Thiên Chúa: 13_Sự Thông Công của Đức Thánh Linh

5,370 views

Huỳnh Christian Timothy
Huỳnh Christian Priscilla

Kính mời quý con dân Chúa dành thời gian nghe bài giảng này, có nhiều thí dụ và giải thích chi tiết hơn là phần bài viết.

Bấm vào nút “play” ► dưới đây để nghe

Bấm vào nút “play” ► dưới đây để nghe

Bấm vào một trong các nối mạng dưới đây để nghe hoặc tải xuống mp3 bài giảng này:

Bấm vào một trong các nối mạng dưới đây để đọc hoặc tải xuống pdf bài giảng này:

Kho chứa MP3 các bài giảng:

Kho chứa pdf các bài giảng:

“Nguyện ân điển của Đức Chúa Jesus Christ, và tình yêu của Đức Chúa Trời, và sự thông công của Đức Thánh Linh ở với tất cả các anh chị em! A-men!(II Cô-rinh-tô 13:14).

Danh từ “sự thông công” trong Thánh Kinh tiếng Việt được dịch từ chữ “κοινωνία” (koinōnia) /coi-nô-nia/ G2842 của tiếng Hy-lạp [1]. Từ ngữ này có các nghĩa sau đây: thông công, hiệp hội, cộng đồng, cùng tham gia, giao hợp, hiệp một, hiệp thông. Khi được dùng với nghĩa “thông công” thì nói đến sự: mọi con dân Chúa cùng kết hiệp làm một với nhau và với Chúa. Những câu Thánh Kinh dưới đây nói đến sự thông công giữa con dân Chúa với nhau và với Chúa:

“Và con không ở trong thế gian nữa nhưng họ ở trong thế gian, và con về với Ngài. Lạy Cha Thánh! Xin giữ gìn họ trong danh của Ngài mà Ngài đã ban cho con, để họ cũng là một như Chúng Ta. (Giăng 17:11).

Giăng 17:20-23

20 Ấy chẳng những vì họ mà con cầu xin thôi đâu, nhưng cũng vì những ai sẽ nghe lời họ mà tin đến con nữa,

21 để cho ai nấy hiệp làm một, như Cha ở trong con, và con ở trong Ngài; lại để cho họ cũng ở trong Chúng Ta, để thế gian tin rằng chính Ngài đã sai con đến.

22 Con đã ban cho họ sự vinh quang mà Ngài đã ban cho con để họ là một cũng như Chúng Ta là một.

23 Con ở trong họ và Ngài ở trong con, để cho họ nên trọn vẹn trong sự hiệp một, và cho thế gian biết chính Ngài đã sai con đến, và Ngài đã yêu thương họ cũng như Ngài đã yêu thương con.

Sự thông công của Đức Thánh Linh chính là sự thông công của Thiên Chúa, tức là sự hiệp một trọn vẹn giữa ba thân vị Thiên Chúa: Đức Cha, Đức Con, và Đức Thánh Linh, được thể hiện với con dân Chúa và giữa con dân Chúa với nhau. Trong II Cô-rinh-tô 13:14 ghi lại lời chúc phước của Sứ Đồ Phao-lô viết cho Hội Thánh tại Cô-rinh tô, như sau:

“Nguyện ân điển của Đức Chúa Jesus Christ, và tình yêu của Đức Chúa Trời, và sự thông công của Đức Thánh Linh ở với tất cả các anh chị em! A-men!”

Một người muốn có sự thông công của Đức Thánh Linh, trước hết, phải là một người ở trong ân điển của Đức Chúa Jesus Christ. Ân điển của Đức Chúa Jesus Christ là ơn thương xót của Ngài ban cho loài người, qua sự Ngài gánh thay án phạt cho tội lỗi của toàn thể nhân loại, bằng cách chịu đóng đinh và chết trên thập tự giá. Muốn ở trong ân điển của Đức Chúa Jesus Christ thì phải tiếp nhận ân điển ấy. Muốn tiếp nhận ân điển ấy thì trước hết phải thật lòng ăn năn tội, tức là đau buồn về sự mình đã phạm tội và không còn muốn tiếp tục phạm tội nữa; kế tiếp là hoàn toàn tin nhận sự chết chuộc tội của Đức Chúa Jesus Christ.

