Thiên Chúa: 02_Thánh Kinh

5,446 views

Huỳnh Christian Timothy
Huỳnh Christian Priscilla

Kính mời quý con dân Chúa dành thời gian nghe bài giảng này, có nhiều thí dụ và giải thích chi tiết hơn là phần bài viết.

Bấm vào nút “play” ► dưới đây để nghe

Bấm vào nút “play” ► dưới đây để nghe

Bấm vào một trong các nối mạng dưới đây để nghe hoặc tải xuống mp3 bài giảng này:

Bấm vào một trong các nối mạng dưới đây để đọc hoặc tải xuống pdf bài giảng này:

Kho chứa MP3 các bài giảng:

Kho chứa pdf các bài giảng:

Trước khi luận tiếp về Thiên Chúa, chúng ta cần tìm hiểu một số điểm căn bản về Thánh Kinh. Thánh Kinh là cuốn sách duy nhất giãi bày về Thiên Chúa, về chương trình và ý định của Ngài dành cho nhân loại. Thánh Kinh ghi lại mọi lời phán của Thiên Chúa được Ngài phán truyền trực tiếp hoặc thần cảm qua các tiên tri và các sứ đồ của Ngài, hoặc do chính Thiên Chúa trong thân vị Đức Con phán trực tiếp với loài người, khi Ngài nhập thế làm người.

Từ ngữ “Thánh Kinh”, thường được gọi là “Kinh Thánh”, là một từ Hán Việt. Thánh là một tính từ, có nghĩa là thiêng liêng; kinh là một danh từ, có nghĩa là sách. Theo văn phạm của Hán Việt thì tính từ được đặt trước danh từ. Không hiểu vì lý do gì, khi Thánh Kinh được dịch sang tiếng Việt thì được các dịch giả và các giáo hội gọi là “Kinh Thánh” thay vì gọi là “Thánh Kinh”. Phải chăng, điều đó nằm trong thánh ý của Đức Chúa Trời, hàm ý rằng, bản dịch Thánh Kinh Việt Ngữ cần phải được hiệu đính hoặc dịch lại, khi Hội Thánh của Chúa giữa lòng dân tộc Việt được phát triển theo thời gian, có những con dân Chúa người Việt hết lòng yêu mến lẽ thật của Thánh Kinh, hết lòng vâng theo lẽ thật của Thánh Kinh, được Ngài ban ơn cho để làm công tác phiên dịch Thánh Kinh?

Cho đến nay, các bản dịch Thánh Kinh Việt ngữ do Công Giáo dịch là do những người thờ lạy hình tượng, nổi bật là hình tượng bà Ma-ri, và tin vào ngục luyện tội. Thờ lạy hình tượng là phạm điều răn của Đức Chúa Trời. Tin vào ngục luyện tội là phủ nhận sự cứu chuộc toàn vẹn của Thiên Chúa Ngôi Hai. Các bản dịch Thánh Kinh Việt ngữ do Tin Lành dịch: Bản Truyền Thống, phần lớn do nhà văn Phan Khôi, một người không tin Chúa dịch. Các bản dịch mới do các dịch giả là người tin Chúa dịch nhưng lại pha trộn văn hóa thế gian vào trong Lời Chúa, theo văn hóa thế gian mà sửa đổi Lời Chúa, sửa Lời Chúa phán: “Hỡi đàn bà” thành “Thưa mẹ!” hoặc tự ý bỏ đi danh xưng CHRIST của Thiên Chúa Ngôi Hai, hoặc dùng danh xưng “Thượng Đế” của thần ngoại giáo để gọi Thiên Chúa, và dịch “những chiến xa song mã” thành “long giá”… [1].

Chúng tôi cậy ơn Chúa, đang làm công tác tạm thời hiệu đính trước một phần Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Dịch Truyền Thống [2], và đang tiến hành Bản Dịch Ngôi Lời [3]. Sau khi hoàn tất Bản Dịch Ngôi Lời, chúng tôi sẽ dựa vào đó để hoàn tất việc hiệu đính Bản Dịch Truyền Thống.

