Thiên Chúa: 05_Đấng Tự Hữu Hằng Hữu

7,902 views

Huỳnh Christian Timothy
Huỳnh Christian Priscilla

Bấm vào một trong các nối mạng dưới đây để đọc hoặc tải xuống pdf bài giảng này:

Kho chứa MP3 các bài giảng:

Kho chứa pdf các bài giảng:

Các danh xưng: Chúa, Thiên Chúa, Đấng Tạo Hóa, Chân Thần, Đức Chúa Trời, Đức Cha, Đức Con, và Đức Thánh Linh, v.v., đều là các danh hiệu của Thiên Chúa hoặc các danh hiệu của các thân vị của Thiên Chúa. Tuy nhiên, Thiên Chúa có một tên riêng, do chính Thiên Chúa tự xưng. Tên riêng ấy nói lên thần tính của Thiên Chúa. Tên riêng của Thiên Chúa chỉ có một và được dùng chung cho cả ba thân vị của Thiên Chúa:

“Vậy, hãy đi! Các ngươi hãy khiến cho muôn dân trở nên môn đồ của Ta. Hãy báp-tem họ vào trong danh của Đức Cha, của Đức Con, và của Đức Thánh Linh… (Ma-thi-ơ 28:19).

Chữ “danh” được dùng dưới hình thức số ít, tức là chỉ có một tên, dùng chung cho cả Ba Ngôi Thiên Chúa.

Trong chương này, chúng ta hãy cùng nhau tìm hiểu nguồn gốc và ý nghĩa tên riêng của Thiên Chúa qua sự giãi bày của Thánh Kinh.

Ta Là Ta Là

Xuất Ê-díp-tô Ký chương ba ghi lại câu chuyện Môi-se gặp Đức Chúa Trời trong đồng vắng. Trong cuộc gặp gỡ đó, Đức Chúa Trời đã sai Môi-se ra mắt Pha-ra-ôn, là vua dân Ê-díp-tô, để yêu cầu Pha-ra-ôn trả tự do cho dân I-sơ-ra-ên. Khi Môi-se hỏi tên của Đức Chúa Trời thì Ngài phán rằng: Ta là Ta Là:

“Môi-se thưa với Đức Chúa Trời rằng: Này, tôi sẽ đi đến dân I-sơ-ra-ên, nói với họ rằng: Thiên Chúa của tổ phụ các ngươi sai ta đến với các ngươi; nhưng nếu họ hỏi: Tên Ngài là gì? Thì tôi nói với họ làm sao? Thiên Chúa phán rằng: Ta là Ta Là. Rồi Ngài lại rằng: Hãy nói cho dân I-sơ-ra-ên như vầy: Đấng “Ta Là” đã sai ta đến với các ngươi. [Động từ “là” có nghĩa “thực hữu” được dùng trong câu phán của Thiên Chúa mang ý nghĩa sau đây: “Ta Đã Tự Có, Ta Vẫn Đang Có, và Ta Sẽ Mãi Có”. Vì thế, cách nói: “Ta là Ta Là” có nghĩa: “Ta là Đấng đã tự có! Ta là Đấng vẫn có như Ta đang có! Và Ta là Đấng sẽ có như Ta mãi có!” Nói cách khác, Thiên Chúa tự xưng rằng, tên Ngài là: “Ta Đã Tự Có, Ta Vẫn Đang Có, và Ta Sẽ Mãi Có!” Tên riêng của Thiên Chúa đã được dịch khá chính xác sang tiếng Hán Việt là: “Ta Tự Hữu Hằng Hữu”.](Xuất Ê-díp-tô Ký 3:13-14).

Xin chú ý chi tiết: Môi-se hỏi Đức Chúa Trời là Thiên Chúa Ngôi Cha, nhưng câu trả lời là đến từ cả Ba Ngôi Thiên Chúa. Câu trả lời của Thiên Chúa có nghĩa là:

  • Ta là Đấng đã tự có.