Có ở trong ân điển cứu rỗi của Đức Chúa Jesus Christ thì mới được ở trong tình yêu của Đức Chúa Trời. Đức Chúa Trời yêu mọi người, và ban cho mọi người mạng sống của Đức Chúa Jesus Christ để làm giá chuộc tội. Nhờ đó, Đức Chúa Trời có thể tha thứ mọi tội lỗi cho loài người một cách công chính và nhận họ làm con thừa hưởng cơ nghiệp của Ngài.

Có ở trong tình yêu của Đức Chúa Trời thì mới có được sự thông công của Đức Thánh Linh. Đức Thánh Linh chính là Thiên Chúa, nên được thông công với Đức Thánh Linh tức là: được kết hiệp làm một với Thiên Chúa, được dự phần trong các việc làm của Thiên Chúa, được Thiên Chúa ban cho cơ nghiệp của Ngài, và được dâng hiến chính mình lên Thiên Chúa.

Một người có sự thông công của Đức Thánh Linh vừa được thông công với Thiên Chúa, vừa được thông công với tất cả những con dân Chúa khác trong tình yêu của Đức Cha và ân điển của Đức Con.

Lần đầu tiên từ ngữ “thông công” được dùng trong Công Vụ Các Sứ Đồ 2:42 để nói đến sự hiệp một của con dân Chúa trong Hội Thánh lúc ban đầu:

Công Vụ Các Sứ Đồ 2:40-47

40 Cùng với nhiều lời khác, người làm chứng và khuyên bảo họ rằng: Các ngươi hãy tự cứu mình khỏi dòng dõi gian tà này!

41 Vậy, thực tế những người vui nhận lời của người đã chịu báp-tem. Ngày ấy, khoảng ba ngàn linh hồn được thêm vào Hội Thánh.

42 Họ đã siêng suốt vâng giữ giáo lý của các sứ đồ, sự thông công, sự bẻ bánh, và sự cầu nguyện.

43 Sự kính sợ đến trên mọi linh hồn, cũng có nhiều những phép lạ và những dấu kỳ được làm ra bởi các sứ đồ.

44 Hết thảy những người đã tin ở với nhau và có mọi vật làm của chung.

45 Họ đã bán những sản nghiệp và những tài vật mà phân phát chúng cho mọi người, tùy theo người nào có nhu cầu.

46 Ngày ngày, họ cũng siêng suốt, cùng một lòng trong Đền Thờ và  trong sự bẻ bánh từ nhà này sang nhà khác; dự phần trong thức ăn, trong sự vui vẻ và thật thà của tấm lòng;

47 tôn vinh Đức Chúa Trời và có sự đẹp lòng với hết thảy dân chúng. Ngày ngày, Chúa thêm những người được cứu vào Hội Thánh.

Trong Rô-ma 15:26, cùng một từ ngữ coi-nô-nia được dùng với nghĩa “sự chia xẻ”, để nói đến sự tiếp trợ của con dân Chúa người xứ Ma-xê-đoan và xứ A-chai, trong sự cứu giúp con dân Chúa tại Giê-ru-sa-lem đang gặp khó khăn vì nạn đói lớn:

“Vì người xứ Ma-xê-đoan và xứ A-chai đã vui lòng làm sự chia xẻ cho những thánh đồ nghèo ở thành Giê-ru-sa-lem.”

Sự chia xẻ được nói đến trong câu này không phải là sự chia xẻ bình thường giữa người thế gian, cũng không phải là sự làm phước, mà là sự chia xẻ bởi sự hiệp một trong Chúa, sự chia xẻ bởi sự thông công của Đức Thánh Linh. Nó giống như sự máu trong thân thể được chia xẻ cho mỗi một chi thể, tùy theo nhu cầu của từng chi thể.

Nếu một người xưng mình là con dân Chúa mà không kết hiệp làm một với các anh chị em khác trong Chúa, không dự phần trong các việc làm của Hội Thánh, không chia xẻ vật chất cho các anh chị em bị thiếu thốn, không cứu giúp các anh chị em gặp khó khăn, thì người ấy không có sự thông công của Đức Thánh Linh. Mà không có sự thông công của Đức Thánh Linh thì không thể nhận lãnh sự sống từ Đức Chúa Jesus Christ. Đời sống thuộc linh của người ấy sẽ từ từ khô cạn sự sống và năng lực đã nhận lãnh khi được tái sinh. Cuối cùng, người ấy sẽ bị Đức Chúa Trời chặt bỏ và đốt trong hỏa ngục:

Giăng 15:1-6

1 Ta là gốc nho thật. Cha của Ta là người trồng nho.

2 Bất cứ nhánh nào trong Ta mà không mang trái, thì Ngài chặt bỏ nó; và bất cứ nhánh nào mang trái, thì Ngài tỉa nó, để nó mang trái nhiều hơn [Ê-sai 18:5].