Từ ngữ “Thánh Kinh” được dùng để dịch từ ngữ “γραφή” G1124, trong tiếng Hy-lạp. Từ ngữ này được chuyển ngữ quốc tế thành (graphē), phiên âm quốc tế là /graf-ay’/, phiên âm tiếng Việt là /gra-phê/ [4], với ý nghĩa đặc biệt khi dùng trong Thánh Kinh và Thần học là: cuốn sách ghi lại các lời phán của Đức Chúa Trời.

Chúng tôi chọn dùng từ ngữ “Thánh Kinh” thay vì “Kinh Thánh” để theo đúng văn phạm tiếng Hán Việt, và cũng để biểu lộ tâm ý: những gì liên quan đến Lời của Đức Chúa Trời, con dân Chúa có bổn phận giữ gìn sự trong sáng và chân thật của chúng.

Thánh Kinh ghi rõ trong Thi Thiên 138:2 “vì Ngài đã tôn cao Lời của Ngài hơn cả danh của Ngài.” Vì thế, con dân Chúa phải luôn tôn cao Lời Chúa trong mọi nơi, mọi lúc. Khi dùng từ ngữ “Lời Chúa” với ý nghĩa là Thánh Kinh, chúng tôi cũng chọn viết hoa chữ “Lời”, vì Lời của Đức Chúa Trời chính là một thân vị. Thân vị ấy được Thánh Kinh gọi là “Ngôi Lời” (Giăng 1:1), là Thiên Chúa Ngôi Đức Con, đã nhập thế làm người mang tên JESUS với danh hiệu CHRIST, để bày tỏ Đức Chúa Cha cho nhân loại qua lời phán và hành động của Ngài.

Bố Cục của Thánh Kinh

Thánh Kinh được chia thành hai phần, gọi là Cựu Ước và Tân Ước.

Cựu Ước

Cựu = cũ, ước = lời hứa. Lời hứa cũ của Thiên Chúa trong Cựu Ước hứa rằng:

1. Những ai vâng giữ các điều răn của Thiên Chúa thì sẽ được Ngài ban phước, còn những ai vi phạm các điều răn ấy thì sẽ bị Ngài hình phạt.

2. Sẽ đến một lúc, Thiên Chúa hoàn thành công cuộc cứu rỗi nhân loại ra khỏi tội lỗi.

Thuật ngữ Cựu Ước được dùng trong Thánh Kinh vừa nói đến lời hứa cũ Thiên Chúa hứa với loài người qua dân tộc I-sơ-ra-ên, vừa nói đến phần Thánh Kinh được ghi chép trước khi thân vị Đức Con của Thiên Chúa nhập thế làm người, để hoàn thành lời hứa về sự Thiên Chúa cứu chuộc nhân loại ra khỏi tội lỗi, đồng thời, ban cho nhân loại một lời hứa mới, cũng qua dân tộc I-sơ-ra-ên. Thánh Kinh Cựu Ước được ghi chép trong suốt khoảng thời gian từ năm 1446 TCN cho đến khoảng năm 400 TCN. Bố cục hiện tại trong các bản dịch Thánh Kinh là: Cựu Ước gồm 39 sách, dày mỏng khác nhau, chia thành bốn bộ môn chính: Luật Pháp (5 sách), Lịch Sử (12 sách), Văn Thơ (5 sách), và Tiên Tri (17 sách).

Cựu Ước giới thiệu Thiên Chúa, bày tỏ nguồn gốc của muôn loài vạn vật, ghi lại tiến trình lịch sử của loài người từ khi được tạo dựng cho đến khi Thiên Chúa im lặng đối với loài người trong một khoảng thời gian chừng 400 năm. Cựu Ước cũng truyền đạt tiêu chuẩn đạo đức và chương trình, ý định của Thiên Chúa dành cho loài người. Trong đó, có lời hứa về sự Thiên Chúa sẽ giải cứu nhân loại ra khỏi tội lỗi.

