Sự Cứu Rỗi và Sự Sống Đời Đời

8,299 views

Sự Cứu Rỗi và Sự Sống Đời Đời

Huỳnh Christian Timothy

Bấm vào nối mạng dưới đây để tải xuống mp3 bài giảng này:

https://www.opendrive.com/folders?MV85MTYxNjYwX0p2UmpI

https://soundcloud.com/huynh-christian-timothy/sets/114_cacbaigiangkhac

Bấm vào nối mạng dưới đây để tải xuống bài viết pdf:
https://od.lk/f/MV8yNzk3NDgwNjhf

Kính mời quý con dân Chúa dành thời gian nghe bài giảng này, có nhiều thí dụ và giải thích chi tiết hơn là phần bài viết.

Bấm vào nút “play” ► để nghe:

Để được sự sống đời đời thì trước hết một người phải ở trong sự cứu rỗi của Thiên Chúa. Để được cứu rỗi thì trước hết một người phải:

(1) nhận biết mình là tội nhân, tức là người đang làm ra những điều nghịch lại lương tâm, nghịch lại luật pháp của Thiên Chúa; và đang bị hư mất;

(2) thật lòng ăn năn tội, tức là đau buồn về sự mình phạm tội và không muốn tiếp tục phạm tội nữa;

(3) chỉ tin nhận sự chết chuộc tội của Đức Chúa Jesus Christ để được tha tội, ngoài ra, không tìm kiếm sự tha tội bằng bất cứ một ai khác, một sự gì khác.

Khi hội đủ ba điều kể trên thì một người có thể xưng nhận với Thiên Chúa, còn gọi là cầu nguyện. Lời cầu nguyện chỉ cần đơn giản và vắn tắt bởi lòng chân thành, tương tự như sau:

“Kính lạy Đức Chúa Trời. Con nhận biết con là người có tội. Con không muốn sống trong tội, và con tin nhận sự chết chuộc tội của Đức Chúa Jesus Christ.”

Bởi lòng ăn năn chân thành và bởi đức tin vào sự chết chuộc tội của Đức Chúa Jesus Christ, mà người ấy tức thì nhận được sự cứu rỗi của Thiên Chúa: Do Đức Chúa Trời ban cho, qua hành động của Đức Chúa Jesus Christ, bởi năng lực của Đức Thánh Linh. (Thiên Chúa là Đấng Tạo Hóa, dựng nên muôn loài vạn vật. Chỉ có một Thiên Chúa tự có và có mãi, thể hiện trong ba thân vị: Đức Cha, còn gọi là Đức Chúa Trời; Đức Con, còn gọi là Đức Chúa Jesus Christ; và Đức Thánh Linh.)

Được cứu rỗi, trước hết là được cứu ra khỏi trách nhiệm của sự phạm tội, tức là được thoát khỏi sự bị hình phạt do phạm tội, vì được tha tội; kế tiếp là được cứu ra khỏi sự nô lệ cho tội lỗi, tức là được thoát khỏi bản tính phạm tội, vì được làm cho sạch tội. Thánh Kinh chép:

Nếu chúng ta xưng nhận những tội lỗi của mình, thì Ngài là thành tín công chính để tha thứ cho chúng ta những tội lỗi của chúng ta, và làm cho chúng ta sạch mọi điều không công chính.” (I Giăng 1:9).

Tiếp liền theo đó, thì người ấy được tái sinh, tức là được sinh lại bởi Đức Chúa Trời, được ở trong địa vị làm con thừa kế của Đức Chúa Trời. Sự được sinh lại này trước hết xảy ra trong linh hồn và tâm thần, tức là được phục hồi sự sống thánh khiết từ Thiên Chúa. Thân thể xác thịt được thánh hóa bởi quyền năng của Đức Chúa Jesus Christ, được Thiên Chúa trong thân vị Đức Thánh Linh ngự vào, và trở thành công cụ để làm ra những việc lành mà Đức Chúa Trời đã sắm sẵn cho mỗi người:

Vì chúng ta là việc do Ngài làm ra, đã được dựng nên trong Đấng Christ Jesus cho những việc lành, mà Đức Chúa Trời đã sắm sẵn trước, để chúng ta bước đi trong chúng.” (Ê-phê-sô 2:10).

Vậy, nếu ai ở trong Đấng Christ thì người ấy là một tạo vật mới. Những sự cũ đã qua đi. Này, mọi sự đã trở nên mới.” (II Cô-rinh-tô 5:17).