3 Giờ đây, các ngươi được tinh sạch bởi Lời mà Ta đã phán với các ngươi.

4 Các ngươi hãy cứ ở trong Ta và Ta trong các ngươi. Như nhánh nho không thể từ chính mình kết quả, trừ khi nó cứ ở trong gốc nho, thì các ngươi cũng không thể như vậy, trừ khi các ngươi cứ ở trong Ta.

5 Ta là gốc nho, các ngươi là những nhánh nho. Ai cứ ở trong Ta và Ta trong người ấy thì người ấy sinh ra lắm trái; vì ngoài Ta, các ngươi chẳng có thể làm được điều gì.

6 Nếu ai chẳng cứ ở trong Ta người ấy bị ném ra ngoài, như một nhánh và nó bị khô đi. Người ta gom nhặt chúng và ném vào trong lửa, thì chúng bị cháy.

Cứ ở trong Đức Chúa Jesus Christ tức là cứ tiếp tục từ bỏ sự phạm tội, cứ tiếp tục tin nhận sự cứu rỗi của Ngài. Nhiều người sau khi tin nhận Chúa lại quay về với nếp sống tội. Mà hễ tiếp tục phạm tội thì không còn là ăn năn. Và không ăn năn thì không có sự cứu rỗi. Tà giáo dạy rằng: “được cứu một lần là được cứu vĩnh viễn” do Sa-tan cài đặt các giáo sư giả vào trong các giáo hội giảng dạy, đã khiến cho hàng triệu người đi vào sự hư mất mà cứ ngỡ rằng họ ở trong sự cứu rỗi.

Người khôn sáng phải biết dùng Lời Chúa là Thánh Kinh làm nền tảng và thước đo cho mọi sự. Đức tin của con dân Chúa phải hoàn toàn dựa trên Lời Chúa. Tiêu chuẩn sống và phán xét của con dân Chúa phải đúng theo tiêu chuẩn của Thánh Kinh. Lời của Chúa truyền cho con dân Chúa:

 Ê-phê-sô 4:14-32

14 để chúng ta không còn là trẻ con, bị chao đảo, dời đổi theo mỗi phong trào của giáo lý trong sự dối trá của loài người và mưu kế mà họ rình chờ để lường gạt;

15 nhưng nói ra lẽ thật trong tình yêu, để trong mọi sự chúng ta đều được lớn lên trong Ngài, Đấng làm đầu, tức là Đấng Christ.

16 Bởi Ngài mà cả thân thể được gắn bó với nhau và kết nối bởi sự hỗ trợ của mỗi khớp xương, tùy lượng sự tác động của từng phần, làm cho thân thể lớn lên, và tự gây dựng trong tình yêu. [Khớp xương = nơi các đầu xương kết nối với nhau.]

17 Vậy, này là điều tôi nói và làm chứng trong Chúa: Các anh chị em chớ bước đi như các dân ngoại nữa. Họ bước đi trong sự hư không của tâm trí họ,

18 bởi sự ngu dại ở trong họ. Vì sự cứng lòng của họ, nên trí khôn tối tăm, bị xa cách sự sống của Đức Chúa Trời.

19 Họ đã mất sự cảm biết, phó mình cho sự phóng đãng, làm ra mọi điều ô uế trong sự tham lam.

20 Nhưng các anh chị em học cho biết Đấng Christ thì chẳng phải như vậy.

21 Vì các anh chị em đã nghe Ngài và được dạy dỗ trong Ngài, y theo lẽ thật trong Đức Chúa Jesus.

22 Các anh chị em hãy bỏ nếp sống trước đây của con người cũ, là người đã bị hư hỏng theo sự lừa gạt của những sự tham muốn,

23 mà chịu làm nên mới trong tâm thần về sự hiểu biết của mình,

24 và mặc lấy con người mới, là người đã được dựng nên giống như Thiên Chúa, trong sự công chính và sự thánh sạch chân thật.

25 Như vậy, mỗi người trong các anh chị em hãy chừa sự nói dối. Hãy nói thật với người lân cận mình, vì chúng ta là các chi thể của lẫn nhau.

26 Khi các anh chị em giận thì đừng phạm tội. Chớ để mặt trời lặn trên cơn giận của các anh chị em.

27 Đừng nhường chỗ cho Ma Quỷ.