Cựu Ước được viết bằng tiếng Hê-bơ-rơ cổ, ngoại trừ một phần nhỏ được viết bằng tiếng A-ra-mai (Aramaic) [5]. Tiếng Hê-bơ-rơ là ngôn ngữ cổ của dân tộc I-sơ-ra-ên, đã được phục hồi vào giữa thế kỷ 19, sau hơn 2.200 năm bị xem là một ngôn ngữ chết. Năm 1948, cùng lúc với sự tái lập quốc của quốc gia I-sơ-ra-ên, tiếng Hê-bơ-rơ đã trở thành ngôn ngữ chính của quốc gia I-sơ-ra-ên. Tiếng A-ra-mai là một ngôn ngữ ra cùng nguồn gốc với tiếng Hê-bơ-rơ (nhóm ngôn ngữ Semitic của các dân tộc ra từ Sem, con trai út của Nô-ê – Xem Sáng Thế Ký từ chương 6 đến chương 10). Tiếng A-ra-mai được thịnh hành giữa các dân tộc vùng Trung Đông trong khoảng thời gian từ năm 1100 TCN đến năm 70 CN. Khi dân I-sơ-ra-ên thuộc vương quốc Giu-đa, bị lưu đày sang đế quốc Ba-bi-lôn (606 TCN – 536 TCN) thì họ buộc phải dùng tiếng A-ra-mai, là ngôn ngữ chính của đế quốc Ba-bi-lôn, thay thế cho tiếng Hê-bơ-rơ.

Tân Ước

Tân = mới, ước = lời hứa. Lời hứa mới hứa rằng:

1. Những ai thật lòng ăn năn tội, tin nhận sự cứu rỗi của Thiên Chúa thì sẽ được Đức Cha tha tội, Đức Con làm cho sạch tội, Đức Thánh Linh tái sinh thành một người mới giống như Đức Chúa Jesus Christ. Họ được gọi là Hội Thánh của Thiên Chúa, được Đức Thánh Linh ban cho họ năng lực của Đức Chúa Trời, còn gọi là thánh linh, để họ có thể vâng giữ các điều răn của Đức Chúa Trời, và làm tròn những việc lành mà Đức Chúa Trời đã sắm sẵn cho họ.

2. Những ai sau khi được cứu rỗi, trung tín vâng giữ các điều răn của Đức Chúa Trời, sẽ được sống lại và sống đời đời trong Vương Quốc của Đức Chúa Trời.

Thuật ngữ Tân Ước được dùng trong Thánh Kinh vừa để nói về lời hứa mới Thiên Chúa hứa với loài người qua dân tộc I-sơ-ra-ên, vừa nói đến phần Thánh Kinh được ghi chép sau khi thân vị Đức Con của Thiên Chúa nhập thế làm người. Thánh Kinh Tân Ước được ghi chép trong khoảng thời gian từ khoảng năm 43 đến khoảng năm 95 của thế kỷ thứ nhất Công Nguyên. Theo bố cục hiện tại trong các bản dịch Thánh Kinh thì Tân Ước gồm 27 sách, dày mỏng khác nhau, chia thành bốn bộ môn chính: Tin Lành (4 sách), Lịch Sử (1 sách), Thư Tín (21 sách), Tiên Tri (1 sách).

Thánh Kinh Tân Ước bày tỏ rõ ràng các thân vị của Thiên Chúa:

1. Thiên Chúa trong thân vị Đức Cha, còn gọi là Đức Chúa Trời, là Đấng ban sự cứu rỗi cho nhân loại, tha tội cho những ai tin nhận sự cứu rỗi của Ngài.

2. Thiên Chúa trong thân vị Đức Con, còn gọi là Đức Chúa Jesus Christ, là Đấng đã nhập thế làm người, hoàn thành công cuộc cứu rỗi nhân loại, là Đấng dùng huyết Ngài rửa sạch tội cho những ai tin nhận sự chuộc tội của Ngài.

