Thần Học: Bò Cái Sắc Hoe và Sự Tái Thiết Đền Thờ Đấng Tự Hữu Hằng Hữu

6,622 views

Thần Học: Bò Cái Sắc Hoe
và Sự Tái Thiết Đền Thờ Đấng Tự Hữu Hằng Hữu

Huỳnh Christian Timothy

Bấm vào nối mạng dưới đây để tải xuống mp3 bài giảng này:

https://www.opendrive.com/folders?MV8xMjAxMjAzNF9tamN6Nw

https://soundcloud.com/huynh-christian-timothy/sets/122_thanhoc

Bấm vào nối mạng dưới đây để tải xuống bài viết pdf:
https://od.lk/f/MV8yNzk3NDk2MTRf

Kính mời quý con dân Chúa dành thời gian nghe bài giảng này, có nhiều thí dụ và giải thích chi tiết hơn là phần bài viết.

Bấm vào nút “play” ► để nghe:

 

Đền Thờ Đấng Tự Hữu Hằng Hữu lần đầu tiên do Vua Sa-lô-môn xây dựng vào khoảng tháng 4 năm 966 TCN, nhằm tháng 2 năm 2795 theo Lịch Do-thái, và nhằm năm thứ tư của vương triều Sa-lô-môn (I Các Vua 6:1). Đền Thờ này còn được gọi là Đền Thờ Thứ Nhất. Đó là giai đoạn cực thịnh của dân I-sơ-ra-ên.

Tuy nhiên, đến cuối đời Vua Sa-lô-môn, ông đã phạm tội đem sự thờ lạy thần tượng vào vương quốc I-sơ-ra-ên và đem lại tai họa cho cả dân tộc. Tiếp theo vương triều của Sa-lô-môn, vương quốc I-sơ-ra-ên bị chia làm hai, phía bắc vẫn lấy tên là I-sơ-ra-ên, phía nam lấy tên là Giu-đa, và dân chúng thuộc hai vương quốc vẫn tiếp tục sống trong tội.

Năm 722 TCN, vương quốc I-sơ-ra-ên bị hủy diệt bởi đế quốc A-si-ri (II Các Vua 17). Vương quốc Giu-đa không lấy đó làm bài học, mà vẫn tiếp tục sống trong tội. Thiên Chúa dấy lên Tiên Tri Giê-rê-mi để kêu gọi vương quốc Giu-đa ăn năn tội. Sau bốn mươi năm Tiên Tri Giê-rê-mi rao giảng và kêu gọi ăn năn, dân I-sơ-ra-ên vẫn cứng lòng, thậm chí còn đánh đập, cầm tù, và toan giết chết Giê-rê-mi, thì Thiên Chúa đã dùng dân Ba-bi-lôn để hình phạt họ. Vua Nê-bu-cát-nết-sa nhiều lần đem quân tiến công Giê-ru-sa-lem và bắt dân I-sơ-ra-ên đi làm nô lệ. Trong trận chiến cuối cùng, khi mặt trời vừa lặn, mở đầu cho một ngày mới vào ngày 29 tháng 7 năm 587 TCN, nhằm ngày 9 tháng 5 năm 3174 theo Lịch Do-thái, thì quân đội của Vua Nê-bu-cát-nết-sa đã nổi lửa thiêu rụi Đền Thờ.

Năm 536 TCN, Vua Si-ru của vương quốc Phe-rơ-sơ (I-răn ngày nay) xâm chiếm Ba-bi-lôn và ra chiếu chỉ cho phép dân I-sơ-ra-ên được quay về, xây dựng lại tường thành Giê-ru-sa-lem và Đền Thờ (II Sử Ký 36:22-23). Có 49.897 người I-sơ-ra-ên quay về Giê-ru-sa-lem xây dựng lại Đền Thờ. Vào ngày 9 tháng 2 năm 515 TCN, nhằm ngày 3 tháng 12 năm 3246 theo Lịch Do-thái, thì công trình xây dựng Đền Thờ Thứ Nhì được hoàn tất (Ê-xơ-ra 2; 6:15).

Vào ngày 4 tháng 8 năm 70, nhằm ngày 9 tháng 5 năm 3830 theo Lịch Do-thái, Đền Thờ Thứ Nhì đã bị thiêu rụi bởi quân đội La-mã. Đền Thờ bị phá hủy đến nổi không còn một khối đá nào chồng lên một khối đá nào, làm ứng nghiệm lời tiên tri của Đức Chúa Jesus Christ (Ma-thi-ơ 24:1-2). Lời tiên tri này đã được Đức Chúa Jesus Christ tiên tri 43 năm trước đó. Điều lạ lùng là cả Đền Thờ Thứ Nhất và Đền Thờ Thứ Nhì đều bị thiêu hủy vào ngày 9 tháng 5 theo Lịch Do-thái.

