Thiên Chúa: 11_Sự Bình Quyền và Phân Quyền Giữa Ba Ngôi Thiên Chúa

5,179 views

Huỳnh Christian Timothy
Huỳnh Christian Priscilla

Kính mời quý con dân Chúa dành thời gian nghe bài giảng này, có nhiều thí dụ và giải thích chi tiết hơn là phần bài viết.

Bấm vào nút “play” ► dưới đây để nghe

Bấm vào nút “play” ► dưới đây để nghe

Bấm vào một trong các nối mạng dưới đây để nghe hoặc tải xuống mp3 bài giảng này:

Bấm vào một trong các nối mạng dưới đây để đọc hoặc tải xuống pdf bài giảng này:

Kho chứa MP3 các bài giảng:

Kho chứa pdf các bài giảng:

Trước hết, chúng ta cần ghi nhớ điều này: Trong mối quan hệ giữa Ba Ngôi Thiên Chúa có sự bình quyền và có sự phân quyền. Sự bình quyền là đương nhiên, vì Đức Cha, Đức Con, và Đức Thánh Linh đều là Thiên Chúa. Theo định nghĩa của Thánh Kinh và cũng là sự xưng nhận của chính Thiên Chúa, thì Thiên Chúa chỉ có một, tự có và có mãi, là Đấng Tạo Hóa của muôn loài vạn vật.

Tuy nhiên, từ ngữ Thiên Chúa là một danh từ tập hợp như các danh từ: gia đình, quốc gia, chính quyền… Chỉ có một gia đình nhưng gia đình bao gồm nhiều thành viên. Chỉ có một quốc gia nhưng quốc gia bao gồm nhiều công dân. Chỉ có một chính quyền nhưng chính quyền bao gồm nhiều ban ngành. Cũng vậy, chỉ có một Thiên Chúa nhưng Thiên Chúa bao gồm ba thân vị: Đức Chúa Trời, Ngôi Lời, và Đấng Thần Linh.

Ba thân vị Thiên Chúa phân công với nhau trong sự sáng tạo và tể trị muôn loài. Mỗi thân vị phụ trách một phương diện, nhưng thân vị nào cũng có thể thay thế và làm tròn công việc của thân vị khác, vì cả ba thân vị đồng tự có, đồng có mãi, đồng bản thể, đồng bản tính, đồng quyền, hiệp một, mà Thánh Kinh gọi là Thiên Chúa có một.

Thân vị Đức Chúa Trời đại diện cho Thiên Chúa về mặt thẩm quyền trong sự quy định mọi luật pháp, đón nhận sự đầu phục, thờ phượng, hầu việc của muôn loài thọ tạo, và thiết lập các giao ước với loài người. Ngài là Cha trên trời của tất cả những ai tin nhận sự cứu rỗi của Thiên Chúa qua sự chết chuộc tội của Đức Chúa Jesus Christ.

Thân vị Ngôi Lời đại diện cho Thiên Chúa về mặt hành động trong sự sáng tạo, giãi bày về Thiên Chúa cho loài người, thi hành sự cứu chuộc cho loài người, và cai trị muôn loài thọ tạo. Ngài là Cha Đời Đời của muôn loài thọ tạo vì Ngài trực tiếp sáng tạo ra chúng. Ngài là Cha Đời Đời ở giữa những ai tin nhận sự cứu rỗi của Thiên Chúa qua sự chết chuộc tội của Ngài.

Thân vị Đấng Thần Linh đại diện Thiên Chúa về mặt năng lực trong sự sáng tạo, bảo tồn, ban năng lực cho muôn loài thọ tạo, và điều khiển muôn loài thọ tạo. Ngài là Thiên Chúa, là Cha ngự trong thân thể của những ai tin nhận sự cứu rỗi của Thiên Chúa qua sự chết chuộc tội của Đức Chúa Jesus Christ. Ngài giúp cho loài người được tương giao mật thiết với Thiên Chúa, thờ phượng và hầu việc Thiên Chúa.