3. Thiên Chúa trong thân vị Đức Thánh Linh, còn gọi là Thần Lẽ Thật, đã giáng lâm trong thế gian, là Đấng tái sinh những người tin nhận sự cứu rỗi của Thiên Chúa thành những người mới trong Đức Chúa Jesus Christ, là Đấng ngự trong thân thể của họ, dẫn họ vào trong mọi lẽ thật của Thánh Kinh, ban cho họ năng lực của Đức Chúa Trời để họ có thể vâng giữ các điều răn của Đức Chúa Trời. Năng lực đó được Thánh Kinh gọi là thánh linh.

Thánh Kinh Tân Ước còn khai triển cách sâu nhiệm các điều răn của Đức Chúa Trời đã được ban hành từ trong Cựu Ước; bày tỏ huyền nhiệm về Hội Thánh của Thiên Chúa; lời tiên tri về sự tận thế, về Vương Quốc Ngàn Năm và Vương Quốc Đời Đời của Đức Chúa Trời; cùng với lời hứa mới Thiên Chúa hứa với loài người qua dân tộc I-sơ-ra-ên.

Tân Ước được viết bằng tiếng Hy-lạp cổ (Koine Greek), là ngôn ngữ thịnh hành trong đế quốc Hy-lạp và đế quốc La-mã trong khoảng thời gian từ năm 300 TCN đến năm 300 CN.

Quý bạn có thể đọc thêm bài “Các Giao Ước của Đức Chúa Trời” [6] trong cuốn sách “Các Giao Ước, Các Điều Răn, và Luật Pháp của Đức Chúa Trời” của cùng tác giả.

Phân Loại và Bố Cục của Thánh Kinh Trong Nguyên Ngữ

Nội dung của phần này được viết theo các dữ kiện trong sách “Phục Hồi Thánh Kinh Nguyên Thủy” (“Restoring the Original Bible”) của Ernest L. Martin [7].

Theo các bản chép tay của Thánh Kinh trong nguyên ngữ Hê-bơ-rơ, thì bố cục của các sách trong phần Cựu Ước được sắp xếp và phân chia theo thứ tự như sau:

I. Các Sách Luật Pháp:

1. Sáng Thế Ký.

2. Xuất Ê-díp-tô Ký.

3. Lê-vi Ký.

4. Dân Số Ký.

5. Phục Truyền Luật Lệ Ký.

II. Các Sách Tiên Tri:

6. Giô-suê và Các Quan Xét.

7. Sách Các Vương Quốc, bao gồm: Sa-mu-ên (I&II) và Các Vua (I&II).

8. Ê-sai.

9. Giê-rê-mi.

10. Ê-xê-chi-ên.

11. Mười Hai, luôn luôn được gộp thành một sách, bao gồm: từ Ô-sê đến Ma-la-chi.

III. Các Thánh Thư:

12. Thi Thiên.

13. Châm Ngôn.

14. Gióp.

15. Nhã Ca.

16. Ru-tơ.

17. Ca Thương.

18. Truyền Đạo.

19. Ê-xơ-tê.

20. Đa-ni-ên.

21. Ê-xơ-ra và Nê-hê-mi.

22. Sử Ký (I&II).

Theo các bản chép tay của Thánh Kinh trong nguyên ngữ Hy-lạp, thì bố cục của các sách trong phần Tân Ước được sắp xếp và phân chia theo thứ tự như sau:

I. Các Sách Tin Lành:

1. Ma-thi-ơ.

2. Mác.

3. Lu-ca.

4. Giăng.

5. Công Vụ Các Sứ Đồ.

II. Các Thư Tín Tổng Quát:

6. Gia-cơ.

7. I Phi-e-rơ.

8. II Phi-e-rơ.

9. I Giăng.

10. II Giăng.

11. III Giăng.

12. Giu-đe.

III. Các Thư Tín của Phao-lô:

13. Rô-ma.

14. I Cô-rinh-tô.

15. II Cô-rinh-tô.

16. Ga-la-ti.

17. Ê-phê-sô.

18. Phi-líp.

19. Cô-lô-se.

20. I Tê-sa-lô-ni-ca.

21. II Tê-sa-lô-ni-ca.

22. Hê-bơ-rơ.

23. I Ti-mô-thê.

24. II Ti-mô-thê.

25. Tít.

26. Phi-lê-môn.

IV. Tiên Tri:

27. Khải Huyền.

Cách sắp xếp và bố cục của Thánh Kinh trong các bản dịch ngày nay đã không theo đúng cách sắp xếp và bố cục trong các bản viết tay nguyên ngữ của Thánh Kinh.