Đức Thánh Linh ban cho người được tái sinh đầy dẫy thánh linh của Thiên Chúa, để người ấy có thể hiểu biết cách sâu nhiệm Lời Chúa, được ghi chép trong Thánh Kinh, và có năng lực sống một đời sống thánh khiết theo Lời Chúa. Thánh linh của Thiên Chúa tức là sức sống, năng lực của chính Thiên Chúa, và các ơn thiêng liêng, còn gọi là các ân tứ của Đức Thánh Linh. Nhờ được đầy dẫy thánh linh mà một người thắng được mọi cám dỗ, mọi thử thách; không phạm tội và vượt qua được mọi nghịch cảnh; làm ra được những điều lạ lùng, tôn vinh danh Thiên Chúa, đem lại ích lợi cho nhiều người.

Nếu người ấy tiếp tục sống nếp sống mới trong Chúa, tức là chỉ tin nhận sự cứu rỗi bởi sự chết chuộc tội của Đức Chúa Jesus Christ và luôn vâng giữ các điều răn của Đức Chúa Trời, thì người ấy sẽ nhận được sự sống đời đời. Nếu người ấy không sống nếp sống mới trong Chúa, trở lại phạm các điều răn của Đức Chúa Trời, thì đương nhiên bị mất sự cứu rỗi, vì sự cứu rỗi chỉ ban cho những ai thật lòng ăn năn tội và tin nhận sự chết chuộc tội của Đức Chúa Jesus Christ. Nếu chỉ tin nhận sự chết chuộc tội của Đức Chúa Jesus Christ mà không thật lòng ăn năn tội, hoặc thật lòng ăn năn tội mà không tin nhận sự cứu rỗi của Đức Chúa Jesus Christ thì không hội đủ điều kiện để được cứu rỗi. Mà không được cứu rỗi thì làm sao có được sự sống đời đời?

Nhiều giáo hội dạy rằng, sự cứu rỗi và sự sống đời đời là sự ban cho vô điều kiện của Đức Chúa Trời cho những ai tin nhận sự chết chuộc tội của Đức Chúa Jesus Christ. Đây là giáo lý nghịch lại lẽ thật của Thánh Kinh, là tà giáo đưa dắt hàng tỉ người vào trong sự chết đời đời.

Vì tiền công của tội lỗi là sự chết; nhưng ân điển của Đức Chúa Trời là sự sống vĩnh cửu trong Đức Chúa Jesus Christ, Chúa của chúng ta.” (Rô-ma 6:23).

Trước hết chúng ta cần ghi nhớ điều căn bản này: Sự cứu rỗi và sự sống đời đời là hai điều có tương quan mật thiết với nhau nhưng hoàn toàn riêng biệt. Sự cứu rỗi là ơn ban cho có điều kiện của Đức Chúa Trời. Sự sống đời đời là phần thưởng dành cho những người đã được cứu vẫn tiếp tục giữ lòng tin trong Đức Chúa Jesus Christ và giữ các điều răn của Đức Chúa Trời.

Sự cứu rỗi của Đức Chúa Trời không phải là sự ban cho vô điều kiện, vì sự cứu rỗi đòi hỏi người muốn được cứu phải thật lòng ăn năn tội và thật lòng tin nhận sự chết chuộc tội của Đức Chúa Jesus Christ. Mặc dù người được cứu không phải làm ra một điều gì để giải quyết sự phạm tội của mình nhưng người ấy phải có sự thay đổi trong sự nhận thức và ý muốn của mình. Vì thế, sự cứu rỗi chỉ dành cho những ai đáp ứng đúng điều kiện của Đức Chúa Trời.

Sự sống đời đời cũng là sự ban cho của Đức Chúa Trời nhưng là sự ban cho như là phần thưởng chỉ dành cho những ai trung tín với Thiên Chúa sau khi được cứu. Những câu Thánh Kinh được liệt kê dưới đây, rõ ràng cho chúng ta biết, sự sống đời đời là sự ban thưởng cho những người có công.

Ma-thi-ơ 19:16-19; 29-30

16 Này, có một người đến hỏi Ngài rằng: Theo thầy, tôi phải làm việc lành chi cho được sự sống vĩnh cửu?

17 Đức Chúa Jesus đáp rằng: Sao ngươi hỏi Ta về việc lành? Chỉ có một Đấng lành mà thôi. Nếu ngươi muốn vào trong sự sống, thì hãy giữ các điều răn.

18 Người hỏi: Những điều răn gì? Đức Chúa Jesus phán rằng: Những điều răn này: Đừng giết người; đừng phạm tội ngoại tình; đừng ăn trộm cắp; đừng làm chứng dối;

19 Hãy thảo kính cha mẹ; và: Hãy yêu kẻ lân cận như mình.

. . .