Sự Bình Quyền Giữa Ba Ngôi Thiên Chúa

Sự bình quyền giữa Ba Ngôi Thiên Chúa là sự bình quyền hiệp một, nghĩa là quyền của ngôi này cũng chính là quyền của hai ngôi kia.

Thí dụ thứ nhất tạm giúp cho chúng ta hiểu về sự bình quyền hiệp một giữa Ba Ngôi Thiên Chúa là không gian. Chỉ có một không gian. Không gian bao gồm và thể hiện ba chiều: chiều dài, chiều rộng, và chiều cao. Chiều dài là không gian, chiều rộng là không gian, chiều cao là không gian. Nhưng ba chiều hoàn toàn bằng nhau, không chiều nào dài hơn chiều nào, chiều nào cũng kéo dài đến vô tận. Tuy nhiên, không phải có ba không gian, mà chỉ có một không gian. Sự kiện ba chiều của không gian kết hợp làm một với nhau được tiêu biểu qua một khối cầu. Giả sử, chúng ta ở trong khối cầu ấy, thì chúng ta có khái niệm chiều dài, chiều rộng và chiều cao, nhưng khi chúng ta ở ngoài khối cầu ấy, thì chúng ta không còn phân biệt được chiều dài, chiều rộng, hay chiều cao, vì ba chiều đã hiệp một thành khối cầu.

Thí dụ thứ nhì tạm giúp cho chúng ta hiểu về sự bình quyền hiệp một giữa Ba Ngôi Thiên Chúa là thời gian. Chỉ có một thời gian. Thời gian bao gồm và thể hiện ba thì: thì quá khứ, thì hiện tại, và thì tương lai. Thì quá khứ là thời gian, thì hiện tại là thời gian, thì tương lai là thời gian. Nhưng ba thì hoàn toàn bằng nhau, không thì nào dài hơn thì nào, thì nào cũng kéo dài đến mãi mãi. Tuy nhiên, không phải có ba thời gian, mà chỉ có một thời gian.

Ba Ngôi Thiên Chúa được Thánh Kinh gọi là Đức Chúa Trời, Ngôi Lời, và Đấng Thần Linh cùng là Thiên Chúa, xưng chung một tên là “Ta Là”, có nghĩa “Ta Tự Hữu Hằng Hữu”, được phiên âm là “Giê-hô-va” hoặc “Gia-vê”.

Trong sự thực hữu của Thiên Chúa, trong sự sáng tạo của Thiên Chúa, trong mối quan hệ của Thiên Chúa với nhau và với muôn loài thọ tạo, thì Ba Ngôi Thiên Chúa bình quyền.

Sự Phân Quyền Giữa Ba Ngôi Thiên Chúa

Sự phân quyền giữa Ba Ngôi Thiên Chúa chỉ xảy ra trong mối quan hệ giữa Thiên Chúa với những người được cứu chuộc. Thánh Kinh gọi Ba Ngôi Thiên Chúa trong mối quan hệ ấy là: Đức Cha, Đức Con, và Đức Thánh Linh (God the Father, God the Son, and God the Holy Spirit). Nên nhớ, người không có sự cứu chuộc không thể gọi Đức Chúa Trời là Đức Cha, vì họ không được sinh ra bởi Đức Chúa Trời. Họ cũng không thể gọi Ngôi Lời là Chúa, vì họ không tôn Ngài làm thánh làm Chúa trong lòng họ. Họ cũng không thể gọi Đấng Thần Linh là Đức Thánh Linh vì Đấng Thần Linh không ngự trong thân thể họ.

Đức Cha chính là thân vị Thiên Chúa Đức Chúa Trời, đại diện cho Ba Ngôi Thiên Chúa, ngự trên thiên đàng. Ngài sinh ra thân thể xác thịt loài người của Đức Chúa Jesus trong lòng bà Ma-ri, nên Ngài là Cha của Con Người Jesus và là Đức Chúa Trời của Con Người Jesus. Ngài cũng sinh ra thân thể xác thịt mới cho những người được cứu chuộc nên Ngài là Cha ở trên trời và cũng là Đức Chúa Trời của những người được cứu chuộc.