  • Ta là Đấng vẫn có như Ta đang có.

  • Ta là Đấng sẽ có như Ta mãi có.

Nói cách khác, Thiên Chúa tự xưng: Thiên Chúa là “Đấng Đã Có, Đang Có và Sẽ Có”, dịch gom lại sang tiếng Hán Việt là: “Đấng Tự Hữu Hằng Hữu”.

Động từ trong câu phán nói trên của Thiên Chúa là một động từ hai nghĩa, vừa mang nghĩa “có (thực hữu)” vừa mang nghĩa “là”; vừa nói đến sự thực hữu vừa nói đến bản chất của một thực thể.

Khi Thiên Chúa phán “Ta Có! Ta Là!” thì Ngài nói đến: sự có của Ngài là một sự tự có, đang có, và có đến mãi mãi; cùng lúc, bản thể Ngài độc lập, trọn vẹn, và không thay đổi.

Ngoài Thiên Chúa, tất cả các sự thực hữu khác đều do Thiên Chúa sáng tạo; tất cả các bản thể khác phải lệ thuộc vào Thiên Chúa và sẽ trở nên hư mất nếu không lệ thuộc vào Thiên Chúa. Sự trở nên hư mất có nghĩa là không ở trong trạng thái và phẩm chất như khi được Thiên Chúa sáng tạo và trong tiến trình của sự thực hữu thì sai trật mục đích Thiên Chúa đã định cho.

Dưới đây là hình dạng các chữ “Ta Sẽ Đang Đã Là ‘Đấng Ta Sẽ Đang Đã Thực Hữu’” trong nguyên ngữ Hê-bơ-rơ với địa chỉ trang web đăng phần ghi âm cách phát âm. Xin lưu ý là tiếng Hê-bơ-rơ được viết từ phải qua trái.

אהיה אשׁר אהיה

Ta Sẽ Đang Đã Là Đấng “Ta Sẽ Đang Đã Thực Hữu” /ehyeh-asher-ehyeh/

Bấm vào nối mạng dưới đây để nghe phát âm trong tiếng Hê-bơ-rơ:

https://timhieutinlanh.opendrive.com/files?NV8xODY2NzI4MF85QnB3QQ

 

Trong tiếng Hê-bơ-rơ, các động từ có hai hình thức chính: hình thức hoàn thành (perfect form) để mô tả một hành động đã xảy ra và chấm dứt trong quá khứ; hình thức chưa hoàn thành (imperfect form) để mô tả một hành động đã xảy ra trong quá khứ và vẫn đang tiếp tục xảy ra. Chữ היה, /ha-da/ [1], là một động từ chưa hoàn thành, và có nghĩa:

  • vẫn có: đã có và tiếp tục có;

  • vẫn là: đã là và tiếp tục là.

Khi động từ היה, /ha-da/, được ghép chung với chữ א, /a-lép/ (alef – mẫu tự thứ nhất trong tiếng Hê-bơ-rơ), là mẫu tự tiêu biểu cho đại danh từ ngôi thứ nhất (tôi, ta), để hợp thành chữ אהיה, /ê-dê/, thì động từ היה, /ha-da/ mang hình thức tương lai chưa hoàn thành, dùng cho ngôi thứ nhất số ít, có nghĩa: “Ta sẽ vẫn là” hoặc: “Ta sẽ vẫn thực hữu”.

Chữ אשׁר, /a-se/, [2] là một đại danh từ ngôi thứ ba số ít, có nghĩa là: đấng, người mà, vật mà, sự mà…

Đấng Tự Hữu Hằng Hữu

Tiếp theo lời tự xưng: “Ta Là Đấng Tự Hữu Hằng Hữu” tức là: “Ta Là Đấng Tự Có và Có Mãi”, thì Thiên Chúa dùng bốn ký tự trong tiếng Hê-bơ-rơ (được phiên âm trong Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Dịch Truyền Thống là “Giê-hô-va”) như là một tên riêng đời đời của Thiên Chúa:

Thiên Chúa lại phán với Môi-se rằng: Ngươi sẽ nói cho dân I-sơ-ra-ên như vầy: Đấng Tự Hữu Hằng Hữu, Thiên Chúa của tổ phụ các ngươi, Thiên Chúa của Áp-ra-ham, Thiên Chúa của I-sác, Thiên Chúa của Gia-cốp, sai ta đến với các ngươi. Ấy đó là tên đời đời của Ta, ấy sẽ là kỷ niệm của Ta trải qua các đời.” (Xuất Ê-díp-tô Ký 3:15).

