàn ông và đàn bà trong Hội Thánh. Từ câu 11 đến câu 15 là lời khuyên về bổn phận của người vợ phải vâng phục người chồng. Chú ý hình thức số ít của danh từ “vợ” được dùng trong câu 11 và 12, tương ứng với hình thức số ít của danh từ “chồng” được dùng trong câu 12.

Dưới đây là ý nghĩa của từng câu:

8 Vậy, ta muốn những người đàn ông cầu nguyện khắp nơi, đưa cao tay tinh sạch, không có sự giận và sự tranh cãi.

Sau khi căn dặn Ti-mô-thê phải đặt những sự khẩn xin, những sự cầu nguyện, những sự cầu thay, và những sự tạ ơn cho mọi người, lên hàng đầu trong mọi sự; nhắc lại ý muốn tốt lành của Đức Chúa Trời, muốn cho mọi người được cứu; nhắc lại lẽ thật Đức Chúa Jesus Christ là Đấng Trung Bảo của Thiên Chúa và của loài người; Sứ Đồ Phao-lô viết tiếp điều mà ông muốn cho con dân Chúa thể hiện trong nếp sống. Đó là, những người đàn ông trong Hội Thánh nên cầu nguyện trong mọi nơi với đôi tay thánh sạch hướng về Thiên Chúa và không có sự bất hòa, tranh cãi lẫn nhau. Trạng từ “khắp nơi” là chỉ về bất cứ nơi nào những người đàn ông thực hiện việc cầu nguyện.

9 Cũng vậy, những người đàn bà sửa soạn chính mình trong áo quần cách nề nếp, với nết na và tiết độ, không dùng những kiểu tóc bới, vàng, châu ngọc, và áo quần quý giá,

Những người đàn bà trong Hội Thánh phải ăn mặc cách nề nếp với dáng điệu nết na và cư xử tiết độ, chứ không theo thói thường của những phụ nữ không tin Chúa, là những người ưa thích trang điểm xa hoa, cầu kỳ, và lãng phí. Tính từ “nề nếp” nói lên sự gọn, sạch, kín đáo, thể hiện sự thanh bạch và lương thiện. Tính từ “nết na” nói về bản tính e thẹn, dịu dàng, nhưng biết quan tâm đến người khác. Danh từ “tiết độ” cũng có thể dịch là “tâm trí tỉnh táo” (Công Vụ Các Sứ Đồ 26:25), được dùng để chỉ về đức tính biết kiềm chế lấy mình, không để cho bất cứ sự gì thuộc về thế gian điều khiển mình. Người phụ nữ có tâm trí tỉnh táo, biết tự kiềm chế mình cũng chính là người phụ nữ ít nói, nhưng khi đáng nói thì nói những “lời lành có ích cho sự gây dựng và mang ơn đến cho những người nghe” (Ê-phê-sô 4:29).

10 nhưng với những việc lành, là những điều hợp với những phụ nữ tuyên xưng lòng tin kính.

Phụ nữ trong Chúa nên thể hiện lòng tin kính của mình bằng những việc lành hợp với Lời Chúa hơn là chạy theo những sự chưng diện của thế gian. Những việc nào là những việc lành hợp với sự tuyên xưng đức tin của các chị em trong Chúa? Chính là những việc được dạy dỗ trong Thánh Kinh, điển hình là những việc được đề cập từ câu 9 đến câu 12. Chắc chắn là các sự: lớn tiếng la mắng con cháu, cãi vã với chồng, hỗn với chồng, nói năng hung tợn và thô lỗ, ăn mặc hoang phí, diêm dúa hoặc hở hang, trang điểm lòe loẹt theo các trào lưu của thế gian không phải là những việc hợp với sự tuyên xưng lòng tin kính của những phụ nữ trong Chúa.

11 Người vợ hãy học tập trong sự yên tĩnh, trong sự vâng phục mọi bề.

12 Và ta không cho phép người vợ dạy hoặc lấn quyền của người chồng, mà hãy ở trong sự yên tĩnh.

Nguyên ngữ Hy-lạp:

γυνηG1135 [một người vợ] ενG1722 [trong] ησυχιαG2271 [sự yên tĩnh] μανθανετωG3129 [nàng học] ενG1722 [trong] πασηG3956 [mọi bề] υποταγηG5292 [vâng phục]