Đức Con chính là thân vị Thiên Chúa Ngôi Lời, đại diện cho Ba Ngôi Thiên Chúa, nhập thế làm người. Thân thể xác thịt loài người của Ngài là thân thể xác thịt đầu tiên được sinh ra bởi Đức Chúa Trời, nên trong thân thể xác thịt ấy, Ngài là Con Một của Đức Chúa Trời. Khi những người được cứu chuộc cũng được Đức Chúa Trời sinh ra thì Ngài trở thành Con Đầu Lòng hoặc Con Cả. Từ khi Thiên Chúa Ngôi Lời nhập thế làm người, thì Ngài vừa là Thiên Chúa vừa là người cho đến mãi mãi. Về phương diện Thiên Chúa, Ngài vẫn bình đẳng bình quyền với Đức Chúa Trời và Đấng Thần Linh. Về phương diện loài người, Ngài vâng phục Đức Chúa Trời và gọi Đức Chúa Trời là Cha.

Đức Thánh Linh chính là thân vị Thiên Chúa Đấng Thần Linh, đại diện cho Ba Ngôi Thiên Chúa, nhập thế, ngự vào trong thân thể xác thịt của những người được cứu chuộc, sau khi Ngôi Lời hoàn thành công cuộc cứu chuộc nhân loại. Ngài ngự trong thân thể của những người được cứu chuộc để thân thể họ trở thành Đền Thờ của Thiên Chúa. Ngài đại diện cho Ba Ngôi Thiên Chúa để an ủi họ, giảng dạy về Đức Chúa Jesus Christ cho họ, hướng dẫn họ vào trong mọi lẽ thật của Thánh Kinh, cáo trách họ khi họ phạm lỗi, làm chứng cho họ về những sự Thiên Chúa hứa và làm ra cho họ, đem những điều uẩn khúc khó nói trong họ cầu thay cho họ, và ban ân tứ cho họ để họ phục vụ Thiên Chúa. Khi Đấng Thần Linh nhập thế, ngự trong thân thể những người được cứu chuộc, Ngài vẫn là Thiên Chúa bình đẳng, bình quyền với Đức Chúa Trời và Ngôi Lời. Về phương diện gây dựng Hội Thánh thì Ngài vâng phục Đức Cha và Đức Con.

Như vậy, trong công cuộc gây dựng một dòng dõi thánh giữa loài người (Ma-la-chi 2:15), thì Ba Ngôi Thiên Chúa đã phân quyền để hành động và điều hành Hội Thánh. Trong sự phân quyền đó, Đức Con vâng phục Đức Cha, và Đức Thánh Linh vâng phục Đức Cha lẫn Đức Con.

Thí Dụ về Sự Bình Quyền và Phân Quyền Giữa Ba Ngôi Thiên Chúa

Thí dụ sau đây sẽ giúp cho chúng ta hiểu được sự bình quyền và phân quyền giữa Ba Ngôi Thiên Chúa:

Giả sử: A, B, và C là ba người cùng bỏ vốn bằng nhau để thành lập công ty cổ phần ABC. Cả A, B, và C đều ở trong Hội Đồng Quản Trị. A là chủ tịch hội đồng quản trị, B là thư ký hội đồng quản trị, C là thủ quỹ hội đồng quản trị. Tuy nhiên, không ai có quyền hơn ai, mà quyền quản trị công ty được chia đều cho cả ba người. Tất cả mọi quyết định liên quan đến công ty phải được cả ba người đồng ý. Tên gọi các chức vụ trong Hội Đồng Quản Trị chỉ có tính cách phân công, không hề có tính cách phân quyền. Phân công nghĩa là chia nhau các công việc phải làm, nhưng không ai có quyền hơn ai. Chức vụ chủ tịch là để tuyên bố chính sách, chức vụ thư ký là để thi hành chính sách, và chức vụ thủ quỹ là để cung cấp phương tiện thi hành chính sách.