Các chi tiết trên đây được trích ra từ “Tóm Lược Lịch Sử Loài Người và Những Ứng Nghiệm của Các Lời Tiên Tri Trong Thánh Kinh” [1].

Hiện nay, mỗi ngày ba lần, những người I-sơ-ra-ên sùng tín vẫn cầu nguyện cho việc tái xây dựng Đền Thờ. Mỗi năm, đến ngày 9 tháng 5 theo Lịch Do-thái, thì họ than khóc cho sự Đền Thờ bị thiêu hủy.

Dân I-sơ-ra-ên được Thiên Chúa tái lập quốc thành một quốc gia độc lập, có trọn vẹn chủ quyền vào ngày 14 tháng 5 năm 1948, sau hơn 2.500 năm vong quốc. Đó là sự bắt đầu ứng nghiệm của lời tiên tri trong Ê-xê-chi-ên 37. Sự kiện kế tiếp có thể xảy ra bất kỳ lúc nào là cuộc chiến theo Thi Thiên 83 [2] và việc tái xây dựng Đền Thờ tại Giê-ru-sa-lem, được gọi là Đền Thờ Thứ Ba. Hiện nay, tất cả những gì cần thiết để xây dựng Đền Thờ Thứ Ba đều đã được chuẩn bị xong. Công tác xây dựng có thể hoàn thành trong vòng từ ba đến sáu tháng. Các khí cụ được dùng trong Đền Thờ đã được chế tạo xong, theo từng chi tiết trong Thánh Kinh. Các thầy tế lễ hầu việc trong Đền Thờ đã được huấn luyện và sẵn sàng. Có một ủy ban đặc trách về việc tái xây dựng Đền Thờ và việc điều hành Đền Thờ sau khi xây cất xong. Quý bạn đọc có thể vào website chính thức của ủy ban (Temple Institute) để tham khảo chi tiết [3].

Trở ngại duy nhất khiến cho việc xây dựng Đền Thờ chưa thể bắt đầu là đền thờ “Vòm Đá” (Dome of the Rock) của Hồi Giáo đang tọa lạc ngay vị trí của Đền Thờ Thiên Chúa. Rất có thể trong cuộc chiến sắp tới tại Trung Đông, đền thờ Hồi Giáo sẽ bị hủy diệt và Đền Thờ Thiên Chúa sẽ được cất lên. Với tình hình căng thẳng hiện nay tại Trung Đông, cuộc chiến theo Thi Thiên 83 có thể xảy ra bất kỳ lúc nào và có thể sẽ kéo dài không quá một tháng.

Tuy nhiên, cho dù Đền Thờ Thứ Ba được xây dựng, có đầy đủ các khí cụ, có đầy đủ các ban ngành thầy tế lễ, thì cũng chưa trọn vẹn, nếu không có một con bò cái sắc hoe làm của lễ chuộc tội. Không có bò cái sắc hoe thì không thể tiến hành lễ tẩy uế. Một người không chịu lễ tẩy uế thì không được bước vào Đền Thờ. Nghĩa là, nếu không có con bò cái sắc hoe làm của lễ chuộc tội và bị thiêu thành tro để làm nước tẩy uế, thì sẽ không ai có thể bước vào Đền Thờ để hầu việc trong Đền Thờ, kể cả thầy tế lễ thượng phẩm!

Dưới đây là lệnh truyền của Thiên Chúa về con bò cái sắc hoe, được ghi lại trong Dân Số Ký 19:

1 Đấng Tự Hữu Hằng Hữu lại phán với Môi-se và A-rôn rằng:

2 Này là lệ định của luật pháp mà Đấng Tự Hữu Hằng Hữu có truyền rằng: Hãy nói với dân I-sơ-ra-ên và bảo dẫn đến ngươi một con bò cái con sắc hoe, không tật không vết, và chưa mang ách.

3 Kế đó phải giao nó cho Ê-lê-a-sa, thầy tế lễ, dẫn ra ngoài trại quân, rồi người ta giết nó trước mặt người.

4 Ê-lê-a-sa, thầy tế lễ, sẽ dùng ngón tay nhúng máu nó rảy bảy lần về phía trại của hội chúng.