29 Bất cứ ai vì danh Ta mà bỏ các nhà cửa, hoặc các anh em ruột, hoặc các chị em ruột, hoặc cha, hoặc mẹ, hoặc vợ, hoặc con cái, hoặc đất ruộng, thì sẽ nhận trăm lần hơn và sẽ hưởng sự sống vĩnh cửu.

30 Nhưng có nhiều kẻ ở đầu sẽ nên rốt, và nhiều kẻ ở rốt sẽ nên đầu.

Lu-ca 10:25-28

25 Bấy giờ, một thầy dạy luật đứng dậy hỏi để thử Đức Chúa Jesus rằng: Thưa thầy, tôi phải làm gì để được hưởng sự sống vĩnh cửu?

26 Ngài phán rằng: Trong luật pháp có chép điều gì? Ngươi đọc gì trong đó?

27 Thì ông đáp lời, thưa rằng: Ngươi sẽ hết lòng, hết linh hồn, hết sức, hết tâm trí mà yêu Chúa là Đức Chúa Trời của ngươi; và sẽ yêu người lân cận của ngươi như chính mình.

28 Đức Chúa Jesus phán rằng: Ngươi đáp phải lắm; hãy làm điều đó, thì được sống.

“Con gặt đã nhận tiền công và thu chứa hoa lợi cho sự sống vĩnh cửu để cho người gieo giống và con gặt được cùng nhau vui vẻ.” (Giăng 4:36).

“Hãy làm việc không vì đồ ăn hay hư hại, nhưng vì đồ ăn còn lại cho đến sự sống vĩnh cửu, là thứ Con Người sẽ ban cho các ngươi. Vì Đức Chúa Trời, là Cha, đã đóng ấn trên Ngài.” (Giăng 6:27).

“Ai nhẫn nại làm lành, tìm sự vinh quang, sự tôn trọng và sự chẳng hề chết, thì báo cho sự sống vĩnh cửu…” (Rô-ma 2:7).

“Ai gieo cho xác thịt của mình, sẽ từ xác thịt mà gặt sự hư nát. Ai gieo cho tâm thần, sẽ từ tâm thần mà gặt sự sống vĩnh cửu.” (Ga-la-ti 6:8).

“Hãy đánh trận tốt lành vì đức tin, bắt lấy sự sống vĩnh cửu, vào trong sự mà con đã được gọi đến, và con đã tuyên xưng lời xưng nhận tốt lành trước nhiều chứng nhân.” (I Ti-mô-thê 6:12).

“Ai ghét anh chị em cùng Cha của mình, là kẻ giết người. Các con biết rằng chẳng một kẻ nào giết người mà có sự sống vĩnh cửu ở trong mình.” (I Giăng 3:15).

Dưới đây là những câu Thánh Kinh giúp cho chúng ta hiểu thế nào là “tin Chúa”; thế nào là ăn năn; tội lỗi là gì; Tin Lành là gì… mà phần giảng giải chi tiết được trình bày trong phần âm thanh của bài giảng.

“Vì Ðức Chúa Trời đã yêu thế gian đến nỗi Ngài đã ban Con Một của Ngài, để ai tin nơi Đấng ấy sẽ không bị hư mất nhưng được sự sống vĩnh cửu.” (Giăng 3:16).

“Ai tin nơi Đức Con thì được sự sống vĩnh cửu, còn ai không tin Đức Con thì sẽ chẳng thấy sự sống, nhưng cơn giận của Đức Chúa Trời ở lại trên người ấy.” (Giăng 3:36).

“Ngài phán: Kỳ đã trọn và Vương Quốc của Đức Chúa Trời đã gần. Các ngươi hãy ăn năn và tin Tin Lành.” (Mác 1:15).

“Thiên sứ phán với họ: Đừng sợ! Vì này, ta báo cho các ngươi một Tin Lành của một sự vui mừng lớn cho muôn dân. Bởi vì hôm nay tại thành Đa-vít đã sinh cho các ngươi một Đấng Cứu Rỗi, là Christ, là Chúa.” (Lu-ca 2:10-11).

“Nhưng Lời phán của Chúa còn lại cho đến vĩnh cửu. [Ê-sai 40:6-8.] Và Lời đó là Tin Lành đã giảng ra cho các anh chị em.” (I Phi-e-rơ 1:25).

“Vậy, các ngươi hãy hối cải và trở lại để những tội lỗi của các ngươi được xóa đi…” (Công Vụ Các Sứ Đồ 3:19).