Như vậy, quyết định do A là chủ tịch hội đồng quản trị đưa ra, cũng chính là quyết định của B và C.

“Thiên Chúa lại phán: Chúng Ta hãy làm ra loài người theo hình Chúng Ta, như tượng Chúng Ta, để họ cai trị loài cá biển, loài chim trời, loài súc vật, khắp cả đất, và mỗi loài côn trùng bò trên mặt đất! (Sáng Thế Ký 1:26).

Như vậy, việc thi hành quyết định do B là thư ký hội đồng quản trị thực hiện, cũng chính là sự thực hiện của A và C.

“Vào lúc ban đầu của sự Thiên Chúa sáng tạo các tầng trời và đất…” (Sáng Thế Ký 1:1).

“Vào lúc ban đầu, hằng có Ngôi Lời. Ngôi Lời hằng có cùng Đức Chúa Trời. Ngôi Lời hằng là Thiên Chúa. Vào lúc ban đầu, Đấng ấy hằng có cùng Đức Chúa Trời. Muôn vật đã được làm nên bởi Ngài, ngoài Ngài, không vật gì đã có được làm nên. (Giăng 1:1-3).

Như vậy, sự cung cấp tài chính do C là thủ quỹ hội đồng quản trị phân phối, cũng chính là sự cung cấp của A và B.

“Có các việc làm khác nhau, nhưng hết thảy là cùng một Thiên Chúa hành động trong mọi sự.” (I Cô-rinh-tô 12:6).

“Hết thảy những sự ấy là cùng một Đấng Thần Linh tác động, theo ý Ngài muốn, phân phát riêng cho mỗi người.” (I Cô-rinh-tô 12:11).

Giả sử: Cả A, B, và C đều tham dự vào việc trực tiếp điều hành công ty ABC. A giữ chức vụ chủ tịch, B giữ chức vụ trưởng phòng nhân sự, và C giữ chức vụ trưởng phòng tài chính. Thì như vậy, B phải làm việc theo lệnh của A, và C làm việc theo lệnh của A và B. Tuy nhiên, tất cả các lệnh do A đưa ra đều phải theo đúng chính sách đã được quy định bởi Hội Đồng Quản Trị, mà trong đó, A, B, và C đều bình quyền.

A có thể ra lệnh cho B tuyển thêm nhân lực vào các chức vụ trong công ty và ra lệnh cho C xuất quỹ chi trả cho chi phí tuyển chọn và huấn luyện nhân sự.

B phải thi hành lệnh của A và có thể ra lệnh cho C trả lương cho những nhân viên do B tuyển chọn.

C phải thi hành lệnh của A và B.

Xin phân biệt rõ: Hội Đồng Quản Trị Công Ty ABC bao gồm chủ tịch hội đồng, thư ký hội đồng, và thủ quỹ hội đồng; cả ba ngang quyền với nhau và ai cũng có thể đảm nhận chức vụ, công việc của người khác.

Nhưng khi họ làm việc trong Ban Điều Hành Công Ty ABC qua các chức vụ chủ tịch công ty, trưởng phòng nhân sự công ty, và trưởng phòng tài chính công ty; thì người cấp dưới phải vâng phục người cấp trên.

Nhân viên trong công ty, khách hàng và đối tác của công ty chỉ giao tiếp và làm việc với Ban Điều Hành Công Ty; sẽ không biết rằng, trong thực tế, trưởng phòng tài chính cũng ngang quyền với chủ tịch công ty khi vào họp trong Hội Đồng Quản Trị.

Cũng vậy, là con dân Thiên Chúa, chúng ta chỉ giao tiếp và hầu việc Đức Cha, Đức Con, và Đức Thánh Linh. Vì thế, chúng ta sẽ luôn nhận thấy Đức Con vâng phục và hầu việc Đức Cha còn Đức Thánh Linh thì vâng phục và hầu việc Đức Cha lẫn Đức Con. Nhưng trong mối tương giao giữa ba thân vị Thiên Chúa với nhau thì hoàn toàn là bình đẳng, bình quyền, hiệp một, phân công hành động.