Bốn ký tự tên Thiên Chúa trong nguyên ngữ Hê-bơ-rơ là một từ ngữ được tạo thành bởi bốn phụ âm yod, hey, vah, hey: יהוה, và được chuyển ngữ quốc tế thành YHVH hoặc YHWH.

Chữ הוה, /ha-va/ [4] là động từ “có (thực hữu), là, ở”. Mẫu tự י /dô-đ/ tiêu biểu cho đại danh từ ngôi thứ ba số ít, giống đực, được thêm vào trước động từ הוה, /ha-va/ để hợp thành chữ יהוה, mà xét theo nghĩa đen thì có nghĩa là: “Ngài là”, “Ngài ở”, “Ngài có”, “Ngài thực hữu”; nhưng chỉ dùng riêng cho Thiên Chúa với nghĩa: “Ngài Tự Hữu Hằng Hữu”.

Trong Thánh Kinh có năm lần động từ הוה, /ha-va/ được dùng theo nghĩa “là”, “có”, và “ở” trong các câu sau đây:

“Nguyện muôn dân phục vụ con; các quốc gia sấp mình trước con! Hãy là (הוה) chủ trên các anh em của con! Nguyện các con trai của mẹ con sấp mình trước con! Ai rủa sả con sẽ bị rủa sả! Ai chúc phước cho con, sẽ được ban phước! (Sáng Thế Ký 27:29).

“Vì Ngài phán với tuyết rằng: Hãy có (הוה) trên đất! Và cũng phán vậy cho trận mưa mây và mưa lớn.” (Gióp 37:6).

“Vậy, (הוה) gì cho người lao khổ, cực lòng mà làm việc ở dưới mặt trời?” (Truyền Đạo 2:22).

“Khi mây đầy nước, thì nó mưa xuống đất; khi một cây ngã về hướng nam hay về hướng bắc, ngã chỗ nào nó phải (הוה) chỗ đó.” (Truyền Đạo 11:3).

“Hãy cho phép những kẻ bị đuổi của Ta trú ngụ nơi ngươi! Hãy là (הוה) nơi ẩn náu cho Mô-áp khỏi mặt kẻ tàn hại! Vì kẻ cướp giật đã mất, sự tàn hại đã hết, kẻ giày đạp đã bị diệt khỏi đất này.” (Ê-sai 16:4).

Chúng ta cần ghi nhớ, văn viết của tiếng Hê-bơ-rơ không có nguyên âm, mà chỉ có các phụ âm. Mãi đến khoảng năm 600 TCN thì một số các học giả I-sơ-ra-ên mới đặt ra các ký hiệu nguyên âm, để giúp cho người đọc một văn kiện trong tiếng Hê-bơ-rơ, biết cách phát âm các từ ngữ trong văn kiện ấy. Danh xưng: “Ngài Tự Hữu Hằng Hữu” nếu được viết trong tiếng Việt mà không có nguyên âm, thì sẽ như sau: “Ng T H Hng H”.