28 Kẻ trộm cắp chớ trộm cắp nữa, nhưng thà khó nhọc, làm việc lương thiện với đôi tay, để có mà giúp cho người thiếu thốn.

29 Chớ có lời trò chuyện hư xấu nào ra từ miệng của các anh chị em, nhưng là lời lành có ích cho sự gây dựng và mang ơn đến cho những người nghe.

30 Chớ làm buồn Đức Thánh Linh của Đức Chúa Trời, vì trong Ngài các anh chị em được ấn chứng cho đến ngày cứu chuộc.

31 Hãy đem xa khỏi các anh chị em những sự: cay đắng, giận, thịnh nộ, than van, phạm thượng, cùng mọi điều độc ác.

32 Hãy ở với nhau cách nhân từ, dịu dàng thương xót. Hãy tha thứ nhau như Đức Chúa Trời đã tha thứ cho các anh chị em trong Đấng Christ vậy.

Sống đúng theo Lời Chúa tức là có Lời Chúa trong chúng ta, và như vậy, chúng ta mới được kết đầy quả đẹp ý Chúa. Từng hồi từng lúc, Đức Chúa Trời sẽ tỉa sửa chúng ta bằng cách cho phép một số những sự bắt bớ, bất công, vu khống, ganh ghét, hoạn nạn, thiếu thốn, bệnh tật… đến với chúng ta để gột rửa bản ngã chúng ta cho thật sạch những gì ô uế còn bám víu. Có thể chúng ta chỉ khoan dung và chịu đựng đến một mức độ nào đó, trong khi Chúa muốn chúng ta phải khoan dung và nhẫn nại một cách trọn vẹn, nên Chúa dùng những sự không vui để tỉa sửa những sự “cay đắng, buồn giận, tức mình, kêu than, mắng nhiếc, cùng mọi điều hung ác…” ra khỏi chúng ta. Có như vậy, chúng ta mới có thể thông công với Chúa và với mỗi người trong Hội Thánh.

Nếu vì bất cứ một lý do gì mà chúng ta không thể thông công với Hội Thánh thì chúng ta cũng không thể thông công với Chúa, vì Hội Thánh chính là thân thể của Chúa. Ngoài ra, Chúa đã ban quyền mở và buộc cho Hội Thánh. Nếu Hội Thánh dứt thông công một người nào đó thì chỉ có Hội Thánh phục hồi lại mối thông công cho người ấy, sau khi người ấy ăn năn.

Đức Thánh Linh ngự trong thân thể của mỗi chúng ta. Ngài dẫn dắt chúng ta, Ngài cáo trách chúng ta, nhưng nếu chúng ta cứ làm theo ý riêng của mình, thì chúng ta đã phạm tội xem thường Đức Thánh Linh, làm buồn Đức Thánh Linh. Đến một lúc, khi Chúa mửa chúng ta ra thì chúng ta bị mất đi sự ấn chứng của Đức Thánh Linh trong ngày cứu chuộc, là ngày Đức Chúa Jesus Christ hiện đến để đem Hội Thánh ra khỏi thế gian.

Nguyện mỗi chúng ta ý thức rằng: Thiên Chúa thánh khiết, yêu thương đang ngự trong mỗi một thân thể của chúng ta. Đừng ai làm buồn Đức Thánh Linh. Hãy lắng nghe sự dẫn dắt, dạy dỗ, cáo trách của Đức Thánh Linh.

Huỳnh Christian Timothy
Huỳnh Christian Priscilla
13/06/2015

Ghi Chú

[1] https://www.blueletterbible.org/lang/lexicon/lexicon.cfm?Strongs=G2842

Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Hiệu Đính 2012: Các câu Thánh Kinh được trích dẫn trong bài này là theo Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Hiệu Đính 2012. Đây là bản Thánh Kinh Việt Ngữ trên mạng, đang trong tiến trình hiệu đính để hoàn thành Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Dịch Ngôi Lời. Quý con dân Chúa có thể đọc tại đây: https://thanhkinhvietngu.online/tiengviet/.

  • Các chữ nằm trong hai dấu { } không có trong nguyên văn của Thánh Kinh, nhưng được hàm ý theo cấu trúc của văn phạm tiếng Hê-bơ-rơ và tiếng Hy-lạp.

  • Các chữ nằm trong hai dấu [ ] không có trong nguyên văn của Thánh Kinh, đó là chú thích của người dịch.

Những sách nào đã được hiệu đính hoàn toàn sẽ được đăng tại đây: https://christ.thanhkinhvietngu.net/.