Con Dân Chúa Cầu Nguyện với Thân Vị Nào của Thiên Chúa?

Mặc dù A, B, và C đều bình quyền trong Hội Đồng Quản Trị, nhưng tất cả nhân viên trong công ty, tất cả khách hàng của công ty, tất cả đối tác của công ty đều phải tôn trọng sự phân quyền trong công ty ABC. Tức là, việc gì cần được chủ tịch phê chuẩn thì phải gặp A, việc gì cần được trưởng phòng nhân sự phê chuẩn thì phải gặp B, và việc gì cần được trưởng phòng tài chính phê chuẩn thì phải gặp C.

Là con dân của Thiên Chúa, chúng ta bởi Thiên Chúa Đức Thánh Linh mà dâng lời cầu xin, tôn vinh, và cảm tạ lên Thiên Chúa Đức Chúa Trời trong danh của Thiên Chúa Jesus Christ trong mọi sự cầu thay và thờ phượng chung của Hội Thánh. Bài cầu nguyện Đức Chúa Jesus Christ dạy cho các môn đồ không phải là khuôn mẫu cho sự cầu nguyện riêng tư giữa mỗi người với Thiên Chúa, mà là khuôn mẫu cho sự cầu nguyện chung của con dân Chúa giữa Hội Thánh. Hãy chú ý cách gọi: “Cha chúng con!” Chính cách gọi đó cho chúng ta biết, lời cầu nguyện Đức Chúa Jesus Christ dạy là khuôn mẫu cho sự cầu nguyện giữa Hội Thánh.

Ngoài ra, mỗi con dân Chúa vẫn có thể trò chuyện, tâm sự, cầu xin, cảm tạ, tôn vinh từng thân vị Thiên Chúa. Chúng ta trò chuyện, cầu xin, cảm tạ, và tôn vinh Đức Chúa Trời như con tương giao với cha, vì Ngài là Cha của chúng ta. Chúng ta trò chuyện, cầu xin, cảm tạ, và tôn vinh Đức Chúa Jesus Christ như tôi tớ đối với chủ, vì Ngài là Chúa, là chủ của chúng ta. Chúng ta trò chuyện, cầu xin, cảm tạ, và tôn vinh Đức Thánh Linh vì Ngài là Thiên Chúa ngự trong thân thể chúng ta, là Thầy dạy chúng ta, nhắc cho chúng ta nhớ mọi điều về Đức Chúa Jesus Christ, và dẫn chúng ta vào mọi lẽ thật của Thánh Kinh:

“Nhưng các ngươi đừng chịu ai gọi mình là Ra-bi; vì các ngươi chỉ có một Thầy, là Đấng Christ, và tất cả các ngươi là anh chị em cùng Cha. Cũng đừng gọi người nào trên đất là cha của các ngươi; vì các ngươi chỉ có một Cha, là Đấng ở trên trời. Cũng đừng chịu ai gọi mình là Thầy; vì các ngươi chỉ có một Thầy, là Đấng Christ.” (Ma-thi-ơ 23:8-10).

Những ai cho rằng, con dân Chúa không thể cầu nguyện với Đức Chúa Jesus Christ, thì họ chưa hề đọc bốn sách Tin Lành hoặc là đã đọc mà không hiểu điều mình đọc. Vì trong bốn sách Tin Lành đã ghi lại không biết bao nhiêu lời cầu nguyện trực tiếp của nhiều người với Đức Chúa Jesus Christ. Ngay cả những người không phải là người I-sơ-ra-ên cũng đã tin và cầu nguyện cùng Đức Chúa Jesus Christ, như một viên đội trưởng lính La-mã và một người đàn bà xứ Ca-na-an. Trong Giăng 14:13-14, chính Đức Chúa Jesus Christ dạy rằng, nếu chúng ta cầu xin Ngài điều gì trong danh Ngài, thì Ngài sẽ làm cho chúng ta. Cầu xin trong danh Đức Chúa Jesus Christ, tức là lời cầu xin của chúng ta phải đúng với sự giảng dạy của Đức Chúa Jesus Christ.