Mẫu tự

ה

ו

ה

י

Tên của mẫu tự

Hey

Vav

Hey

Yod

Phát âm như

hây

va-v

hây

dô-đ

Ngày hôm nay, không ai biết chắc bốn ký tự này được phát âm như thế nào. Sự mất đi cách phát âm bốn ký tự này đã xảy ra trong khoảng thời gian dân I-sơ-ra-ên bị lưu đày sang Ba-bi-lôn (606 TCN – 536 TCN). Đó là khoảng thời gian dân I-sơ-ra-ên phải dùng tiếng A-ra-mai thay cho tiếng Hê-bơ-rơ chính gốc, và là khoảng thời gian các thầy tế lễ không còn hầu việc Thiên Chúa trong Đền Thờ, không còn tung hô tên riêng của Ngài trong các buổi tế lễ, không còn truyền lại cho các thế hệ sau cách phát âm tên riêng của Thiên Chúa. Trong Thánh Kinh Cựu Ước thì những người sao chép đã không ghi chú cách phát âm chính thức của bốn ký tự tên Thiên Chúa, để tránh việc có người sẽ phát âm tên Chúa một cách thiếu tôn kính. Thay vào đó, họ ghi chú cách phát âm của danh từ “אדני,” /a-đô-nai/ [3] vào bên dưới bốn ký tự tên Thiên Chúa, để người đọc phát âm bốn ký tự đó như là phát âm danh từ “אדני,” /a-đô-nai/, có nghĩa là: Chúa, Chủ, và là một danh xưng thường được dùng để gọi Thiên Chúa.

Trải qua khoảng 500 năm, đến khi Thiên Chúa Ngôi Con nhập thế, thì sự phát âm chính xác tên riêng của Thiên Chúa đã hoàn toàn bị lãng quên. Nhiều bản dịch Thánh Kinh Anh ngữ chọn phiên âm bốn ký tự tên riêng của Thiên Chúa là “Jehovah” hoặc “Yaweh”. Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Dịch Truyền Thống phiên âm là “Giê-hô-va” và các bản dịch Thánh Kinh Việt Ngữ Công Giáo phiên âm là “Gia-vê”.

Chúng tôi chọn dịch bốn ký tự tên riêng của Thiên Chúa sang tiếng Hán Việt là: “Đấng Tự Hữu Hằng Hữu”. Lý do chúng tôi chọn dùng tiếng Hán Việt “Tự Hữu Hằng Hữu” thay vì dùng tiếng Nôm “Tự Có và Có Mãi”, là vì âm thanh lẫn hình thức của danh từ này trong tiếng Hán Việt trang trọng hơn trong tiếng Nôm. Nhất là khi được dùng chung với danh từ “Thiên Chúa”, cũng là một danh từ Hán Việt, thì “Thiên Chúa Tự Hữu Hằng Hữu” đọc và nghe hợp mắt, hợp tai, hơn là: “Chúa Trời Tự Có và Có Mãi”.

Chúng tôi cũng không chọn dùng các lối phiên âm “Giê-hô-va” hay “Gia-vê”, vì hai cách phiên âm này không đúng. Hơn nữa, khi phiên âm thì lại phải kèm theo giải thích, chi bằng dịch sát nghĩa, giả định như là Thiên Chúa phán dạy cho chúng ta tên riêng của Ngài trong tiếng Việt vậy.

Giê-hô-va (Jehovah)

Lối phiên âm bốn ký tự tên Thiên Chúa thành Jehovah là do một nhà phiên dịch Thánh Kinh người Đức, vào thế kỷ thứ 16, khởi dùng. Ông ta đã chuyển ngữ bốn mẫu tự tên Chúa cùng với các ký hiệu nguyên âm của chữ “אדני,” /a-đô-nai/ thành YeHoVaH. Vì Y trong tiếng Đức được phát âm như J, nên YeHoVah đã trở thành JeHoVaH.

Gia-vê (Yahweh)

Tên riêng của Thiên Chúa thường được viết tắt với hai ký tự đầu tiên và được phát âm là “Yah” /Gia/ như trong Thi Thiên 104:35:

Nguyện tội nhân bị diệt mất khỏi đất, và kẻ ác chẳng còn nữa. Hỡi linh hồn ta, hãy tôn vinh Đấng Tự Hữu Hằng Hữu (יהוה)! Ha-lê-lu-gia! (יּה).