5 Người ta sẽ thiêu con bò cái con đó trước mắt người, là thiêu da, thịt, và máu với phân nó.

6 Kế đó, thầy tế lễ sẽ lấy nhánh hương nam, chùm kinh giới, và chỉ len màu đỏ sậm, liệng vào giữa đám lửa thiêu con bò cái con.

7 Kế đó, thầy tế lễ phải giặt áo xống và tắm mình trong nước, sau rồi vào trại quân, bị ô uế đến tối.

8 Kẻ nào thiêu con bò cái con phải giặt áo xống và tắm mình trong nước, bị ô uế đến tối.

9 Một người tinh sạch sẽ hốt tro con bò cái con đổ ngoài trại quân, trong một nơi tinh sạch; người ta phải giữ tro đó cho hội dân I-sơ-ra-ên để dùng làm nước tẩy uế: ấy là một lễ rửa sạch tội.

10 Kẻ nào hốt tro con bò cái con phải giặt áo xống mình và bị ô uế đến tối. Điều này sẽ làm một lệ định đời đời cho dân I-sơ-ra-ên và cho khách ngoại bang kiều ngụ giữa dân đó.

11 Ai đụng đến một xác chết của người nào sẽ bị ô uế trong bảy ngày.

12 Ngày thứ ba và ngày thứ bảy, người ấy phải dùng nước này làm cho mình được sạch, thì sẽ được sạch; còn nếu ngày thứ ba và ngày thứ bảy không làm cho mình được sạch, thì người vẫn không tinh sạch.

13 Bất cứ người nào đụng đến xác chết của người nào và không làm cho mình được sạch, thì sẽ gây cho Đền Tạm của Đấng Tự Hữu Hằng Hữu bị ô uế. Người đó sẽ bị truất khỏi I-sơ-ra-ên; vì nước tẩy uế không có rảy trên mình người, nên người vẫn ô uế; sự ô uế của người vẫn ở trên mình người vậy.

14 Này là luật pháp khi có một người nào chết trong trại: bất kỳ ai vào trại và mọi vật gì ở trong đều sẽ bị ô uế trong bảy ngày.

15 Bất cứ bình đựng nào để trống, không có nắp đậy buộc theo, sẽ bị ô uế.

16 Ngoài đồng, ai đụng đến hoặc một người bị gươm giết, hoặc một xác chết, hoặc hài cốt loài người hay là một cái mả, thì sẽ bị ô uế trong bảy ngày.

17 Về kẻ bị ô uế, người ta phải lấy tro của con sinh đã bị thiêu để chuộc tội, để trong một cái bình và đổ nước chảy lên trên.

18 Kế đó, một người tinh sạch sẽ lấy chùm kinh giới nhúng vào nước, rồi rảy trên trại, trên các bình, trên những người có tại đó, và trên người đã đụng, hoặc những hài cốt, hoặc một người bị giết, hoặc một xác chết hay là một cái mả.

19 Ngày thứ ba và ngày thứ bảy, người tinh sạch phải rảy nước đó trên người bị ô uế, và ngày thứ bảy người tinh sạch sẽ làm cho người được sạch. Người đang được sạch phải giặt áo xống mình, tắm mình trong nước, và đến chiếu tối mới được tinh sạch.

20 Còn người nào sẽ bị ô uế mà không làm cho mình được sạch, một người như vậy sẽ bị truất khỏi hội chúng; vì người đã làm cho Nơi Thánh của Đấng Tự Hữu Hằng Hữu bị ô uế. Nước tẩy uế không có rưới trên mình người: người vẫn ô uế.

21 Ấy sẽ là một lệ định đời đời cho dân sự. Người nào rảy nước tẩy uế sẽ giặt áo xống mình: kẻ nào đụng đến nước tẩy uế sẽ bị ô uế đến tối.

22 Bất cứ vật gì mà người ô uế đụng đến, đều sẽ bị lây ô uế; còn ai đụng đến người đó sẽ bị lây ô uế đến tối.

Ngoài ra, Sáng Thế Ký 15:9 chép:

“Ngài phán với ông: Ngươi hãy bắt đem cho Ta một bò cái ba tuổi, một dê cái ba tuổi, một chiên đực ba tuổi, một chim cu và một chim bồ câu con.”

Khiến cho chúng ta suy ra, con bò cái sắc hoe được dâng làm của lễ, ngoài việc không tật, không vết, và chưa mang ách, có thể còn là một con bò được ba tuổi.

Chúng ta hãy cùng nhau dựa vào các dữ kiện trong Thánh Kinh để tìm hiểu ý nghĩa về sự dâng một con bò cái sắc hoe làm của lễ rửa sạch tội.