Chấp Sự Ê-tiên cầu nguyện với Đức Chúa Jesus Christ trước khi chết:

“Chúng đang ném đá, thì Ê-tiên cầu nguyện rằng: Lạy Đức Chúa Jesus, xin tiếp lấy tâm thần tôi.” (Công Vụ Các Sứ Đồ 7:59).

Trong I Cô-rinh-tô 1:1-2, Sứ Đồ Phao-lô nói đến sự kiện “những ai ở khắp mọi nơi cầu khẩn danh Chúa của chúng ta, Jesus Christ. Ngài là Chúa của họ lẫn của chúng ta”:

“Phao-lô, theo ý muốn của Thiên Chúa, được gọi làm sứ đồ của Đức Chúa Jesus Christ, cùng Sốt-then, người anh em cùng Cha của chúng ta, gửi cho Hội Thánh của Đức Chúa Trời ở tại thành Cô-rinh-tô, là những người đã được nên thánh trong Đấng Christ Jesus, được gọi là các thánh đồ, cùng tất cả những ai ở khắp mọi nơi cầu khẩn danh Chúa của chúng ta, Jesus Christ. Ngài là Chúa của họ lẫn của chúng ta.”

Chính Sứ Đồ Phao-lô ba lần cầu xin Đức Chúa Jesus Christ cất khỏi ông sự mà ông gọi là cái “dằm xóc”, nhưng Ngài phán với ông, sức mạnh của Ngài nên trọn vẹn trong sự yếu đuối của ông:

“Và để tôi không tự lên mình kiêu ngạo bởi sự cao trọng lớn của các khải tượng ấy, thì đã cho tôi một cái dằm xóc vào thịt, tức là sứ giả của Sa-tan, để đánh tôi, để tôi không tự lên mình kiêu ngạo. Về sự ấy tôi đã ba lần kêu cầu Chúa, cho nó lìa khỏi tôi. Và Ngài đã phán với tôi: Ân điển của Ta đủ cho ngươi rồi, vì sức mạnh của Ta nên trọn vẹn trong sự đau yếu. Vậy, tôi vui lòng thà sẽ khoe mình trong những sự đau yếu của tôi, để cho sức mạnh của Đấng Christ ngự trên tôi.” (II Cô-rinh-tô 12:7-9).

Trong I Giăng 5:13-15, Sứ Đồ Giăng đã dạy chúng ta cầu xin nơi Đức Chúa Jesus Christ:

“Ta đã viết những điều này cho các con, những người tin đến danh của Con Đức Chúa Trời, để các con biết rằng, các con có sự sống vĩnh cửu và để các con tin đến danh của Con Đức Chúa Trời. Này là điều chúng ta dạn dĩ ở trong Ngài, nếu chúng ta theo ý muốn Ngài mà cầu xin việc gì, thì Ngài nghe chúng ta. Nếu chúng ta biết, mình xin bất cứ điều gì Ngài cũng nghe chúng ta, thì chúng ta biết mình đã nhận được điều mình xin Ngài.”

Sứ Đồ Giăng kết thúc sách Khải Huyền bằng lời cầu nguyện với Đức Chúa Jesus Christ và chúc cho Hội Thánh luôn nhận được ân điển của Ngài:

“…Thật vậy! Lạy Đức Chúa Jesus, xin hãy đến! Nguyện ân điển của Đức Chúa Jesus Christ, Chúa của chúng ta, ở với hết thảy các anh chị em! A-men!” (Khải Huyền 22:20-21).

Mặc dù Thánh Kinh không ghi lại trường hợp con dân Chúa cầu nguyện trực tiếp với Đức Thánh Linh, nhưng trong II Cô-rinh-tô 13:14 nói đến sự con dân Chúa ở trong sự thông công của Đức Thánh Linh: “Nguyện ân điển của Đức Chúa Jesus Christ, và tình yêu của Đức Chúa Trời, và sự thông công của Đức Thánh Linh ở với tất cả các anh chị em! A-men!” Ở trong sự thông công thì làm sao lại không có sự trò chuyện với nhau, nhất là khi Đức Thánh Linh chính là Đấng dạy dỗ, an ủi, cáo trách, dẫn dắt chúng ta, là Thiên Chúa được thờ phượng trong thân thể của chúng ta?