γυναικιG1135 [một người vợ] δεG1161 [nhưng] διδασκεινG1321 [dạy] ουκG3756 [không] επιτρεπωG2010 [ta cho phép] ουδεG3761 [cũng không] αυθεντεινG831 [lấn quyền/tiếm quyền] ανδροςG435 [của một người chồng] αλλG235 [nhưng] ειναιG1510 [hãy ở] ενG1722 [trong] ησυχιαG2271 [sự yên tĩnh]

Sau khi bày tỏ ý muốn chung của ông cho đàn ông lẫn đàn bà trong Hội Thánh về nếp sống tin kính, thì Phao-lô dạy thêm cho những phụ nữ đã có gia đình phải vâng phục, tôn trọng chồng. Ông khuyên rằng, trong gia đình, vợ phải yên lặng, lắng nghe học tập từ nơi chồng (chú ý cả hai danh từ “vợ” và “chồng” đều là hình thức số ít, để cho biết bối cảnh của lời dạy này là về quan hệ vợ chồng trong một gia đình). Vợ phải vâng phục chồng mọi bề. Sự vâng phục của người vợ đối với người chồng cũng giống như sự người vợ vâng phục Chúa:

“Hỡi những người vợ! Hãy vâng phục chồng mình như vâng phục Chúa.” (Ê-phê-sô 5:22).

Vợ phải vâng phục chồng vì chồng là người cai trị trong gia đình. Sau khi loài người sa ngã, Thiên Chúa đã đặt người vợ dưới sự cai trị của người chồng, như đã được ghi rõ trong Sáng Thế Ký 3:16. Vợ có vâng phục chồng mọi bề như vâng phục Chúa thì Lời của Đức Chúa Trời đã phán truyền trong Sáng Thế Ký 3:16 mới không bị phạm thượng (Tít 2:5).

Chính vì chồng cai trị vợ và vợ phải vâng phục chồng trong mọi sự mà vợ không thể dạy chồng hoặc lấn quyền chồng. Dạy chồng có nghĩa là không chấp nhận sự dạy dỗ của chồng nhưng bảo chồng phải chấp nhận những lý lẽ và ý muốn của mình. Lấn quyền chồng là tự mình quyết định mọi sự, sai khiến chồng làm theo ý muốn của mình.

Từ ngữ “yên tĩnh” được dùng trong câu 11 và 12 có nghĩa là lo làm bổn phận của mình, không tranh cãi, không to tiếng với chồng con. Ngay cả khi quở trách, dạy dỗ con cái, người vợ cũng phải dịu dàng, nhỏ nhẹ, không gây ồn ào trong gia đình, làm ồn đến hàng xóm, láng giềng, là điều không làm gương tốt. Người vợ phải cậy ơn Chúa để tự kiềm chế mọi cảm xúc mà giữ cho gia đình được yên tĩnh. Người vợ phải yên tĩnh học tập nơi chồng và người vợ phải yên tĩnh vâng phục chồng trong mọi sự, miễn là sự dạy dỗ và ý muốn của chồng không nghịch lại Thánh Kinh.

13 Vì A-đam được dựng nên trước, kế tiếp là Ê-va.

Lý do vợ phải vâng phục chồng vì ngay từ khi sáng thế, Thiên Chúa dựng nên người nữ để giúp đỡ người nam, không phải để người nữ dạy dỗ hay cầm quyền trên người nam. Dĩ nhiên, sự dạy dỗ nói đến ở đây không bao gồm sự truyền đạt kiến thức chuyên môn, như cô giáo dạy học ở trường, cũng không bao gồm sự truyền đạt sự hiểu biết về Lời Chúa, như bà Bê-rít-sin dạy cho ông A-bô-lô được thêm sâu nhiệm về đường lối của Đức Chúa Trời. Sự dạy dỗ được nói đến ở đây là hình thức vợ lấn áp chồng, buộc chồng nghe theo mình trong mọi sự như một người mẹ dạy con. Sự lấn quyền hay sự cai trị chồng được nói đến ở đây cũng không bao gồm sự người nữ nắm giữ các chức vụ cai trị trong xã hội. Các Quan Xét đoạn 4 ghi lại sự kiện Đức Chúa Trời dấy lên một người nữ để cai trị dân I-sơ-ra-ên. Đó là nữ Tiên Tri và Quan Xét Đê-bô-ra.