1. Con bò: Khi loài người vừa được dựng nên, Thiên Chúa giao cho loài người công việc trồng và giữ vườn Ê-đen. Thiên Chúa cũng dựng nên các loài gia súc và bò là một trong các gia súc cùng làm việc với loài người nhiều nhất, giúp cho loài người cày xới đất, vận chuyển sản phẩm. Trong khi chiên hay dê được dùng làm của lễ chuộc tội cho từng người, thì con bò cái sắc hoe được dùng làm của lễ rửa sạch tội cho cả hội chúng, bao gồm cả những người dân ngoại chịu hiệp một với dân I-sơ-ra-ên (Dân Số Ký 19:10), để họ được tinh sạch mà hầu việc Thiên Chúa.

2. Con bò cái: Ê-va là người đầu tiên mang tội lỗi vào trong thế gian, khiến cho từ đó, toàn thể loài người bị ô uế vì tội lỗi, không còn tư cách hầu việc Thiên Chúa. Tuy nhiên, Thiên Chúa cũng hứa rằng, từ dòng dõi người nữ sẽ ra Đấng giày đạp đầu kẻ cám dỗ loài người và cứu loài người ra khỏi sự hình phạt của luật pháp (Sáng Thế Ký 3:15; Ga-la-ti 4:4-5). Vì thế, một con bò cái được dùng làm của lễ rửa sạch tội cho mọi người.

3. Sắc hoe: Là màu đỏ như máu. Tính từ Hê-bơ-rơ “a-đôm” (H122) được dịch là “sắc hoe” hay đỏ như đất, cùng với danh từ “a-đam” (H120) có nghĩa là đất, là tên Thiên Chúa đặt cho loài người, cùng với danh từ “a-đam” (H121) có nghĩa là màu đỏ, đều ra từ động từ “a-đem” (H119) có nghĩa là làm cho đỏ hay trở nên có màu đỏ. Màu đỏ (1) là màu của đất là chất liệu mà Thiên Chúa dùng để làm ra loài người, loài thú, và cây cỏ, tiêu biểu cho xuất thân của thân thể xác thịt loài người; (2) là màu của máu, tiêu biểu cho sự sống (Lê-vi Ký 17:11), tiêu biểu cho máu của Đức Chúa Jesus Christ rửa sạch tội lỗi (Hê-bơ-rơ 9:13-14; Khải Huyền 1:5); (3) là màu tiêu biểu cho tội lỗi, vì tội lỗi làm cho sự sống bị đổ ra khỏi tội nhân, đem sự chết đến cho tội nhân. Ê-sai 1:18 ví tội lỗi như chỉ đỏ sậm, đỏ màu đỏ sậm.

4. Ba tuổi: Tiêu biểu cho thập niên thứ ba của đời người, tức là 30 tuổi, tuổi đã hoàn toàn trưởng thành, sẵn sàng cho công tác hầu việc Chúa. Những người I-sơ-ra-ên dòng Lê-vi phải từ 30 tuổi trở lên mới được hầu việc trong Đền Thờ (Dân Số Ký 4:3). Đức Chúa Jesus khi bắt đầu chức vụ cũng vào khoảng 30 tuổi (Lu-ca 3:23).

5. Không vết: Có nghĩa là lông trên toàn thân của con bò phải cùng một màu hoe, nếu trong khi khám nghiệm, các thầy tế lễ tìm thấy có hai sợi lông màu trắng hay đen trên con bò, thì con bò bị xem là có vết, không thể dùng làm của lễ. Sự “không vết” vừa tiêu biểu cho sự trọn vẹn tội lỗi của nhân loại vừa tiêu biểu cho sự trọn vẹn thánh khiết của máu chuộc tội từ Đức Chúa Jesus Christ. Toàn thể tội lỗi của nhân loại phải bị tiêu diệt. Máu trọn vẹn của Đức Chúa Jesus Christ có năng lực rửa sạch mọi tội lỗi cho toàn thể nhân loại.

6. Không tật: Tiêu biểu cho bản tính trọn vẹn thánh khiết, vô tội của Đức Chúa Jesus Christ.

7. Chưa mang ách: Tiêu biểu cho sự Đức Chúa Jesus Christ tình nguyện gánh lấy hình phạt của tội lỗi cho nhân loại. Ngài không bị buộc phải làm như vậy, nhưng Ngài đã làm như vậy vì Ngài yêu thương loài người.