“Vậy, hãy ăn năn sự độc ác này của ngươi! Và hãy cầu nguyện Đức Chúa Trời để có thể ý tưởng của lòng ngươi sẽ được tha cho ngươi.” (Công Vụ Các Sứ Đồ 8:22).

“Vậy, hãy nhớ lại ngươi đã sa sút từ đâu. Hãy cải hối và làm những việc ban đầu; nếu không, Ta sẽ mau chóng đến với ngươi và sẽ cất chân đèn ngươi khỏi chỗ nó, trừ khi ngươi cải hối.” (Khải Huyền 2:5).

“Vậy, hãy cải hối, nếu không, Ta sẽ mau chóng đến với ngươi và sẽ chiến cự chúng nó bằng thanh gươm của miệng Ta.” (Khải Huyền 2:16).

“Sau đó, Đức Chúa Jesus tìm gặp người ấy trong Đền Thờ, và phán với người: Kìa, ngươi đã được lành! Đừng phạm tội nữa! Kẻo sự xấu hơn sẽ đến với ngươi!” (Giăng 5:14).

“…Đức Chúa Jesus đã phán với người: Ta cũng không định tội ngươi. Hãy đi! Đừng phạm tội nữa!” (Giăng 8:11).

“Còn ai kết quả tội tức là trái luật pháp; và sự tội lỗi tức là sự trái luật pháp.” (I Giăng 3:4).

Ê-phê-sô 5:3-12

3 Những sự tà dâm và mọi sự ô uế, hoặc sự tham lam, cũng chớ nên nói đến giữa các anh chị em, theo như cách xứng đáng cho các thánh đồ.

4 Lời tục tĩu, giễu cợt, giả bộ tầm phào, là các lời không đáng, nhưng thà cảm tạ thì hơn.

5 Vì các anh chị em biết rõ điều này: kẻ làm đĩ đực, hoặc kẻ ô uế, hoặc kẻ tham lam, tức là kẻ thờ hình tượng, không được dự phần kế nghiệp Vương Quốc của Đấng Christ và Thiên Chúa.

6 Đừng để cho bất cứ ai lấy những lời giả trá mà lường gạt các anh chị em. Vì bởi những điều đó mà cơn giận của Đức Chúa Trời đến trên những con cái không vâng phục.

7 Vậy, các anh chị em chớ dự phần với họ.

8 Lúc trước các anh chị em là tối tăm, nhưng bây giờ là sáng láng trong Chúa. Hãy bước đi như con cái của sự sáng láng.

9 Vì trái của tâm thần ở trong mọi điều tốt lành, công chính, và chân thật.

10 Hãy xem xét những điều được Chúa chấp nhận.

11 Chớ dự vào công việc vô ích của sự tối tăm, thà quở trách thì hơn.

12 Vì nói đến những sự mà họ làm cách kín giấu, cũng đã là hổ thẹn rồi.

“Cuốn Sách Luật Pháp này chớ xa miệng ngươi, nhưng ngươi hãy suy ngẫm ngày và đêm, để cẩn thận làm theo mọi điều đã chép ở trong. Vì như vậy, ngươi sẽ được thịnh vượng trong đường lối mình và ngươi sẽ hành động thông sáng. Ta không có phán dặn ngươi sao? Hãy mạnh mẽ và can đảm, chớ run sợ cũng chớ ngã lòng. Vì Thiên Chúa Tự Hữu Hằng Hữu của ngươi vẫn ở với ngươi bất cứ nơi nào ngươi đi.” (Giô-suê 1:8-9).

Huỳnh Christian Timothy
13/09/2014

Ghi Chú

Nếu không truy cập được các nối mạng dưới đây, xin vào https://server6.kproxy.com/, dán địa chỉ nối mạng vào ô tìm kiếm, rồi bấm nút surf!

Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Hiệu Đính 2012: Các câu Thánh Kinh được trích dẫn trong bài này là theo Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Hiệu Đính 2012. Đây là bản Thánh Kinh Việt Ngữ trên mạng, đang trong tiến trình hiệu đính để hoàn thành Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Dịch Ngôi Lời. Quý con dân Chúa có thể đọc tại đây: https://thewordtoyou.net/bible/.

  • Các chữ nằm trong hai dấu { } không có trong nguyên văn của Thánh Kinh, nhưng được hàm ý theo cấu trúc của văn phạm tiếng Hê-bơ-rơ và tiếng Hy-lạp.

  • Các chữ nằm trong hai dấu [ ] không có trong nguyên văn của Thánh Kinh, đó là chú thích của người dịch.

Những sách nào đã được hiệu đính hoàn toàn sẽ được đăng tại đây: https://christ.thanhkinhvietngu.net/.