Chữ “Ha-lê-lu-gia” trong nguyên ngữ Hê-bơ-rơ là do chữ “הלל,” /ha-lao/, có nghĩa là “hãy tôn vinh” [5], ghép chung với chữ “יה” /Gia/ [6] là viết tắt của bốn ký tự tên Thiên Chúa: “יהוה ”.

Vì ký tự thứ ba trong tên Thiên Chúa “ו/va-v/ được phát âm như “v” và ký tự thứ tư trong tên Thiên Chúa “ה/hây/ có thể được phát âm như “ê”, mà một số học giả Thánh Kinh đã phiên âm bốn ký tự tên Thiên Chúa “יהוהthành “Yahweh” (Gia-vê).

Gia-hu-a (Yahuah)

Trong vòng 80 năm qua, các phong trào phục hồi cách phát âm tên riêng của Chúa, như Phong Trào Tên Thánh (Sacred Name Movement), đã đưa ra một vài cách phát âm mới cho bốn ký tự tên Thiên Chúa. Tuy nhiên, cách phát âm hợp lý nhất là “Yahuah” được phiên âm sang tiếng Việt là (Gia-hu-a).

Dựa vào cách phát âm của chữ “אליהו,” /Ê-li-gia-hu/ [7], tên của một tiên tri trong Cựu Ước, có nghĩa: “Thiên Chúa của tôi là “יהו,” /Gia-hu/ mà chúng ta biết được ba ký tự đầu tiên của tên Thiên Chúa được phát âm là “Yahu” (Gia-hu).

Dựa vào cách phát âm của chữ “ויהודה,” /Giê-hu-đa/ [8], tên của một trong 12 người con của Gia-cốp mà chúng ta biết ký tự “הở cuối cùng của một từ có thể phát âm là “ah” (a). Vậy, cách phát âm được xem là đúng nhất của bốn ký tự tên Thiên Chúa “יהוהphải là: “Yahuah” (Gia-hu-a).

Gia-hu-su-a (Yahushua)

Tên gọi của Thiên Chúa Ngôi Con trong nguyên ngữ Hy-lạp của Thánh Kinh là “Ἰησοῦς,” /I-ê-su/ [9], được Thánh Kinh Việt Ngữ phiên âm theo tiếng Pháp là “Jêsus”.

Tên “Ἰησοῦς,” /I-ê-su/ trong tiếng Hê-bơ-rơ là “יהושׁע,” /Gia-hu-su-a/ [10], có nghĩa: “Đấng Tự Hữu Hằng Hữu Là Đấng Cứu Rỗi”; có thể dịch sang tiếng Việt là: “Cứu Chúa Tự Hữu Hằng Hữu”.

Những người thuộc các phong trào phục hồi tên Chúa chủ trương dùng tên Hê-bơ-rơ thay cho “Ἰησοῦς,” /I-ê-su/ của tiếng Hy-lạp. Tuy nhiên, Thánh Kinh Tân Ước được viết bằng tiếng Hy-lạp và tên riêng của Thiên Chúa Ngôi Con đã được viết bằng tiếng Hy-lạp trong Thánh Kinh, cho nên, việc dùng tiếng Hê-bơ-rơ để gọi Đức Chúa Con là không cần thiết.

Gọi Tên Chúa Bằng Cách Nào?

Những người thuộc các phong trào phục hồi tên Chúa chủ trương rằng, con dân Chúa cần phải viết tên Chúa là “יהוהvà “יהושׁע,” đồng thời cần phải phát âm cho đúng là “Yahuah” và “Yahushua”. Thậm chí, có người còn cho rằng, nếu không báp-tem trong danh “Yahuah” thì phép báp-tem không có hiệu lực, nếu không phát âm “Yahuah” và “Yahushua” trong khi kêu cầu danh Chúa thì sẽ không được cứu!