Dưới đây là một câu chuyện có thật về việc một người chăn cầu nguyện với Ba Ngôi Thiên Chúa bị một người chăn khác bắt lỗi:

Có một lần, Người Chăn John R. Rice (11/12/1895 – 29/12/1980), thuộc Giáo Hội Báp-tít, được mời giảng trong một hội đồng. Ông đã mở đầu lời bài giảng bằng lời cầu nguyện như sau: “Lạy Cha, xin hãy hà hơi trên con. Lạy Đức Chúa Jesus, xin hãy giúp cho con giảng tối nay. Lạy Đức Thánh Linh, xin hãy ban cho con năng lực!” (“Oh Father, breathe on me. Lord Jesus, help me to preach tonight. Holy Spirit, give me power”).

Liền sau buổi nhóm, một người chăn trẻ đến gặp ông và trách: “Ông đã phạm một sai lầm nghiêm trọng khi ông cầu nguyện với Đức Chúa Cha, rồi ông cầu nguyện với Jesus, rồi ông cầu nguyện với Đức Thánh Linh. Thể thức cầu nguyện đúng, là cầu nguyện với Đức Cha, qua Đức Con, và trong Đức Thánh Linh.” (“You made a serious mistake while you prayed to God the Father, then you prayed to Jesus, then you prayed to the Holy Spirit. The proper procedure is to pray to the Father through the Son and in the Spirit”).

Người Chăn John R. Rice đã nhìn anh ta, mỉm cười và nói: “Hỡi con, ta đã ở trong gia đình ấy đủ lâu, để biết hết các Đấng một cách riêng tư. Ta cứ nói với bất cứ Đấng nào vào lúc mà ta cần nói với.” (“Son, I’ve been in the family long enough until I know all of Them personally. I just talk to whichever One I need to talk to at the time.”) [1].

Tất cả những lời cầu nguyện chân thành của con dân Chúa đều được Đức Thánh Linh cảm động. Vì thế, chúng ta cứ tự nhiên cầu nguyện theo sự dẫn dắt của Đức Thánh Linh. Ngài sẽ tùy ý mà cảm động chúng ta khi nào thì cầu nguyện cùng đức Cha, trong danh của Đức Chúa Jesus Christ; khi nào thì cầu nguyện với Đức Chúa Jesus Christ, trong danh của Đức Chúa Jesus Christ; và khi nào thì cầu nguyện với chính Đức Thánh Linh, trong danh của Đức Chúa Jesus Christ.

Và nên nhớ, cầu nguyện trong danh Đức Chúa Jesus Christ không có nghĩa là chúng ta phải nói lời tuyên xưng: “Trong danh của Đức Chúa Jesus Christ” ở cuối mỗi lời cầu nguyện, mà là, mọi lời cầu nguyện của chúng ta đều đúng theo những sự dạy dỗ của Đức Chúa Jesus Christ, được nói lên trong địa vị của người đã được cứu chuộc bởi Đức Chúa Jesus Christ và đang sống như chính Ngài (I Cô-rinh-tô 11:1; I Giăng 2:6).

Kết Luận

Thiên Chúa là một thực thể bao gồm ba thân vị mà Thánh Kinh gọi là Đức Chúa Trời, Ngôi Lời, và Đấng Thần Linh. Tên của Thiên Chúa là “Đấng Tự Hữu Hằng Hữu” vì Thiên Chúa tự có và có mãi. Bản thể của Thiên Chúa là Thần. Bản chất của Thiên Chúa là Tình Yêu. Bản tính của Thiên Chúa là: toàn năng, toàn tri, toàn tại, toàn ái, toàn thánh, toàn chính, toàn chân, toàn thiện, toàn mỹ [2]. Thiên Chúa là Đấng Tạo Hóa của muôn loài. Muôn loài là cơ nghiệp của Thiên Chúa. Sự phân công giữa ba thân vị của Thiên Chúa phải có trong công cuộc sáng tạo và sự phân quyền giữa ba thân vị Thiên Chúa cũng phải có trong sự điều hành cơ nghiệp của Thiên Chúa.