8. Bị giết ngoài trại quân: Sau khi loài người phạm tội, thì bị Thiên Chúa đuổi ra khỏi vườn Ê-đen, rồi chết, và thân thể xác thịt trở về cùng bụi đất. Đức Chúa Jesus Christ mang lấy án phạt cho toàn thể nhân loại, bị giết ngoài thành thánh Giê-ru-sa-lem, để cứu chuộc toàn thể nhân loại ra khỏi quyền lực và hậu quả của tội lỗi, phục sinh và phục hồi địa vị làm con của Đức Chúa Trời cho những ai thật lòng ăn năn tội và tin nhận sự chết chuộc tội của Ngài.

9. Máu được rảy bảy lần về phía trại của hội chúng: Thánh Kinh cho biết: “Hầu hết mọi vật được tẩy sạch bởi máu. Nếu không có sự đổ máu thì không có sự tha thứ.” (Hê-bơ-rơ 9:22). Để phục hồi sự sống đã mất, thì một sự sống phải hy sinh! Để bôi xóa sự ô uế do tội lỗi gây ra, máu phải được dùng làm chất tẩy rửa. Sự rảy máu bảy lần về phía trước trại của hội chúng tiêu biểu cho sự máu của Đức Chúa Jesus Christ rửa sạch hoàn toàn mọi tội lỗi của con dân Chúa. Con số bảy mang ý nghĩa của sự trọn vẹn về thuộc linh. Trại của hội chúng là khu vực con dân Chúa nhóm hiệp tại Đền Thờ để dâng của lễ và thờ phượng Thiên Chúa.

10. Bị thiêu thành tro: Tiêu biểu cho tội lỗi và tội nhân bị hủy diệt bởi sự hình phạt của Thiên Chúa.

11. Nhánh hương nam: Hương nam là một loại gỗ thơm và bền, chắc, được dùng xây cất Đền Thờ Thiên Chúa. Đặc tính thơm và rắn chắc của cây hương nam tiêu biểu cho sự cao trọng và chắc chắn của sự máu Đấng Christ rửa sạch mọi tội.

12. Chùm kinh giới: Kinh giới là một loại dược thảo được dùng cho việc tẩy mùi hôi hám và đem lại sự tinh khiết cho không khí. Chất dầu của kinh giới được dùng để xức các vết thương, giúp khử trùng và cầm máu. Dược tính của kinh giới tiêu biểu cho sự thanh tẩy và chữa lành của máu Đấng Christ.

13. Chỉ len màu đỏ sậm: Làm từ lông chiên, kéo thành chỉ và nhuộm trong một loại thuốc nhuộm đặc chế từ một loại côn trùng có màu đỏ sậm. Sợi chỉ len được dùng để buộc chùm kinh giới vào nhánh cây hương nam. Màu đỏ của sợi chỉ len tiêu biểu cho màu máu của Đấng Christ. Sự dùng sợi chỉ len buộc chùm kinh giới vào nhánh cây hương nam tiêu biểu cho sự máu của Chúa rất tôn quý, có công năng thanh tẩy và chữa lành một cách chắc chắn.

14. Tro được để dành: Tro thiêu xác con bò con sắc hoe được để dành làm lễ rửa tội cho toàn thể hội chúng khi họ bị ô uế trong tương lai. Điều ấy tiêu biểu cho sự chết và máu của Đức Chúa Jesus Christ lúc nào cũng có đủ để tha tội và làm cho sạch tội những ai tin nhận Ngài.

15. Sự rửa sạch tội: Cái chết của Đức Chúa Jesus Christ trên thập tự giá, tức sự đổ máu, trút đổ mạng sống của Ngài, khiến cho loài người được tha tội, tức là loài người sẽ không còn bị phán xét về mọi tội lỗi trong ngày phán xét, nếu ăn năn và tin nhận sự chết chuộc tội của Đức Chúa Jesus Christ. Máu đã đổ ra của Đức Chúa Jesus Christ còn có năng lực rửa sạch tội cho những ai tin nhận sự cứu rỗi của Ngài, nghĩa là làm sạch bản tính ưa thích tội, khuynh hướng cứ làm ra tội trong loài người.

16. Thầy tế lễ và những người phụ việc bị ô uế: Thầy tế lễ phụ trách việc rảy máu cùng với những người phụ trách việc thiêu và hốt tro đều bị ô uế. Khi con bò sắc hoe được đem ra ngoài trại quân và bị giết thì nó đã trở thành tiêu biểu cho mọi tội nhân và mọi tội lỗi, vì thế, bất cứ ai đụng đến nó đều bị ô uế.