Đó là các tư tưởng quá khích và vô lý; bởi vì:

1. Cho đến nay, vẫn không ai có thể chứng minh cách phát âm tên Chúa như thế nào là đúng. Như vậy, làm sao để biết chắc cách phát âm nào là đúng 100%?

2. Cho dù chúng ta có biết được cách phát âm tên Chúa đúng hoàn toàn, thì cũng khó cho người không phải là dân I-sơ-ra-ên phát âm cho đúng giọng Hê-bơ-rơ. Ngay cả một số người I-sơ-ra-ên chính gốc cũng không thể phát âm chuẩn tiếng Hê-bơ-rơ.

3. Mối quan hệ giữa chúng ta với Chúa là mối quan hệ Cha con. Vấn đề là chúng ta có thật lòng tin cậy Chúa, hoàn toàn đầu phục Chúa, và hết lòng làm theo Lời Chúa hay không, chứ không phải chúng ta có viết đúng và phát âm đúng tên của Chúa hay không! Không lẽ nào con của chúng ta phải phát âm cho thật đúng, thật chuẩn tên riêng của chúng ta trong khi cầu cứu với chúng ta, thì chúng ta mới cứu, còn gọi: “cha ơi, mẹ ơi cứu con”, thì chúng ta không cứu? Chỉ riêng đối với người Việt Nam, có người gọi Đấng Tạo Hóa là “Đức Chúa Giời”, có người gọi là “Đức Chúa Trời”, có người gọi là “Đức Chúa Chời…” nhưng chúng ta biết, ai là Đấng mà họ kêu cầu. Tôi tin rằng, khi một người Việt Nam thật lòng kêu cầu: “Trời ơi! hay Giời ơi! hay Chời ơi! Con biết con là người có tội. Xin tha thứ cho con và cứu con!” thì Đức Chúa Trời sẽ cứu người ấy và dẫn người ấy đến với Hội Thánh của Ngài.

Chúng ta cần dành thời gian để học biết về ý nghĩa tên gọi của Thiên Chúa, nếu được thì học biết cách viết và cách phát âm chính xác tên gọi của Ngài. Tuy nhiên, việc quan trọng và phải có là chúng ta sống theo Lời Chúa, chứ không phải chúng ta phải viết thật đúng và phát âm thật chính xác tên riêng của Thiên Chúa. Chính Thánh Kinh khẳng định:

“Tôi sẽ thờ lạy hướng về Đền Thánh của Ngài và tôn vinh danh của Ngài, vì sự từ ái và sự chân thật của Ngài, vì Ngài đã tôn cao Lời của Ngài hơn cả danh của Ngài. (Thi Thiên 138:2).

Và cũng chính Thánh Kinh dạy về sự cứu rỗi như sau:

Vậy, nếu miệng ngươi xưng Đức Chúa Jesus ra và lòng ngươi tin rằng Đức Chúa Trời đã khiến Ngài sống lại từ những kẻ chết, thì ngươi sẽ được cứu.” (Rô-ma 10:9).

Xưng Đức Chúa Jesus ra là xưng nhận như Phi-e-rơ đã xưng nhận:

“Ngài là Đấng Christ, Con Đức Chúa Trời Hằng Sống!” (Ma-thi-ơ 16:16).

Tức là xưng nhận Đức Chúa Jesus, Cứu Chúa Tự Hữu Hằng Hữu, là Con của Đức Chúa Trời, là Thiên Chúa như Đức Chúa Trời là Thiên Chúa, là Đấng vâng lời Đức Chúa Trời chịu chết trên thập tự giá để chuộc tội cho nhân loại, là Đấng đã phục sinh và được Đức Chúa Trời ban cho toàn quyền cai trị và phán xét nhân loại.

Huỳnh Christian Timothy
Huỳnh Christian Priscilla
21/09/2013

Ghi Chú

[1] Nguyên ngữ Hê-bơ-rơ “היה,” H1961, được chuyển ngữ quốc tế thành [hayah], phiên âm quốc tế /hä·yä/, phiên âm tiếng Việt /ha-da/. Quý bạn đọc có thể nghe phát âm trên mạng tại đây: http://www.blueletterbible.org/lang/lexicon/lexicon.cfm?strongs=H1961.