Chúng ta là con dân của Thiên Chúa, chúng ta có đặc quyền được trò chuyện và tương giao mật thiết với mỗi một thân vị Thiên Chúa. Sự thờ phượng của chúng ta là sự thờ phượng một Thiên Chúa trong ba thân vị.

Chúng ta có thể gọi chung cả ba thân vị Thiên Chúa bằng danh xưng Thiên Chúa, mà chúng ta cũng có thể dùng danh ấy để gọi bất cứ thân vị nào.

Chúng ta có thể gọi chung cả ba thân vị Thiên Chúa bằng danh xưng Đấng Tự Hữu Hằng Hữu, mà chúng ta cũng có thể dùng danh ấy để gọi bất cứ thân vị nào.

Chúng ta có thể gọi chung cả ba thân vị Thiên Chúa bằng danh xưng Chúa, mà chúng ta cũng có thể dùng danh ấy để gọi bất cứ thân vị nào.

Chúng ta dâng trình mọi nhu cầu của mình lên Đức Chúa Cha trong sự thờ phượng và cầu nguyện chung của Hội Thánh, nhưng chúng ta cũng có thể cầu xin, tôn vinh, trò chuyện với từng thân vị Thiên Chúa, như con nói chuyện với cha, trò nói chuyện với thầy, và tôi tớ nói chuyện với chủ.

Cảm tạ Thiên Chúa, vì Thiên Chúa đã trở nên người như chúng ta để chúng ta có thể kết hợp với Thiên Chúa và đồng trị với Thiên Chúa cho đến đời đời. Cảm tạ Thiên Chúa vì Thiên Chúa đã ngự trong thân thể xác thịt của chúng ta để chúng ta có thể dùng thân thể mình mà thờ phượng Thiên Chúa. Cảm tạ Thiên Chúa vì Thiên Chúa đã nhận chúng ta làm con kế nghiệp đời đời của Ngài.

Nguyện mọi vinh quang, tôn quý, và muôn lời cảm tạ thuộc về Thiên Chúa: Đức Cha, Đức Con, và Đức Thánh Linh cho đến đời đời! A-men!

Huỳnh Christian Timothy
Huỳnh Christian Priscilla

06/07/2014

Ghi Chú

[1] http://www.soulwinning.info/books/jack_hyles/prayer/35.htm

[2] Toàn năng: làm được mọi sự. Toàn tri: biết hết mọi sự. Toàn tại: ở khắp mọi nơi. Toàn ái: yêu thương trọn vẹn. Toàn thánh: thánh khiết hoàn toàn. Toàn chính: công chính tuyệt đối. Toàn chân: không hề giả dối. Toàn thiện: không hề độc ác. Toàn mỹ: vô cùng đẹp đẽ.

Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Hiệu Đính 2012: Các câu Thánh Kinh được trích dẫn trong bài này là theo Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Hiệu Đính 2012. Đây là bản Thánh Kinh Việt Ngữ trên mạng, đang trong tiến trình hiệu đính để hoàn thành Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Dịch Ngôi Lời. Quý con dân Chúa có thể đọc tại đây: https://thanhkinhvietngu.online/tiengviet/.

  • Các chữ nằm trong hai dấu { } không có trong nguyên văn của Thánh Kinh, nhưng được hàm ý theo cấu trúc của văn phạm tiếng Hê-bơ-rơ và tiếng Hy-lạp.

  • Các chữ nằm trong hai dấu [ ] không có trong nguyên văn của Thánh Kinh, đó là chú thích của người dịch.

Những sách nào đã được hiệu đính hoàn toàn sẽ được đăng tại đây: https://christ.thanhkinhvietngu.net/.