17. Xác chết là ô uế: Sự chết là hậu quả của tội lỗi (Sáng Thế Ký 2:17; Rô-ma 6:23), vì thế, xác chết là ô uế.

18. Ngày thứ ba và ngày thứ bảy: Người đụng xác chết bị ô uế suốt bảy ngày, và phải tiến hành nghi thức làm cho tinh sạch vào ngày thứ ba và ngày thứ bảy; bằng cách lấy tro của con bò sắc hoe pha với nước đang chảy, rồi một người tinh sạch dùng nhành kinh giới nhúng vào chất nước đó, rảy trên người bị ô uế. Bị ô uế bảy ngày tức là hoàn toàn bị ô uế. Ngày thứ ba làm nghi thức tẩy uế vì Đức Chúa Jesus Christ đã chịu chết và ở trong sự chết trọn ba ngày để hoàn thành sự chuộc tội cho nhân loại. Ngày thứ bảy làm nghi thức tẩy uế tiêu biểu cho sự thánh hóa trọn vẹn.

19. Sự ô uế lây lan: Người bị ô uế đụng đến ai hay người nào thì cả vật và người bị đụng cũng sẽ bị ô uế theo. Vì thế, con dân Chúa cần tránh xa những người trong Hội Thánh có tội mà không chịu ăn năn.

20. Người bị ô uế không chịu tẩy uế phải bị truất ra khỏi hội chúng: Tiêu biểu cho sự kiện một người đã là con dân Chúa, ở trong Hội Thánh của Chúa, nếu phạm tội mà không chịu ăn năn, tức là không chịu từ bỏ tội, thì phải bị truất ra khỏi Hội Thánh (I Cô-rinh-tô 5:11-13), tức là Hội Thánh phải chấm dứt sự thông công với người ấy. Vì người ấy đã làm cho Đền Thờ Thiên Chúa bị ô uế (Dân Số Ký 19:20; I Cô-rinh-tô 3:16-17), giày đạp Đấng Christ, và xem máu chuộc tội của Ngài là ô uế (Hê-bơ-rơ 10:29).

Trong suốt gần hai ngàn năm qua, dân I-sơ-ra-ên đã không thể nào thi hành các nghi thức tế lễ và thờ phượng Thiên Chúa trong Đền Thờ tại Giê-ru-sa-lem, vì không có Đền Thờ. Từ khi được tái lập quốc vào ngày 14 tháng 5 năm 1948 đến nay, dân I-sơ-ra-ên vẫn phải chiến đấu với thế lực thù nghịch Hồi Giáo để bảo vệ quyền tự do và độc lập mỗi ngày. Những người sùng tín vẫn mỗi ngày ba lần dâng lời cầu nguyện, xin Thiên Chúa sớm giúp dân I-sơ-ra-ên tái thiết Đền Thờ Thiên Chúa. Hơn hai mươi năm qua, Ủy Ban Đặc Trách Đền Thờ đã nỗ lực tái tạo các vật dụng cần thiết được dùng trong Đền Thờ, huấn luyện các thầy tế lễ và những người giúp việc trong Đền Thờ, thành lập ngân quỹ cho việc tái xây dựng Đền Thờ. Giờ đây, chỉ cần tình thế cho phép, dân I-sơ-ra-ên có thể hoàn tất việc xây cất Đền Thờ trong vòng từ ba đến sáu tháng.

Tuy nhiên, qua các ý nghĩa về lễ rửa sạch tội và tẩy uế của Dân Số Ký 19, chúng ta nhận thấy, mọi nghi thức tế lễ trong Đền Thờ sẽ không thể nào thực hiện được, nếu trước hết, không có nghi thức rửa sạch tội và tẩy uế bởi máu và tro của một con bò cái sắc hoe. Nhưng gần hai ngàn năm qua, từ khi Đền Thờ Thứ Nhì bị phá hủy, thì giống bò cái sắc hoe đã không hề được nhìn thấy tại Trung Đông. Không ai biết phải tìm nơi đâu con bò cái sắc hoe để khi Đền Thờ được xây cất xong thì có thể hoạt động.

Thế nhưng, ngày 12 tháng 6 năm 2014 vừa qua, Ủy Ban Đặc Trách Đền Thờ (Temple Institute) của I-sơ-ra-ên đã phổ biến một đoạn phim thông báo sự kiện, một con bò cái sắc hoe đã được sinh ra tại một nông trại ở Hoa Kỳ. Con bò cái sắc hoe này được sinh ra vào tháng 1 năm 2014, và toàn thân được bao phủ bằng những sợi lông có màu hoe. Chủ của nông trại ấy đã liên lạc với Ủy Ban Đặc Trách Đền Thờ để thông báo và xin được chỉ dẫn cách thức chăm sóc nó. Quý bạn đọc có thể xem đoạn phim liên quan đến con bò cái sắc hoe này trên YouTube [4].