Theo Ernest L. Martin thì: Phần Cựu Ước được chia thành ba phần chính là để ứng với cấu trúc ba phần của Đền Thờ. Các sách Cựu Ước được xếp thành 22 sách là để ứng với 22 mẫu tự trong tiếng Hê-bơ-rơ. Thêm vào đó, ba phần trong Cựu Ước cộng với bốn phần trong Tân Ước sẽ là bảy phần. Hai mươi hai sách trong Cựu Ước cộng với 27 sách trong Tân Ước sẽ là 49 sách, là bội số của 7. Số 7 tiêu biểu cho sự trọn vẹn về thánh khiết và thuộc linh! Trong cách sắp xếp phần Tân Ước, việc xếp sách Công Vụ Các Sứ Đồ thành sách Tin Lành thứ năm, khiến cho năm sách Tin Lành của Tân Ước ứng với năm sách luật pháp của Cựu Ước. Các thư tín tổng quát được xếp trước các thư tín của Phao-lô gửi cho bảy Hội Thánh thời bấy giờ. Tiếp theo là sách Hê-bơ-rơ mà nội dung là nói về hy vọng của con dân Chúa về vương quốc bình an, về sự ban thưởng cho con dân Chúa khi Chúa trở lại, cùng với lời cảnh cáo nghiêm trọng dành cho những kẻ lui đi trong đức tin. Vì thế, sách Hê-bơ-rơ được xếp liền sau các thư tín gửi cho bảy Hội Thánh. Sau đó là các thư tín dành cho những người chăn bầy. Cuối cùng là sách tiên tri về Kỳ Tận Thế, về Vương Quốc Ngàn Năm, và Vương Quốc Đời Đời cho những người thuộc về Chúa, về hình phạt đời đời dành cho Sa-tan và những người không thuộc về Chúa.

Chúng tôi nghĩ rằng, hầu hết các lý luận có dẫn chứng của Ernest L. Martin là đáng tin cậy. Sự đọc Thánh Kinh toàn bộ theo như bố cục nguyên thủy trong các bản chép tay, chắc chắn sẽ đem lại cho con dân Chúa một cảm nhận đặc biệt về Lời Chúa.

Đoạn, Câu, và Tiêu Đề

Trong các bản chép tay nguyên ngữ của Thánh Kinh, các sách không được chia thành đoạn, còn gọi là chương, và câu như trong các bản dịch chúng ta có ngày nay. Đến thế kỷ thứ 15, hệ thống chia đoạn và câu mới được khởi dụng. Năm 1560, Bản Dịch Thánh Kinh Anh Ngữ Geneva là bản dịch Thánh Kinh đầu tiên được phát hành với hệ thống chia đoạn và câu.

Hệ thống chia đoạn và câu giúp cho việc tra cứu một câu trong Thánh Kinh được dễ dàng. Tên của một sách trong Thánh Kinh kèm theo số đoạn và số câu, được gọi là địa chỉ của một câu Thánh Kinh. Thí dụ, “Sáng Thế Ký 1:1” là sách Sáng Thế Ký, đoạn 1, câu 1, là địa chỉ của câu sau đây: “Vào lúc ban đầu của sự Thiên Chúa sáng tạo các tầng trời và đất.”

Ngoài hệ thống chia đoạn và câu, các tiêu đề nhằm tóm lược nội dung của một số câu Thánh Kinh cũng được thêm vào, để giúp người đọc nắm ngay đại ý của những câu Thánh Kinh ấy. Thí dụ, trước Ma-thi-ơ 1:18, có tiêu đề: “Đức Chúa Jesus Giáng Sinh” để tóm lược nội dung của các câu từ Ma-thi-ơ 1:18 đến Ma-thi-ơ 1:25.