14 Và không phải A-đam bị gạt nhưng người vợ bị gạt mà trở nên ở trong sự phạm pháp.

Thêm vào đó, ngay từ khi sáng thế, người nữ đã dễ bị ma quỷ lường gạt và cám dỗ hơn là người nam. Còn A-đam vì nghe theo vợ hoặc chiều theo vợ mà phạm tội. Có lẽ vì thế mà trong Sáng Thế Ký 3:16, Đức Chúa Trời đã công khai trao quyền cai trị vợ cho chồng. Mệnh đề “trở nên ở trong sự phạm pháp” có nghĩa là ở trong tình trạng là một tội nhân và phải gánh chịu sự hình phạt của tội lỗi, cụ thể là người vợ phải chịu nhiều cực khổ và đau đớn, đến nỗi có thể nguy đến tính mạng, trong khi mang thai và sinh nở.

15 Nhưng nàng sẽ được cứu đang khi mang thai, nếu họ tiếp tục ở lại trong đức tin, sự yêu thương, sự nên thánh, và sự tiết độ.

Đây là một câu hơi khó hiểu.

Sự được cứu ở đây của người vợ không thể hiểu là sự được cứu rỗi khỏi tội lỗi, vì sự cứu rỗi khỏi tội lỗi chỉ bởi đức tin vào trong sự chết chuộc tội của Đức Chúa Jesus Christ. Hơn nữa, thư I Ti-mô-thê được viết cho Ti-mô-thê, nói đến những người đàn ông và đàn bà trong Hội Thánh, tức là những người đã được cứu khỏi tội lỗi. Văn mạch cho biết là “nàng sẽ được cứu đang khi mang thai”. Giới từ “đang khi” chỉ về suốt một khoảng thời gian, đó là khoảng thời gian từ khi người vợ mang thai cho đến khi sinh con. Vì thế, sự được cứu được nói đến ở đây là sự được cứu khỏi: “nhiều sự cực khổ trong cơn thai nghén”; và khỏi sự: “đau đớn trong khi sinh con” (Sáng Thế Ký 3:16).

Kể từ khi Ê-va phạm tội, tất cả những người vợ đều ở trong sự cực khổ và đau đớn trong khi mang thai và sinh nở. Con số những phụ nữ chết vì hư thai hoặc vì sự sinh con gặp khó khăn không phải là ít. Nhưng người vợ sẽ được cứu khỏi cơn cực khổ và đau đớn trong suốt thời kỳ mang thai và sinh nở, nếu “họ” tiếp tục ở lại trong đức tin, sự yêu thương, sự nên thánh, và sự tiết độ.

Đại danh từ “họ” trong câu này có thể chỉ về cả vợ lẫn chồng mà cũng có thể chỉ về tất cả những người vợ có lòng tin kính Chúa. Đôi vợ chồng có lòng tin kính Chúa, trung tín trong đức tin thì người vợ sẽ được cứu khỏi sự đau đớn, nguy hiểm khi mang thai và sinh nở; hoặc tất cả những người vợ có lòng tin kính Chúa, trung tín trong đức tin, đều được cứu khỏi sự đau đớn, nguy hiểm khi mang thai và sinh nở.

Những Câu Thánh Kinh Cho Phép Phụ Nữ Được Giảng Dạy Lời Chúa

Tiếp theo, chúng tôi xin giãi bày ý nghĩa của Công Vụ Các Sứ Đồ 18:26, I Cô-rinh-tô 11:5, và Ga-la-ti 3:26-28 là các câu Thánh Kinh cùng một ý với I Cô-rinh-tô 14:26-32 (đã giãi bày trên đây) cho thấy các phụ nữ được giảng dạy Lời Chúa trong Hội Thánh.

Công Vụ Các Sứ Đồ 18:24-28

24 Có một người Do-thái kia, tên là A-bô-lô, quê ở thành A-léc-xan-tri, là một người khéo nói và giỏi về Thánh Kinh, đã đến tại thành Ê-phê-sô.

25 Người này đã được dạy dỗ về đường lối của Chúa và nóng cháy trong tâm thần. Người đã nói và dạy đúng những điều thuộc về Chúa, chỉ biết phép báp-tem của Giăng.

26 Người cũng bắt đầu nói cách dạn dĩ trong nhà hội. Khi A-qui-la và Bê-rít-sin đã nghe người thì họ đã đem người về với họ; và giãi bày cho người về đường lối của Đức Chúa Trời cách chính xác hơn.