Con bò cái sắc hoe này sẽ được di chuyển đến I-sơ-ra-ên và giao cho Ủy Ban Đặc Trách Đền Thờ chăm sóc. Nếu con bò cái sắc hoe này được Thiên Chúa sắm sẵn để làm lễ rửa tội cho những người sẽ phục vụ trong Đền Thờ được tái xây cất, tức Đền Thờ Thứ Ba, thì có nghĩa là chỉ trong vòng hai năm tới đây, kể từ tháng 7 năm 2014, việc xây cất Đền Thờ phải được hoàn tất. Mà, việc xây cất Đền Thờ Thiên Chúa chỉ có thể thực hiện khi đền thờ Vòm Đá của Hồi Giáo bị phá hủy. Việc phá hủy đền thờ Hồi Giáo chỉ có thể xảy ra nếu có một cơn động đất lớn hoặc cuộc chiến Thi Thiên 83 xảy ra. Vì thế, rất có thể, từ tháng 7 năm 2014 đến tháng 7 năm 2016, cuộc chiến Thi Thiên 83 có thể diễn ra bất kỳ lúc nào. Thực tế, tình hình thời sự tại I-rắc, Si-ri, và I-sơ-ra-ên trong đầu tháng 7 năm 2014 này cho thấy, mọi biến chuyển đang dẫn đến sự bùng nổ của cuộc chiến Thi Thiên 83.

Cùng với sự kiện con bò sắc hoe được sinh ra vào tháng 1 năm 2014, là một vài sự kiện quan trọng đã và sẽ xảy ra, giúp cho con dân Chúa nhận biết, ngày Chúa đến để đem Hội Thánh ra khỏi thế gian đã quá gần:

1. Theo Lịch Do-thái, từ ngày 25/09/2014 đến ngày 13/09/2015 là năm Sa-bát. Trong năm Sa-bát, Thiên Chúa truyền cho dân I-sơ-ra-ên phải để cho đất được nghỉ ngơi, không gieo trồng. Thực tế, vương quốc Giu-đa bị đế quốc Ba-bi-lôn bắt đi làm phu tù suốt 70 năm vì trong suốt 490 năm, họ đã không hề giữ năm Sa-bát. Chúa đem họ đi làm phu tù để cho đất được yên nghỉ 70 năm. Từ khi tái lập quốc vào ngày 14/05/1948 đến nay, năm nay (2014) là lần đầu tiên dân I-sơ-ra-ên sẽ bắt đầu giữ năm Sa-bát. Chính phủ I-sơ-ra-ên đã dành riêng 29 triệu US đô-la để khuyến khích nông dân giữ năm Sa-bát, để cho đất được yên nghỉ. Chúng ta biết rằng, trong thời Vương Quốc Ngàn Năm, mọi lễ nghi của thời Cựu Ước sẽ được tái lập để giúp cho loài người hiểu rõ chương trình của Thiên Chúa dành cho nhân loại. Sự kiện dân I-sơ-ra-ên đã hoàn tất việc chuẩn bị xây cất lại Đền Thờ, quay về vâng giữ năm Sa-bát, phải chăng, là dấu hiệu ngày Chúa đến để thiết lập Vương Quốc Ngàn Năm trên đất đã gần? Và như vậy, ngày Chúa đến để đem Hội Thánh ra khỏi thế gian, còn gần hơn nữa.

2. Thiên tượng “mặt trăng máu” đã và sẽ xảy ra vào các ngày sau đây, trùng hợp với các ngày lễ của Thánh Kinh, còn được gọi là bốn mùa trăng máu trong năm 2014 và 2015 [5]:

  • Ngày 15/04/2014: Lễ Vượt Qua – Nguyệt thực toàn phần, mặt trăng hoàn toàn nằm trong bóng của trái đất nên có màu đỏ và được gọi là “trăng máu”. Mùa Trăng Máu 1.
  • Ngày 25/09/2014: Lễ Thổi Kèn. Một số người tin rằng, rất có thể Hội Thánh sẽ được Chúa cất lên trong ngày này!
  • Ngày 08/10/2014: Lễ Lều Trại – Nguyệt thực toàn phần, mặt trăng hoàn toàn nằm trong bóng của trái đất nên có màu đỏ và được gọi là “trăng máu”. Mùa Trăng Máu 2.
  • Ngày 20/03/2015: Ngày đầu tháng Giêng theo lịch tế lễ của dân I-sơ-ra-ên, là ngày Chúa ban hành lịch cho dân I-sơ-ra-ên (Xuất Ê-díp-tô Ký 12:2) – Nhật thực toàn phần, mặt trăng nằm giữa trái đất và mặt trời, hoàn toàn che khuất mặt trời, nên mặt trời bị tối đen.
  • Ngày 04/04/2015: Lễ Vượt Qua – Nguyệt thực toàn phần, mặt trăng hoàn toàn nằm trong bóng của trái đất nên có màu đỏ và được gọi là “trăng máu”. Mùa Trăng Máu 3.
  • Ngày 13/09/2015: Lễ Thổi Kèn. Nhật thực bán phần. Một số người tin rằng, rất có thể Hội Thánh sẽ được Chúa cất lên trong ngày này!
  • Ngày 23/09/2015: Lễ Chuộc Tội, trùng hợp với năm Vui Mừng (năm Hân Hỉ – Jubile year), là năm cứ mỗi 49 năm mới có một lần. Trong năm Vui Mừng, nô lệ được trả tự do, người cầm cố sản nghiệp được lấy lại mà không phải trả tiền chuộc (Lê-vi Ký 25:10). Rất có thể cuộc chiến theo Thi Thiên 83 sẽ xảy ra và dân I-sơ-ra-ên sẽ chiếm lại tất cả các vùng đất đã được Thiên Chúa hứa ban cho họ.
  • Ngày 28/09/2015: Lễ Lều Trại – Nguyệt thực toàn phần, mặt trăng hoàn toàn nằm trong bóng của trái đất nên có màu đỏ và được gọi là “trăng máu”. Mùa Trăng Máu 4.

Chúa có thể đến và đem Hội Thánh của Ngài ra khỏi thế gian trước khi cuộc chiến Thi Thiên 83 xảy ra, trước khi Đền Thờ Thứ Ba được xây cất và con bò sắc hoe được dùng làm của lễ rửa sạch tội! Chúng tôi cầu xin Chúa cho phép và ban ơn cho chúng tôi có thể hoàn tất cuốn sách Kỳ Tận Thế và Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Dịch Ngôi Lời, để lại cho dân tộc Việt Nam, trước ngày Chúa đến. Chúng tôi cầu xin tất cả quý con dân Chúa nghe, đọc bài giảng này đều dọn mình chuẩn bị để không bị bỏ lại trong ngày Chúa đến. Kính mong quý con dân Chúa phổ biến rộng khắp Hội Thánh bài giảng này qua mọi phương tiện: qua email, đăng trên các trang cá nhân như facebook, sao chép ra CD, in ra giấy và gửi đến những người quen biết. Nguyện Đức Chúa Jesus Christ đồng công với quý ông bà anh chị em. A-men!

Huỳnh Christian Timothy
09/07/2014

Ghi Chú

Nếu không truy cập được các nối mạng dưới đây, xin vào https://server6.kproxy.com/, dán địa chỉ nối mạng vào ô tìm kiếm, rồi bấm nút surf!

[1] https://kytanthe.net/003-tom-luoc-lich-su-loai-nguoi/

[2] http://kytanthe.net/?p=88

[3] https://www.templeinstitute.org/

[4] http://www.youtube.com/watch?v=byAoFbA6cr8&feature=youtu.be

[5] http://www.timhieutinlanh.net/?p=3532

Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Hiệu Đính 2012: Các câu Thánh Kinh được trích dẫn trong bài này là theo Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Hiệu Đính 2012. Đây là bản Thánh Kinh Việt Ngữ trên mạng, đang trong tiến trình hiệu đính để hoàn thành Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Dịch Ngôi Lời. Quý con dân Chúa có thể đọc tại đây: https://thewordtoyou.net/bible/.

  • Các chữ nằm trong hai dấu { } không có trong nguyên văn của Thánh Kinh, nhưng được hàm ý theo cấu trúc của văn phạm tiếng Hê-bơ-rơ và tiếng Hy-lạp.

  • Các chữ nằm trong hai dấu [ ] không có trong nguyên văn của Thánh Kinh, đó là chú thích của người dịch.

Những sách nào đã được hiệu đính hoàn toàn sẽ được đăng tại đây: https://christ.thanhkinhvietngu.net/.