Đoạn, câu, và tiêu đề không thuộc về Thánh Kinh, mà chỉ là công cụ giúp cho người đọc trong việc tra cứu Thánh Kinh.

Những Sách Giải Kinh

Những sách giải kinh ghi lại sự hiểu biết của những nhà nghiên cứu Thánh Kinh về nội dung của Thánh Kinh.

Những sách giải kinh tốt do những người hoàn toàn tin Thánh Kinh là Lời của Đức Chúa Trời, hoàn toàn vâng phục Lời Chúa, và sống theo Lời Chúa biên soạn. Sự giải kinh của họ được sự dẫn dắt của Đức Thánh Linh.

Những sách giải kinh xấu do những người không hoàn toàn tin Thánh Kinh là Lời của Đức Chúa Trời biên soạn, hoặc do những người hoàn toàn tin nhưng không vâng phục Lời Chúa, không sống theo Lời Chúa biên soạn. Những sách đó được biên soạn theo trí thức của xác thịt, tiêm nhiễm triết lý, văn hóa của thế gian. Sự giải kinh của họ không được sự dẫn dắt của Đức Thánh Linh.

Những con dân chân thật của Chúa, hết lòng tìm kiếm lẽ thật của Lời Chúa và hết lòng sống theo Lời Chúa, nếu đọc suốt Thánh Kinh một lần, thì khi đọc những sách giải kinh sẽ nhận ra những sách giải kinh nào tốt và những sách giải kinh nào xấu. Những sách giải kinh tốt nhất cũng không thể thay thế cho Thánh Kinh và cũng không thể thay thế cho sự giãi bày trực tiếp của Đức Thánh Linh trong lòng của những ai thật lòng sống theo lẽ thật của Lời Chúa.

Thánh Kinh như viên kim cương, hoàn cảnh sống của chúng ta trong từng giai đoạn của cuộc đời, trong các nền văn hóa khác nhau, và riêng biệt theo từng người… giống như các nguồn sáng khác nhau chiếu vào viên kim cương. Tùy theo nguồn sáng chiếu vào mà viên kim cương sẽ phản chiếu thành những màu sắc khác nhau. Sự phản chiếu của viên kim cương dưới áng sáng rực rỡ của mặt trời khác với sự phản chiếu dưới ánh sáng của một đêm trăng thanh. Sự phản chiếu của viên kim cương từ ánh lửa leo lét của một ngọn nến khác với sự phản chiếu từ ánh sáng của một bóng đèn điện cực sáng. Nhưng sự phản chiếu nào cũng là sự phản chiếu chân thật tính chất của viên kim cương.

Là con dân chân thật của Chúa, khi đau thương, hoạn nạn, chúng ta hiểu Thánh Kinh khác với khi chúng ta bình an, hạnh phúc… Ở tuổi thiếu niên chúng ta hiểu Thánh Kinh khác với khi chúng ta ở tuổi trung niên, và ở tuổi trung niên chúng ta hiểu Thánh Kinh khác với khi chúng ta ở tuổi lão niên. Tuy nhiên, các sự hiểu đó hoàn toàn phản ánh đúng lẽ thật của Thánh Kinh, vì chúng ta hoàn toàn tin Thánh Kinh là Lời của Đức Chúa Trời và hết lòng sống theo Thánh Kinh. Các sự hiểu đó đến từ sự soi dẫn của Đức Thánh Linh.

Nguyên Tắc Giải Kinh

Có thể nói, nguyên tắc giải kinh duy nhất là dùng Thánh Kinh giải thích Thánh Kinh. Chỉ khi chúng ta dùng chính Thánh Kinh để giải thích Thánh Kinh thì chúng ta mới có thể dùng các công cụ khác ngoài Thánh Kinh, như lịch sử, triết học, và khoa học, để làm sáng tỏ thêm ý nghĩa đã được chính Thánh Kinh giải thích. Khi dùng chính Thánh Kinh để giải thích Thánh Kinh chúng ta phải tôn trọng các quy luật về văn phạm của nguyên ngữ Thánh Kinh, văn mạch của câu Thánh Kinh trong toàn đoạn, thậm chí trong toàn sách, và văn ý của câu Thánh Kinh theo phong tục trong thời đại câu Thánh Kinh được viết ra.