[2] Nguyên ngữ Hê-bơ-rơ “אשׁר,” H834, được chuyển ngữ quốc tế thành [‘asher], phiên âm quốc tế /ash·er’/, phiên âm tiếng Việt /a-se/. Quý bạn đọc có thể nghe phát âm trên mạng tại đây: http://www.blueletterbible.org/lang/lexicon/lexicon.cfm?strongs=H834

[3] Nguyên ngữ Hê-bơ-rơ “אדני,” H136, được chuyển ngữ quốc tế thành [‘Adonay], phiên âm quốc tế /ad·ō·nōy’/, phiên âm tiếng Việt /a-đô-nai/. Quý bạn đọc có thể nghe phát âm trên mạng tại đây: http://www.blueletterbible.org/lang/lexicon/lexicon.cfm?strongs=H136

[4] Nguyên ngữ Hê-bơ-rơ “הוה,” H1933, được chuyển ngữ quốc tế thành [hava’], phiên âm quốc tế /hä·vä’/, phiên âm tiếng Việt /ha-va/. Quý bạn đọc có thể nghe phát âm trên mạng tại đây: http://www.blueletterbible.org/lang/lexicon/lexicon.cfm?strongs=H1933

[5] Nguyên ngữ Hê-bơ-rơ “הלל,” H1984, được chuyển ngữ quốc tế thành [halal], phiên âm quốc tế /hä·lal’/, phiên âm tiếng Việt /ha-lao/. Quý bạn đọc có thể nghe phát âm trên mạng tại đây: http://www.blueletterbible.org/lang/lexicon/lexicon.cfm?strongs=H1984

[6] Nguyên ngữ Hê-bơ-rơ יה,” H3050, được chuyển ngữ quốc tế thành [Yahh], phiên âm quốc tế /yä/, phiên âm tiếng Việt /Gia/. Quý bạn đọc có thể nghe phát âm trên mạng tại đây: http://www.blueletterbible.org/lang/lexicon/lexicon.cfm?strongs=H3050

[7] Nguyên ngữ Hê-bơ-rơ אליהו,” H452, được chuyển ngữ quốc tế thành [‘Eliyahu], phiên âm quốc tế /ā·lē·yä’hu/, phiên âm tiếng Việt /Ê-li-gia-hu/. Quý bạn đọc có thể nghe phát âm trên mạng tại đây: http://www.blueletterbible.org/lang/lexicon/lexicon.cfm?strongs=H452

[8] Nguyên ngữ Hê-bơ-rơ ויהודה,” H3063, được chuyển ngữ quốc tế thành [Yĕhuwdah], phiên âm quốc tế /yeh·hü·dä’/, phiên âm tiếng Việt /giê-hu-đa/. Quý bạn đọc có thể nghe phát âm trên mạng tại đây: http://www.blueletterbible.org/lang/lexicon/lexicon.cfm?strongs=H3063

[9] Nguyên ngữ Hy-lạp Ἰησοῦς,” G2424, được chuyển ngữ quốc tế thành [iēsous], phiên âm quốc tế /ee-ay-sooce’/, phiên âm tiếng Việt /I-ê-su/. Quý bạn đọc có thể nghe phát âm trên mạng tại đây: https://www.blueletterbible.org/lexicon/g2424/kjv/tr/0-1/

[10] Nguyên ngữ Hê-bơ-rơ יהושׁע,” H3091, được chuyển ngữ quốc tế thành [Yahowshuwa`], phiên âm quốc tế /yah·hō·shü’·ah/, phiên âm tiếng Việt /gia-hu-su-a/. Quý bạn đọc có thể nghe phát âm trên mạng tại đây: http://www.blueletterbible.org/lang/lexicon/lexicon.cfm?strongs=H3091