Nguyên ngữ Hy-lạp:

ουτοςG3778 [ông ấy] τεG5037 [cũng] ηρξατοG756 [ông ấy bắt đầu] παρρησιαζεσθαιG3955 [nói cách dạn dĩ] ενG1722 [trong] τηG3588 [cái] συναγωγηG4864 [nhà hội] ακουσαντεςG191 [đã nghe] δεG1161 [nhưng] αυτουG846 [của ông ấy] ακυλαςG207 [A-qui-la] καιG2532 [và] πρισκιλλαG4252 [Bê-rít-sin] προσελαβοντοG4355 [họ đem về với họ] αυτονG846 [ông ấy] καιG2532 [và] ακριβεστερονG199 [chính xác] αυτωG846 [cho ông ấy] εξεθεντοG1620 [họ giãi bày] τηνG3588 [cái] τουG3588 [của Đức] θεουG2316 [của Chúa Trời] οδονG3598 [đường lối]

27 Khi người đã có ý đi qua tới xứ A-chai, các anh em cùng Cha đã viết lời khích lệ các môn đồ tiếp nhận người. Khi người đến, đã giúp ích nhiều cho họ, là những người đã tin bởi ân điển.

28 Vì người đã mạnh mẽ đối đầu những người Do-thái cách công khai, chứng minh bởi Thánh Kinh: Đức Chúa Jesus là Đấng Christ.

Trong câu 26, động từ “giãi bày” trong nguyên ngữ Hy-lạp có nghĩa là: phơi bày ra tất cả cho thấy rõ. Trong Công Vụ Các Sứ Đồ 11:4 dùng động từ này để nói về việc Sứ Đồ Phi-e-rơ tường thuật cách chi tiết từ đầu đến cuối sự việc ông đến nhà Cọt-nây. Trong Công Vụ Các Sứ Đồ 28:23 cũng dùng động từ này để nói về việc Sứ Đồ Phao-lô giãi bày về Vương Quốc của Đức Chúa Trời cho những người Do-thái tại thành Rô-ma, liền sau khi ông bị bắt và giải đến đó. Có thể nói, động từ này, khi được áp dụng cho sự giảng dạy Lời Chúa thì có nghĩa là: giảng dạy Lời Chúa một cách rõ ràng, chi tiết, và đầy đủ.

Hình thức của động từ “giãi bày” trong câu 26 trên đây là hình thức số nhiều, có nghĩa là áp dụng cho cả A-qui-la lẫn Bê-rít-sin. Hai người đều giảng dạy cho A-bô-lô đường lối của Đức Chúa Trời một cách rõ ràng, chi tiết, và đầy đủ, chính xác hơn những gì A-bô-lô đã biết. Rõ ràng là Lời Chúa cho chúng ta thấy, bà Bê-rít-sin đã giảng dạy về đường lối của Chúa cho A-bô-lô, chứ không phải chỉ nói một lời tiên tri hay chỉ đọc một phân đoạn Thánh Kinh.

I Cô-rinh-tô 11:5

“Nhưng đàn bà nào cầu nguyện hoặc nói tiên tri mà đầu không được trùm lại, thì làm nhục đầu mình. Vì như vậy cũng giống như nàng đã bị cạo đầu.”

Sự cầu nguyện và nói tiên tri là ơn Chúa ban chung cho cả Hội Thánh, nhưng những phụ nữ trong Hội Thánh khi cầu nguyện và nói tiên tri thì phải trùm đầu, để tỏ ra là mình không lấn quyền các nam trưởng lão được Chúa đặt để cai trị Hội Thánh và cũng tỏ ra là mình không thi hành quyền cai trị trên những người đàn ông trong Hội Thánh. Đây không phải là một hình thức làm theo phong tục thời bấy giờ, vì trong I Cô-rinh-tô 11:10 nói rõ:

“Bởi đó, người đàn bà phải có dấu hiệu của sự vâng phục thẩm quyền ở trên đầu, vì cớ các thiên sứ.”

Thời nay, tất cả phụ nữ trong Hội Thánh đều phải trùm đầu khi cầu nguyện, nói tiên tri, chia sẻ, giảng dạy, làm chứng trong các buổi nhóm hiệp của Hội Thánh.

Động từ “nói tiên tri” vừa có nghĩa là nói trước những điều sắp xảy ra do Chúa bày tỏ trong tâm thần của người nói, vừa có nghĩa là giãi bày những sự khải tượng, chiêm bao Chúa ban cho người ấy, vừa có nghĩa là công bố Lời Chúa như đã chép trong Thánh Kinh về một vấn đề gì đó, hoặc giãi bày ý nghĩa của những câu Thánh Kinh theo sự hiểu biết nhận được từ nơi Đức Thánh Linh.