Toàn bộ nội dung của sách này và các sách giải kinh khác do chúng tôi biên soạn, đều theo đúng nguyên tắc giải kinh được nêu ra trên đây. Nguyện Đức Thánh Linh ban ơn cho chúng tôi trong việc giải kinh và ban ơn cho quý độc giả trong khi đọc sách. A-men!

Trong ân điển của Đức Chúa Jesus Christ.

Huỳnh Christian Timothy
Huỳnh Christian Priscilla

02/08/2013

Ghi Chú

[1] Bản Dịch Mới: (Giê-rê-mi 17:25) “thì các vua nối ngôi Đa-vít sẽ ngự long giá hoặc cưỡi ngựa vào thành qua các cổng này, có quan tướng theo hầu. Dân Giu-đa và dân cư thành Giê-ru-sa-lem cũng sẽ vào thành; và thành này sẽ mãi mãi đông đúc dân cư.”

Bản Dịch Mới: (Giê-rê-mi 22:4) “Nếu các ngươi thật lòng làm theo lời này, thì sẽ có vua nối ngôi Đa-vít, ngự long giá hoặc cưỡi ngựa, cùng với triều thần và dân chúng vào ra qua các cổng cung điện này.”

Trung Quốc và các dân tộc tiêm nhiễm văn hóa của Trung Quốc ví vua với rồng. Danh từ “rồng” (long) đã được dùng thay thế cho danh từ “vua”. Vì thế, những gì liên quan đến vua thường được dùng với chữ “long”; như: long thể = thân thể của vua; long nhan = dung mạo của vua; long sàng = giường của vua; long xa = xe của vua…

“Long giá” trong tiếng Hán Việt có nghĩa là “giá trị của rồng”, hàm ý giá trị cao quý của vua. Long = rồng; giá = giá trị của một vật. Từ này có khi được dùng cách sai lầm như từ “long xa” (xe rồng, tức xe để vua dùng). Thậm chí, một vài từ điển tiếng Việt định nghĩa: “Long giá cũng như long xa, xe của vua!”

Dịch Thánh Kinh mà dịch “những chiến xa song mã” (chariots – những xe do hai ngựa kéo, dùng trong chiến tranh) thành “long giá” là một sai lầm lớn về cách dùng chữ mà còn là một sai lầm lớn về văn hóa. Dân I-sơ-ra-ên không ví vua với “rồng”.

[2] http://www.thanhkinhvietngu.online/tiengviet//

[3] http://www.ngoiloi.thanhkinhvietngu.net/

[4] http://www.blueletterbible.org/lang/lexicon/lexicon.cfm?strongs=G1124

[5] Sáng Thế Ký 31:47; Ê-xơ-ra 4:8 – 6:18; 7:12-26; Giê-rê-mi 10:11; Đa-ni-ên 2:4 – 7:28.

[6] https://timhieutinlanh.com/thanhoc/cac-giao-uoc-cua-duc-chua-troi/

[7] Ernest L. Martin. “Restoring the Original Bible.” (Associates for Scriptural Knowledge) 1994.

Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Hiệu Đính 2012: Các câu Thánh Kinh được trích dẫn trong bài này là theo Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Hiệu Đính 2012. Đây là bản Thánh Kinh Việt Ngữ trên mạng, đang trong tiến trình hiệu đính để hoàn thành Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Dịch Ngôi Lời. Quý con dân Chúa có thể đọc tại đây: https://thanhkinhvietngu.online/tiengviet/.

  • Các chữ nằm trong hai dấu { } không có trong nguyên văn của Thánh Kinh, nhưng được hàm ý theo cấu trúc của văn phạm tiếng Hê-bơ-rơ và tiếng Hy-lạp.

  • Các chữ nằm trong hai dấu [ ] không có trong nguyên văn của Thánh Kinh, đó là chú thích của người dịch.

Những sách nào đã được hiệu đính hoàn toàn sẽ được đăng tại đây: https://christ.thanhkinhvietngu.net/.