Nên nhớ, mỗi con dân Chúa đều được đổ đầy thánh linh để thi hành cả ba chức vụ: tiên tri, thầy tế lễ, và vua. Trong chức vụ tiên tri chúng ta công bố Lời Chúa. Trong chức vụ thầy tế lễ chúng ta dâng thân thể mình làm của lễ sống và thánh lên Chúa, dâng các việc lành cùng lời tôn vinh danh Chúa để thờ phượng Chúa, cầu thay cho mọi người. Trong chức vụ vua chúng ta tự cai trị chính mình và sẽ đồng trị với Đức Chúa Jesus Christ trong Vương Quốc của Đức Chúa Trời.

Ga-la-ti 3:26-28

26 Vì hết thảy các anh chị em đều là con cái của Đức Chúa Trời bởi đức tin trong Đấng Christ Jesus.

27 Vì bất cứ ai trong các anh chị em chịu báp-tem vào trong Đấng Christ, thì mặc lấy Đấng Christ.

28 Chẳng có người Do-thái hoặc người Hy-lạp, chẳng có người nô lệ hoặc người tự do, chẳng có đàn ông hoặc đàn bà; vì hết thảy các anh chị em là một trong Đấng Christ Jesus.

Tất cả các ơn và các chức vụ trong Hội Thánh đều được ban cho mỗi con dân Chúa, không phân biệt giai cấp, phái tính, chủng tộc… Phụ nữ vẫn được Chúa kêu gọi và ban cho chức vụ giảng Tin Lành (chắc chắn là Ma-thi-ơ 28:19-20 không dành riêng cho đàn ông), chức vụ tiên tri, chức vụ chăn bầy và giảng dạy Lời Chúa. Xin đọc và nghe loạt bài giảng về các chức vụ trong Hội Thánh trên trang mạng timhieuthanhkinh.com [4].

Nguyện lẽ thật của Lời Chúa giải phóng chúng ta ra khỏi những ý tưởng và quan điểm Thần học sai nghịch Thánh Kinh. Nguyện Đức Thánh Linh cứ thánh hóa chúng ta bằng lẽ thật của Lời Chúa. Nguyện tình yêu, ân điển, và sự thông công từ Thiên Chúa bao phủ mỗi một chúng ta cho đến đời đời. A-men!

Huỳnh Christian Timothy
Huỳnh Christian Priscilla
01/01/2016

Ghi Chú

Nếu không truy cập được các nối mạng dưới đây, xin vào https://server6.kproxy.com/, dán địa chỉ nối mạng vào ô tìm kiếm, rồi bấm nút surf.

[1] Textus Receptus: Danh từ ra từ tiếng La-tinh, có nghĩa là “Bản Văn Được Tiếp Nhận”, dùng để gọi văn bản Thánh Kinh Tân Ước trong nguyên ngữ Hy-lạp, được làm nền tảng cho Bản Dịch Thánh Kinh Anh Ngữ King James Version. Đây là bản văn Tân Ước tiếng Hy-lạp do Robertus Stephanus (Robert Stephens) biên tập vào năm 1550, được các nhà giải kinh truyền thống công nhận là chính xác nhất. Thánh Kinh Việt Ngữ phần Tân Ước của Bản Hiệu Đính 2012 và Bản Dịch Ngôi Lời đều được dựa trên Textus Receptus. Quý bạn đọc có thể tham khảo bài viết bênh vực cho sự dùng Textus Receptus làm nền tảng cho các bản dịch Thánh Kinh tại đây: http://www.1611kingjamesbible.com/manuscripts.html/

[2] https://thewordtoyou.net/dictionary/G5210

[3] https://thewordtoyou.net/dictionary/G1411

[4] https://timhieuthanhkinh.com/muc-luc-theo-van/

Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Hiệu Đính 2012: Các câu Thánh Kinh được trích dẫn trong bài này là theo Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Hiệu Đính 2012. Đây là bản Thánh Kinh Việt Ngữ trên mạng, đang trong tiến trình hiệu đính để hoàn thành Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Dịch Ngôi Lời. Quý con dân Chúa có thể đọc tại đây: https://thewordtoyou.net/bible/.

  • Các chữ nằm trong hai dấu { } không có trong nguyên văn của Thánh Kinh, nhưng được hàm ý theo cấu trúc của văn phạm tiếng Hê-bơ-rơ và tiếng Hy-lạp.
  • Các chữ nằm trong hai dấu [ ] không có trong nguyên văn của Thánh Kinh, đó là chú thích của người dịch.

Những sách nào đã được hiệu đính hoàn toàn sẽ được đăng tại đây: https://christ.thanhkinhvietngu.net/.